* Trung Quốc
Sau hơn 40 năm cải cách và mở cửa (từ năm 1979 đến nay), nhờ quan điểm nhất quán về phát triển dựa vào các nguồn lực trong nước và ngoài nước, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, qua đó giúp cho nền kinh tế nước này phát triển mạnh mẽ. Năm 2020, Trung Quốc nhận lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều hơn bất kỳ một quốc gia nào khác
trên thế giới với 163 tỷ USD, đánh bật Mỹ khỏi vị trí số 1. Để có được những thành tích ấn tượng đó, là cả một quá trình nỗ lực không ngừng hoàn thiện các chính sách kinh tế, pháp luật, chính sách cải cách mở cửa cho phù hợp với từng thời kì của Trung Quốc.
Trung Quốc là quốc gia được đánh giá có phương thức "lợi dụng vốn ngoại" một cách hiệu quả. Quá trình thu hút FDI của quốc gia này có diễn tiến từ "điểm" tới "tuyến", từ "tuyến" tới "diện", từ Nam lên Bắc, từ Đông sang Tây, từng bước được mở rộng trong các lĩnh vực với tầng nấc khác nhau.
Chính sách cơ bản để thu hút FDI của Trung Quốc là chính sách thuế, đặc biệt ưu đãi đối với các ngành và khu vực nhà nước khuyến khích đầu tư. Doanh nghiệp FDI có thể không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm khi có lãi, nộp 50% trong 3 năm tiếp theo. Đối với các doanh nghiệp FDI đầu tư vào khu vực khuyến khích ở miền Trung và Tây, sau thời hạn 5 năm giảm và miễn thuế, 3 năm tiếp theo doanh nghiệp chỉ phải nộp 50%. Về thuế xuất nhập khẩu, Trung Quốc thực hiện miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng như: máy móc, thiết bị, bộ phận rời, vật liệu được đưa vào góp vốn liên doanh, hoặc các máy móc, thiết bị, vật liệu do bên nước ngoài đưa vào khai thác dầu khí, xây dựng phát triển năng lượng, hạ tầng giao thông, các khu chế xuất,...
Về thủ tục hành chính, Trung Quốc phân cấp mạnh cho các địa phương về thẩm định dự án và cấp giấy phép đầu tư. Sau khi có giấy phép đầu tư, các thủ tục liên quan đến triển khai dự án được giải quyết nhanh chóng, các vấn đề giải phóng mặt bằng, cấp điện, cấp nước, giao thông, môi trường được giải quyết dứt điểm. Thực hiện chính sách “một cửa” để tạo điều kiện thu hút FDI được thuận lợi. Ngoài ra, Trung Quốc còn cho phép thời hạn hợp đồng kéo dài hơn, có thể là 50 năm.
Trong thời kỳ đầu cải cách mở cửa, Trung Quốc thành lập 4 đặc khu kinh tế, mở cửa 14 thành phố ven biển, đẩy mạnh thu hút vốn và kỹ thuật của nước ngoài với những ưu đãi về thuế, đất đai, lao động... Trong giai đoạn này, FDI vào Trung Quốc chủ yếu đầu tư vào các ngành gia công, chế tạo, sử dụng nhiều lao động.
Trong giai đoạn 1992 - 2000, chủ trương xây dựng thể chế kinh tế thị trường được đẩy mạnh, đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc tăng nhanh. Năm 1993, Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia thu hút FDI nhiều nhất thế giới (chỉ sau
Hoa Kỳ). Phương thức "lợi dụng vốn ngoại" của Trung Quốc trong giai đoạn này là cùng góp vốn với công ty nước ngoài, khuyến khích doanh nghiệp FDI nghiên cứu và thực nghiệm tại Trung Quốc. Từ năm 1995, FDI của Trung Quốc tập trung vào nhóm ngành công nghiệp, xây dựng (chiếm khoảng 70%), trong đó ngành chế tạo chiếm tỷ trọng lớn...
Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào cuối năm 2001, chính sách thu hút FDI của Trung Quốc có sự điều chỉnh phù hợp với các quy định của WTO với việc từng bước mở cửa thu hút đầu tư FDI vào các ngành dịch vụ, bất động sản, tiền tệ.
