7. Cấu trúc của luận văn
2.1.2. Những biến đổi tương quan tam giáo từ truyện cổ tích, đến truyện truyền
truyền kỳ và truyện thơ Nôm
Bàn về những biến đổi trong tương quan tam giáo từ truyện cổ tích Sự
tích động Từ Thức, truyện truyền kỳ Từ Thức lấy vợ tiên và truyện thơ Nôm Từ
Thức tân truyện không phải chỉ gói gọn trong vài ba dòng chữ, bởi đây là vấn đề
khá rộng, hơn thế ranh giới giữa các luồng tư tưởng cũng rất mong manh. Tuy nhiên, người viết xin căn cứ vào mức độ ảnh hưởng đậm nhạt khác nhau của các luồng tư tưởng ấy đối với từng tác giả để chỉ ra sự biến đổi trong tương quan tam giáo ở ba tác phẩm này.
Tác giả dân gian trong truyện cổ tích Sự tích động Từ Thức và Nguyễn Dữ trong truyện truyền kỳ Từ Thức lấy vợ tiên chịu ảnh hưởng của Nho giáo nhiều hơn tác giả truyện thơ Nôm Từ Thức tân truyện. Chính sự ảnh hưởng đó đã chi phối hướng giải thoát cuộc đời nhân vật, việc xây dựng kết cấu truyện và khắc hoạ hình tượng nhân vật.
Không thể khép mình trong lối ứng xử mực thước của Nho gia nên ý tưởng phê phán những cái phi Nho đã thể hiện khá rõ trong nhiều sáng tác của Nguyễn Dữ. Chán ghét con đường công danh, khoa bảng, tìm cách giải toả sinh lực của những kẻ hào hoa bằng những câu chuyện tình yêu tự do, lãng mạn hay ma quái ly kỳ vượt ra ngoài khuôn thước của lễ giáo phong kiến. Tâm hồn phóng khoáng của Nguyễn Dữ đã kịp đón nhận luồng gió của tư tưởng nhân văn thời đại đang thổi tới để nhân danh tiếng nói về quyền con người đi tìm một lối
thoát cho hạnh phúc. Mượn hình ảnh chàng Từ Thức đi tìm hạnh phúc cho mình nơi tiên giới mang đậm màu sắc Đạo giáo, Nguyễn Dữ như muốn thử nghiệm về một lối thoát của nhân sinh. Nhân vật Từ Thức và Giáng Hương trong truyện Từ
Thức lấy vợ tiên của Nguyễn Dữ cũng có khát vọng về hạnh phúc. Nhưng hạnh
phúc của Từ Thức dẫu có đạt được cũng phải trải qua biết bao khó khăn, thử thách, đến khi tìm thấy hạnh phúc cho riêng mình thì Từ Thức lại rơi vào nỗi buồn nhớ quê hương, khi quyết trở lại trần gian lại rơi vào bi kịch cô đơn trên chính quê hương mình, muốn quay trở lại động tiên thì động tiên cũng khép kín. Hình ảnh cuối cùng của Từ Thức là “mặc áo cừu nhẹ, đội nón lá ngắn đi vào
Hoành Sơn rồi sau không biết đi đâu mất”. Như vậy kết thúc câu chuyện với
việc trở về điểm xuất phát ban đầu của nhân vật. Đúng là cách phủ nhận thế tục của Nguyễn Dữ là chưa triệt để, tác giả cũng đã đề xuất một lối thoát cho nhân vật, nhưng cuối cùng vẫn dẫn đến ngõ cụt nhuốm màu bi kịch, thể hiện sự loay hoay trong bế tắc của ông khi không giải quyết trọn vẹn câu trả lời về bi kịch của đời người. Hay phải chăng bằng cách nhìn đa chiều của một trí thức bậc cao như Nguyễn Dữ đã khiến ông không thể đưa ra một cái kết ảo tưởng về hạnh phúc trọn vẹn cho nhân vật của mình. Bởi trên thực tế, bi kịch của người trí thức là không dễ dàng giải quyết, họ có thể chọn cách học đạo, tu tiên, lánh mình vào tiên giới như cách Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Huy Hổ,... rũ bỏ việc đời nhưng thực tế thì chưa thấy ai ngoảnh mặt làm ngơ trước thói đời. Nguyễn Dữ cũng vậy, ông mang tư tưởng của một nhà nho - ẩn sĩ, thân nhàn mà tâm không nhàn, luôn chịu sự chi phối của hệ tư tưởng Nho giáo nên việc tìm ra một lối thoát trọn vẹn cho nhân vật là khó có thể thực hiện được. Vừa là lý do hoàn cảnh khách quan vừa là lý do chủ quan và Nguyễn Dữ là người hiểu sâu sắc hơn ai hết những bế tắc của giai cấp mình.
