B. NỘI DUNG
2.2.3. Môtíp điển hình
* Mô típ về cái chết của nhân vật anh hùng
Các tác giả dân gian bởi có một tình cảm sâu sắc với các nhân vật lịch sử, nhân vật anh hùng, những người có công với đất nước nên họ thường có xu hướng để cho cái chết các nhân vật luôn là một cái chết vinh quang vì dân tộc.
Công chúa Huyền Tụng, các dân binh đã chiến đấu ác liệt, chặn địch bảo vệ nhân dân. Kết quả là nhân dân chạy lên Hang Chùa ẩn náu được an toàn. Công Chúa Huyền Tụng cùng nhiều dân binh bị giặc giết hại tại Bến ỏn, Sông Cầu. Cái chết của nàng công chúa đã thể hiện cho một cái chết vì nhân dân, vì đất nước.
Rồi Nông Văn Thản - một vị tướng tài của Dương Tự Minh cũng chết trong một lần ra sức vì nhân dân, vì đất nước.
Hay truyền thuyết Cao Sơn Quý Minh tên thật là Trương Hống, Trương Hát là hai anh em ruột. Hai vị này đã giúp nhà tiền Lý đánh giặc phương Bắc và lập nên nhà nước Vạn Xuân. Khi giặc xâm lược lần thứ hai vị anh hùng ấy đã hi sinh.
Tiếp theo là Đức Hùng Ông Hùng Dũng đại vương Thần trong một lần được cử đi đánh giặc thì ông bị thương và qua đời. Con gái ông tiếp tục trận chiến chứ quyết không đầu hàng và cũng đã hi sinh vì bảo vệ cuộc sống của những người dân đất Việt.
Đến truyền thuyết về ông Hoàng Bảy khi ông thống lĩnh lục thủy, đánh đuổi quân giặc về vùng Vân Nam, sau đó ông chiêu dụ các thổ hào địa phương đón người Dao, người Thổ, người Nùng lên khẩn điền lập ấp nhưng trong một trận chiến đấu không cân sức, ông đã bị thương và qua đời.
Chúa Bà hay còn gọi là Châu Đệ Nhị đã cùng với nhân dân đứng lên chống lại giặc đánh dọc theo dòng sông Cầu đên khi chúng bắt được bà dù dùng mọi hình thức tra tấn dã man nhưng cho đến khi chết bà vẫn không chịu đầu hàng.
Không chỉ các vị tướng đứng đầu mà những người lính cũng vậy, cái chết của họ cũng luôn gắn với truyền thống của anh hùng. Trong truyền thuyết xưa kể rằng vào trận đánh thời nhà Lý, các tướng lĩnh và binh lính thường lấy hang Linh Sơn làm nơi trú chân nhưng sau đó hàng trăm tướng lĩnh và binh lính đã tử trận dưới gươm đao quân Tống. Họ chiến đấu vì để bảo vệ đất nước.
Mỗi một vị anh hùng đều là những người có công với nhân dân, với lịch sử với dân tộc cho nên cái chết của họ cũng luôn gắn với truyền thống hi sinh của các vị anh hùng, đó là sự hi sinh vì đất nước, vì cộng đồng dân tộc trong quá trình bảo vệ Tổ quốc mảnh đất quê hương của mình.
* Mô típ tiên giáng trần
Hình ảnh của các nàng tiên thường gắn với chốn tiên cảnh, nơi vui vẻ hạnh phúc, thoát tục nhưng ở trong truyền thuyết nơi đây hình ảnh các nàng tiên lại gắn với những câu chuyện giáng trần để cùng sống cuộc sống chốn nhân gian, trải qua mọi hỉ, nộ, ái, ố… nơi trần thế. Phải chăng đó là cách mà dân gian đưa cuộc sống con người đến gần hơn với thế giới tâm linh mà họ tôn thờ.
Câu chuyện hang Leo kể về nàng tiên giáng trần là một minh chứng “Có bảy cô tiên xuống trần vọng cảnh, khi qua thôn Phú Bình, phủ Phú Bình, các cô nghe có tiếng khóc than của một chàng trai lam lũ, đang gặt trên cánh đồng thôn Hóa Thượng, bảy cô tới gần hỏi nguyên do…” [49] Bảy nàng tiên hạ phàm vì muốn ngắm cảnh đẹp, đó không phải là ước muốn cao siêu, xa vời mà chỉ là điều giản đơn giống với ước muốn của con người nơi trần thế thích ngao du sơn thủy.
Rồi chuyện tại chùa Hang “một vùng đất mênh mông bằng phẳng, cây cỏ xanh tươi, trước sau có các dòng sông hiền hòa uốn lượn bao quanh, cảnh vật tĩnh lặng như bức tranh sơn thủy, thơ mộng như chốn bồng lai. Ba ngọn núi
thạch sơn thường có các vị Tiên du ngoại, vãn cảnh, đánh cờ tắm mát tại giếng “Mắt Rồng” dưới chân núi nước trong như ngọc, vì thế nơi đây ngoài tên là “Kim Sơn Tự” còn mang tên là “Tiên lữ động” [49].
