Năm 2018, TTCK Việt Nam được FTSE Russell đưa vào danh sách xem xét để nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Tháng 2/2019, Chính phủ đã ban hành đề án “Cơ cấu lại TTCK và Thị trường Bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến 2025”, theo đó, mục tiêu lớn nhất của TTCK Việt Nam trong giai đoạn này là được nâng hạng thị trường trước năm 2025 và chất lượng các doanh nghiệp niêm yết trên sàn đạt mức Asean-6. (Nguyễn Lâm, 2019)
Nhằm hoàn thành những chỉ tiêu đề ra, TTCK còn nhiều vấn đề cần phải cải thiện, trong đó, điều quan trọng tất yếu là phải tạo ra môt trường đầu tư minh bạch, lành mạnh cho NĐT, đặc biệt là NĐT cá nhân và NĐT ngoại quốc bởi đây là hai nhóm NĐT gặp bất lợi nhất trong việc tiếp xúc với thông tin. Đồng thời, kiểm soát chất lượng các doanh nghiệp, ngân hàng được đưa lên sàn giao dịch cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích NĐT và thu hút dòng vốn, đặc biệt là thu hút dòng vốn từ nước ngoài chảy vào. Mặc dù khối ngoại đã rút vốn đầu từ trên các thị trường cận biên trên thế giới nhưng TTCK Việt Nam vẫn thu hút được sự quan tâm. Vì vậy mà thị trường cần phải được hoàn thiện và phát triển hơn để tận dụng tối đa những lợi ích hiện tại.
Trong hơn 3 tháng đầu năm 2019, UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với hơn 50 vụ sai phạm trên thị trường bao gồm vi phạm về công bố thông tin, làm giá,. Mới đây nhất, vào đầu tháng 4/2019, một cá nhân đã bị khởi tố vì hành vi thao túng giá cổ phiếu KSA, gây ra tổn hại tài chính cho các NĐT khác trên thị trường. (Mai Chi, 2019)
Trong giai đoạn 2020 - 2025, UBCKNN sẽ tiến hành áp dụng các biện pháp xử phạt mạnh hơn đối với các hành vi giao dịch nội gián, công bố thông tin, thao túng giá chứng khoán, gian lận BCTC,. nhằm đảm bảo rằng thị trường trong sạch. Bên cạnh việc thu thập thông tin, nhận định và đánh giá các giao dịch, UBCKNN cũng sẽ tiến hành làm rõ trách nhiệm của Cơ quan Kiểm toán trong các vụ gian lận BCTC. Để giám sát, kiểm soát và ngăn ngừa triệt để vi phạm kể trên, tới đây, UBCKNN sẽ có thêm thẩm quyền để giám sát thị trường, công bố thông tin, đẩy mạnh việc quản trị trong nội bộ doanh nghiệp,. để xử lý vi phạm. Những kẽ hở trong hệ thống Luật pháp trước đây đã bị nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng để thu lợi bất chính từ các hành vi gian lận trên thị trường sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với trình độ phát triển của thị trường cũng như là các thủ đoạn thao túng tinh vi của các NĐT.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, trong dài hạn thị trường sẽ được phát triển theo hướng lành mạnh, minh bạch và an toàn cho các NĐT. Ngoài ra, Chính phủ sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách cùng hệ thống luật pháp để đảm bảo
sự đồng bộ và tương thích với các khung pháp lý quan trọng khác.