Chí nam nhi của Nguyễn Công Trứ trong nguồn giai thoại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiếp nhận thơ văn nguyễn công trứ qua nguồn sử liệu và giai thoại (Trang 47 - 51)

7. Đóng góp của luận văn

1.3. Chí nam nhi của Nguyễn Công Trứ trong nguồn giai thoại

Không chỉ xuất hiện nhiều trong chính sử, trong thế giới của giai thoại, Nguyễn Công Trứ cũng được nhân dân ưu ái rất nhiều. Theo khảo cứu của các nhà nghiên cứu có tới 81 giai thoại – với những câu chuyện đẹp xoay quanh cuộc đời, sự nghiệp Nguyễn Công Trứ. Trong số những giai thoại đó, luận văn thống kê phân loại làm hiện diện lên con người, tính cách, tư tưởng Nguyễn Công Trứ trong lòng quần chúng nhân dân. Đó là những giai thoại tiêu biểu, với mong muốn dựng lên một chân dung Nguyễn Công Trứ qua cái nhìn “dân gian” – vừa rất đời thường nhưng đồng thời rất uyên bác. Từ góc độ khác với những lí giải, nghiên cứu hàn lâm - của hậu thế về con người của cụ Thượng Uy Viễn chúng ta sẽ hiểu và thêm trân trọng, yêu mến vị tướng giữa đời thường, vị hiền triết trong lòng quần chúng nhân dân.

Trong giai thoại, “sẵn gánh càn khôn ghé thẳng vai” chí nam nhi của Nguyễn Công Trứ được thể hiện đậm nét, ngay từ thủa thiếu thời, những biểu hiện của chí nhớn, khát vọng nhớn đã hội tụ trong con người cậu bé Nguyễn Công Trứ như một khí chất để làm nên một tướng quân ngang dọc ngất ngưởng sau này: Sự việc cuộc sống diễn ra trong một lần thày trò ra sông tắm mát, hướng mặt về phía đình làng, tức cảnh sinh tình thầy đưa ra một vế đối Nôm, bảo các trò cùng đối:

Đá xanh ghép cống, hòn dưới nống hòn trên.

Trong khi các trò khác đang vắt óc suy nghĩ thì cậu Củng đã có ngay vế đối: Ngói đỏ lợp nghè, lớp sau đè lớp trước.

Câu đối vừa chuẩn về chữ nghĩa lại vừa có nghệ thuật chơi chữ tài tình: “cống” vừa là cái cống (bằng đá), vừa là người đỗ Cử nhân (Cống sinh dưới triều nhà Nguyễn); còn “nghè” vừa là cái miếu nhỏ thờ các danh nhân địa phương, vừa là người đỗ Tiến sĩ, tức ông Nghè; trò Củng đã vận dụng một cách linh hoạt hệ thống từ đồng âm khác nghĩa-một nét đặc biệt của ngôn từ Tiếng Việt để làm nên cái hấp dẫn cho câu văn, thêm vào đó người đời còn tìm thấy cái thú vị ở khẩu khí của người đối: hậu sinh sẽ khả uý, lớp sau sẽ hơn (đè) lớp trước.

Khẩu khí của trò nhỏ đã khẳng định khí chất người quân tử. Những suy nghĩ và liên tưởng của cậu bé Củng vượt xa tâm lý lứa tuổi trong một câu đối chuẩn từ ngôn từ đến ý. Ngôn ngữ là lớp vỏ của tư duy, phải có những suy nghĩ nung nấu, ý chí gánh vác việc đời ngay từ khi còn nhỏ, thì cậu bé Củng mới có những nhận thức bất ngờ, táo bạo đến như vậy. Sự việc tiếp theo, trời bất chợt đổ mưa, thầy trò phải trú lại ven đường. đúng lúc đó cũng có một người đàn ông lực lưỡng gánh cỏ đi tới cũng vội vất gánh cỏ để vào hiên trú. Lát sau, trời vừa ngớt, người đàn ông đã vội vã ra nâng gánh cỏ lên vai chạy đi tiếp. Nhân đó, thầy bảo các trò thử làm vài câu thơ tức cảnh nói về người gánh cỏ nọ. Trò Củng ứng khẩu đọc ngay: Tạnh cơn

phong vũ lò ngay mặt/Sẵn gánh càn khôn ghé thẳng vai. Người đàn ông gánh cỏ với

tinh thần xốc vác, không quản khó khăn gian khổ, toàn tâm toàn ý thực hiện công việc. Gánh cỏ trên vai người đàn ông đó không nặng bởi trọng lượng mà theo quan sát của trò Củng nó có sức nặng, sức đằm của ý chí, nghị lực, của tinh thần xông pha. Hình ảnh đời thường của cuộc sống đã là lời gợi nhắc cho người anh hùng Nguyễn Công Trứ với “vòng trời đất dọc ngang ngang dọc”, “gieo thái sơn nhẹ

tựa hồng mao” sau này.

Chí nam nhi, mộng anh hùng giường như đã ăn vào máu, thấm vào tim Nguyễn Công Trứ để rồi bất cứ một sự việc nào trong cuộc sống đều được con người đặc biệt đó ghi nhận. Giai thoại “Nín hơi biển động ba tầng sóng” trò Củng đã chứng minh được tư duy sắc sảo, cùng với những liên tưởng tài tình, sáng tạo của mình: chỉ nhìn hơi khói thuốc lào do thân phụ và thầy dạy trong lúc đàm đạo phả ra như mây mà cậu bé Củng ứng khẩu đọc bốn câu thơ: Nín hơi, biển động ba tầng sóng/Há miệng, rồng bay chín khúc mây/Ba tầng sóng dội vang trời bể/Năm

sắc mây bay thấp thoáng trời. Từ câu luận bàn xuất thần của trò Củng, người thầy dạy

đã không khỏi ngạc nhiên trước trí tưởng tượng vô cùng phong phú và đặc biệt một khẩu khí hơn người của cậu học trò nhỏ. Trong con người trò Củng, dường như khát vọng, hoài bão, chí khí của một người hùng đã ăn sâu vào tiềm thức vì thế có thể ứng biến, vận dụng linh hoạt mọi lúc, mọi nơi. Sau lần trò chuyện đó trò Củng “túi đàn cặp sách đề huề” đã rời miền quê nhỏ Nghi Xuân lên đường vào Hà Tĩnh – mảnh đất thành đô theo đuổi sự nghiệp, công danh.