Hay ở trên đỉnh núi NaKhon “có những tảng đá lớn giống như bàn cờ, vào những đêm trăng thanh gió mát các tiên lữ thường xuống đây cùng nhau chơi cờ và uống rượu hát ca cho nên nhân dân quanh vùng gọi đây là “khu Bàn Cờ” [49].
Ở trong một truyền thuyết khác người ta cũng kể “Trước đây trên đỉnh núi hang Dơi có giếng ngọc, có bàn cờ khi các nàng tiên xuống đây tắm nhìn thấy ngọn núi chùa Hang phong cảnh hữu tình nên đã ghé qua đó” [49].
Cũng cùng mô típ này thì trong bản kể về Bạch Ngọc Thủy Tinh công chúa tại đền Hích “Bạch Ngọc Thủy Tinh công chúa vốn là một nàng tiên, trong một lần đi chơi cùng các chị khi sáu nàng tiên bay về trời thì nàng ở lại nhân gian giúp đỡ nhân dân dẹp giặc” [49].
Có thể thấy, thông qua mô típ tiên giáng trần dân gian đã thật tài tình rút ngắn khoảng cách giữa con người với thế giới tâm linh mà không làm giảm đi niềm tin của họ vào thế giới ấy. Các nàng tiên giáng trần nhưng đến lúc cũng phải đằng vân, họ để lại nơi trần thế những ánh hào quang muôn thủa không bao giờ phai nhòa.
* Mô típ hiển linh, âm phù
Trong quan niệm tâm linh của người Việt luôn có một thế giới tồn tại song hành với thế giới của chúng ta. Những lực lượng ở thế giới ấy có thể nhìn thấu mọi việc, giúp đỡ con người khi khó khăn hoạn nạn và con người luôn đặt niềm tin qua những lời cầu nguyện. Trong thần thoại, lực lượng đó là các vị thần khổng lồ có sức mạnh phi thường đã tạo ra vũ trụ, chế ngự thiên nhiên. Trong truyện cổ tích lại là ông bụt, bà tiên xuất hiện giúp đỡ con người khi bế tắc. Trong truyền thuyết lực lượng đó không cố định như thần thoại hay cổ tích
mà có sự linh hoạt để thể hiện tư tưởng của dân gian thông qua chính từ mô típ hiển linh, âm phù.
Hiển linh, âm phù là mô típ chiếm số lượng nhiều trong thể loại truyền thuyết. Giáo sư Kiều Thu Hoạch đã nhận xét đặc điểm của mô típ này là mô típ
“thường được biểu hiện dưới hình thức những phép thiêng, thuật lạ nhằm phát huy thêm tài năng, uy đức của nhân vật khi còn sống và cuối cùng là để thực hiện không ngoài những công việc ích nước, lợi dân, hoặc đánh giặc, hoặc chống hạn,…”[10].
Mô típ hiển linh, âm phù thường xuất hiện ở khúc đoạn cuối của truyền thuyết và được dàn dựng theo nhiều kịch bản khác nhau ở những câu chuyện khác nhau và truyền thuyết ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên cũng vậy.
Những nhân vật xuất hiện trong mô típ hiển linh, âm phù thường mang theo một sức mạnh có thể giúp con người vượt qua khó khăn. Chẳng hạn “Khi hàng trăm chiến thuyền của giặc kéo đến khúc sông thì bỗng nhiên mây đen vần vũ, nước sông sôi sùng sục, sóng lớn đánh vào mạn thuyền khiến quân giặc mất lái thuyền xô vào những vách đá rồi vỡ ra từng mảnh, phần lớn lính rơi xuống nước, số ngoi được lên bờ thì bị quân ta phục kích tiêu diệt khiến thế trận tan tác. Khi trời đất trở lại bình yên, có người thấy một thiếu nữ xiêm y trắng ẩn hiện rồi biến mất cùng khói sóng trên sông” [49]. Thiếu nữ hiện về đúng vào lúc quân giặc tấn công nhưng chính sự xuất hiện của người con gái ấy đã làm thay đổi thế cục. Hay trong truyện về hòn đá tướng quân mô típ hiển linh âm phù tuy không có sự hiển linh mà người ta có thể nhìn thấy nhưng con người nơi đây vẫn đặt niềm tin vào thế lực siêu nhiên đã giúp họ “Ở thác Hũ nước chảy xiết, hai bên là hai hòn đá tướng quân. Mỗi khi thuyền bè đi qua đây đều không qua được nhưng nếu trước khi đến khúc sông đó thắp nén nhang và cầu khấn để thuyền trôi tự nhiên thì sẽ vượt qua” [49]. Rồi tuy chỉ hiển linh qua giấc mơ nhưng câu chuyện về “người con gái họ Trần tại đền Hích mỗi khi dân trong làng có trộm cô gái được thờ thường báo mộng cho dân làng biết”
[49] đã một lần nữa chứng tỏ niềm tin của nhân dân vào thế lực siêu nhiên mà họ tôn thờ.
Như vậy, ta thấy truyền thuyết dân gian ở Đồng Hỷ nổi bật lên là ba mô típ cơ bản nhất. Và qua đó ta sẽ thấy được sự sáng tạo cũng như trí tưởng tượng của các tác giả dân gian trong việc làm nên truyền thuyết.