Lễ hội Kim Sơn Tự, Chùa Hang

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết và lễ hội dân gian ở đồng hỷ, thái nguyên (Trang 67 - 76)

B. NỘI DUNG

3.1.1. Lễ hội Kim Sơn Tự, Chùa Hang

Là một trong số những lễ hội được tổ chức trên địa bàn Thái Nguyên, lễ hội ở Chùa Hang, Đồng Hỷ với quy mô thay đổi khác nhau qua mỗi thời kì đã đem lại những nét văn hóa ngày càng đặc sắc, phong phú cho con người nơi đây. Không chỉ tổ chức trong khu vực chùa cổ, mà còn là khoảng sân rộng phía chùa mới đang được dựng xây và mở rộng. Ngày 27/6/2011 Chùa Hang đã được UBND tỉnh Thái Nguyên ra quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết công trình phục vụ lễ hội Chùa Hang, với tổng diện tích là 8,2 ha nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Để chuẩn bị cho ngày hội Chùa Hang, nhân dân cùng với tăng ni, phật tử phải chuẩn bị trước hàng tháng để lễ hội diễn ra trong ba ngày 18,19,20 tháng giêng âm lịch.

Ngay từ những ngày đầu của năm âm lịch, nhân dân các nơi đã đến lễ rất đông tại Chùa Hang. Hai khu vực chùa cổ và chùa mới trong thời gian đầu năm có nhiều du khách du xuân, cầu điều tốt lành. Ngoài nhân dân nơi đây còn có

khách thập phương ở mọi miền đến cũng lễ và còn có nhiều nghệ nhân hầu bóng đến biểu diễn tạo nên một không khí đầu xuân đông vui, nhộn nhịp nhưng cũng vừa trang nghiêm.

Để hiểu rõ hơn về lễ hội ở Chùa Hang, Đồng Hỷ, chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu phần lễ và phần hội chính tại nơi này.

3.1.1.1. Phần lễ với các nghi thức trang nghiêm

Lễ rước kiệu

Trong phần lễ, ở Chùa Hang có lễ rước kiệu diễn ra tùy theo mỗi năm vào ngày 18 hoặc 19 tháng giêng âm lịch. Để chuẩn bị cho lễ rước, ngay từ mấy hôm trước khi diễn ra nhân dân và tăng ni phật tử đã cùng nhau sắm lễ. Mọi đồ lễ đã được chuẩn bị xong nhưng riêng kiệu rước phải đến hôm 17 âm lịch mới mang về vì thế mà đến chiều 17 mọi đồ dành cho lễ rước mới được xếp lên kiệu.

Kiệu rước được trang trí cẩn thận, trạm trổ là hình rồng và có mái che. Lễ rước gổm 2 kiệu lớn nhỏ khác nhau. Kiệu lớn là kiệu long đình - kiệu rước đức phật có 2 tầng, một tầng là để thanh rước, một tầng là bàn đặt lễ, trên đó được đặt một tượng phật đang đứng. Phía trước tượng phật là một lễ nhỏ gồm bánh, hoa quả và bao phủ xung quanh là những lẵng hoa được cắm tinh tế tạo nên vẻ đẹp màu sắc cho kiệu rước. Kiệu nhỏ là kiệu bát cống - kiệu rước bát hương bản điện, trên đó đặt 1 bát hương lấy từ chân nhang bản điện của chùa. Phía trước bát hương cũng là một lễ nhỏ gồm hoa quả, bánh và lẵng hoa bao phủ phía trước.

Sang ngày 18 hoặc 19 âm lịch lễ rước được bắt đầu lúc bảy giờ sáng. Đoàn rước bao gồm những người khiêng kiệu, nhân dân và tăng ni phật tử, họ tập trung tại địa điểm lúc sáu giờ ba mươi để chuẩn bị cho mọi việc bắt đầu. Đoàn rước được chuẩn bị trang trọng bao gồm nghi trượng, lọng, dàn bát âm… Đi đầu đoàn rước là sư thầy trên tay cầm một khung trạm trổ hình rồng thu nhỏ có treo một vòng tròn tựa mặt gương bên trên. Ngay sau sư thầy đầu tiên là hai

