Nguyên nhân của những hạn chế

Một phần của tài liệu Sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ hưởng ưu đãi thuế quan của doanh nghiệp việt nam thực trạng và giải pháp,khoá luận tốt nghiệp (Trang 58 - 64)

a. Nguyên nhân khách quan

Quy tắc xuất xứ ngặt nghèo

Mỗi FTA được thiết kế có một quy tắc xuất xứ riêng, chứa đựng các quy tắc để xác định xuất xứ của hàng hóa nội khối, đảm bảo rằng các đối tác thương mại chỉ được hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết trong FTA. Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong các FTA có tính phức tạp, là sự kết hợp của nhiều tiêu chí xác định xuất xứ hàng hóa như: tiêu chí hàng hóa thuần túy, tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa, tiêu chí tỷ lệ phần trăm giá trị, tiêu chí công đoạn gia công, chế biến hàng hóa. Tùy thuộc vào loại FTA, đối tác ký kết FTA cũng như đặc tính của một số loại hàng hóa, quy tắc xuất xứ sẽ có những yêu cầu, thủ tục khắt khe. Thực tế là FTA thế hệ mới có quy tắc xuất xứ ngặt nghèo hơn so với các FTA truyền thống. Ví dụ, Việt Nam ký kết FTA truyền thống với ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản,... với quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi” áp dụng đối với hàng dệt may đã gây khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp dệt may sử dụng C/O ưu đãi do ngành dệt may là quá lệ thuộc vào nguồn vải nhập khẩu, doanh nghiệp trong nước phải nhập khẩu tới 86% mặt hàng vải để phục vụ sản xuất và xuất khẩu, trong khi chất lượng vải trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu chính của ngành. Tuy nhiên khi kí kết FTA thế hệ mới như CPTPP đặt ra một rào cản cao hơn cho việc sử dụng C/O ưu đãi, áp dụng quy tắc “từ sợi trở đi” (yarn - forward), trong khi nguồn nguyên liệu đầu vào ngành sợi là bông và xơ hầu như đều đến từ nhập khẩu (nhập khẩu 99% bông và 100% xơ) và nhập khẩu từ các nước không thuộc khối

CPTPP: bông nhập khẩu từ Mỹ, Tây Phi, Ản Độ; xơ nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Ản Độ, Thái Lan và Indonesia. Hay như đồ gỗ của Việt Nam muốn xuất khẩu vào EU thì cũng rất cần coi trọng về vấn đề xuất xứ gỗ rừng trồng (chứng chỉ gỗ từ rừng trồng được phép khai thác). Hoặc muốn xuất khẩu sản phẩm hóa chất, xăng dầu... vào các nước thành viên CPTPP phải tuân thủ quy tắc “phản ứng hóa học”, “nguyên vật liệu tiêu chuẩn”. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam e dè, lo ngại không đáp ứng được, từ đó dẫn đến tỉ lệ tận dụng C/O ưu đãi vẫn còn thấp.

• Thủ tục hành chính rườm rà

Trước năm 2016, để được cấp C/O bản giấy, nếu lần đầu xin cấp C/O, doanh nghiệp phải hoàn thành bộ hồ sơ thương nhân lưu trữ tại VCCI, cập nhật bộ hồ sơ hai năm một lần. Sau khi đã có hồ sơ thương nhân, doanh nghiệp làm bộ hồ sơ xin cấp C/O gồm nhiều loại chứng từ phức tạp như: đơn xin cấp C/O, mẫu C/O, hóa đơn thương mại, tờ khai hải quan xuất khẩu, packing list, vận đơn, giấy phép xuất khẩu, hợp đồng mua bán,... Thời hạn cấp C/O không ưu đãi là 3 ngày làm việc kể từ thời điểm người xin cấp C/O nộp bộ hồ sơ hợp lệ và đầy đủ; còn C/O ưu đãi thời hạn cấp trong vòng một ngày tùy thuộc vào phương thức vận tải: đường hàng không không quá 4 giờ làm việc kể từ thời điểm người xin cấp C/O nộp bộ hồ sơ hợp lệ và đầy đủ; các phương tiện khác không quá 8 giờ làm việc; thương nhân nộp hồ sơ qua bưu điện, thời gian cấp C/O là 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận ghi trên bì thư. Tuy nhiên, doanh nghiệp mắc lỗi nhiều khi nộp hồ sơ xin cấp C/O: nhầm tiêu chí giữa các mẫu C/O với nhau, khai báo thông tin trên C/O lệch với thông tin trên chứng từ, thiếu các chứng từ quan trọng, làm giả chứng từ hoặc chữ ký của lãnh đạo doanh nghiệp . Để đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, Bộ Công thương triển khai khai báo và cấp C/O điện tử. Nhờ đó, thời gian cấp C/O được giảm thiểu đáng kể, từ 2-6 giờ làm việc, tuy nhiên sau khi khai báo điện tử doanh nghiệp vẫn phải đến tổ chức cấp C/O chờ đợi, làm thủ tục, nộp hồ sơ tại quầy. Theo đánh giá của các chuyên gia, tổ chức quốc tế thì kết quả cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam vẫn còn rất chậm và chưa đi vào thực tế.

