B. NỘI DUNG
3.1.3. Lễ hội Đền Hích, Hòa Bình
Đền Hích nằm ở phố Hích, xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ trên một gò đất nhô ra phía sông Cầu mặt quay về hướng Tây, sau lưng là ngọn núi Khản và phía trước là dải núi Hích xanh thẫm. Đền có khuôn viên rộng trên 2 nghìn m2 rợp bóng cây xanh, có một số công trình phụ như: nhà khách, khu vệ sinh, bãi để xe phục vụ cho nhu cầu khách tham quan vãn cảnh hay tổ chức lễ hội. Năm 2007 đền Hích đã được UBND tỉnh Thái Nguyên xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Hội đền Hích là lễ hội vui xuân của người Kinh với các dân tộc Sán Dìu và dân tộc Nùng… trên địa bàn xã Hòa Bình, Đồng Hỷ, thường được tổ chức vào ngày 15 tháng giêng âm lịch hàng năm với hai phần: Phần lễ và phần hội.
3.1.3.1. Phần lễ
Lễ rước kiệu
Ngày xưa, vào ngày 15 tháng giêng chỉ là ngày hội đền và không có rước kiệu mà lễ rước thường được tổ chức vào ngày giỗ mẫu tức 17 tháng 3 âm lịch. Trong ngày đó, người ta sẽ rước kiệu từ đền Hích vào đền Min (cách đền Hích
2 cây) để đón mẫu ở đền Min ra trong ngày giỗ mẫu. Còn bây giờ thì lễ rước được tổ chức vào đúng ngày khai hội 15 tháng giêng âm lịch.
Ngay từ ngày 14 tháng giêng mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội đã được sẵn sàng. Kiệu rước là kiệu gỗ được trạm trổ tinh tế và chỉ có 1 kiệu rước Bạch Ngọc thủy tinh công chúa chứ không giống với lễ hội Chùa Hang có 2 kiệu lớn nhỏ khác nhau. Trên kiệu đặt 1 lọng đỏ, 1 bát hương, 2 lọ hoa cùng với hoa quả và bánh kẹo được bày biện trang trí đẹp mắt.
Sáng ngày 15 tháng giêng các tăng ni, phật tử cùng nhân dân địa phương đã tập trung sẵn để lễ rước bắt đầu. Đi đầu là kiệu rước với 4 thanh niên khiêng kiệu, tiếp sau là các tổ quy, rồi đến thành viên các hội đoàn thể đại diện các xóm và nhân nhân, du khách thập phương đến dự hội. Đoàn rước bắt đầu đi từ đền Hích đến khu trung tâm phố Hích, khi đến đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ sẽ có nam thanh nữ tú từ các trường trên địa bàn xã nhập vào đoàn rước. Trên đường về, các đoàn thể tập trung tại một nơi khác còn kiệu và tổ quy quay về đền. Sau khi lễ rước kết thúc sẽ là lúc lễ khai hội được bắt đầu.
Lễ khai hội
Khi đoàn rước kiệu về, mọi công tác chuẩn bị cho lễ khai hội đã sẵn sàng. Các đại biểu của tỉnh, xã cùng tăng ni phât tử sẽ tham dự lễ khai hội ở khu vực đã sắp xếp bên ngoài. Lễ hội chính thức được bắt đầu khi một hồi trống được vang lên do ông Trần Hông Vân – người đứng đầu một hội ở đây đánh, sau đó mọi tăng ni, phật tử sẽ cùng vào dâng hương trong đền.
Lễ cúng tế
Ở hội đền Hích tùy từng năm khác nhau có mời đoàn cũng tế từ đền Xương Rồng lên làm lễ cúng. Lễ cúng bao gồm lễ chay và lễ mặn như mọi nơi thờ tự khác nhưng năm nào lễ mặn của đền Hích cũng có lợn quay dâng lên và dưới hạ ban của đền Hích người ta đặt một đĩa gạo, muối, hai quả trứng sống, một miếng thịt sống chia làm năm để cúng hai ông Xà.
3.1.3.2. Phần hội
Lễ hội đền Hích cũng có nhiều trò chơi khác nhau bao gồm cả dân gian lẫn hiện đại, đa số các trò chơi đều có phần giống với các lễ hội khác trong khu vực như: Cờ tướng, kéo co hay những trò phi tiêu, bắn súng… mang phong cách hiện đại.
Tuy nhiên, do nằm trong khu vực có nhiều dân tộc sinh sống nên điều đặc biệt ở lễ hội đền Hích khác với lễ hội hang Dơi, lễ hội chùa Hang chính là trò chơi ném còn được tổ chức ở khoảng sân rộng phía bên trái đền Hích. Ném còn là một trò chơi dân gian phổ biến của các cộng đồng của các dân tộc thiểu số. Địa điểm tổ chức của trò chơi này thường là một bãi đất bằng phẳng, người ta dựng một cây mai cao từ 9 - 15 mét làm cột, trên đỉnh cột là một vòng tròn có đường kính khoảng 50 cm, dán giấy mỏng, một bên màu đỏ, một bên màu vàng tượng trưng cho âm dương. Ngay từ trước lễ hội, người ta đã chuẩn bị những quả còn với nhiều múi vải màu xanh đỏ, sặc sỡ được ghép nối với nhau. Bên trong quả còn, họ nhồi thóc, hạt vừng, hạt cải, hạt bông. Luật chơi của trò này cũng tương đối đơn giản. Người chơi được chia làm 2 đội là nam và nữ. Quả còn là vật dụng chính của trò chơi, sẽ được người chơi của 2 đội ném qua lại, làm sao lọt qua vòng tròn được dán dấy phía trên cao. Quả còn được ném qua lại lên trên cao mang ý nghĩa bỏ đi mọi việc buồn, ốm đau, không may mắn của năm cũ và đón sự ấm no, hạnh phúc về cho bản thân và gia đình. Đồng thời, trò chơi này còn thể hiện sức mạnh và trí tuệ của con người, cũng là ước mong chinh phục trời đất của người xưa.
Trước đây lễ hội đền Hích còn có trò chơi thi bơi tại dòng sông Cầu phía trước đền. Thế nhưng do cuộc thi diễn ra trên dòng sông lớn nên có rất nhiều nguy hiểm dễ xảy ra mà trò chơi này đến bây giờ đã không còn tồn tại nữa.
Ngoài những lễ hội lớn diễn ra, để giữ gìn những truyền thống văn hóa đạo pháp của tổ tiên, để truyền thừa công đức của chư vị tiền bối mà tại các nơi trên địa bàn huyện đã tổ chức nhiều đại lễ có ý nghĩa khác nhau như: đại lễ
Phật Đản, lễ Vu Lan báo hiếu, lễ đúc chuông, lễ cầu siêu cho các anh linh liệt sĩ đã quên mình để bảo vệ Tổ quốc,… Những đại lễ này diễn ra cũng bao gồm quy trình giống nhau như: lễ cúng chay, lễ cúng mặn, lễ chính.
Có thể thấy, lễ hội dân gian ở Đồng Hỷ luôn bao gồm hai phần là phần lễ và phần hội. Cũng như trên nhiều vùng của đất nước, phần hội của lễ hội Đồng