Trong giai đoạn 2010 - 2020, Trung Quốc nêu rõ quan điểm thu hút FDI vào các ngành kỹ thuật cao, kinh nghiệm quản lý, nhân lực chất lượng cao. Trung Quốc cũng tiến hành sửa đổi bổ sung "Danh mục hướng dẫn ngành nghề đầu tư nước ngoài", đồng thời cho phép chính quyền địa phương được phê chuẩn dự án đầu tư từ 100 triệu USD lên 300 triệu USD.
* Singapore
Trong khi nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á có thế mạnh về tài nguyên và con người. nhưng vẫn luẩn quẩn trong vòng thu nhập trung bình, thì Singapore lại có những bước phát triển thần kỳ bất chấp điều kiện tài nguyên của đất nước này hầu như là không có. Có được điều này một phần quan trọng là nhờ vào nguồn vốn FDI quy mô lớn, liên tục chảy vào quốc đảo ngay cả trong những năm kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng. Chính phủ Singapore đã ban hành các chính sách sau nhằm tăng cường hiệu quả thu hút FDI vào quốc đảo này:
Thứ nhất, Singapore đã xác định rõ việc thu hút nguồn vốn FDI tập trung vào 3 lĩnh vực cần ưu tiên là: ngành sản xuất mới, xây dựng và xuất khẩu. Bên cạnh đó, tùy từng điều kiện cụ thể của mỗi thời kỳ, Singapore chủ trương thu hút vốn FDI vào các ngành thích hợp. Ban đầu, do cơ sở kinh tế ở điểm xuất phát thấp, Singapore chủ trương sử dụng vốn FDI vào các ngành tạo ra sản phẩm xuất khẩu như: dệt may, lắp ráp các thiết bị điện và phương tiện giao thông. Sau đó, cùng với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp điện tử và một số công nghệ tiên tiến khác, hướng sử dụng nguồn vốn đầu tư tập trung vào các ngành: sản xuất máy vi tính, điện tử, hàng bán dân dụng, công nghiệp lọc dầu và kỹ năng khai thác
mỏ... Để thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hướng ra xuất khẩu, Singapore thành lập Hội đồng Phát triển Kinh tế (Economic Development Board - EDB), là cơ quan độc lập của Chính phủ, hoạt động theo nguyên tắc một cửa, nghiên cứu, cân nhắc những yêu cầu của nhà đầu tư và có định hướng vào các ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước (ví dụ như sửa chữa tàu biển, gia công kim loại, hóa chất, thiết bị và linh kiện).
Ngoài ra, để khai thác ưu thế về vị trí địa lý, cũng như khắc phục sự thiếu hụt về tài nguyên thiên nhiên, phù hợp với trình độ phát triển cao của nền kinh tế, thu hút vốn FDI còn hướng vào việc tạo ra một hệ thống các ngành dịch vụ thúc đẩy đầu tư quốc tế.
Thứ hai, Chính phủ Singapore đã tạo nên một môi trường kinh doanh ổn định, hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ đã công khai khẳng định, không quốc hữu hóa các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, Singapore cũng rất chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng, phục vụ cho hoạt động sản xuất. Thủ tục cấp giấy phép đơn giản, thuận tiện, có những dự án xin cấp giấy phép rồi đi vào sản xuất chỉ trong vòng vài tháng, có những dự án chỉ trong vòng chưa đến 2 tháng đã có thể đi vào sản xuất.
Đặc biệt, Singapore đã xây dựng được hệ thống pháp luật hoàn thiện, nghiêm minh, công bằng và hiệu quả. Tệ nạn tham nhũng được xét xử rất nghiêm, tất cả các doanh nghiệp không kể trong nước, ngoài nước đều được đối xử như nhau, mọi người đều làm việc, tuân thủ theo pháp luật. Bên cạnh đó, Nhà nước trả lương rất cao cho viên chức. Hàng tháng họ phải trích lại một phần lương coi như là một khoản tiền tiết kiệm khi về hưu, nếu trong quá trình công tác mà phạm tội tham ô thì sẽ bị cắt khoản tích lũy này và cách chức. Họ không những mất số tiền do mình tích cóp nhiều năm, mà có thể phải chịu hình phạt tù. Nhiều người gọi đây là quỹ dưỡng liêm cho quan chức.