• Lỗ hổng pháp lý

Các bộ luật, thông tư, nghị định của Việt Nam vẫn tồn tại một vài lỗ hổng pháp

lý, bị các gian thương, doanh nghiệp không chính thống lợi dụng kiếm lợi trước mắt. Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn Luật sư TP HCM đã chỉ ra nhiều lỗ hổng pháp lý khiến doanh nghiệp gian lận xuất xứ hàng hóa. Về quy định về việc ghi nhãn nước sản xuất tại các nước tiên tiến đều rất rõ ràng cùng với chế tài xử phạt mạnh tay. Như tại Canada, theo Luật Cạnh tranh, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm việc gây hiểu sai, hiểu nhầm về sản phẩm khi ghi nhãn nước sản xuất có thể bị phạt hành chính lên đến 15 triệu đô la Canada, truy cứu trách nhiệm hình sự và/hoặc phạt tù từ 1 - 14 năm. Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Các quy định hiện hành vẫn chỉ đang trong giai đoạn hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh. Hay Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu không quy định cụ thể về quy tắc xuất xứ và tiêu chí xuất xứ thế nào là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, mà việc ghi xuất xứ hàng hóa như cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” được giao cho tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định. Bên cạnh đó, việc xử phạt các doanh nghiệp vi phạm vấn đề liên quan đến C/O còn nhẹ tay, chưa đủ sức răn đe. Mức phạt cao nhất chỉ là 200 triệu đồng/vụ gian lận xuất xứ, nhưng nếu thực hiện trót lọt, mỗi vụ việc, DN có thể kiếm lời hàng tỷ đồng. Làm giả giấy chứng nhận xuất xứ chỉ bị phạt tối đa 40 triệu đồng, sử dụng C/O giả cũng chỉ bị phạt tối đa 50 triệu đồng nên chưa ngăn chặn được các hành vi gian lận của doanh nghiệp.

• Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hạn chế

Trước hết là để doanh nghiệp hiểu về FTA và các quy tắc xuất xứ, các cam kết, quy định trong các FTA đã được nội luật hóa nhưng nhiều khi chỉ nội luật hóa một phần hoặc không xác định đầy đủ phạm vi áp dụng của các văn bản quy phạm pháp luật nội luật hóa FTA, dẫn đến sau khi nội luật hóa FTA, quy định của pháp luật trong nước không tương thích với các FTA. Cộng thêm với các văn bản quy phạm đó phức tạp, lý thuyết, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể hiểu rõ được. Tuy Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng các tổ chức, hiệp hội kinh tế khác tổ chức nhiều hội thảo, chương trình đào cùng nhiều bài báo, chương trình truyền hình, ấn phẩm phát hành rộng rãi trên khắp cả nước... nhằm tuyên truyền, phổ biến tới doanh nghiệp những cam kết trong các FTA nhưng lượng thông tin cung cấp còn giản đơn, lý

thuyết, chưa cụ thể vào từng lĩnh vực, khía cạnh mà doanh nghiệp quan tâm. Hiện nay, các doanh nghiệp cũng gần như không thể tìm được một đội ngũ luật sư tư vấn chuyên nghiệp về nội dung các FTA, nên họ thường không biết phải xử lý các vấn đề về quy tắc xuất xứ phức tạp như thế nào và trong nhiều trường hợp phải bỏ qua những ưu đãi thuế quan đáng lẽ được hưởng.

b. Chủ quan

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan nêu trên mà doanh nghiệp không thể kiểm soát được là những nguyên nhân chủ quan, những hạn chế còn tồn tại trong các doanh nghiệp dẫn đến việc tận dụng C/O ưu đãi kém hiệu quả cũng như thực trạng gian lận xuất xứ đáng báo động như hiện nay.

• Nguồn lực hạn chế

Việt Nam cả về nhân lực, vật lực, tài lực đều rất hạn chế. Ngân hàng Thế giới thống kê 98% trong số khoảng 500.000 doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hầu hết đều tập trung vào thị trường trong nước và chỉ có ít doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Các doanh nghiệp này thường không đủ quy mô, khả năng tiếp cận tài chính và công nghệ để sản xuất xuất khẩu hiệu quả. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, hiện tại, chỉ 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam là một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu và chỉ 14% doanh nghiệp nhỏ và vừa đã thành công trong việc thu hút khách hàng hoặc đối tác nước ngoài. Thêm vào đó, các doanh nghiệp lớn mặc dù được xếp hạng là doanh nghiệp lớn, nhưng quy mô trung bình của các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng nhỏ bé hơn rất nhiều so với mức trung bình tại các quốc gia trong khu vực. Đa phần các doanh nghiệp Việt Nam, bất kể quy mô, đều vướng rào cản lớn là năng suất lao động thấp, thiếu lao động có tay nghề cao, hợp tác, liên doanh liên kết với các đối tác khác còn yếu, khó có thể sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao cấp đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế mà giá lại có thể cạnh tranh với các siêu cường khác như Trung Quốc, Ản Độ,...

