Sự giao tiếp giữa ngừoi này với người kia, nếu đó là một sự giao tiếp được đánh giá là “có văn hoá”, “có nghệ thuật” phải là một sự giao tiếp thể hiện được tính
khoa học, tính đạo đức, tính thẩm mỹ, tính dân tộc và tính quốc tế, tính truyền thống
và tính hiện đại. Đó là những nguyên tắc chung của sự giao tiếp có văn hoá, có nghệ
thuật.
1. Tính khoa học
Tính khoa học của sự giao tiếp (nhất là trong giao tiếp khoa học, kinh doanh,
hành chính, ngoại giao, giao tiếp lễ nghi ... ) thể hiện ở chỗ: nội dung, hình thức, phương pháp giao tiếp phải phù hợp với mục đích và tính chất giao tiếp.
* Trong giao tiếp khoa học, nội dung giao tiếp phải là nội dung khoa học,
mặc dù có thể đề cập tới những vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội liên quan
đến nội dung khoa học. Về giá trị khoa học của nội dung giao tiếp trong giao tiếp
khoa học bao giờ cũng là yêu cầu chủ yếu.
Ngoài ra, trong một hội nghị khoa học, việc sắp xếp chương trình làm việc,
hình thức và phương pháp trao đổi ý kiến khoa học (báo cáo, tham luận, phát biểu ý
kiến, thảo luận, tranh luận v.v...) cũng đòi hỏi phải có tính khoa học.
* Trong giao tiếp kinh doanh, ví dụ trong việc trao đổi ý kiến thăm dò, thảo
luận và thương lượng để cuối cùng ký một bản hợp đồng giữa bên A và bên B, cũng đòi hỏi phải có tính khoa học. Ví dụ: Trong văn bản hợp đồng, mọi từ ngữ được dùng đều phải chính xác và cả hai bên A và B đều hiểu thống nhất như nhau, không
thiếu một điều khoản không cần thiết nào, hay nói cách khác, văn bản hợp đồng
phải súc tích, rõ ràng và vừa đủ.
* Trong giao tiếp hành chính và ngoại giao, tính khoa học của nó là ở chỗ nó
tuân thủ những nguyên tắc, những luật lệ, những quy định của nhà nước và của
công pháp Quốc tế. Mặc dù có tính chất thân mật, nó vẫn không được vi phạm hoặc vượt ra ngoài khuôn khổ của những nguyên tắc, luật lệ, quy định, thủ tục hành chính và ngoại giao. Tư cách của người giao tiếp, cả bên này lẫn bên kia, đều phải
rõ ràng, đúng và đủ, để sự giao tiếp được thực hiện đúng nguyên tắc, luật lệ và thủ
tục đã được quy định (từ chỗ ngồi đến chỗ ký vào một văn bản thoả thuận giữa hai
bên).
* Trong giao tiếp nghi lễ (theo phong tục, tập quán của dân tộc hay của địa phương), tính khoa học là ở chỗ sự giao tiếp đó làm đúng theo các thủ tục truyền
thống, không thừa và không thiếu (ví dụ: trong đám cưới, trong lễ mừng sinh nhật
hay trong một lễ hội nào đó), đồng thời, cùng với sự tiến bộ xã hội và sự nâng cao
dân trí, mỗi loại giao tiếp nghi lễ nói trên đều có thể mang tính sáng tạo (thêm vào một vài tiết mới, cải tiến một vài tiết mục cũ hoặc bỏ đi một tiết mục nào đó nếu xét
thấy đã lỗi thời, mê tín dị đoan, mất vệ sinh, phản khoa học...)
* Trong giao tiếp bình thường giữa người này với người khác, tính khoa học
thể hiện nội dung nói chuyện có tính trí tuệ (do trình độ học vấn cao của người giao
tiếp), nói chính xác, ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc.
2. Tính đạo đức
* Nói chung, tính đạo đức của sự giao tiếp (nhất là trong giao tiếp bình
thường giữa người này với người kia trong quan hệ riêng tư giữa cá nhân và cá nhân) thể hiện ở thái độ quý trọng, tin tưởng, thương yêu, cởi mở, thông cảm, chia
sẻ, ủng hộ, giúp đỡ đối với người mà mình giao tiếp, đồng thời cũng thể hiện ở thái độ tự trọng, biết tự kiềm chế, nhường nhịn, khiêm tốn, chân thành của người giao
tiếp.
* Trong giao tiếp giữa những người trong gia đình, tức là giữa vợ và chồng,
giữa con cái và cha mẹ, giữa anh chị và em, giữa ông bà và cháu chắt... tính đạo đức
của giao tiếp thể hiện ở tình thương yêu đối với nhau, sự nhường nhịn đối với nhau,
sự hy sinh cho nhau, sự chịu đựng những gian nan, vất vả, thiệt thòi vì tình thương
và trách nhiệm đối với nhau.
* Trong giao tiếp giữa hai người là bạn hoặc là người yêu của nhau, tính đạo đức thể hiện ở sự tôn trọng nhau, thông cảm và chia sẻ cho nhau, giúp đỡ nhau, ủng
hộ nhau trong các công việc tốt, chung thuỷ, không phản bội nhau, không lợi dụng
nhau.
* Trong giao tiếp giữa hai người là cấp trên và cấp dưới của nhau trong công tác nhà nước và xã hội, trong doanh nghiệp, trong cơ quan hành chính và nghiệp
vụ... tính đạo đức thể hiện ở chỗ sự tôn trọng của người cấp trên đối với nhân phẩm, đối với quyền lợi của người cấp dưới, sự độ lượng và tha thứ, sự công bằng và sự quan tâm đến đời sống đối với người cấp dưới. Mặt khác, người cấp dưới phải tỏ ra
Người cấp trên không đối xử thô bạo, hống hách, đe doạ, khinh bỉ với người cấp dưới, và người cấp dưới không luồn cúi, nịnh bợ, đút lót cho người cấp trên. Cả hai người giao tiếp với nhau và vì lợi ích chung của tập thể và của toàn xã hội.
