Học sinh THPT có độ tuổi từ 15 đến 18 tuổi, là giai đoạn đầu của lứa tuổi trưởng thành, thời kỳ đạt được sự trưởng thành về mặt cơ thể, trí lực và tình cảm.
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, thông tin trên thế giới và nhất là sự phức tạp của nền kinh tế thị trường dẫn đến sự biến đổi sâu sắc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; kéo theo đó là sự biển đổi về tâm lý, đạo đức của thế hệ trẻ Việt Nam mà chủ yếu là HS. Các em có những nét tâm lý, đạo đức nói chung của thế hệ mang truyền thống dân tộc, song có cả những nét mới mang dấu ấn của thời đại.
Về tâm sinh lý HS THPT được bộc lộ một số đặc điểm nổi bật sau:
Lứa tuổi giàu hoài bão ước mơ: Sự phát triển thể chất đã bước đầu phát triển bình thường, hài hòa, cân đối. Ở tuổi đầu thanh niên, HS THPT vẫn còn tính dễ bị kích thích và sự biểu hiện giống như lứa tuổi thiếu niên. Hầu hết các em đều có hoài bão, ước mơ, có ý thức học hỏi, có khát vọng tìm đến cái "Chân, thiện, mỹ", mong muốn tự khảng định bản thân và có ý thức của
người lớn nên tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động văn, thể, mỹ, hoạt động nhân đạo từ thiện... Lứa tuổi này cũng nhận thức được những quy tắc, các chuẩn mực xã hội, có ý thức chính trị rõ nét, có lý tưởng và lẽ sống đúng đắn, có ý thức tự học và tu dưỡng phẩm chất đạo đức. Mặt khác các em có khả năng giao lưu phong phú, tự tôn, phóng khoáng, hào hiệp, nhiệt tình hăng hái, trước những khó khăn và thử thách của cuộc sống.
Lứa tuổi phát triển tình cảm phong phú: Ở giai đoạn này HS xuất hiện những tình cảm lớn như tình cảm dân tộc, quốc gia, nhân loại; có lòng nhân ái, biết sống có nghĩa tình, có ý thức làm việc thiện; tình bạn phát triển mạnh mẽ, tình yêu nam nữ nảy nở.
Tuy nhiên ở lứa tuổi thanh niên có tính dễ bị kích thích cao, không phải chỉ do nguyên nhân sinh lý như lứa tuổi thiếu niên, mà nó còn do cách sống của cá nhân ở lứa tuổi này, phần nhiều các em khác lại rơi vào tình trạng thiếu tự tin, sống ích kỷ, vô tâm và thiếu trách nhiệm. Các em luôn muốn bứt phá khỏi sự kiểm soát của cha mẹ cộng thêm là áp lực học hành, thi cử càng đè nặng lên tâm lý khiến các em có những hành vi không tích cực. Khi có cơ hội được thể hiện mình trước đám đông các em luôn tỏ ra rụt rè, e ngại hoặc không thể xử lý những tình huống gặp phải trong cuộc sống dù là thật đơn giản. Thêm nữa là tình trạng bạo lực, tệ nạn học đường ngày càng gia tăng và khi đó kỹ năng tự vệ mà các em sử dụng là lấy “cơ bắp” để giải quyết vấn đề. Nhiều học sinh lại có cuộc sống khép kín với thực tại, đắm chìm trong thế giới ảo của game, internet... mà quên đi và đánh mất những cơ hội được kết bạn, được thể hiện khả năng tiềm ẩn của bản thân.
Nhìn chung lứa tuổi THPT có sự thay đổi tâm lý và nhân cách cũng như ảnh hưởng lớn về sự lựa chọn, nhận thức trong cuộc sống. Do đó, việc GDĐĐ cho HS ở lứa tuổi này phải căn cứ vào các đặc điểm tâm, sinh lý và đặc điểm đạo đức của họ để xác định phương châm giáo dục phù hợp. Bên cạnh đó cần hiểu rằng mỗi cá nhân lại có những đặc điểm riêng về tâm lý và có vốn sống riêng của mình, cho nên quá trình GDĐĐ cho HS, đặc biệt là ở
lứa tuổi có nhiều biến đổi về tâm lý như HS THPT là hết sức phức tạp. Vấn đề là phải có định hướng những giá trị đạo đức phù hợp với sự phát triển của xã hội để có hình thức phương pháp giáo dục đa dạng, biện chứng và thích ứng trong quá trình GDĐĐ cho HS.