Cảm thức về nhân tình thế thái của Nguyễn Công Trứ qua nguồn sử liệu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiếp nhận thơ văn nguyễn công trứ qua nguồn sử liệu và giai thoại (Trang 83)

7. Đóng góp của luận văn

3.2. Cảm thức về nhân tình thế thái của Nguyễn Công Trứ qua nguồn sử liệu

3.2.1. Sự ghen ghét, đố kỵ với tài năng của giới quan lại

Năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), Nguyễn Công Trứ cùng quan Tướng quân Trương Minh Giảng đánh phá đồn giặc nhiều chỗ, được thưởng quân công một cấp, tháng ba năm ấy, cụ được sung chức Tham tán Đại thần. Sau vì tình thế khó khăn, quân ta phải rút về tỉnh An Giang (Nam Kì). Hành động lùi để tiến rất đúng với binh pháp lại bị bọn cận thần xúc xiểm cho ý trái lệnh triều đình, cụ bị giáng xuống Binh bộ Lang trung, quyền lĩnh chức Tuần phủ tỉnh An Giang. Ít lâu, nhân việc giết được tướng giặc là Phiên Tăng nên lại được khai phục hàm Binh bộ Thị lang, mà vẫn làm Tuần phủ An Giang.

Năm thứ ba, Nguyễn Công Trứ được thăng Binh bộ Tham tri. Đến tháng 10 năm ấy vì bị người ta vu cáo, cụ phải cách tuột và phát đi làm lính ở tỉnh Quảng Ngãi. Xót thương thay! Một bậc trọng thần danh tướng, tiếng tăm lừng lẫy khắp ngoài quận trong triều, mà nhất đán vì cái miệng đứa tiểu nhân, đặt để nên điều, phải đem mình làm kẻ thú binh, thật quả là:Trên trường danh lợi vinh liền

nhục/Giữa cuộc trần ai khóc lộn cười. Hay, sau khi khai hoang lấn biển thành công hai

huyện Tiền Hải và Kim Sơn, Nguyễn Công Trứ muốn dâng sớ tấu trình để thiết lập một trật tự xã hội đối với cư dân hai huyện trên: “Dân hai huyện ấy toàn là những dân phiêu

lưu ở hạt khác đến, chưa có gì làm cho chúng nó liên lạc đoàn tụ với nhau. Nay xin định ra năm điều quy uớc như sau:

1) Đặt trường dạy học. 2) Đặt xã thương. 3) Chăm khuyên bảo. 4) Cẩn việc phòng thủ. 5) Tưởng lệ những điều tốt mà trừng giới các thói xấu”.

Bản tấu sớ thể hiện rõ cái tâm và tầm nhìn chiến lược của Nguyễn Công Trứ. Tuy nhiên, lời tâu ấy giao cho đình thần bàn định, cả triều đều cho là vội quá nên không được thi hành. Nhận xét được sóng ngầm trong sự việc này, nhà nghiên cứu Vũ Đình Trác có viết: “Lạ thay, đối với bọn dân bình bồng như vậy, thì làm các việc ấy tưởng là rất phải, không hiểu tại sao Triều đình lấy làm vội quá, không cho thi hành, ý giả vì không hiểu sự giáo hóa là cần cho dân chăng? Vì ghen ghét cụ Nguyễn Công Trứ mà kiếm cách ngăn trở để cụ không được toại sở nguyện chăng?”

3.2.2. Đường lối trị nước: ban ân-gia uy của vương triều Nguyễn

Trần Ngọc Vương với bài viết “Từ hồi quang người anh hùng thời loạn đến khuôn hình một tài tử phong lưu” (Nguyễn Công Trứ con người, cuộc đời và thơ, NXB HNV, HN 1996) từng phát biểu: “Cũng phải nhìn nhận một cách xác đáng rằng các vua Nguyễn, từ Minh Mệnh, Thiệu Trị đến Tự Đức đều đánh giá đúng và sử dụng Nguyễn Công Trứ một cách có hiệu quả. Không ngẫu nhiên, Nguyễn Công Trứ nhiều lần nói đến “ơn tri ngộ”. Trong bối cảnh thông thường của quan hệ vua - tôi dưới chế độ chuyên chế, với quyền lực tuyệt đối và tối thượng của mình, các vị hoàng đế, nếu không biết nắm vững nghệ thuật dùng người (chủ yếu theo tinh thần Pháp gia), thì chính loại người như Nguyễn Công Trứ là mối đe dọa hiển nhiên đối với ngai vàng. Các vua Nguyễn, nhất là Minh Mệnh, đã khéo sử dụng “ân” và “uy” một cách hợp lúc, hợp chỗ để buộc Nguyễn Công Trứ phụng sự cho triều đình một cách vui vẻ, thoải mái, và có kết quả”.