Thứ ba, Chính phủ Singapore đã ban hành những chính sách khuyến khích các nhà tư bản nước ngoài bỏ vốn vào đầu tư. Singapore áp dụng chính sách ưu đãi rất đặc biệt, đó là: Khi kinh doanh có lợi nhuận, nhà đầu tư nước ngoài được tự do chuyển lợi nhuận về nước; nhà đầu tư có quyền cư trú nhập cảnh (đặc quyền về nhập cảnh và nhập quốc tịch); nhà đầu tư nào có số vốn ký thác tại Singapore từ
250000 đô la Singapore trở lên và có dự án đầu tư thì gia đình họ được hưởng quyền công dân Singapore.
* Malaysia
Trong các nước đang phát triển, Malaysia được đánh giá là nước thành công trong thu hút nguồn vốn FDI để thực hiện công nghiệp hóa. Xuất phát điểm là một nước nông nghiệp lạc hậu, đa sắc tộc, tích lũy nội địa thấp nên Malaysia luôn coi trọng nguồn vốn FDI đối với sự phát triển kinh tế đất nước, vì coi đây là yếu tố then chốt để thực hiện công nghiệp hóa. Xuất phát từ quan điểm như vậy, Malaysia luôn tích cực cải thiện môi trường đầu tư của mình để thu hút vốn FDI. Nhờ đó, dòng vốn FDI đổ vào Malaysia ngày càng nhiều và đã góp phần to lớn tạo ra sự tăng trưởng thần kỳ của nền kinh tế trong nhiều năm qua. Năm 2019, Malaysia ghi nhận đầu tư nước ngoài lên đến 40.41 tỷ USD thông qua việc phê chuẩn 4599 dự án trong các lĩnh vực chế tạo, dịch vụ và đầu tư ban đầu.
Các chính sách thu hút FDI của Malaysia chủ yếu tập trung vào:
- Malaysia đã xây dựng được một hệ thống chính trị ổn định và đoàn kết dân tộc cao mặc dù Malaysia là một quốc gia đa sắc tộc.
- Có kế hoạch phát triển kinh tế ngắn hạn và dài hạn với mục tiêu rõ ràng. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn vốn đầu tư ngắn hạn nhằm để các nhà đầu tư ngắn hạn ở Malaysia ước tính được chính xác chi phí đầu tư tại nước này. Đồng thời, điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nhằm khuyến khích và ổn định môi trường đầu tư dài hạn.
- Đối với vấn đề sở hữu và đảm bảo vốn FDI, để tăng lòng tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ Malaysia cam kết không tịch thu hoặc quốc hữu hóa đối với tài sản hợp pháp của người nước ngoài và không yêu cầu bên nước ngoài phải điều chỉnh tỷ lệ góp vốn trong các dự án đã được cấp phép. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài chuyển lợi nhuận, vốn và các tài sản khác của mình về nước. Những cam kết này được ghi rõ trong các hiệp định bảo đảm đầu tư và các hiệp định tránh đánh thuế hai lần của Malaysia.
- Khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, các dự án đầu tư lớn, công nghệ cao và hướng vào xuất khẩu. Malaysia đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất hàng điện tử lớn nhất thế giới, thời gian qua do thiếu hụt lao động nên chính phủ nước này đã đưa ra một số tiêu chí đối với việc cấp phép đầu tư như vốn
đầu tư trên lao động phải lớn hơn 18300 USD thì mới được coi là dự án ít sử dụng lao động.... điều này cho thấy Malaysia đã chủ động trong việc điều chỉnh hoạt động đầu tư phù hợp với thực tế.
- Malaysia cũng đã thực hiện nhiều biện pháp ưu đãi để đẩy mạnh thu hút vốn FDI như ưu đãi về thuế cho những doanh nghiệp đi tiên phong trong vòng 5 năm. theo đó những doanh nghiệp này chỉ phải nộp 30% số thu nhập chịu thuế bắt đầu từ ngày đi vào sản xuất với số lượng sản phẩm đạt ít nhất 30% công suất. ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ cao, các dự án có tính chất liên kết công nghiệp, các dự án có tầm quan trọng quốc gia. Đặc biệt, Malaysia khuyến khích đầu tư vào các loại hình khu công nghiệp. thúc đẩy tư nhân đầu tư vào các khu công nghiệp.