sư thầy nữa đi song song nhau, một người cầm trên tay lẵng hoa và một người cầm trên tay khay trải khăn vàng trong đó đựng một lư hương nhỏ bằng đồng. Tiếp sau nối tiếp đoàn rước là những người cao tuổi, ăn mặc quần áo màu vàng, xanh đội khăn xếp, trên tay cầm thanh la. Các nam thanh niên mặc đồ lính để khiêng kiệu, cầm cây trượng và cầm lọng. Kiệu bát cống - kiệu rước bát hương bản điện đi trước sau đó mới là đến kiệu long đình - kiệu rước đức phật. Kiệu được khiêng bởi những đồng tử (không có chồng, không có con) và đi hai bên kiệu là nam thanh niên mặc đồ lính cầm lọng che. Sau đó mới đến đoàn những cô gái trẻ mặc áo dài trắng theo sau. Nối tiếp đoàn rước kiệu là xe ô tô con, bên trên có trống to. Trong xe có người nhà chùa kể lại truyền thuyết của chùa và lễ hội diễn ra hàng năm trong suốt quá trình rước kiệu. Tiếp nữa là đến các tăng ni phật tử đội lễ trên đầu, nhà sư, nhân dân tham gia đoàn rước theo sau. Tất cả nối theo nhau thành hàng tạo nên một màu sắc rất phong phú và đẹp mắt. Ngoài ra, ở lễ rước của hội Chùa Hang còn có sự tham gia của đội múa sư tử và đội múa lân đã góp phần tạo thêm không khí cho lễ hội mang đậm màu sắc của văn hóa truyền thống. Đoàn rước kiệu của lễ hội xuất phát đúng bảy giờ tại chùa cổ, đi vòng ra hướng ngoài cổng chùa qua đài tưởng niệm, đường tròn Chùa Hang theo con đường thẳng ra thành phố Thái Nguyên đến cống Bà Tành thì rẽ trái vào cổng chùa mới. Tại đây đoàn rước tiếp tục đi đến chỗ đặt tượng phật và đặt kiệu rước ngay trước chùa mới để chuẩn bị cho nghi thức tiếp theo là lễ khai hội Chùa Hang. Sự huy động đông đảo lực lượng tham gia lễ rước với những trang phục xưa đã tái hiện lại những giá trị truyền thống vốn có của người Việt, đồng thời vừa tạo không khí sôi nổi của một ngày hội đúng nghĩa.

Lễ khai hội

Sau khi lễ rước kiệu hoàn thành thì tiếp đến là lễ khai hội. Lễ khai hội được diễn ra ở khu vực chùa mới, phía bên trái chùa mới có một khoảng sân khấu rộng lớn được chuẩn bị mọi khánh tiết cẩn thận, phía trước sân khấu là hàng ghế đã được xếp sẵn sàng cho những người tham gia lễ khai hội. Với sự

tham dự của các đồng chí lãnh đạo cao nhất các cấp từ trung ương đến địa phương trong huyện, thành phố, tỉnh cùng các ban ngành và đoàn thể khác nhau khiến cho buổi lễ được tổ chức trọng thể hơn. Sau diễn văn khai mạc được đọc lên bởi sư trụ trì Thích Nguyên Thanh là đến phần dâng hương, dâng hoa, tiếp nhận sự chỉ đạo phát biểu của cấp trên…Tiếp đến là ba hồi trống được vang lên báo hiệu lễ hội được bắt đầu và mọi người cùng tham gia lễ hội. Sau ba hồi trống tiếp tục đội múa sư tử - múa lân trình diễn màn múa của mình nhằm thể hiện một năm thịnh vượng, an khang phúc lành với niềm vui trong hạnh phúc. Trong phần lễ khai mạc ngoài các nghi thức chính cần phải làm: dâng hương, dâng hoa, đánh trống thì cũng tại khu vực sân khấu diễn ra lễ khai hội cũng có ca nhạc hát mừng để góp thêm vào không khí vui tươi của ngày khai hội. Riêng trong lễ hội Chùa Hang ngoài lễ rước, lễ khai hội là chính thì còn có lễ vật cúng tế trong các cửa ban nhà chùa và để hiểu thêm về lễ cúng tế này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tiếp.

Lễ cúng tế

Lễ vật cúng tế tại lễ hội Chùa Hang cũng đã được nhắc đến ở hai phần lễ rước và lễ khai hội nhưng đấy chỉ là phần lễ được chuẩn bị đồ lễ cúng tế nhỏ cho phù hợp với việc rước kiệu và dâng hương khai hội còn phần lễ lớn lại khác. Ngay từ hôm 15 âm lịch (chính là rằm tháng giêng) các tăng ni phật tử, đệ tử tục gia của nhà chùa đã đến chùa đọc kinh vào sáng sớm và cũng tiến hành mọi khâu chuẩn bị cho lễ lớn. Lễ cúng tế ở Chùa Hang rất phong phú bào gồm cả lễ chay lẫn lễ mặn. Cũng xuất phát từ quan niệm tâm linh tồn tại lâu năm trong tiềm thức người Việt “trần sao âm vậy” mà người dân nơi đây đã chọn những sản vật gần gũi với chính cuộc sống thường ngày để cúng tế. Lễ mặn thường được bày các đồ: xôi, oản xôi, chè, thịt gà luộc (cả con) và thịt lợn luộc (theo miếng) ngoài ra còn có gạo sống, trứng, đôi khi còn có cả các loại bánh nếp (bánh do, bánh dày,…). Lễ chay cũng được chuẩn bị công phu không kém, thường là các đồ: hoa quả (táo, lê, chuối, trầu cau…), bánh kẹo

