Về truyện thơ Nôm Từ Thức tân truyện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) từ thức lấy vợ tiên trong truyện cổ tích, truyện truyền kỳ và truyện thơ nôm (Trang 40 - 44)

7. Cấu trúc của luận văn

1.3.3. Về truyện thơ Nôm Từ Thức tân truyện

Văn bản về chuyện Từ Thức hiện có:

- Từ Thức tân truyện, Quan Văn Đường tàng bản, khắc in năm Duy Tân Nhâm Tí (1912), tại Thư viện Khoa học Trung ương, ký hiệu AN. 216. Truyện dài 608 câu lục bát.

- Từ Thức tân truyện (quốc ngữ), do Nguyễn Ngọc Xuân phiên âm, (nhà in Văn Minh, Hà Nội xuất bản năm 1919).

- Truyện Từ Thức (quốc ngữ), nhà xuất bản Văn học in năm 1963, do Vũ Ngọc Khánh soạn.

- Từ Thức tiên hôn, Tác phẩm xuất bản bằng quốc ngữ sau năm 1920, do Lê Khắc Khuyến, hiệu Nguyệt Đình, người xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá soạn.

- Truyện thơ Nôm Từ Thức tân truyện in trong Từ Thức tân truyện, Từ

Thức tiên hôn, do Mai Thị Ngọc Chức sưu tầm giới thiệu đã khẳng định: “Đây

là một tác phẩm khuyết danh, chưa biết tác giả là ai và viết vào thời kỳ nào, song chắc chắn là khoảng thế kỷ XIX về sau (vì có một số câu ảnh hưởng Truyện

Kiều, nội dung khác với truyện kể dân gian” [11, tr 6].

Truyện thơ Nôm Từ Thức tân truyện gồm 608 câu thơ lục bát. Về cơ bản tác phẩm vẫn giữ lại cốt truyện cổ dân gian và truyện truyền kỳ Từ Thức lấy vợ tiên của Nguyễn Dữ với các tình tiết cơ bản: Từ thức làm quan huyện Tiên Du; Đi chơi hội chùa; Cứu nạn Giáng Hương; Chán ghét cuộc sống quan trường nên từ quan bỏ đi du ngoạn khắp nơi; Đặt chân đến cửa Thần Phù, lạc vào hang động Bích Đào, hội ngộ cùng tiên, kết hôn với tiên chung sống một năm trên cõi

tiên ; Từ Thức nhớ trần gian, nhớ nhà xin được trở về trần gian.

Nhưng phần kết của truyện thơ Nôm đã có sự thay đổi so với truyện truyền kỳ và truyện cổ tích. Truyện cổ tích Sự tích động Từ Thức kể thúc: “Sau cùng Từ Thức trở lại chỗ xe mây, thì không ngờ xe đã biến mất từ lúc nào. Buồn rầu vô hạn, chàng lại khăn gói lần mò đến cửa Thần Phù, định bụng tìm lại hang cũ dẫn đến động tiên nhưng mịt mù cây đá kín lối không thể tìm ra được nữa. Chàng đi, đi mãi, về sau không biết là đi đâu. Từ đấy người ta gọi hang núi ở chỗ này là động Từ Thức.”

Truyện truyền kỳ Từ Thức lấy vợ tiên kết thúc: “Chàng bấy giờ mới hậm hực bùi ngùi; muốn lại lên xe mây để đi, nhưng xe đã hóa làm một con chim loan mà bay mất. Mở thư ra đọc, thấy có câu: "Kết lứa phượng ở trong mây, duyên xưa đã hết, tìm non tiên ở trên bể dịp khác còn đâu!" mới biết là Giáng Hương đã nói trước với mình những lời ly biệt. Chàng bèn mặc áo cừu nhẹ, đội nón lá ngắn, vào núi Hoành Sơn, rồi sau không biết đi đâu mất.

Truyện thơ Nôm Từ Thức tân truyện đã thêm vào phần kết có hậu. Sau khi về trần gian, không tìm thấy họ hàng nhà cửa, ở dưới trần gian chàng vô cùng hối hận, buồn rầu vì nhớ vợ, nhớ chốn thần tiên. Trên cõi tiên, nàng Giáng Hương cũng thân héo dạ sầu càng ngày càng nhớ thương chồng, nên xin với bà

Kim Tiên cho đón Từ Thức lên tiên giới để gia đình tái hợp. Từ Thức được trở lại cõi tiên, sống vui vầy hạnh phúc

Uyên ương tái hợp trướng đào Thẹn đều thẹn cả, mừng đều mừng chung.