Làm quan cho triều Nguyễn, hội công danh đến với ông như diều gặp gió. Trước công trạng mà Nguyễn Công Trứ lập được, ông đã được triều đình thăng chức nhiều lần. Sử sách đã lưu: Minh Mạng 1820 được bổ Hành tẩu sử quân. Năm 1821 làm thực thụ Biên tu. Năm Minh Mạng thứ tư bổ làm tri huyện Đường hào

(Hải Dương). Năm sau thăng bổ Lang trung ở Thanh lai ti thuộc Bộ Lại, bổ làm Quốc Tử Giám Tư nghiệp, tháng 10 cùng năm thăng làm Thiên sự Bộ Hình. Năm Minh Mạng thứ sáu (1825) bổ Thừa Thiên phủ Thừa, chẳng bao lâu lại làm Tham hiệp trấn Thanh Hóa. Năm Minh Mạng thứ chín (1828) ông được thăng chức Thụ Hình Bộ Hữu tham tri, sung chức Đinh đề sứ tại các hạt Nam Định, Ninh Bình. Năm Minh Mạng thứ mười ba (1832) được bổ làm Bố chánh Hải Dương.

Thật xứng đáng với công trạng mà Nguyễn Công Trứ đã dốc sức phò đời giúp nước! Không chỉ thế các vua triều Nguyễn, sẵn sàng ban ân thưởng kịp thời để khích lệ lòng quân. Củng cố uy quyền bằng việc đánh vào lòng người.

Tháng 6 năm Minh Mạng thứ bảy (1826) nhân có tang thân mẫu, cụ định xin ưu, nhà vua phát cho 100 lạng bạc. Sau rồi bổ chức Tham Hiệp Thanh Hóa.

Tháng 10 năm Minh Mạng thứ bảy, Nguyễn Công Trứ bị bệnh. Vua được tin đặc phái một tên thị vệ đem theo một viên ngự y bắt trạm đi tới nơi điều trị, vụ được lành.

Minh Mạng năm thứ 13, Nguyễn Công Trứ bổ làm Bố chánh Hải Dương. Lúc ra đi hoàng đế có dụ rằng: Khanh nhà nghèo, trẫm biết rất rõ, nay ra tân lỵ, cứ giữ lòng thanh liêm như thế, nếu chi dụng không đủ, thì mật tấu về Trẫm sẽ chu cấp cho. Đến tỉnh lỵ được hai tháng, cụ túng tiêu, mật tấu về, vua sai thị vệ đem ban cho hai chục bánh thuốc chè, mỗi bánh ở trong có một nén bạc. Sau khi dẹp giặc an dân, triều Nguyễn chủ trương dựng bia võ công để ghi công mãi mãi đời sau. Trong số các quan quân đi đánh đông dẹp bắc, Nguyễn Công Trứ cũng nằm trong danh sách bảng vàng bia đá. Trong cuộc dẹp loạn Nông Văn Vân- lực lượng mà triều đình nhà Nguyễn gọi là ‘phỉ’ này, Nguyễn Công Trứ được ban ân xứng đáng “ Nay nghĩ, Trứ xuất thân từ quan văn, thế mà ngày ngày làm được việc quân, đến nay đã 3 năm, không quản ngại khó nhọc, kể cũng đáng khen. Vậy chuẩn cho một người con được tập ấm làm Hiệu uý vệ Cẩm y”. (Trang 662, tập IV)