(tùy loại lớn nhỏ khác nhau), nước uống (bia, coca,…)… Lễ vật dành cho hội diễn ra thường là lễ chay được bày biện còn lễ mặn chỉ dùng để cúng xong xin lộc và hưởng lộc chùa. Ở Chùa Hang với bàn thờ chính điện cả chùa cổ và chùa mới đều được bày biện: mâm hoa quả (quả táo, quả cam, quả phật thủ…), bánh kẹo, chè, nước (nước lọc, bia, coca, rượu), lọ hoa, lẵng hoa… đầy đủ mọi thứ cho một lễ chay. Còn phía bên những tiểu ban hay hạ ban thì người ta bày biện đồ lễ nhỏ hơn nhưng cũng luôn đảm bảo đủ mọi thứ cần thiết.

Lễ rước kiệu, lễ khai hội, lễ cũng tế đều là những lễ lớn tại Chùa Hang vẫn diễn ra thường niên trong lễ hội chính. Tuy nhiên, tại đây bên cạnh những lễ diễn ra trong ngày lễ hội chính 18,19,20 tháng giêng âm lịch thì trong suốt một năm cũng có rất nhiều đại lễ diễn ra nhằm đắp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

3.1.1.2. Phần hội và những trò chơi độc đáo hấp dẫn

Trò diễn dân gian

Ở Chùa Hang, trò diễn dân gian có thể kể đến chính là múa rồng, múa sư tử diễn ra ngay trong lễ rước và sau lễ khai hội. Theo âm vang của tiếng trống nổi lên chính là những động tác mềm dẻo, đầy nghệ thuật của đội múa biểu diễn. Ở Chùa Hang, đội múa rồng và đội múa sư tử sẽ đi đầu trong lễ rước tức là cũng bắt đầu xuất phát tại chùa cổ đến khi vào chùa mới rồi lại tiếp tục trình diễn múa trên sân khấu và dưới khán đài sau khi lễ khai hội đã mở màn xong. Một đội múa sư tử có hai người, họ ăn mặc quần áo theo đúng màu với con sư tử mà họ múa. Người đứng đầu là người cầm đầu sư tử và người phía sau là người tượng trưng cho phần thân của sư tử. Múa sư tử có hai người một đội cho nên khi biểu diễn họ cũng linh hoạt và nhanh nhẹn hơn trong những động tác nhảy lên, nhảy xuống vì thế đây chính là đội múa tiếp xúc gần nhất với khán giả dưới khán đài. Tiếp đến là đội múa rồng, tuy chỉ có một đội nhưng múa rồng khó hơn rất nhiều vì một đội là bao gồm mười hai người chứ không phải đơn thuần là hai người như đội múa sư tử. Mười hai thanh niên trong đội múa,

họ ăn mặc cùng đồng bộ với nhau: quần áo màu vàng, thắt đai đỏ, trên đầu có buộc một dải lụa màu vàng. Khi tham gia biểu diễn họ cùng lên sân khấu, trên tay mỗi người cầm một cây gậy mà một đầu gậy gắn với con rồng. Khi nhịp trống vang lên thì họ cầm trên tay cây gậy và uốn lượn để con rồng trên cao cũng uốn lượn theo. Việc múa rồng đòi hỏi toàn đội phải tập trung nếu không chỉ cần không chú ý nghe theo nhịp trống lúc dồn thành hồi, lúc lại từng nhịp là sẽ uốn lệch, không khớp với hình rồng đang lượn trên không khiến màn biểu diễn mất đi nét đặc sắc. Ngoài ba đội múa thì còn có một người đeo mặt nạ hề, giả làm bụng to, ăn mặc quần áo màu sắc đi bên cạnh, trên tay hề cầm một cái quạt mo hoặc là đeo trống nhỏ rồi đánh. Trong thời gian biểu diễn, hề vừa là người gây cười nhưng cũng vừa là người đóng vài trò dẫn đường cho cả toàn đội khi diễn. Sau khi diễn riêng từng nơi như đội múa sư tử ở dưới khán đài, đội múa rồng trên khán đài thì cả ba đội đều tập trung trên khán đàn tiếp tục phần múa kết hợp của mình. Và cứ như thế màn biểu diễn diễn ra cho đến khi kết thúc, đội múa sư tử sẽ tạo hình kết phía trước với hình ảnh hai con sư tử đứng song song nhau và đội múa rồng sẽ tạo hình rồng đứng im phía sau.

