Nhóm các nhân tố kinh tế-xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện na rì tỉnh bắc kạn đến năm 2020 (Trang 94 - 97)

5. Kết cấu luận văn

3.3.2. Nhóm các nhân tố kinh tế-xã hội

Các nhân tố này bao gồm: Thị trường. Hệ thống chính sách vĩ mô của nhà nước. Cơ sở hạ tầng nông thôn. Sự phát triển của các khu công nghiệp và đô thị. Dân số và lao động (bao gồm cả số lượng và chất lượng).

Nhóm các nhân tố này luôn tác động mạnh mẽ tới sự hình thành và phát triển của cơ cấu kinh tế nông thôn.Đó là, ngành nông nghiệp tuy liên tục đạt mức tăng trưởng khá nhưng chưa bền vững. Thế mạnh của một huyện miền núi với điều kiện đất đai, đồi rừng thuận lợi cho chăn nuôi đại gia súc và phát triển lâm nghiệp chưa được phát huy. Tốc độ chuyển dịch cơ cấu nông, lâm nghiệp còn chậm, năng suất cây trồng, vật nuôi thấp, chỉ tương đương 55- 60% so với khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Thêm vào đó, chất lượng hàng hóa và sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường thấp. Mặc dù ở nhiều vùng nông thôn đã xuất hiện các mô hình trang trại, nhưng nhìn chung chủ yếu là mô hình kinh tế hộ có quy mô nhỏ, sản lượng hàng hóa ít.

Với đặc thù là một huyện miền núi, địa hình đa dạng, thích hợp cho nhiều loại cây trồng nhưng với diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít nên tình trạng nhỏ lẻ, phân tán, và khả năng chủ động tưới tiêu chỉ hơn 50% đã có ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Do địa hình là đồi núi nên mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp thấp, hoạt động sản xuất phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên; nông thôn, nông nghiệp đầu tư ít, phần đông lao động ở nông thôn chưa qua đào tạo nghề (tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo mới đạt 18%, thấp hơn 10% so với tỷ lệ trung bình của cả nước), do đó ảnh hưởng không nhỏ đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện Na Rì.

Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách phát triển kinh tế- xã hội cho vùng núi nhưng hệ thống chính sách về nông nghiệp, nông thôn, nông dân đôi khi chưa hợp lý, thiếu đồng bộ và chồng chéo, cùng với trình độ của đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế; nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa đầy đủ, chưa có định hướng phát

triển trong giai đoạn mới, khiến công tác quy hoạch ngành, quy hoạch vùng còn bị động, lúng túng. Đối với nông nghiệp, thách thức lớn nhất là nền sản xuất nông nghiệp vẫn lạc hậu, mang nặng tính tự cung tự cấp, chi phí sản xuất cao trong khi chất lượng, giá trị sản phẩm lại thấp. Bên cạnh đó, việc hình thành chuỗi liên kết, thị trường tiêu thụ nông sản còn nhiều hạn chế, không ổn định, gây tâm lý e ngại cho bà con nông dân trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, việc thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở hầu hết các xã còn lúng túng, sản phẩm sản xuất ra đa phần chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững. Vì vậy đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện Na Rì trong thời gian qua.

* Chúng ta thấy rằng thị trường gắn liền với kinh tế hàng hoá, trong nền kinh tế hàng hoá các quan hệ kinh tế đều được thực hiện thông qua thị trường. Các yếu tố cơ bản của thị trường là cung cầu và giá cả.

Nhu cầu thị trường vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển sản xuất, tác động mạnh mẽ đến xu thế chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung

Thị trường nông thôn không chỉ thực hiện chức năng tiêu thụ sản phẩm hàng hoá nông sản mà còn có chức năng thu hút các yếu tố đầu vào sản xuất như vốn, lao động, công nghệ, vật tư...

Thị trường với bản chất của nó là tự phát, dẫn đến những rủi ro cho người sản xuất gây lãng phí những nguồn lực của xã hội vì vậy cần có sự quản lý, can thiệp của nhà nước ở tầm vĩ mô để thị trường phát triển đúng hướng, lành mạnh, tránh được những rủi ro.

Để khai thác được nhân tố này đòi hỏi phải nâng cao chất lượng của công tác nghiên cứu nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Thu thập và xử lý thông tin về nhu cầu thị trường là cơ sở cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn đúng hướng và có hiệu quả.

* Chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước. Để đạt được mục đích phát triển, chính sách vĩ mô của Nhà nước cần tác động đến cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu kinh tế nông thôn nói riêng.

Nếu chỉ có tác động của quy luật thị trường thì cơ cấu kinh tế nông thôn chỉ hình thành và vận động một cách tự phát, không tránh khỏi những rủi ro và lãnh phí nguồn lực. Với chức năng của mình, Nhà nước phải ban hành các chính sách kinh tế đồng bộ cùng với các công cụ quản lý khác để thúc đẩy việc hình thành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu kinh tế nông thôn vận động, phát triển theo chiều hướng có lợi nhất phù hợp với mục tiêu và định hướng đặt ra.

* Cơ sở hạ tầng nông thôn đòi hỏi phải có trình độ phát triển tương ứng với yêu cầu hình thành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Muốn vậy phải có đầu tư và nguồn vốn đầu tư chủ yếu là:

+ Nguồn vốn tự có của các chủ thể kinh tế nông thôn + Nguồn vốn ngân sách

+ Nguồn vốn vay ngân hàng

+ Nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng khác

+ Nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, bao gồm cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Thực tiễn cho thấy, giải quyết vấn đề vốn là một trong những điều kiện quan trọng nhất để xây dựng và tăng cường hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn.

* Sự phát triển của các khu đô thị, khu công nghiệp là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới cơ cấu kinh tế nông thôn. Sự phát triển của các khu đô thị, khu công nghiệp sẽ tạo khả năng cung cấp kỹ thuật và công nghệ hiện đại, tạo nguồn vốn đầu tư ngày càng dồi dào cho khu vực kinh tế nông thôn, góp phần thúc đẩy quá trình hình thành và cải biến cơ cấu kinh tế nông thôn. Nhưng cũng chính từ những điều nói trên, sự di dịch lực lượng lao động từ nông thôn ra các khu đô thị và khu công nghiệp đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát triển kinh tế - xã hội tại huyện do thiếu nguồn nhân lực trẻ, có trình độ.

* Vấn đề dân số và lao động, trình độ của người lao động và người quản lý cũng là nhân tố ảnh hưởng quan trọng tới việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện na rì tỉnh bắc kạn đến năm 2020 (Trang 94 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)