B. NỘI DUNG
2.1.3. Thể hiện cảm hứng ca ngợi, tôn vinh
Với tín ngưỡng tôn giáo đa dạng phong phú gắn liền với sinh hoạt tâm linh tại đền, đình, chùa cho nên hầu như truyền thuyết ở Đồng Hỷ đều là nguồn gốc cho sự hình thành những nơi sinh hoạt tâm linh ấy nhưng đồng thời qua truyền thuyết cũng thể hiện cảm hứng ca ngợi, tôn vinh của người dân nơi đây.
Mỗi một nhân vật xuất hiện trong truyền thuyết đều có tên gọi cụ thể, rõ ràng với cách xưng hô: Vị anh hùng dân tộc Dương Tự Minh, Công chúa Huyền Tụng, Ngài Quận Khúc, Đức ông hùng dũng đại vương thần, Tướng Nguyễn Trung Sơn, Tướng Nông Văn Thản, Ông Hoàng Bảy, Đức bà, Bạch Ngọc Thủy Tinh công chúa… mặc dù đó mới chỉ là cái tên nhưng qua chính những từ ngữ đó đã cho thấy sự tôn trọng, tự hào của nhân dân dành cho những con người hết lòng bảo vệ họ. Họ đã để cho những nhân vật bất tử qua các câu chuyện truyền thuyết, nhắc nhở con cháu đời sau phải biết trân trọng, tôn vinh từng giá trị và để cho mỗi địa danh trên mảnh đất này ghi dấu lại từng cái tên
“để nhớ ơn về sự hi sinh của công chúa Huyền Tụng nhân dân làng Vân Lăng đã lập nên chùa (Đền?) tại nơi đây để thờ Công Chúa Huyền Tụng” [49], với Nông Văn Thản “nhân dân địa phương và các quan trấn thủ đã mai tang trên một ngọn núi và lập đền thờ ông và lấy tên Thác Thản để đặt tên cho ngôi đền với mong muốn con cháu đời sau luôn biết ơn vị tướng ấy” [49], hay Dương Tự Minh “mọi ngôi đình dọc theo dòng sông Cầu chảy qua như đình La Đành, đình La Thông, đình Tân Đô, đình Đồng Cẩu, đình Thịnh Đức... nhân dân luôn
thờ vị anh hùng Dương Tự Minh nhằm thể hiện sự biết ơn của mình” [49], đến Đức ông hùng dũng đại vương thần “Sau khi cha con ông mất, nhân dân xóm Phả Lý đã lập ngôi đền thờ cúng với con ngựa trắng để tưởng nhớ công đức của cha con ông tên là “Đền Ngựa Trắng” [49], rồi ông Hoàng Bảy “Do có công chiến đấu bảo vệ quê hương trong những năm tháng có giặc ngoại xâm mà sau khi ông mất nhân dân nơi đây đã lập đền thờ và gọi tên đó là đền thờ ông Hoàng Bảy” [49], còn người con gái họ Trần “mỗi khi dân trong làng có trộm cô gái được thờ thường báo mộng cho dân làng biết và để biết ơn cô gái đã có công với đất nước với dân làng người dân nơi đây đã lập miếu với tên “Đức Bà” để tưởng nhớ công ơn ấy” [49], chúa bà Châu Đệ Nhị “khi giặc phương Bắc đem quân xâm lược xâm chiếm vùng này, hai chị em nhà bà đã cùng với nhân dân đứng lên chống lại giặc đánh dọc theo dòng sông Cầu. Khi bà chết người dân thấy xác của Bà trôi dạt đến nơi đây nên đã lập đền Gốc Sấu” để tưởng nhớ công lao của bà” [49].