Tại Chùa Hang còn có cả hát chèo, hát quan họ được trình diễn bởi những nghệ sĩ chuyên nghiệp, nổi tiếng của đoàn văn hóa nghệ thuật trung ương, địa phương. Sau khi tiết mục trước kết thúc thì cũng là lúc những khúc hát vang lên, trên khán đài xuất hiện liền anh, liền chị trong trang phục hát quan họ truyền thống. Liền anh mặc áo dài năm thân kèm theo là khăn xếp, quạt, khăn tay… Liền chị mặc áo “mớ ba mớ bảy” kèm theo là khăn mỏ quạ, nón quai thao… Họ hát những khúc hát xưa nhưng trong từng câu hát đó như làm sống lại một thời kì văn hóa dân tộc.

Trò chơi dân gian

Cùng với trò diễn dân gian thì trò chơi dân gian cũng góp thêm cho lễ hội không khí về truyền thống văn hóa. Ở Chùa Hang các trò chơi dân gian diễn ra khá sôi nổi và phong phú như thi bắt trạch, kéo co, thi bắt lợn, cờ tướng,

đập niêu… Các trò chơi này được diễn ra suốt trong thời gian lễ hội diễn ra (từ 18 đến 20 âm lịch).

Đầu tiên là trò bắt trạch, đây là trò chơi diễn ra ngay trên sân khấu. Đầu tiên người ta sẽ chọn khoảng ba người xung phong tham gia vào trò chơi, trên khán đài sẽ có sẵn ba dọ đựng trạch. Người chơi sẽ thò tay vào dọ và bắt trạch ra, ai là người bắt được trạch nhiều nhất trong thời gian quy định sẽ là người chiến thắng mà nhận được phần quà từ ban tổ chức. Phía dưới là sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả kết hợp phía trên là sự hào hứng của người chơi đã tạo nên một không khí sôi động, vui tươi cho một khoảng rộng nơi lễ hội diễn ra.

Ở một khoảng đất khác, những tiếng reo hò, cổ vũ của trò chơi kéo co cũng thu hút không ít sự quan tâm của khách thập phương. Theo như chương trình mà ban tổ chức đưa ra thì trò chơi này được phân theo sự kết hợp giữa thanh niên các tổ trên địa bàn nhưng đồng thời người tham gia lễ hội cũng có thể tham gia nếu muốn. Sẽ có hai đội tham gia thi đấu, mỗi đội khoảng mười người cùng nắm một sợi dây mà trên đó đã được buộc một dải lụa đỏ làm dấu. Khi tiếng tít còi vang lên cũng là lúc trò chơi bắt đầu và đội nào kéo được dải lụa đỏ về phía mình qua vạch thì đội đó là đội chiến thắng.

Những trò chơi thu hút sự chú ý của mọi người tại đây còn có thể kể đến là trò đập niêu. Tại một khu vực khác trong sân hội, người ta treo niêu đất trên những thanh ngang bằng gỗ. Mỗi một vị trí treo niêu trên không sẽ có một đường thẳng được kẻ bằng vôi chừng khoảng hai mươi bước chân từ vạch xuất phát. Khi trò chơi diễn ra, cùng một lúc sẽ có bốn người xuất phát, đầu tiên họ sẽ ướm thử bước chân mình đến điểm treo niêu rồi quay trở lại vị trí ban đầu. Khi đã sẵn sàng người tổ chức sẽ bịt mắt người chơi lại, trên tay người chơi sẽ cầm một cây gậy, họ sẽ bước đi theo bước chân mình đã ướm và sự chỉ dẫn của khán giả xung quanh. Với trò chơi này chỉ cần ai đập được niêu sẽ chiến thắng và nhận được thưởng chứ không hề phân ra nhất, nhì, ba để trao giải.

Cũng tạo thêm không khí cho lễ hội, ở một góc sân trò chơi bắt lợn cũng dành được sự quan tâm của du khách. Tại đây, cót sẽ được quây thành một vòng tròn, bên trong thả một con lợn con. Sẽ có một người tham gia chơi và đứng ở trong vòng tròn đó. Xung quanh phía ngoài vòng cót cũng sẽ là sự theo dõi, cổ vũ của khán giả.

Một trò chơi khác mang tính trí tuệ hơn được diễn ra tại nơi đây chính là chơi cờ tướng. Chơi cờ tướng ở đây không giống như ở một số lễ hội dùng người làm quân cờ, mặc áo quan và có người đánh… tại lễ hội này cờ tướng được chơi bằng những quân cờ thông thường làm bằng nhựa, gỗ. Người ta không phải chơi bắt đầu lại một ván cờ mà người chủ trò sẽ bày ra các thế cờ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết và lễ hội dân gian ở đồng hỷ, thái nguyên (Trang 67 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)