Tuy nhiên ân thì ân mọn mà uy thì uy lớn. Cuộc đời hoạn lộ của Nguyễn Công Trứ huy hoàng thảng qua như gió mà uất ức, đau khổ thì dãi dề như mưa. Bên cạnh

việc được nhận ban thưởng thì việc giáng phạt cũng rất khắt khe. Bất kể tướng đầu triều hay quan ngoại tỉnh đều bị các vua triều Nguyễn đều giáng phạt thẳng tay. Sử dụng pháp trị, hình thức bề ngoài để nhằm giữ yên phép nước nhưng bản chất sâu thẳm là để thị uy quyền lực và củng cố địa vị theo tư tưởng độc đoán, chuyên quyền: Vua cho sống là được sống vua bảo chết là phải chết. Thiên hạ trong tay vua. Chính vì sống trong hang hùm miệng sói, trong thời đại sóng gió như thế nên việc Nguyễn Công Trứ nay là mệnh quan triều đình mai lại trở thành lính thú biên thùy gõ mõ canh cửa ngoài vọng gác, tiền tiêu là chuyện bình thường mà ông từng nếm trải. Nhà nghiên cứu Lê Thước từng có ghi nhận rất đắt về việc dùng người của triều Nguyễn, cho đó là “một thủ đoạn đảo điên, hào kiệt, chứ kỳ thực nhà vua thấy cụ có tài cao đức trọng, ai cũng kính trọng, không muốn để cái thanh thế cụ lớn lên quá sợ khó giá ngự về sau, vì thế đã lấy ân mà cất lên lại phải dùng uy mà ức xuống. Nhưng ân thì

thường ân mọn mà uy thường uy lớn... ” (Sự nghiệp thơ văn của Uy viễn tướng công

Nguyễn Công Trứ)

Nói ân mọn là vì hai lần đi dẹp giặc Nông Văn Vân và Phan Bá Vành cực khổ trần ai. Dòng dã mấy năm trời, binh tướng ăn đất nằm sương, trèo rừng băng núi mới lập được công to (truy quét băng đảng nổi loạn). Nhưng về tới thành ông cũng không được thăng chức mà chỉ được ban thưởng các đồ chơi châu ngọc như ngựa mã não, nhẫn kim cương…

Năm Thiệu trị nguyên niên (1841), Nguyễn Công Trứ cùng tướng quân Trương Minh Giảng đánh phá đồn giặc nhiều lần được thưởng quân công một cấp. Sau vì tình thế khó khăn, Nguyễn Công Trứ phải hạ lệnh cho rút quân về tỉnh An Giang (Nam kỳ), đồng thời với lệnh rút quân là chiếu chỉ giáng chức xuống Binh Bộ Lang trung. Năm thứ ba, Nguyễn Công Trứ được thăng Binh Bộ Tham tri , đến tháng 10 năm đó vì bị người đời vu cáo, xúc xiểm Nguyễn Công Trứ bị cách tuột chức đi làm lính thú Quãng Ngãi.

Năm Minh Mạng thứ 17, vì một tên tử tù vượt ngục trốn mất, Nguyễn Công Trứ bị giáng 4 cấp, năm Minh Mạng thứ 20 lại bị giáng xuống Binh Bộ Hữu Tham tri và đổi về Bộ…

