phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên
Sau 10 năm đổi mới, đến năm 1996 đất nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và chuyển sang thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thời kỳ mới đặt ra rất nhiều vấn đề liên quan đến tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa một cách bền vững.
Thứ nhất, công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa, đặt ra rất nhiều thách thức đối với văn hóa các dân tộc. Toàn cầu hoá là một xu thế khách quan diễn ra từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, lôi cuốn kể cả các dân tộc vốn khép kín nhất vào vòng xoay của dịch chuyển tư bản, lao động, hàng hoá, dịch vụ, tiếp đến văn hoá, rồi thăm dò cả những lĩnh vực nhạy cảm nhất là các quyền chính trị và dân sự của các quốc gia dân tộc. Trong xu thế khách quan đó luôn lồng ghép với cả ý đồ chủ quan của các cường quốc muốn phát tán văn hoá, tạo nên đế quốc văn hoá nhờ sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, truyền thông, truyền hình. Giao lưu, hợp tác văn hoá giữa các dân tộc để chắt lọc những tinh hoa làm giàu thêm bản sắc văn hoá dân tộc là cần thiết trong thời kỳ toàn cầu hoá. Nhưng trong quá trình giao lưu văn hoá giữa các dân tộc lại có một xu hướng không lành mạnh là sự áp chế, mo no hoá văn hoá của các dân tộc, thủ tiêu tính đa dạng của văn hoá. Đây là một thách thức to lớn đối với quá trình giữ gìn, bảo vệ bản sắc văn hoá các dân tộc. Các dân tộc thiểu số là nơi lưu giữ được sâu đậm nhất giá trị văn hoá mang sắc thái tộc người, phản ánh sự đa dạng, nhưng cũng đứng trước nguy cơ của toàn cầu hoá về văn hoá. Trong điều kiện lợi thế về nhiều mặt,
các cường quốc kinh tế luôn muốn có xu hướng điều khiển toàn cầu hoá theo hướng đơn tuyến, tức chỉ tạo ảnh hưởng từ nước lớn đối với các nước kém vị thế, mà thường bỏ qua các tác động ngược lại của văn hoá các dân tộc nhỏ yếu đối với bản thân họ. Điều đáng chú ý là gắn với toàn cầu về văn hoá người ta thấy một biểu hiện đáng lo ngại là sự tích tụ của các hãng truyền thông ngày càng gia tăng, mà gần như trên thế giới chỉ có khoảng chục hãng đưa tin trở thành "chân lý thế giới". Các đế quốc thông tin ra sức lợi dụng sự phát triển như vũ bão của công nghệ số hoá để truyền bá ảnh hưởng của mình, đè bẹp hoặc bóp chết văn hoá các dân tộc khác. Vì thế, từ giữa thập niên 90 trở đi người ta thường nói nhiều đến khái niệm "biên giới mềm" và "quyền lực mềm" mà ở đó văn hoá là một phương tiện để mở rộng biên giới mềm, vượt qua các biên giới truyền thống được giới hạn bởi lãnh thổ thuần tuý.
Thứ hai, công nghiệp hóa, hiện đại hóa không có mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu vì con người, mà nhu cầu thụ hưởng văn hóa phải là đích hướng tới của quá trình phát triển. Đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo đường lối của Đảng, ngoài mục tiêu tạo dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân, thì còn có mục tiêu nâng cao đời sống văn hoá - tinh thần. Nâng cao đời sống văn hoá - tinh thần được hiểu không chỉ ở những giá trị văn hoá được tạo ra bởi cuộc cách mạng công nghiệp hiện đại như công nghiệp giải trí, truyền hình, phim ảnh, mà cả khai thác, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Ngay kể cả các sản phẩm văn hoá của nền công nghiệp hiện đại, nếu không dựa trên cơ sở văn hoá truyền thống dân tộc, thì cũng không có giá trị bền vững. Văn hoá truyền thống các dân tộc trong trường hợp này trở thành dung môi truyền dẫn cho công nghệ giải trí phát triển. Đó là chưa kể một xu hướng của thế giới đương đại là càng đối diện với toàn cầu hoá với một mô típ chung cho toàn thế giới, người ta càng cảm thấy nhàm chán, đơn điệu và tìm về với sự đa dạng của văn hoá được lưu giữa trong các tộc người. Thụ hưởng văn hoá trở thành một nhu cầu của con người dù ở trình độ phát triển nào của đời sống
kinh tế. Nhu cầu vật chất càng gia tăng thì con người càng cảm thấy giá trị của nhu cầu văn hoá, tinh thần và tìm cách thoả mãn chúng bằng nhiều cách khác nhau. Các thể chế nhà nước trong phương thức quản trị của mình không thể bỏ qua yếu tố văn hoá, thậm chí xem đó là nền tảng tinh thần của xã hội, hay người Trung Quốc gọi là xây dựng nền văn minh tinh thần.