Lánh đục tìm trong để an dưỡng tâm hồn trong sạch đó là một biểu hiện của tư tưởng Đạo giáo đã ăn sâu vào tiềm thức của bộ phận nhà nho yếm thế. Những nhà nho chán ghét thực tại thường tìm cách quay lưng lại với thực tại đương thời bằng hình thức ở ẩn hay tu tiên. Chàng Từ Thức trong cả ba tác
phẩm truyện cổ tích, truyện truyền kỳ và truyện thơ Nôm đều cởi bỏ ấn tín, từ quan để đến với sống cuộc sống tự do chốn thâm sơn cùng cốc, cùng tìm thấy hạnh phúc cho mình ở thế giới thần tiên, nhưng niềm hạnh phúc ấy không phải là vĩnh viễn, nỗi nhớ quê hương đã xui khiến chàng quyết định rời bỏ cõi tiên trở về cõi trần. Khi đó chàng lại rơi vào bi kịch trở thành người khách lạ ngay trên chính quê hương mình, chàng hối hận muốn tìm đường lên tiên nhưng động tiên đã khép lại, điều này cho thấy giấc mơ hạnh phúc lâu dài của một người trần gian là rất khó khăn.
Tuy nhiên, sang thế kỷ XIX, khi truyện thơ Nôm đã khẳng định được vị thế trên văn đàn văn học trung đại, diễn Nôm lại truyện Từ Thức lấy vợ tiên, truyện thơ Nôm Từ Thức tân truyện đã mở ra một hướng khác. Từ Thức khi trở về trần gian không gặp lại người thân được nữa vì đã gần trăm năm trôi qua, mọi sự đã đổi thay. Chàng tự trách mình khi ngộ ra sự hữu hạn của đời người nơi trần thế, chàng nhận ra bi kịch của của chính mình: chữ hiếu với cha mẹ không trọn vẹn, chữ tình thì dở dang
Chốn hoang tịch bước vào thăm, Ngùi ngùi thấy cảnh, đăm đăm theo phiền.
Cháu xa mấy lớp tầng huyền, Đã khơi đốt sắn, khôn nhìn dây dưa.
Bụi cây, dấy cũ nên bờ,
Mắt tin cuộc đổi, lòng ngờ giấc say. Nguồn cơn biết ngỏ ai hay,
Giận cơ tang hải, trách ngày thiếu niên …
Bởi ta niềm tục hãy còn đa mang. Bây giờ trót đã dở dang,
Duyên xưa nỡ để quải quàng cả hai Tiên trần diệu vợi đôi nơi,
Hải môn song nước khơi chừng, Chân mây mặt đất biết rằng hỏi ai.
Kiếp này lỗi hẹn thời thôi, Lưu lang dễ tới Thiên Thai mấy lần.
Giận duyên nghĩ ngợi tần ngần, Xa xôi bao lại được gần cận nhau.
Đường mai tuyết nhặt mưa mau,
Mối riêng những chạnh, mạch sầu khôn trao. Biết phương nào, biết chốn nào,
Có chăng còn một chiêm bao thấy nàng.
Vì vậy, để sống nốt quãng đời còn lại của mình Từ Thức đã tìm đến Hoàng Sơn – một thắng cảnh ở huyện Nông Cống, Thanh Hoá dựng lều cỏ sống ẩn mình, tháng ngày vui với muôn thú, ngàn hoa, bầu rượu túi thơ, tránh xa danh lợi:
Một bầu sơn thuỷ cheo leo, Trời đành lập để trao theo cho chàng.
Tiện nghi xem được sẵn sàng, Vắng bên danh lợi, xa đường oán tranh.