* Trong giao tiếp giữa những người không quen biết nhau, tính đạo đức thể
hiện ở chỗ sẵn sàng giúp đỡ nhau theo yêu cầu và theo khả năng, tôn trọng nhau,
không lợi dụng sự không quen biết để có thái độ thô bạo, không tốt đối với nhau
hoặc làm hại nhau vì vụ lợi, ích kỷ cá nhân.
3. Tính thẩm mỹ
Tính thẩm mỹ của sự giao tiếp thể hiện ở chỗ: Một là, tính khoa học và tính
đạo đức được mỹ hoá, tức là được thể hiện một cách cao nhất và khéo léo nhất để thành cái đẹp, cái “có duyên”, cái hoàn chỉnh ở ngoại hình của người giao tiếp, ở bộ
mặt, lời nói, cử chỉ, hành vi của người giao tiếp. Hai là, ở cái đẹp tự nhiên vốn có ở
ngoại hình, lời nói, cử chỉ, hành vi của người giao tiếp và ở cái đẹp của không gian trong đó diễn ra cuộc giao tiếp.
Thật vậy, một bộ mặt hiền lành, vui tươi, chân thật, có một đôi mắt biết
nhìn... bộ mặt ấy biểu lộ một giá trị đạo đức trong giao tiếp, đồng thời cũng biểu lộ
một giá trị thẩm mỹ.
Một lời nói trìu mến, trân trọng, chân thành thể hiện được giá trị đạo đức, đồng thời thể hiện giá trị thẩm mỹ ở chỗ: biết cách diễn đạt rõ ràng, đúng ngữ pháp,
biết nhấn mạnh và nói nhẹ lúc cần thiết. Giá trị thẩm mỹ còn thể hiện ở giọng điệu,
âm sắc, thanh điệu ngôn ngữ của chủ thể.
4. Tính dân tộc và tính quốc tế
* Tính dân tộc của sự giao tiếp thể hiện ở tâm lý dân tộc (tư tưởng và tình cảm truyền thống của con người Việt Nam, tính cách và bản lĩnh của con người
Việt Nam trong cả nước và từng vùng) của chủ thể giao tiếp, ở hình thức và phương
pháp giao tiếp của chủ thể mang tính dân tộc (theo phong tục, tập quán...). Tính dân tộc trong sự giao tiếp của một người nào đó với người khác là một điều bình
thường, tất yếu và có giá trị, vì nó thể hiện sự bình đẳng của các dân tộc. Người dân
tộc này, nước này có quyền giao tiếp với người dân tộc khác, nước khác theo cách
của mình. Giá trị của sự giao tiếp mang tính dân tộc thể hiện sự tự hào của một dân
tộc, một nước về truyền thống văn hoá của mình (trong đó có văn hoá giao tiếp) và
ở chỗ nó là bằng chứng của người giao tiếp đã không đánh mất bản sắc dân tộc trong con người mình.
* Trong giao tiếp, tính dân tộc không đối lập với tính quốc tế, trái lại, bên cạnh tính dân tộc, cần có tính quốc tế khi tính quốc tế đó không làm tổn thương
hoặc triệt tiêu mà bổ sung cho tính dân tộc.
5. Tính truyền thống và tính hiện đại
Tính truyền thống không đối lập với tính hiện đại trong giao tiếp, trái lại có
những truyền thống được hiện đại hoá bằng cách cải tiến, đổi mới và có những cái
mới, cái hiện đại không có nguồn gốc trong truyền thống nhưng bổ sung cho cái truyền thống.
Ví dụ: Ngày xưa các cụ uống rượu với nhau cũng có nâng ly để mời nhau
uống và cũng để tỏ sự chúc mừng nhau, sự quý mến nhau, nhưng nâng ly bằng cả hai tay cung kính và nâng lên đến ngang đầu. Còn ngày nay, chúng ta không làm
như các cụ ngày xưa, mà hiên đại hoá, quốc tế hoá bằng cách chạm ly, cụng ly với người đối diện.
Trong các nguyên tắc đã nêu ở trên, điều quan trọng nhất của sự giao tiếp có văn hoá, có nghệ thuật là tấm lòng của người giao tiếp, tấm lòng thành thực. Thiếu
sự thành thực thì mọi sự giao tiếp, dù bề ngoài có vẻ lịch sự đến đâu chăng nữa thì cũng chỉ là sự giả dối, sự “đóng kịch” mà thôi.
CÂU HỎI
1. Sự khác nhau và mối quan hệ giữa văn hoá giao tiếp của xã hội và trình độ văn hoá giao tiếp của cá nhân như thế nào?
Bài 6: NHÓM NHỎ VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ TÂM LÝ - XÃ HỘI CỦA SỰ GIAO TIẾP TRONG NHÓM NHỎ
Mỗi người chúng ta, với tư cách một cá nhân, là một thành viên của một hay
nhiều nhóm nhỏ. Sự giao tiếp giữa người này và người kia trong cùng một nhóm có
những đặc điểm khác với sự giao tiếp giữa hai người quen biết nhau nhưng thuộc
hai nhóm khác nhau, hoặc giữa hai người không quen nhau. Những đặc điểm đó là do những mối quan hệ giữa người và người trong một nhóm nhỏ chi phối, cũng như
do tính chất và mục đích cụ thể của nhóm nhỏ đó chi phối. Hay nói cách khác, có
những vấn đề tâm lý - xã hội mang tính đặc thù của sự giao tiếp giữa người và
người trong một nhóm nhỏ.