Thứ ba, công nghiêp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi phải đi tìm động lực từ yếu tố văn hóa. Bất kỳ quá trình cách mạng nào cũng phải đi tìm động lực cho bản thân nó, mà suy cho cùng hệ động lực được cấu thành bởi hai yếu tố vật chất - kinh tế hoặc văn hoá - tinh thần. Mỗi loại động lực nêu trên có vai trò, chức năng nhất định đối với một xã hội. Kết hợp đúng đắn giữa động lực vật chất - kinh tế và động lực văn hoá - tinh thần là yêu cầu đặt ra cho mỗi thể chế cầm quyền trong quá trình phát triển. Thực tế cho thấy, động lực vật chất - kinh tế thường có tính giới hạn của nó, còn động lực văn hoá - tinh thần thường vô hạn. Trong những trường hợp như thế người ta thường nói đến vốn văn hoá của sự phát triển. Không phải yếu tố văn hoá nào cũng trở thành vốn văn hoá, mà chỉ những yếu tố văn hoá nào thật sự tạo được động lực cho sự phát triển thì mới trở thành vốn văn hoá. Do đó, từ thập niên 90 trở đi, văn hoá từ chỗ chỉ được xem như thoả mãn nhu cầu sinh hoạt thường nhật của con người, đã được ứng dụng sâu rộng hơn trong các lãnh đạo - quản lý (văn hoá chính trị), trong kinh doanh (văn hoá kinh doanh), trong xây dựng lối sống công sở (văn hoá công sở). Quảng bá hình ảnh quốc gia người ta cũng ra sức tận dụng vai trò của văn hoá. Khẳng định bản sắc của một dân tộc trong thế giới toàn cầu hoá người ta không thể sử dụng công cụ nào hữu hiệu bằng văn hoá. Vì thế, bảo tồn, phát triển văn hoá dân tộc trở thành một nhiệm vụ bức thiết, sâu xa hơn chính là biến quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá không còn thuần tuý là quá trình kinh tế - kỹ thuật, mà là quá trình văn hoá.
Thứ tư, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đặt ra những vấn đề ở cấp độ chiều sâu về tổ chức vùng lãnh thổ mà ở đó phải giải quyết được mối quan hệ
hệ giữa phát triển vùng với phát triển tộc người. Phát triển lãnh thổ, khai thác lợi thế, tiềm năng của từng vùng nhằm bổ sung cho cơ cấu lãnh thổ quốc gia thống nhất là một nhiệm vụ của công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trong đó vùng dân tộc thiểu số thường là những nơi có nhiều tiềm năng chưa được khai thác, kể cả tiềm năng văn hoá, rất cần được đầu tư đúng mức. Phân bố lại dân cư trên phạm vi cả nước để khai thác các tiềm năng của vùng dân tộc thiểu số - những nơi đất rộng người thưa - là rất cần thiết, nhưng nếu xử lý không cẩn trọng sẽ dẫn tới xung đột tộc người, trước hết là xung đột trên phương diện văn hoá. Do đó, phát triển vùng lãnh thổ phải đi đôi với phát triển tộc người, được phản ánh không chỉ ở chăm lo đời sống kinh tế, gia tăng thu nhập, cải thiện sinh kế, mà sâu xa hơn là tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hoá tộc người. Bởi vì, chính yếu tố văn hoá mới quy định tính chủ thể của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên một vùng lãnh thổ nhất định, mất nó thì quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đồng nhất với mono hoá các giá trị văn hoá.
Thứ năm, Tây Nguyên là vùng lãnh thổ có rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác như đất đỏ bazan, trữ lượng nước, bôxít, rừng,... trở thành một vùng đất hấp dẫn của các chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trong các giai đoạn trước đây, với việc thiết lập các nông - lâm trường, tiến độ khai thác các nguồn tài nguyên dù đã được đẩy nhanh, nhưng dẫu sao vẫn chỉ mới khai thác tầng nổi. Đến thời kỳ đổi mới, với tính năng động của cơ chế thị trường, đặt Tây Nguyên đứng trước những thách đố to lớn giữa khai thác tài nguyên thiên nhiên phục vụ nhu cầu cầu trước mắt với đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai; giữa phát triển lãnh thổ với phát triển tộc người, trước hết là các tộc người tại chỗ; giữa phát triển kinh tế với cấu trúc lại xã hội tộc người và giữ gìn, phát triển văn hoá các dân tộc. Đó là những thách thức to lớn đối với Tây Nguyên, không chỉ còn là trách nhiệm của các địa phương mà của cả hệ thống chính trị, trước hết từ quan điểm đổi mới của Trung ương Đảng và Chính phủ.
Những yêu cầu nêu trên của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đòi hỏi Đảng phải có những nhận thức mới về bảo tồn, phát huy văn hoá các tộc người ở Tây Nguyên.