Tư tưởng lớn và thái độ ngất ngưởng - không cúi đầu trước quyền lực mà chỉ cúi đầu trước công lý - giúp cho nho sinh Nguyễn Công Trứ hình thành được bản lĩnh sống ngay từ thời trẻ. Giai thoại “Ba vạn anh hùng đè xuống dưới” là lời minh chứng rõ ràng. Đạo quân triều đình, do tướng lĩnh Lê Văn Duyệt đi qua, ai cũng phải ngả mũ kính chào riêng mình nho sinh Nguyễn Công Trứ vẫn ung dung ngủ khì trên ổ rơm như không có chuyện gì xảy ra. Sau khi căn vặn lý do, nho sinh trả lời với khẩu khí đường hoàng chững trạc... Để xác minh lời khai, Tả quân yêu cầu vài câu thơ vịnh cảnh nằm ổ rơm. Cậu Nho sinh dường như chỉ đợi có thế, ứng khẩu đọc ngay:Ba vạn anh hùng đè xuống dưới/Chín lần thiên tử đội lên trên.Tả quân Lê Văn Duyệt nghe xong, giật mình khen hay, hỏi tên tuổi, thưởng cho Trứ một số tiền rồi thả cho đi, và ghi nhớ trong lòng về người học trò kì tài ấy.

Các giai thoại trên đã phần nào biểu hiện được cái khí chất của bậc chí nhân quân tử của Nguyễn Công Trứ. Những suy nghĩ, những nhận thức già dặn hơn trước tuổi, những khẩu khí thể hiện khát vọng, hoài bão của một cách sống không chờ thời, đợi thời mà biết dùng tài chí để xoay chuyển cục diện. Và có lẽ cũng chỉ đến với Nguyễn Công Trứ chúng ta mới có những giai thoại độc đáo mang chất ngông nghệ sĩ, mang nặng chí nam nhi ngay từ khi còn rất nhỏ như vậy.

* Tiểu kết

Như vậy, nếu xem trong thơ văn, Nguyễn Công Trứ đã nói chí của nhà nho với một phong cách mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử văn học trung đại. Tuy nhiên những ước lệ của ngôn từ, hình tượng biểu tượng nghệ thuật không thể cho chúng ta biết cụ thể được sự nghiệp hành đạo của ông. Mới hay, thơ và hát nói chỉ cho chúng ta hiểu được cảm xúc và quan niệm hành đạo của Nguyễn Công Trứ trên phương diện sách vở, chữ nghĩa. Chính tài liệu lịch sử và giai thoại đã cung cấp cho ta tri thức để hiểu toàn diện tư tưởng hành đạo của nhà thơ; dựng lên một bức chân dung sống động bằng xương bằng thịt với những chí hướng, khát vọng và đặc biệt là những hành động thực tiễn “vì nước quên thân vì dân phục vụ” được sử sách lưu giữ, được nhân dân đời đời ghi nhớ vai trò và những cống hiến của Nguyễn Công Trứ đối với thời đại. Nói cách khác, nếu chỉ đọc thơ văn ông, người đọc có thể băn

khoăn, liệu những chí nam nhi, nợ tang bồng có nội dung thực sự tích cực vì xã hội, vì nhân dân hay chỉ đơn thuần là những từ ngữ sáo rỗng mà bất cứ nhà thơ nào cũng có thể vay mượn từ kho từ ngữ văn học trung đại nhiều thế kỷ. Đối chiếu với sử liệu về Nguyễn Công Trứ, ta có quyền khằng định, những chí khí anh hùng, nam nhi đó được bảo chứng bằng việc làm, bằng hành động cụ thể, có nội dung rõ ràng. Ta hiểu hơn, cảm phục hơn với những gì mà nhà thơ đã viết, đã nói, đã cảm nghĩ. Chính vì vậy, bàn về khát vọng hành đạo của Nguyễn Công Trứ, GS, TS Trần Nho Thìn trong cuốn “Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử” có nhận xét: “Trong thơ văn Nguyễn Công Trứ viết về chí nam nhi, có những từ ngữ dễ đánh lừa, dễ dẫn ta đến ý nghĩ về lí tưởng hay chủ nghĩa anh hùng (chí nam nhi, chí làm trai, nợ anh hùng, nợ tang bồng, tang bồng hồ thỉ, nợ công danh... ), dường như Nguyễn Công Trứ muốn làm một võ tướng thậm chí làm một Từ Hải trong văn chương hay một Nguyễn Huệ, một Nguyễn Ánh ngoài đời, và ý nghĩ đó lại được củng cố không chỉ bằng thơ ca mà còn bằng cả sự nghiệp kinh tế, quân sự lừng lẫy của ông.”

CHƯƠNG 2: NHÀ NHO TÀI TỬ NGUYỄN CÔNG TRỨ TRONG THƠ VĂN VÀ TRONG NGUỒN SỬ LIỆU, GIAI THOẠI

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiếp nhận thơ văn nguyễn công trứ qua nguồn sử liệu và giai thoại (Trang 47 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)