Đối với xây dựng nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng

Một phần của tài liệu chủ trương của đảng về bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá các tộc người thiểu số ở tây nguyên từ 1996-2006 (Trang 95)

Không gian văn hóa các tộc người thiểu số Tây Nguyên rất đặc sắc không thể lầm lẫn với bất cứ không gian văn hóa nào ở Đông Nam Á. Vốn quý của nó chính là ở tính bản địa nguyên sơ “phi Hoa, phi Ấn” mà nếu truy tìm trên lục địa Đông Nam Á quả thật rất hiếm hoi. Vì vậy, bảo tồn văn hoá các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên chính là góp phần quan trọng bảo vệ sự đa dạng văn hoá theo quan điểm mà Nghị quyết Trung ương năm khoá VIII đã nêu ra. Dù vẫn còn những hạn chế nhất định, nhưng các nỗ lực nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các tộc người thiểu số đã làm cho văn hóa Tây Nguyên vốn đứng trước những nguy cơ nghiêm trọng đã khẳng định được sức sống, có khả năng phát triển trong thời gian tới.

Tính đa dạng của văn hóa Tây Nguyên được biểu hiện trên cả ba cấp độ: nhóm ngôn ngữ tộc người, văn hóa tộc người và nhóm địa phương cùng một tộc người. Nhóm ngôn ngữ tộc người của cư dân tại chỗ Tây Nguyên truyền thống có hai nhóm chính là Môn-Khơ me và Malayo - Polinesien, nhưng ngày nay với quá trình nhập cư vào Tây Nguyên ngày càng nhiều tộc người khác nhau như Kinh, Thái, Tày, Mường, Hmông, Dao… càng làm cho nhóm ngôn ngữ tộc người thêm đa dạng thêm. Văn hóa tộc người ở Tây Nguyên, chỉ tính các dân tộc bản địa vốn đã đa dạng, thì càng đa dạng thêm với sự du nhập những yếu tố văn hóa các tộc người nhập cư, từ tiếng nói, lối sống, phong cách, tín ngưỡng, lễ nghi, cách ứng xử, tâm lý, tình cảm, tập quán sản xuất, phương thức quản lý xã hội… Văn hóa các nhóm địa phương

càng đa dạng hơn, chỉ xem xét trường hợp người Êđê đã có 17 nhóm địa phương như sau: Kpa, Mdhur, Adham, Blô, Ktul, Bih, Krang, Epan, Dlia, Hruê, Kdrao, Arul, Hwing, Dong Mak, Dong Kay, Kah, Ening; người M’nông có 12 nhóm địa phương: Gar, Chil, Rlâm, Preh, Kuênh, Nông, Buđăng, Prâng, Dip, Biêt, Sitô, Buđên; người Giarai có 4 nhóm địa phương: Chor, Hdrung, Arap, Tbuan… Mỗi nhóm địa phương như vậy có sắc thái riêng về văn hóa do sự chi phối của 2 xu hướng tộc người là cố kết tộc người và phân chia tộc người. Nếu cố kết tộc người có ý nghĩa hình thành dân tộc, thì phân ly tộc người hình thành các nhóm địa phương.

Những nỗ lực của Đảng không chỉ nhằm bảo vệ tính đa dạng của văn hoá Tây Nguyên, mà đa dạng trong sự thống nhất của văn hoá Việt Nam. Đa dạng văn hóa nếu thoát ly cái thống nhất, tức ra ra ngoài quy luật chung của sự phát triển, thì sẽ mất đi động lực và khả năng phát triển, sớm muộn cũng bị sự đồng hóa bởi các thể chế văn hóa khác mà thôi. Do đó, thống nhất trong đa dạng không chỉ là mô hình văn hóa của Tây Nguyên trên con đường phát triển, mà còn có ý nghĩa tạo vốn văn hóa đối ứng cho quá trình giao lưu, ảnh hưởng và hội nhập. Không có tính đa dạng thì không có bản sắc riêng làm vốn đối ứng cho hội nhập, thậm chí còn có nguy cơ bị hòa tan trong quá trình toàn cầu hóa văn hóa đơn tuyến. Không có tính thống nhất văn hóa không thể tạo nên sức mạnh cộng hưởng của thể chế đề kháng với các mặt phản giá trị dội từ bên ngoài vào, khai thác sức mạnh văn hóa phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị. Cường điệu hóa tính thống nhất mà quên đi tính đa dạng chỉ dẫn tới đơn nhất hóa về văn hóa. Còn ngược lại, chỉ cường điệu hóa tính đa dạng mà thoát ly tính thống nhất thì cái riêng đó sẽ không dung nạp được các giá trị phổ biến và vì thế chỉ dẫn tới ngày càng xa rời cái chung, thậm chí tàn lụi dần trong những “ốc đảo văn hóa” biệt lập. Một nền văn hóa chỉ phát triển trong giao lưu và trong mình nó luôn tạo ra khả năng dung nạp giá trị của các nền văn hóa khác. Sự dung nạp, chấp nhận những giá trị chung đó là động lực để cái riêng gạt bỏ mặt phản giá trị, chọn lọc mặt giá trị, vì thế

mà luôn phát triển. Đặc biệt, một khi luận điểm “đa dạng về văn hóa” bị lợi dụng cho các mục tiêu chính trị của các thế lực thù địch thì thực chất có dụng ý làm suy yếu sức đề kháng của dân tộc từ các tế bào văn hóa. Do đó, đảm bảo sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa các tộc người tại chỗ ở Tây Nguyên cần thấu triệt không chỉ về mặt nhận thức luận mà còn phải biến thành thao tác luận. Cụ thể ở đây là sự thống nhất của văn hóa các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên trong sự thống nhất của nền văn hóa Việt Nam.

Một phần của tài liệu chủ trương của đảng về bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá các tộc người thiểu số ở tây nguyên từ 1996-2006 (Trang 95)