7. Đóng góp của luận văn
1.2.4. Nguyễn Công Trứ với vai trò một nhà chính trị
Theo Nguyễn Công Trứ chính sách cai trị của vua nếu muốn sâu rễ, bền gốc thì cần đi từ chính thực tế cuộc sống. Hiểu được lòng dân, mang phúc lại cho dân ấy là lúc nền thái bình thịnh trị. Khi là mệnh quan triều đình ông đã dâng rất nhiều tấu sớ kiến nghị, đề xuất về cách trị nước, an dân.
Mậu Tí, Minh Mệnh năm thứ 9, 1828: Tả Thị lang Hình bộ là Nguyễn Công Trứ lĩnh chức Dinh điền sứ, dâng Sớ nói 3 việc:
1. Lập phép nghiêm cấm để trừ dứt trộm cướp
2. Minh việc thưởng phạt để khuyến khích quan lại: 3. Vỡ ruộng hoang cho dân nghèo
Theo ông, một trong những việc cần phải làm ngay để yên lòng dân là bên cạnh việc đầu tư phát triển kinh tế là phải diệt cường hào ác bá - mầm sâu mọt phá hoại giường cột nước nhà. Chính vì vậy, tệ nạn cường hào ức hiếp nhân dân đã được Nguyễn Công Trứ rất chú trọng. Ông cho đó là cội rẽ gây nên nỗi khổ cho dân; là một trong những nguyên nhân sinh biến loạn. Chúng như những loài sâu mọt gặm nhấm cần triệt tận gốc. Chính sử chép rõ:
Năm 1828, Lĩnh Dinh điền sứ là Nguyễn Công Trứ dâng sớ xin diệt trừ tệ cường hào: Ông đã phân tích chỉ rõ teej cường hào làm con người ta thành mồ côi, vợ người ta thành goá bụa, giết cả tính mạng của người ta, hết cả gia tài của người ta, mà việc không lộ, cho nên cứ công nhiên không kiêng sợ gì. Đích cuối cùng của cường hà là chuyên lợi làm giàu, dối trên lừa dưới, để thoả lòng riêng…thậm chí ẩn lậu đinh điền, ruộng đến nghìn mẫu không nộp thuế, chỉ đầy túi của hào cường, đinh đến trăm suất không đăng sổ….
Những tấu sớ trị nạn tham nhũng cường hào đã hợp lòng trời, thuận ý dân nên được vua chuẩn y cho tiến hành ngay. Mặt khác, với sự trải đời và hiểu người, ông cũng thấu hiểu được một phần nguyên nhân gây tệ tham nhũng chính là do sự bần hàn. Chính vì vậy ông cũng đã từng đề xuất tiền dưỡng liêm để hỗ trợ quan lại giữ liêm chính, không tham nhũng, bóc lột nhân dân. Có thể nói đó là những tư tưởng trị nước rất đáng nể phục. Mối quan hệ biện chứng trong một vấn đề được ông giải quyết thấu tình đạt lý. Hơn nữa theo sự phân tích loogic của ông thì đói khổ sinh biến loạn. Chính vì vậy ông thường dâng tấu sớ để đưa ra những kế sách trị nước, an dân.
Đối với những vùng đất mới được khai phá, ông lại dâng sớ đề xuất thiết lập những trật tự xã hội để tiện cai quản và phát triển ổn định. Những vùng đất nghèo, mất mùa, nhân dân đói kém Nguyễn Công Trứ lại dâng tấu sớ miễn giảm sưu thuế, mở kho thóc cứu đói, phụ cấp lương thực thực phẩm cho bà con… Sau công cuộc khai hoangở miền ven biển trấn Ninh Bình thành công. Nguyễn Công Trứ lại dâng tấu sớ trình 5 việc cần kíp cần làm để ổn định xã hội và phát triển kinh tế vùng miền:
Thứ nhất, ông chú trọng việc đặt trường học Mỗi ấp, mỗi làng đều dựng nhà học, đón một thầy học, làng thì lấy ruộng 10 mẫu, ấp thì 8 mẫu làm học điền, miễn đánh thuế. Ruộng học điền ấy, phải góp sức cùng làm, đầy năm thu hoạch, lưu làm học bổng.
Thứ hai, ông đề xuất lập xã thương (kho thóc) để phòng trừ thiên tai, mất mùa, đảm bảo đời sống dân sinh;
Thứ ba, ông coi việc siêng dạy bảo là nhiệm vụ quan trọng để giữ ổn định xã hội, trách nhiệm này trước hết thuộc về người đứng đầu làng, ấp, lý.
