7. Đóng góp của luận văn
1.2.1. Hoạt động thực tiễn của người anh hùng Nguyễn Công Trứ
Là một quan văn nhưng Nguyễn Công Trứ lại sống bôn ba ngang dọc trong cuộc đời của một võ tướng đánh đông dẹp bắc ghi được những chiến tích lẫy lừng. Dưới tài thao lược mà ông đã tự hào vỗ ngực trong Bài ca ngất ngưởng “gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng” cùng với một số chiến tướng khác, ông đã làm nên những điều làm vua phải nể phục. Qua những ghi chép về Nguyễn Công Trứ trong "Đại Nam thực lục" chúng ta nhận thấy những công trạng lớn của ông ở các lĩnh vực:
Dẹp loạn Phan Bá Vành (1827), Nông Văn Vân (1833 - 1835); dẹp giặc biển (1833 – 1838);
Hành quân sang Nam Vang;
Khai hoang: Khai khẩn những miền đất mới,hoặc đất lâu năm bị hoang hóa vùng: Nam Định (1828), Ninh Bình (1829), Thái Bình, Quảng Yên (1832), Hải Dương (1835);
Chủ khảo trường thi: Hà Nội, Huế, một trí thức khoa bảng từng giữ chức lãnh đạo một trường đại học tại kinh đô (Tế tửu Quốc Tử Giám thời Minh Mệnh);
Các chủ trương khác : lập trường học, lập xã thương (kho thóc cứu đói) trong bản tấu sớ (1828), biện pháp chống cường hào, tham nhũng trong bản tấu sớ (1828).
Như vậy tổng kết trong hành trình cuộc đời Nguyễn Công Trứ chúng ta nhận thấy ông là một nhà nho nhập thế rất tích cực.Tương ứng với các chức vụ mà ông đảm nhiệm là địa bàn mà ông đã đi qua và làm việc tại đó:
Đảm nhiệm các công việc chính trị ở các vùng miền: Tham hiệp Thanh HoaTrấn tây Tham tán; Tổng đốc Hải An, Tuần phủ An Giang; Dinh điền sứ tướng quân - Ninh Bình và Thái Bình, Nam Định, Hải Dương; Thừa Thiên Phủ Doãn – Huế; lính thú – Quảng Ngãi.
Đảm nhiệm việc dẹp giặc ở các vùng miền: dẹp giặc Phan Bá Vành ở vùng Nam Định; dẹp giặc Nông Văn Vân ở Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng; dẹp giặc cướp, giặc biển ở Liêu Lạc - Nam Định, Quảng Yên , huyện Tứ Kì -Hải Dương, Vân Đồn-Quảng Ninh; diệt trừ thổ phỉ, giặc cướp ở các hạt Đông Thành, Quỳnh Lưu - Nghệ An, Ngọc Sơn, Nông Cống - Thanh Hoá, Tam Điệp - Ninh Bình, Bỉm Sơn - Thanh Hoá ; dẹp giặc ở thành Trấn Tây – Cao man; dẹp giặc ở Gia Định; Năm 63 tuổi, ông tình nguyện đi chinh phạt ở Trấn Tây. Năm 79 tuổi, thân lão vẫn còn dũng chí, ông lại tình nguyện ứng chiến với ngoại xâm tại chiến trường Đà Nẵng.
Đảm nhận việc khai khẩn đất hoang, phát triển kinh tế ở các vùng miền: các huyện Giao Thuỷ, Chân Định- Nam Định, Tiền Hải- Thái Bình, Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô -Ninh Bình; xã Minh Liễn, huyện Nghi Dương- Hải Dương; xã Lưu Khê, Vĩ Dương, Yên Phong- Quảng Yên.
Những cứ liệu sát thực trong nguồn sử liệu đã phần nào làm sáng tỏ chí làm trai, độ tung hoành ngang dọc của Nguyễn Công Trứ trong văn thơ. Nếu như trong các bài thơ tỏ chí, phần lớn là những lời nói, việc làm mang tính ước lệ, tượng trưng không có bóng dáng của thời đại lịch sử rõ ràng, không có dấu ấn con người. Đến với nguồn sử liệu, chí nam nhi của Nguyễn Công Trứ đã được định hình rõ nét thông qua những lời nói và việc làm cụ thể. Con người anh hùng tung hoành ngang dọc của Nguyễn Công Trứ đã được những cứ liệu lịch sử minh chứng rất rõ ràng. Vùng không gian thực tế mà ông đã hoạt động bôn ba suốt từ Nam chí Bắc, từ miền biển đến miền núi, môi trường kinh đô (triều đình Huế) đến vùng nông thôn. Những địa danh, những tên đất tên làng, tên núi tên sông đã bổ sung tri thức để hiểu cụ thể, sinh động những khái niệm không gian như “trời đất”, “bốn bể”, “nam bắc đông tây” vốn khá ước lệ xuất hiện trong các vần thơ tỏ chí của Nguyễn Công Trứ. Thời gian hoạt động của ông cũng là những mốc thời gian cụ thể (1826-1858) từ thời đầu xanh tuổi trẻ đến khi về già qua các thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Gia Long. Cái khát vọng “xẻ núi lấp sông” “dời non lấp bể” đã được minh chứng qua một loạt các trận đại chiến thu phục kẻ thù, hoặc xây thành đắp lũy. Quả thực với những hành xử, những công trạng của mình Nguyễn Công Trứ đã thực sự làm nên “đấng anh hùng” trong thiên hạ. Các công trạng cứu chúa an dân: Công khai hoang, mở đất, công dẹp giặc cướp, tiễu phỉ; công diệt trừ tham nhũng; công trị thủy phát triển kinh tế vùng miền…sử sách vẫn lưu danh, nhân dân đời đời ghi nhớ. Dấu chân của ông đã đặt lên mọi miền của Tổ Quốc trên bản đồ Việt Nam. Ông được ghi nhận trong chính sử như một nhân vật hoạt động vì nhân dân Việt Nam vì hoạt động vì xã hội Việt Nam.