Với cách dùng người rất thủ đoạn của vua triều Nguyễn: đánh, vuốt, thăng, giáng, lung lạc tinh thần người ta bằng đủ phương cách. Đối với Nguyễn Công Trứ, khi tín cẩn trọng dụng, cho tiền, cho quà, săn sóc, rỉ tai(5) khi nghiêm khắc trừng phạt, truất giáng đáo để. Nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu có viết: “Người tài tử thường cậy tài, muốn trổ tài, thường bất mãn với cái có sẵn, muốn xáo trộn, muốn hành động, phá phách trật tự. Họ cũng thường tự cao, tự phụ, ngông nghênh, vòi vĩnh, không chịu yên mệnh. Cho nên chế độ phong kiến thường sợ tài, nghi kỵ người có tài, tìm cách ức chế người có tài. Nhằm mục đích củng cố địa vị thống trị, chế độ phong kiến đề cao đức hạnh, trung hiếu, lễ nghĩa, phục tùng yên mệnh và thường chê trách chuyện “hữu tài vô hạnh” (Trần Đình Hượu, Nhà nho tài tử trong xã hội tư sản, in trong sách nhiều tác giả Văn học Việt Nam (1930-1945), NXB Giáo dục, tái bản lần thứ hai, 1998)tr. 170-171)…Tất cả điều đó làm nên một cuộc đời làm quan lắm chuân chuyên của của Nguyễn Công Trứ . Một dạ “trung trinh báo quốc, một lòng “hăm hở ra tài kinh tế” những mong vẹn đạo quân thần như sở nguyện. Có khi tột đỉnh vinh quang nhưng có lúc lại dưới bùn đen. Cái hàm còn lại cuối cùng sau cả một chặng đời họan lộ là Thừa Thiên Phủ Doãn. Quả là thời đại phức tạp để lại những dấu ẩn ức sâu xa trong tâm hồn ông. Nhà nghiên cứu Nguyễn Bách Khoa từng nhận xét: “Nguyễn Công Trứ bị giáng truất nhiều lần cũng chính là vì sự nhỏ nhen thù hằn của hạng quý tộc và quan liêu cao cấp đó. Bởi tài kinh tế của ông là một cơ nguy cho địa vị của chúng nên chúng hãm hại chê dìm. Chúng đã mượn tiếng nhà vua để thi hành chính trị phản động lợi cho chúng” (Nguyễn Công Trứ về tác giả tác phẩm, tr. 172)

Tuy nhiên với phong cách sống ngạo nghễ, khác đời, vượt trên thế tục, Nguyễn Công Trư vẫn ngẩng cao đầu để sống trước uy lực, chèn ép của triều đình. Chỉ cần nhìn vào quãng đời lúc ông lãnh chức Đinh đề sứ, đủ thấy rõ tấm lòng thanh bạch cao cả của ông. Ruộng đất tân khai ở các miền Tiền Hải, Giao Thuỷ, Nam Trực và Kim Sơn thật là rừng vàng bể bạc, mà ông không hề chiếm hữu một gang tấc, không hề tơ hào một

mảy may của bất cứ ai. Thật ông đã vượt qua khỏi cái nhân dục tầm thường đến mức cao tuyệt vời.

Cũng vì thế mà ông không sợ bất cứ một uy lực nào: uy vũ bất năng khuất. Ông chính là một con người anh hùng tự tạo thời thế, chứ không phải nhờ vào thời thế mà vinh thăng. Nhất là vì ông đã sẵn có bản tâm mãn tại, không bao giờ chịu đem thân theo đuổi danh lợi tiền tài.”. Nhà nghiên cứu Pham Thế Ngũ từng nhận xét:Nguyễn Công Trứ không quan niệm chữ trung một cách máy móc theo kiểu Tống Nho “quân sử thần tử thần bất tử bất trung”. Thờ vua ông nhìn xa hơn đến dân đến nước. Cho nên thay vì nịnh bợ cá nhân quân vương để được thương yêu thăng thưởng, ông lo làm điều ích lợi cho quốc dân: người dân khổ sở cần phải cưu mang, khổ vì giặc giã nên phải dẹp giặc, khổ vì đói nên phải khẩn điền, ngoại giả vua chúa, chức tước, thưởng phạt chẳng đáng để ý đến lắm”. (Nguyễn Công Trứ - Tác gia và tác phẩm, NXBGD, 2007).

Trước những sự đối xử không công bằng giữa công và tội sử sách cũng chỉ chép một ý duy nhất – ông nói bóng nói gió, hàm ý trách móc nhà vua:

Năm Minh Mệnh thứ 17,

Vì việc một tên trọng tù vượt ngục trốn mất, cụ phải giáng bốn cấp, sau khai phục được ba cấp, đến năm Minh Mệnh thứ 20 (1839) lại phải giáng xuống Binh bộ Hữu Tham tri và đổi về Bộ. Buổi ấy cụ vào trực trong Nội, vua thấy cụ, ban hỏi rằng: “Khanh thường đi tuần hành các chốn dân gian, có nghe được việc gì hay không?”. Cụ tâu rằng: chỉ nghe những câu da dao, dân sự thường hát ở chốn nhà quê là hay nhất, tức như câu này: “Một ngọn đèn chong, hai ngọn đèn chong/Quốc sĩ vô song là người Hàn Tín/Anh chẳng thương em, anh đến chi đây/Tứ bề rồng ấp lấy mây”.