..…
Đìu hiu lều cỏ vài gian,
Xuân hoa tươi đậm, thu sương thâu màn. Thừa hư thông hát suối đàn,
Văn chương đại khối, thanh nhàn hoá công.
Lại nói đến nàng Giáng Hương, kể từ khi chia biệt với chồng, không giờ phút nào nỗi lòng nàng nguôi nhớ nhung. Nỗi nhớ thương vương vấn luôn thường trực cả trong tiềm thức lẫn vô thức: “Giấc hoa thường lẩn quất niềm
Hoàng Sơn”. Mặc dù tiên – trần cách biệt nhưng nàng vẫn dõi theo cuộc sống
dưới hạ giới của chồng, nàng còn biết được Từ Thức đã: “Vui lòng tuyền thạch,
lánh thân thị thành”. Nàng thấy thương chồng lẻ bóng một mình ở cõi trần gian,
Tiên về sự tình của Từ Thức và nỗi lòng nhớ nhung của mình, mong vợ chồng được tái hợp:
Thiếp nay bèo bọt phận hèn,
Phước dư may được sánh chen cửa rồng. Tấc mây để bận hương trong, Pha phôi tuổi hạc, thẹn thùng bóng loan.
Những ngờ vẹn nghĩa keo sơn, Đương vui bỗng đứt dây đàn biết sao.
Khách thơ tình phụ má đào, Ngẫm nhân duyên ấy lẽ nào còn nên.
Song từ cách trở mấy phen, Lòng Từ lang hẳn chưa quên chốn này.
Cùng tôi trong lúc chia tay, Quê chàng nghe đã nước mây đổi đời.
Sa cơ sẩy bước nhỡ vời,
Bể xuân chi nỡ hẹp hòi chẳng thương. Dám xin thấu hết đoạn trường, Đổi duyên ngâu kẻo lỡ đường bơ vơ.
Kim Tiên sau khi nghe những lời phân trần của Giáng Hương đã động lòng thương:
Thương nàng bồ liễu ngây thơ,
Mà chàng chếch bóng ngẩn ngơ cõi trần.
Nên đã cho sắm sửa xe mây đi đón Từ Thức từ cõi trần lên tiên đoàn tụ cùng Giáng Hương. Việc tác giả truyện thơ Nôm sáng tạo thêm một kết thúc truyện như vậy đã chuyển tải đến bạn đọc khá nhiều thông điệp: vì những lẽ khác nhau mà thần tiên – trần thế vẫn giao kết, việc chàng Từ Thức đi đường mây lên tiên để tái hợp cùng Giáng Hương sống cuộc sống hạnh phúc ở cõi tiên là minh chứng về một cõi đáng sống để ước mơ. Chọn cách kết thúc có hậu này tác giả truyện thơ Nôm rõ ràng đã phủ nhận thực tế một cách triệt để. Có lẽ đối
với tác giả truyện thơ Nôm, ảnh hưởng của Đạo giáo đã chi phối khá sâu sắc cách giải quyết lối thoát của nhân vật trước những khó khăn do đời sống đưa lại. Bởi vậy kết thúc truyện thơ Nôm Từ Thức tân truyện là cảnh đoàn tụ, hạnh phúc của vợ chồng Từ Thức ở tiên giới. Phải chăng tác giả truyện thơ Nôm muốn gửi gắm tới bạn đọc lời nhắn nhủ rằng sự giải thoát của con người trong cõi đời chỉ thực sự trọn vẹn khi họ không còn vướng bận chuyện đời, nếu họ vẫn còn vướng bận chuyện đời thì vẫn là rước thêm phiền lụy, bực bội và cô đơn mà thôi. Chính những ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Đạo giáo đã khiến tác giả truyện thơ Nôm này chọn lối kết thúc có hậu. Cái nhìn của tác giả truyện thơ Nôm dường như có phần ảo tưởng hơn, tác giả chưa thấy được những mâu thuẫn đa chiều, phức tạp không dễ giải quyết của đời sống trong xã hội đương thời.