Thứ tư, cẩn phòng thư có nghĩa cần coi trọng công tác quốc phòng, an ninh khu vực, có mầm mống loạn đẳng, giặc cướp cần diệt tận gốc.
Thứ năm, chăm khuyên răn dân chúng làm ăn để tránh hiện tượng nhàn cư vi bất thiện.
Vì thương dân chúng bần hàn cơ cực vì đói kém mất mùa, dân chúng sống vật vờ, tha phương cầu thực ông đã dâng các tấu sớ xin chẩn cấp cho tiền và gạo; nhiều người gầy yếu, không thể đi được; vậy xin hằng ngày nấu cơm để chẩn cấp cho”; các huyện Đường Hào, Đường An, Thanh Miện, ruộng xấu dân nghèo. Gần đây thường gặp năm mất mùa, ngày càng cùng quẫn thêm xin đặc cách cho miễn tiền thóc thuế…Cứ theo lời tấu sớ của Nguyễn Công Trứ có thể khẳng định ông không chỉ đóng vai trò một tướng lĩnh đảm nhiệm một nhiệm vụ nhất định, trấn áp một vùng miền nhất định. Ông còn là một người cha, người mẹ, biết lo toan, biết tính toán đến cuộc sống của muôn dân trăm họ, biết lo lắng cho sự định an của xã tắc. Lời tấu sớ của ông thể hiện rõ cái tâm với dân với nước.
Từ những cứ liệu lịch sử trên, chúng ta có thể khẳng định: Nguyễn Công Trứ là một nhà chính trị, quân sự lớn có vai trò to lớn trong triều Nguyễn, được vua rất tin dùng. Ông có những tư tưởng trị nước rất đắc dụng, tiến bộ làm lợi cho nước cho dân (khẩn hoang, tấu sớ đề nghị miễn sưu thuế, diệt trừ tham nhũng, nạn cường hào...). Là một mệnh quan triều đình (thuộc giai cấp thống trị) nhưng ông vẫn đứng về phía nhân dân để đấu tranh và bảo vệ quyền lợi cho nhân dân. Những công lao to lớn, những việc làm thiết thực của ông với nước với dân không thể thể hiện hết trong thơ văn (do đặc trưng thể loại). Vậy nguồn sử liệu chính là nhân chứng sống để hậu thế hiểu thêm về một Nguyễn Công Trứ với tài kinh bang tế thế.
Nguyễn Công Trứ là một con người hành động với ông chí làm trai không dừng ở khái niệm mang tính khuôn mẫu sách vở mà được hiện thực hóa trong chính con đường hoạn lộ của ông. Với ông những vần thơ hào sảng với nhiều hình ảnh ước lệ, tượng trưng không chỉ để nói cho hay, nói cho vui mà nói để làm, nói để hành động. Khát vọng lập công dương danh của ông đã được đáp đền khi nhân dân bốn cõi tôn ông như cha, nhân dân vùng Kim Sơn – Ninh Bình, Tiền Hải – Thái Bình còn lập sinh từ để thờ sống ông. Cuộc đời làm quan đối với ông có nhiều thăng trầm nhưng vì nước vì dân ông vẫn gạt tình riêng để sống, để cống hiến. Khi làm Đô đốc Hải An khi làm lính thú biên thùy canh cửa gõ mõ nhưng không vì thế mà ông nản lòng ở bất cứ cương vị nào ông đều hoàn thành một cách vui vẻ và tự nguyện, tinh thần nhập thế rất tích cực của đạo Nho (tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ) cống hiến cho nước cho dân đến sức tàn lực kiệt. Đạo quân thần đối với ông xét đến cùng vẫn là vì dân vì nước. Bởi ông chủ trương làm quan không phải để vinh thân, phì gia mà để có chút tiếng nói đòi quyền lợi cho dân, để triển khai những chính sách thiết yếu phát triển, chăm lo đời sống cho nhân dân. Nội dung những tấu sớ đã minh chứng cho tấm lòng sáng trong như ánh trăng rằm của vị quan thanh liêm vì nước quên thân vì dân phục vụ của Nguyễn Công Trứ. Chính vì vậy mà số lượng ghi chép về ông trong Đại nam thực lục chính biên (cuốn chính sử của triều Nguyễn) xuất hiện với tần số lớn (261 sự kiện) ông có mặt hầu hết trong các chính sự, nghị bàn của quốc gia, dân tộc xứng đáng vị nam nhi "đã mang tiếng ở trong trời đất phải có danh gì với núi sông"...