Câu ấy tuy ca dao thực, song cụ thuật lại, chính để ngụ ý mình là một bậc có tài lỗi lạc, cũng như Hàn Tín thuở xưa, mà lại có ý trách vua hay nghi ngờ, rày thăng mai giáng, hình như không muốn trọng dụng, quý mến cái tài năng của cụ, như con rồng kia, nó còn biết ấp yêu giữ gìn lấy mây, để có chỗ mà ẩn nấp, nương tựa.

Lúc Nguyễn Công Trứ đi đến tỉnh Quảng Ngãi, vào chào quan tỉnh để đợi lệnh phát đi đồn nào, cụ cứ nghiễm nhiên mình mặc cái áo cộc màu chàm, đầu đội nón dấu, vai mang một ruột tượng gạo, bên hông lại đeo một cái dao tu, xỏng xảnh trong một cái vỏ bằng gỗ. Quan tỉnh thấy vậy, ra dáng bất yên, muốn cho phép cụ cởi đồ lính ra, nhưng cụ nói: “Cứ xin để vậy, lúc làm đại tướng tôi không thấy làm vinh, thì nay làm tên lính tôi cũng không lấy làm nhục. Người ta ở địa vị nào, có nghĩa vụ đối với địa vị ấy, làm lính mà không mang đồ ấy thì sao gọi là lính được”. Câu nói đầy khẩu khí giúp ông đang tự tôn cao mình thêm một bậc. Thế hệ hậu sinh dẫu không được sống trong thời ông tung hoành ngang dọc cũng cảm thấy ngưỡng mộ ông hơn.

Từ biến động trên đường đời những giai đoạn lên voi xuống chó đã góp phần cắt nghĩa giải thích vì sao một Nguyễn Công Trứ đang phơi phới yêu đời, phơi phới với lý tưởng trung quân mà lại bất ngờ có những tiếng thơ ai oán về thế thái nhân tình đến vậy. Phải có đau, có xót, có những trải nghiệm thực tế mắt thấy tai nghe thì cơ hồ mới có tiếng nói nhân tình thâu suốt đến vậy. Tuy nhiên, cảm thức thế thái nhân tình của nguyễn Công Trứ không được ghi chép nhiều trong chính sử vì đó là những cảm xúc riêng tư, cá nhân, mặt khác bản thân Nguyễn Công Trứ cũng có quan niệm sống khác người Được mất dương dương người tái thượng. Khen chê phơi phới ngọn đông

phong. Chính vì vậy, nỗi đau nhân tình thế thái thường lặn trong đáy sâu tâm hồn, chỉ

bộc bạch qua những vần thơ, qua các giai thoại trong bia miệng thế gian.

3.3. Cảm thức về nhân tình thế thái của Nguyễn Công Trứ trong giai thoại

Làm quan, Nguyễn Công Trứ được dân chúng cảm phục, quý mến nhưng cũng bị không ít kẻ ghen ghét, hãm hại, khiến cụ đã bao phen lên voi xuống chó. Nhưng là một văn nhân nhân văn, những ân oán đó cụ không trả bằng những mưu mô thảm độc, máu chảy đầu rơi. Bằng trí tuệ sắc sảo, bằng lời nói thâm thuý đôi khi cay độc - những đòn trừng phạt bằng chữ nghĩa nhiều khi còn đau hơn hoạn, có khi còn hơn cả án tử hình. Cảm nhận về nhân tình thế thái được thể hiện rõ nét thông qua các giai thoại về lối ứng đáp, bình phẩm nhận xét của cụ thượng Trứ trước những biến động của cuộc sống.

Cảm thức nhân tình thế thái của Nguyễn Công Trứ có tới hàng chục giai thoại tiêu biểu. Trong đó giai thoại “Ngay lòng ở với nước nhà” có một câu ứng đối

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiếp nhận thơ văn nguyễn công trứ qua nguồn sử liệu và giai thoại (Trang 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)