Thành phố Bắc Kạn là đô thị vùng cao, nằm sâu trong nội địa của vùng
Đông Bắc và có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của tỉnh Bắc Kạn. Thành phố Bắc Kạn cách thủ đô Hà Nội 166km về phía Đông Bắc, nằm ở vị
trí trung tâm của tỉnh Bắc Kạn, là nơi tập trung các cơ quan hành chính, kinh tế - xã hội, các sở, ban ngành tỉnh và hầu hết các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến… Do có những lợi thế đó, thành phố Bắc Kạn có sức hút, có khả năng giao thương, hội nhập trao đổi mọi mặt với bên ngoài, đồng thời tác động lan toảđến phát triển kinh tế - xã hội của các huyện trong tỉnh.
Về địa hình: Thành phố Bắc Kạn có địa hình thung lũng lòng chảo nằm ven theo 02 bờ sông Cầu xung quanh được bao bọc bởi những dãy núi có độ
cao trung bình từ 150m - 200m so với mực nước biển và có 03 dạng địa hình chính là: Địa hình núi đá vôi; địa hình đồi núi thấp; địa hình thung lũng.
Về khí hậu: Thành phố Bắc Kạn chịu ảnh hưởng chung của khí hậu miền núi phía Bắc Việt Nam. Được hình thành từ một nền nhiệt cao của đới chí tuyến và sự thay thế của các hoàn lưu lớn theo mùa, kết hợp với điều kiện địa hình nên mùa đông thường giá lạnh, nhiệt độ thấp, trời khô hanh, có sương muối (Bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau); mùa hè thường nóng ẩm, mưa nhiều (Bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9).
Về tài nguyên: Thành phố Bắc Kạn có diện tích đất tự nhiên là 13.699,98ha (Theo kết quả đất đai năm 2016), trong đó đất nông nghiệp có diện tích là 12.085,44ha chiếm 88,22%, đất phi nông nghiệp có diện tích là 1.510,20ha chiếm 11,02%, đất chưa sử dụng còn diện tích là 104,34ha, chiếm 0,76%. Hiện
tại trên địa bàn thành phố Bắc Kạn có 02 nguồn nước: Nước mặt và nước ngầm, chất lượng đều tốt có thể sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn. Tài nguyên rừng của thành phố vào loại trung bình, theo số liệu thống kê năm 2017, thành phố có 11.426,27ha, chiếm 78% diện tích tự nhiên, trong đó rừng sản xuất có 5.590,50ha, rừng phòng hộ có 2.835,77ha. Hàng năm diện tích rừng trồng mới đều đạt khoảng 150ha/năm. Những năm gần đây được sự hỗ trợ của các chương trình, dự án trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc nhân dân đã chú ý nhiều đến việc trồng rừng, trồng cây ăn quả dài ngày, do đó thảm thực vật rừng được khôi phục và ngày càng phát triển.
Về giá trị nhân văn: Lịch sử hình thành thành phố Bắc Kạn đã trải qua nhiều lần thay đổi cương vực và tên gọi. Đời Lê, Bắc Kạn là phủ thuộc tổng Nông Thượng, châu Bạch Thông, trấn Thái Nguyên, nay thuộc tỉnh Bắc Kạn,
đến năm 1900, thị xã Bắc Kạn được thành lập; Ngày 14/4/1967, Chính phủ ra Quyết định số 50/CP đổi thị xã Bắc Kạn thành thị trấn Bắc Kạn trực thuộc huyện Bạch Thông; Ngày 16/7/1990, Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định số 262/HĐBT, giải thể thị trấn Bắc Kạn, thuộc huyện Bạch Thông để thành lập thị xã Bắc Kạn thuộc tỉnh Bắc Thái. Thị xã Bắc Kạn được thành lập trên cơ sở các phố: Nà Mây, Đội Thân, Đức Xuân,
Đội Kỳ, Phùng Chí Kiên của thị trấn Bắc Kạn (trừ phố Minh Khai, chuyển về
xã Huyền Tụng) và các thôn bản: Phiêng Luông, Tống Tỏ, Khuối Rỏm, Nà Rào (phần phía nam Sông Cầu) của xã Dương Quang và Bản Ảng của xã Huyền Tụng, thuộc huyện Bạch Thông; Ngày 1/1/1997, tỉnh Bắc Kạn tái lập, thị xã Bắc Kạn trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Bắc Kạn với 4 phường (phường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Đức Xuân, phường Sông Cầu, phường Phùng Chí Kiên) và 4 xã (xã Xuất Hóa, xã Dương Quang, xã Huyền Tụng, xã Nông Thượng). Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số
892/NQ-UBTVQH13 ngày 11/3/2015 về việc thành lập các phường Xuất Hóa, Huyền Tụng thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn.