Biến đổi về nghệ thuật xây dựng và miêu tả tâm lý nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) từ thức lấy vợ tiên trong truyện cổ tích, truyện truyền kỳ và truyện thơ nôm (Trang 98 - 105)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.2. Biến đổi về nghệ thuật xây dựng và miêu tả tâm lý nhân vật

Trong tác phẩm nghệ thuật, dù ở thể loại nào truyện, thơ, kịch… nhân vật đều được đánh giá là một tín hiệu nghệ thuật quan trọng. Để thấy được sự biến đổi trong nghệ thuật xây dựng nhân vật mà đặc biệt là nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật, ta cần xét đến điểm nhìn trần thuật trong hai tác phẩm. Khi vận dụng lý thuyết điểm nhìn trong tự sự học để nghiên cứu truyện truyền kỳ Từ Thức lấy

vợ tiên của Nguyễn Dữ và truyện thơ Nôm khuyết danh Từ Thức tân truyện ta

nhận thấy truyện truyền kỳ có điểm nhìn bên ngoài còn truyện thơ Nôm vừa có điểm nhìn bên ngoài, vừa có điểm nhìn bên trong. Tác giả truyện thơ Nôm này khác với tác giả truyện cổ tích, truyện truyền kỳ là không chỉ miêu tả con người bên ngoài mà còn miêu tả con người bên trong, miêu tả diễn biến tâm lý, nội tâm nhân vật, phát triển ngôn ngữ đối thoại và nhất là ngôn ngữ độc thoại ở nhân vật truyện thơ Nôm Từ Thức tân truyện. Vì vậy, ở truyện thơ Nôm này so với truyện cổ tích Sự tích động Từ Thức và truyện truyền kỳ Từ Thức lấy vợ tiên, nhân vật

là nhân vật cảm nghĩ, nói năng có nhu cầu tự biểu hiện và được nói nhiều hơn nhân vật cổ tích và nhân vật truyện truyền kỳ.

Truyện Từ Thức lấy vợ tiên cũng giống như truyện cổ tích Sự tích động

Từ Thức, tác giả không chú trọng việc miêu tả ngoại hình nhân vật. Chàng Từ

Thức về cơ bản vẫn kế thừa tính chất của nhân vật lý tưởng hoá, tính cách nhân vật chủ yếu thông qua cử chỉ, ngôn ngữ. Vì vậy, tuy người đọc không dễ quên một chàng Từ Thức hiền đức sẵn sàng cởi bỏ áo gấm để chuộc lỗi cho một cô gái không quen biết. Song, điều làm nên sự thành công về phương diện nghệ thuật ở tác phẩm này chính là nghệ thuật khắc hoạ, miêu tả tâm lý nhân vật. Khi so sánh với truyện cổ tích Sự tích động Từ Thức ta dễ dàng nhận thấy nhân vật Từ Thức trong truyện Từ Thức lấy vợ tiên đã được tác giả Nguyễn Dữ chú trọng trong việc khắc hoạ và miêu tả thế giới nội tâm bằng lối hành văn hướng nội, đặc biệt bằng sự kết hợp rất tự nhiên giữa văn xuôi và những bài thơ chữ Hán, những bài thơ thể hiện trực tiếp nỗi lòng, tâm trạng nhân vật Từ Thức trong những không gian, hoàn cảnh, thời gian khác nhau. Điều đó đã góp phần thể hiện sâu sắc và rõ nét hơn thế giới nội tâm của nhân vật mà trong truyện cổ tích

Sự tích động Từ Thức không có. Đặc biệt, việc dùng thơ đan xen trong tác phẩm

tự sự không chỉ kí thác hoài bão, tâm sự của tác giả trước thời cuộc mà còn giúp cho việc thể hiện tinh tế hơn những uẩn khúc trong lòng người.

Biểu hiện rõ nét sự xuất sắc của ngòi bút miêu tả tâm lý, miêu tả đời sống nội tâm nhân vật Từ Thức trong truyện Từ Thức lấy vợ tiên của Nguyễn Dữ bắt đầu từ khi chàng Từ Thức lạc vào cõi tiên, lấy vợ tiên, sống cuộc sống sung sướng nơi tiên giới nhưng lòng trần vẫn không nguôi ngoai nỗi nhớ cha mẹ, nhớ quê hương, rồi chàng quyết định từ biệt cõi tiên trở về cõi trần, nhưng éo le thay, về đến trần gian, chàng lại trở thành lạc lõng, cô đơn chính nơi mình từng sinh ra và lớn lên. Đời sống nội tâm của Từ Thức thực sự biến đổi dữ dội theo một trật tự logic của tâm lý con người, theo thời gian. Từ nét tâm lý ngỡ ngàng trước cảnh đẹp nơi chốn thần tiên, đến nét tâm lý hạnh phúc vô cùng khi được kết hôn với nàng tiên Giáng Hương xinh đẹp, hiền thục và được sống cuộc sống không

phải lo toan về vật chất, không phải bận tâm đến lẽ sinh tử của tạo hoá, đúng là chàng Từ Thức đã có một cuộc sống vô cùng viên mãn, lý tưởng ở chốn thần tiên. Thế nhưng, sau một năm sống cuộc sống viên mãn chốn thần tiên, những háo hức, vui vẻ của những buổi ban đầu dần phai nhạt, thay vào đó là nét tâm trạng sầu nhớ quê hương “lòng quê bịn rịn”, “ lệ hoa thánh thót, lòng cỏ héo hon”. Tâm trạng nhớ cha mẹ, quê hương theo bản năng trỗi dậy ở chàng Từ Thức, đó là nét tâm trạng phù hợp với quy luật tình cảm của con người đã được Nguyễn Dữ thể hiện khá sâu sắc. Đặc biệt hơn nữa là nét tâm trạng đầy bế tắc, ngán ngẩm của chàng Từ Thức trong lần trở về trần gian, trạng thái lạc lõng, bơ vơ ở chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình của chàng cũng là nét tâm trạng hoàn toàn phù hợp với lẽ tự nhiên trong dòng tâm trạng nhân vật. Nét tâm trạng của chàng Từ Thức trong truyện Từ Thức lấy vợ tiên của Nguyễn Dữ đã bao quát cho cả thời đại của chàng. Bằng ngòi bút miêu tả tâm lý nhân vật rất đặc sắc và tài tình của mình, tác giả không chỉ khắc hoạ thành công thế giới nội tâm của nhân vật mà còn khiến cho nhân vật có những tình cảm, khát vọng hạnh phúc đời thường của con người, làm cho nhân vật càng trở nên gần gũi và chân thật hơn với con người thực ngoài đời. Sự thành công nhất định của nghệ thuật miêu tả tâm lý, khắc hoạ đời sống nội tâm của nhân vật Từ Thức trong truyện Từ

Thức lấy vợ tiên của tác giả Nguyễn Dữ so với truyện cổ tích Sự tích động Từ

Thức đã góp phần khẳng định sự thành công trên con đường cách tân, sáng tạo về phương diện nghệ thuật của tác giả trong nền văn học dân tộc.

Ở truyện thơ Nôm khuyết danh Từ Thức tân truyện, tác giả cũng không chú trọng vào việc miêu tả ngoại hình nhân vật, mà chỉ dừng lại ở dạng tín hiệu chưa đạt tới trình độ nghệ thuật cao. Nàng Giáng Hương đã được tác giả sử dụng nghệ thuật ước lệ, tượng trưng khi miêu tả ngoại hình, giọt nước mắt (lệ ngọc), khuôn mặt (hoa, trăng), lông mày (mây Tần)...

Nữ đằng vấn vít chồi mai, Mắt ngừng lệ ngọc, má thôi thúc đào.

Hoa buồn, lệ ủ trăm chiều,

Cành lê như khuất bóng lầu,

Mây lần lệch mái, trăng thâu chênh vành.

Nhân vật trong truyện thơ Nôm Từ Thức tân truyện là loại nhân vật hành động: “Nhân vật truyện thơ Nôm bình dân được thể hiện chủ yếu thông qua hành động, qua sự việc, qua đối thoại, chứ không phải qua miêu tả ngoại hình

hay miêu tả nội tâm, phân tích tâm lý” [25, tr.199]. Thông qua miêu tả hành

động của chàng Từ Thức, tác giả truyện thơ Nôm này đã hoàn thiện tính cách, tâm lý và số phận nhân vật. Với hành động dứt khoát cởi áo gấm trắng chuộc lỗi cho cô gái mắc nạn đã thể hiện nghĩa khí của một đấng nam nhi.

Khách xin làm lễ tạ vay,

Cởi trao cẩm bạch, đổi thay xuyến vàng.

Hay hành động dứt khoát từ quan, không vì được năm đấu gạo mà phải luồn cúi, quyết trả ấn tín và bằng sắc, chọn lối sống theo thú ẩn dật là hơn ta lại thấy được phẩm chất tốt đẹp của một nhà nho trọng nghĩa khinh lợi:

Vẻ chi năm đấu gạo vàng, Uốn lưng co gối cho càng tổn hơi.

Hoạn đồ càng rậm chông gai,

Quận Bành Trạch, quyết cởi đai Đào Tiềm. Giàu sang gác để một bên,

Ấn treo thiên khuyết, sắc niêm huyện tào. Tính tình di dưỡng là cao,

Thà ra tịch cảnh hơn vào quyền môn. Gánh vũ trụ, túi càn khôn,

Tháng ngày phong nguyệt, nước non yên hà.

Đặc biệt, trong truyện thơ Nôm Từ Thức tân truyện phát ngôn của nhân vật rất được chú trọng. Ngôn ngữ nhân vật đã được tác giả truyện thơ Nôm này bộc lộ qua hai dạng là đối thoại và độc thoại. Trong 608 câu thơ lục bát, có tới 181 câu thơ là lời đối thoại. Trong đó có 22 câu thơ là lời đối thoại giữa Từ Thức và chú tiểu; 72 câu thơ là lời đối thoại giữa Từ Thức và Giáng Hương; 60 câu thơ là lời đối thoại giữa Kim Tiên và Từ Thức; 26 câu thơ là lời đối thoại

giữa Kim Tiên và Giáng Hương. Tuy ngôn ngữ độc thoại có ít hơn, chỉ có 44 câu thơ lục bát là lời độc thoại của chàng Từ Thức, nàng Giáng Hương nhưng cũng đủ để khẳng định nhân vật trong tác phẩm truyện thơ Nôm Từ Thức tân

truyện đã có nhu cầu tự thân bộc lộ tâm trạng hơn hẳn khi so sánh với truyện cổ

tích Sự tích động Từ Thức và truyện truyền kỳ Từ Thức lấy vợ tiên của Nguyễn Dữ. Ngôn ngữ nhân vật trong truyện thơ Nôm nói chung, truyện thơ Nôm Từ

Thức tân truyện nói riêng đã góp phần phản ánh trình độ nghệ thuật và khả năng

sáng tạo của tác giả truyện thơ Nôm. Ngôn ngữ nhân vật chính là phương tiện để bộc lộ tính cách nhân vật. Thông qua ngôn ngữ đối thoại, độc thoại của nhân vật trong truyện thơ Nôm Từ Thức tân truyện, tác giả truyện thơ Nôm này đã tạo nên diện mạo và hoàn thành tính cách, số phận của nhân vật Từ Thức, đây là điểm sáng tạo hơn hẳn của truyện thơ Nôm Từ Thức tân truyện.

Từ lần đầu gặp gỡ để rồi tương tư, sau bao tháng ngày xa cách nay được gặp lại, nàng Giáng Hương lại mang dáng vẻ e thẹn, nữ tính và một tâm trạng mừng vui khôn tả:

Dường như khép nép rụt rè, Mai e tuyết sớm, liễu e gió chiều.

Phù dung chúm chím nhị điều, Điểm trang chẳng lọ là nhiều mới xuân.

Không chỉ khẳng định bước tiến mới trong nghệ thuật miêu tả hành động, ngôn ngữ, ở truyện thơ Nôm Từ Thức tân truyện người đọc còn nhận thấy sự thành công bước đầu của thể loại truyện thơ Nôm bình dân nói chung ở phương diện quan tâm đến việc khám phá con người bên trong của nhân vật thông qua miêu tả diễn biến nội tâm, đặc biệt ở hình thức tự sự - trữ tình. Những biểu hiện trong suy nghĩ của chàng Từ Thức và nàng Giáng Hương đã được tác giả truyện thơ Nôm này khai thác từ những biểu hiện nhỏ nhất. Đó là tâm trạng vui mừng hạnh phúc của nàng Giáng Hương khi được kết hôn với chàng Từ Thức, người mà nàng đã tương tư ngay sau lần gặp gỡ đầy ân huệ đầu tiên:

Đấy đây từ bén duyên lành, Khát khao bõ lúc Phật đình thẳng qua.

Đầu xanh vẹn ước tuổi già, Cháu con chung vũ, của nhà đào yên.

Lan vàng hai chữ sương siu, Tơ xe bạch phát, gấm thêu đan tình.

Nhưng sau một năm chung sống hạnh phúc bên người vợ tiên xinh đẹp, hiền thục, Từ Thức đã rơi vào bi kịch của sự giằng xé tâm can giữa một bên là tình nghĩa phu thê với một bên là hiếu nghĩa với mẹ cha và nỗi nhớ quê nhà da diết, buộc Từ Thức phải đau khổ vô cùng khi nói lời từ biệt :

Dù ta giáo giở phụ nghì,

Đôi vừng nhật nguyệt xin thì xét minh.

Khiến nàng Giáng Hương rơi vào trạng thái khổ đau khôn cùng bởi đây là lần chia xa không bao giờ trở lại. Bởi vậy những câu lục bát tái hiện tiếng khóc của người vợ phải xa chồng, một cuộc chia ly không có ngày tái ngộ nghe thật đau đớn và xót xa:

Nàng nghe lăn khóc vật mình: Than ôi! Ai nỡ dứt tình mấy ôi!

Từ đây kẻ ngược người xuôi, Chia hai mái tóc, chia hai tấm lòng.

Từ đây thẹn phấn tủi hồng, Lẻ loi chân thuý, lạnh lùng gối loan.

Đúng là sự giằng xé trong nỗi lòng kẻ ở, người đi đến truyện thơ Nôm đã được miêu tả tinh tế hơn nhiều so với thể truyền kỳ. Hơn ai hết Giáng Hương rất cảm thông với nỗi nhớ gia đình, nhớ quê của chồng và hơn ai hết nàng cũng thấu hiểu cõi trần và cõi tiên là hai thế giới vốn khác biệt. Đây sẽ là cuộc chia ly biết trước nguy cơ tan vỡ nhiều hơn là tái hợp. Vì vậy trong cuộc chia tay này Giáng Hương hiện lên là một người vợ rất hiểu và cảm thông cho chồng nhưng trong mỗi lời từ biệt của nàng chứa đựng bao tiếng lòng uất nghẹn:

Chàng về sao thiếp dám can, Cẩm bào một bức, hoa hàn một phong.

Tiễn đưa cửa thiếp tạ lòng, Biết bao giờ lại tính cùng duyên Ngâu.

Nói thôi như giục cơn sầu,

Khăn bào lệ giọt nhuốm thâu đầm đìa. Dặm trường đôi ngả mây chia, Hoa ngăn động khẩu, nước về nhân gian.

Tác giả truyện thơ Nôm Từ Thức tân truyện đã có bước tiến rõ ràng hơn trong nghệ thuật xây dựng nhân vật so với tác giả truyện cổ tích Sự tích động Từ

Thức và truyện truyền kỳ Từ Thức lấy vợ tiên. Nhân vật Từ Thức và Giáng

Hương trong truyện thơ Nôm Từ Thức tân truyện đã được tác giả chú trọng miêu tả thế giới nội tâm, thế giới mang chiều sâu nhân bản của con người. Có thể nói, bằng hình thức ngôn ngữ nửa trực tiếp, tác giả truyện thơ Nôm đã khắc họa nhân vật Từ Thức và Giáng Hương với đời sống nội tâm thật sâu sắc. Nỗi buồn ly biệt của đôi vợ chồng người trần – tiên đảo đã được khoả lấp bằng niềm hạnh phúc vô bờ khi kết thúc truyện thơ Nôm Từ Thức tân truyện là cảnh hội ngộ của hai vợ chồng Từ Thức và Giáng Hương ở chốn thần tiên. Sau những cách trở về không gian, thời gian nay được đoàn tụ trong niềm vui mừng khôn xiết, tâm trạng nàng Giáng Hương lại mang dáng vẻ và tâm trạng e ấp, nữ tính của thuở ban đầu khi gặp lại Từ Thức.

Đúng là đời sống nội tâm của nhân vật từ truyện cổ tích Sự tích động Từ

Thức đến truyện truyền kỳ Từ Thức lấy vợ tiên đến truyện thơ Nôm Từ Thức tân

truyện đã có sự thay đổi. Càng về sau các tác giả truyền kỳ và truyện thơ Nôm

càng chú trọng hơn trong việc miêu tả đời sống nội tâm nhân vật trong việc góp phần hoàn thiện tính cách, số phận nhân vật. Đặc biệt ở truyện thơ Nôm, sự xuất hiện của loại ngôn ngữ nhân vật nửa trực tiếp đã diễn tả sâu sắc, rõ nét hơn những diễn biến trạng thái tâm lý nhân vật, phù hợp với tâm lý thông thường trong đời sống tình cảm của con người. Chính điều này đã khẳng định bước tiến

đáng kể về nghệ thuật xây dựng nhân vật ở truyện thơ Nôm Từ Thức tân truyện

nói riêng vàthể loại truyện thơ Nôm nói chung.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) từ thức lấy vợ tiên trong truyện cổ tích, truyện truyền kỳ và truyện thơ nôm (Trang 98 - 105)