Thứ nhất, Chính phủ, Bộ Công thương cần nỗ lực hơn nữa mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong tương lai thông qua việc nộp đơn xin quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập GSP hay việc đàm phán và kí kết thêm nhiều Hiệp định thương mại tự do. Việc nộp đơn xin quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập GSP chỉ là giải pháp trong tương lai gần, vì nếu muốn thực sự phát triển, Việt Nam
phải thoát ra khỏi cái mác một quốc gia đang phát triển. Chính phủ cũng rất cần lưu ý trong việc kí kết thêm nhiều Hiệp định thương mại tự do, làm sao không để các FTA chồng chéo lên nhau, gây bối rối cho doanh nghiệp. Để tránh những quy tắc xuất xứ, điều kiện, điều khoản ngặt nghèo mà doanh nghiệp Việt Nam không thể đáp ứng được trong tương lai, Chỉnh phủ, Bộ Công thương cùng cân nhắc, xem xét để đàm phán nội dung của các hiệp định thương mại tự do sẽ kí kết sắp tới phù hợp với tình hình kinh tế, khả năng của doanh nghiệp, nỗ lực yêu cầu các nước xóa bỏ tối đa thuế nhập khẩu và các rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam trong quá trình đàm phán. Cần mở rộng hơn nữa hình thức doanh nghiệp và Chính phủ “cùng nhau đi đàm phán” để kết quả đàm phán sẽ mang lại lợi ích thực tế nhất cho từng ngành nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Thứ hai, Chính phủ cần kết nối nhiều hơn với cơ chế một cửa của nhiều quốc gia khác, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình khai báo và nộp C/O được nhanh chóng, dễ dàng, tiết kiệm chi phí. Thêm nữa, trong tình hình dịch bệnh Covid19 diễn biến phức tạp như hiện nay, Chính phủ các nước khác đóng cửa hoặc gia hạn thời gian đóng cửa, gây khó khăn rất nhiều trong quá trình xin và nộp C/O. Một giải pháp mà Tổng cục Hải quan đưa ra ngay lúc này đối với Chính phủ là sửa đổi Thông tư 38/2015/TT-BTC, cho phép gia hạn thời điểm nộp C/O một năm hoặc nộp bản có chữ kí điện tử, bản chụp, scan; thay vì phải nộp tại thời điểm khai báo hải quan hay 30 ngày như trước đây.
Thứ ba, những văn bản quy phạm pháp luật nội luật hóa FTA cần được phổ cập, đơn giản hóa cho mọi doanh nghiệp có thể nắm rõ, và cần sửa đổi lại ngay nếu như phát hiện có lỗ hổng pháp lý, không để bất cứ tình trạng doanh nghiệp lợi dụng kiếm lợi. Một hệ thống luật pháp chặt chẽ sẽ tạo ra môi trường pháp lý đồng nhất, doanh nghiệp sẽ không phải bối rối khi thực thi pháp luật.