Thoát ly khỏi xã hội thực để vào cõi tiên mộng là một xu hướng của các nhà nho, nhất là ở giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX. Ta có thể thấy xu hướng này cũng được thể hiện trong Bích Câu kỳ ngộ ký của Đặng Trần Côn, hay Mai Đình mộng ký của Nguyễn Huy Hổ. Trong Bích Câu kỳ ngộ ký
của Đặng Trần Côn, viết về câu chuyện tình yêu của chàng Tú Uyên và nàng Giáng Kiều, tác giả cũng cho ta thấy họ là cặp đôi có mối duyên tiền định nên ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên, chàng Tú Uyên đã không thôi nhớ nhung, tương tư và khát vọng mãnh liệt về hạnh phúc trọn vẹn. Thế nhưng hạnh phúc của con người trần thế dẫu có đạt được cũng phải trải qua bao khó khăn, thử thách. Khi đã có được hạnh phúc, Tú Uyên đã phạm phải những sai lầm khiến nàng Giáng Kiều phải bỏ đi. Sau khi nàng Giáng Kiều bỏ đi, Tú Uyên ngày đêm không nguôi nỗi nhớ vợ, chàng rơi vào trạng thái tuyệt vọng không thiết sống. Cuối cùng chàng đã đến đền Bạch Mã sám hối và cầu đảo thần mong thần chứng giám cho tấm lòng thành khẩn của chàng, quả thực việc cầu đảo đã linh ứng, nhờ việc cầu thần mà Giáng Kiều đã hiểu được thiện tình của chàng, chấp nhận quay trở lại và sống hạnh phúc với Tú Uyên. Song cả hai đã nhận ra rằng đời người trần thế là hữu hạn, để biến giấc mơ hạnh phúc vĩnh viễn thành hiện thực họ đã học phép tu tiên rồi cùng thoát lên tiên.
Hệ tư tưởng Nho giáo cũng đã chi phối khá rõ nét trong truyện cổ tích Sự
tích động Từ Thức, truyện truyền kỳ Từ Thức lấy vợ tiên và truyện thơ Nôm Từ
Thức tân truyện, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng đậm nhạt là khác nhau. Tư tưởng
Nho giáo đã chi phối trực tiếp trong cách xây thức dựng nhân vật. Nhân vật trong truyện cổ tích và truyện thơ Nôm vẫn hiện lên với vẻ đẹp của những văn nhân mực thước, thiếu nữ đoan trang cố khép mình theo những khuôn phép. Còn nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Dữ là kiểu nhà Nho phóng túng, mang một khát vọng tự do lớn lao, cố gắng bứt phá khỏi tính quy phạm chuẩn mực của Nho gia. Chính điều này đã chi phối ít nhiều đến quan niệm về tự do, tình yêu, hạnh phúc, và cái nhìn hiện thực của mỗi tác giả.
Tư tưởng Phật giáo ít nhiều cũng ảnh hưởng đến cả ba tác phẩm Sự tích
động Từ Thức, truyện truyền kỳ Từ Thức lấy vợ tiên và truyện thơ Nôm Từ Thức
tân truyện. Sự khác biệt trong việc tiếp nhận tư tưởng Phật giáo ở các tác giả dân
gian, truyền kỳ và truyện thơ Nôm là không nhiều. Đạo Phật chỉ giữ vai trò cơ sở cho việc tiếp nhận các luồng tư tưởng của Đạo giáo và Nho giáo thuận lợi hơn mà thôi.
Nhìn chung, người đọc có thể nhận thấy thế giới quan và nhân sinh quan của truyện cổ tích Sự tích động Từ Thức, truyện truyền kỳ Từ Thức lấy vợ tiên
và truyện thơ Nôm Từ Thức tân truyện đều hướng đến tạo lập một cái nhìn hài hoà giữa con người với vũ trụ, với con người, với tín ngưỡng. Đó là ước vọng về một cuộc sống tự do, một hạnh phúc viên mãn, một sự hài hoà cõi tiên và cõi trần, ... Ba tác phẩm đã thể hiện hướng nhìn ít nhiều có điểm khác nhau, đó là hướng nhìn cuộc đời mơ về tiên giới và hướng nhìn tiên giới mơ về cuộc đời. Sở dĩ làm nên sự khác biệt này là do yếu tố thời đại. Trong thời kỳ Nho giáo đã có biểu hiện rõ rệt của sự rạn nứt, suy đồi, con người đã phải tìm đến niềm tin trong Phật giáo và Đạo giáo.