• Thiếu kiến thức, bị động

Nhiều doanh nghiệp biết đến các hiệp định thương mại tự do, quy tắc xuất xứ,., tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam thường gặp khó khăn trong việc nắm được và hiểu rõ các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hoá của các FTA. Mặt khác, phần đông doanh nghiệp không chuẩn bị gì để tận dụng cơ hội và hạn chế tác

động bất lợi của FTA. Một số khác doanh nghiệp có chuẩn bị nhưng chỉ ở mức cơ bản, tập trung vào những hoạt động dễ thực hiện hoặc ít tốn kém. Doanh nghiệp Việt Nam ở thế hết sức bị động khi tiếp cận ưu đãi từ các FTA cũng như GSP, chỉ nỗ lực thích nghi chứ không tự chuyển đổi để đón lấy ưu đãi. Doanh nghiệp Việt như là lính mới trong sân chơi thương mại quốc tế cạnh tranh khắc nghiệt này, bỡ ngỡ về quy tắc xuất xứ xuất khẩu sang một thị trường quốc tế, bỡ ngỡ về tự chứng nhận xuất xứ,...

• Ý thức trong kinh doanh còn yếu

Để tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ tràn lan như hiện nay là do doanh nghiệp kinh doanh với ý thức yếu kém, dùng mọi thủ đoạn để gian thương, kiếm lợi trước mắt. Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ ra đời giúp linh hoạt hơn trong vấn đề C/O ưu đãi, để doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm. Trên thực tế, gian lận xuất xứ thường xảy ra đối với những hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ như (Hoa Kỳ, EU, Canada). Hay các doanh nghiệp ý thức kinh doanh yếu kém, lợi dụng những lỗ hổng pháp lý đã nêu trong mục hạn chế khách quan. Theo Tổng cục Hải quan, các doanh nghiệp đã lợi dụng sự lỏng lẻo trong việc cấp C/O để hợp thức hóa hồ sơ đề nghị cấp C/O như: Không khai nguồn gốc nguyên vật liệu nhập khẩu đầu vào, ký khống các hợp đồng mua nguyên vật liệu trong nước, sử dụng hóa đơn GTGT cho nhiều tờ khai xuất khẩu, quay vòng hồ sơ xin cấp C/O. Một số doanh nghiệp thì “lợi dụng văn bản quy phạm pháp luật chưa bắt buộc dán nhãn phụ ngay tại khâu thông quan để nhập khẩu các mặt hàng có thương hiệu nổi tiếng sau đó không dán nhãn phụ theo quy định mà thay đổi nhãn mác, bao bì, tên thương hiệu để tiêu thụ nội địa; nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đã được đăng ký bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; lợi dụng loại hình quá cảnh để vận chuyển hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo xuất xứ Việt Nam” (Theo custom.gov.vn 2019). Hay hàng giả, hàng lậu từ bên kia biên giới, nhập lậu theo đường mòn, lối mở vào Việt Nam qua biên giới trong nhiều năm cũng do một số doanh nghiệp Việt Nam tiếp tay. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, do cạnh tranh bằng giá, đã tiến hành yêu cầu đối tác Trung Quốc gia công hàng hoá rẻ, kém chất lượng và nhập khẩu vào Việt Nam hoặc bán sang các quốc gia khác, gây ra việc nghi ngờ, mất niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng hoá Việt Nam.

TÓM TẮT CHƯƠNG 2

Tập trung nghiên cứu về thực trạng sử dụng C/O hưởng ưu đãi thuế quan của Việt Nam theo hai loại: C/O ưu đãi theo GSP và C/O ưu đãi theo FTA. Đánh giá về các kết quả đạt được, nêu ra những điều mà Chính phủ, Bộ Công thương, doanh nghiệp đã làm được cũng như chưa làm tốt. Từ đó đưa ra nguyên nhân tiềm ẩn của những hạn chế đó.

CHƯƠNG 3

GIẢI PHÁP NÂNG CAO TỶ LỆ SỬ DỤNG GIẤY CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ

Một phần của tài liệu Sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ hưởng ưu đãi thuế quan của doanh nghiệp việt nam thực trạng và giải pháp,khoá luận tốt nghiệp (Trang 58 - 64)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(75 trang)
w