Từ Thức tân truyện gắn bó với chủ đề tình yêu, truyện đã lý tưởng hoá

một thế giới tình yêu cùng những người tha thiết yêu đương không gì có thể ngăn cách nổi.

Từ Thức tân truyện là truyện thơ Nôm lấy tích từ truyện cổ tích Sự tích

động Từ Thức. Nội dung truyện không thay đổi nhiều so với cốt truyện cũ nhưng

sự thay đổi về hình thức thể loại, với những đặc trưng của thể loại truyện thơ cũng đã tạo nên sự khác biệt đáng kể trong cách triển khai cốt truyện, xây dựng hình tượng nhân vật, ngôn ngữ nghệ thuật,.. Đặc biệt nhận thấy giá trị lớn nhất của tác phẩm là đã đề cập đến những vấn đề về khát vọng hạnh phúc, về hôn nhân tự do, về lối thoát cho con người đạt đến hạnh phúc vĩnh hằng.

Tóm lại, câu chuyện “Từ Thức lấy vợ tiên” dù là truyện dân gian, truyện truyền kỳ hay truyện thơ Nôm, dù cách trình bày phần kết luận có chỗ khác nhau thì cốt truyện vẫn thống nhất ở ba điểm cơ bản: đó là ngợi ca phong cảnh kỳ thú là động Bích Đào xinh đẹp – một thắng tích xứ Thanh; ca ngợi một mối duyên tiên – trần đẹp đẽ trong không gian tiên cảnh huyền ảo, mơ màng khác với những trò danh lợi bon chen ở trần thế; ca ngợi người trí thức đương thời thông qua hình tượng Từ Thức dù bất bình với xã hội để tìm đến một tình yêu lý tưởng nhưng vẫn luôn dồi dào tình yêu sự gắn bó với làng xóm, quê hương.

Tiểu kết Chương 1

Trong toàn bộ Chương 1, người viết đã tập trung khái quát cơ sở lý luận và những vấn đề chung của đề tài luận văn. Tìm hiểu các vấn đề tác giả Nguyễn Dữ cũng như vấn đề thể loại: tìm hiểu sơ lược về truyện cổ tích thần kỳ và truyện cổ tích thần kỳ giải thích tên địa danh, truyện truyền kỳ và truyện thơ Nôm trong văn xuôi trung đại Việt Nam. Qúa trình tìm hiểu này đã góp phần đem lại cái nhìn toàn cảnh không gian văn hoá, làm nền tảng cho việc nghiên cứu những vấn đề cụ thể của đề tài trong ba tác phẩm truyện cổ tích Sự tích

Động Từ Thức, truyện truyền kỳ Từ Thức lấy vợ tiên và truyện thơ Nôm Từ

Thức tân truyện. Đây sẽ là những vấn đề cơ bản đưa chúng tôi tiệm cận gần hơn

với đối tượng nghiên cứu, là cơ sở thuận lợi cho việc triển khai các vấn đề cụ thể của luận văn ở các chương sau.

Chương 2

SỰ KẾ THỪA, BIẾN ĐỔI NỘI DUNG TƯ TƯỞNG VÀ GIÁ TRỊ NHÂN VĂN QUA BA TÁC PHẨM

2.1. Tương quan tam giáo từ truyện cổ tích đến truyền kỳ và truyện thơ Nôm

Văn học chính là tấm gương phản chiếu chân thực và sinh động nhất muôn mặt của cuộc sống, xã hội, thời đại… Vì thế, qua văn học ta có thể tiếp nhận mọi cái đẹp về cuộc sống thông qua cảm quan thẩm mỹ của nhân dân, của tác giả cũng như tôn giáo nói chung. Đồng thời qua văn học người ta có thể tìm thấy tất cả đời sống vật chất cũng như tinh thần của con người ở các giai đoạn lịch sử khác nhau, cũng như những biến đổi trong tương quan tam giáo qua mỗi giai đoạn văn học, mỗi thể loại văn học.

Tôn giáo vốn là một thế giới tinh thần thiêng liêng để con người gửi gắm đức tin. Khi đạo Phật được du nhập vào Việt Nam, thuyết luân hồi của đạo Phật đã trở thành chỗ dựa giúp cho tác giả dân gian thực hiện ước mơ công bằng xã hội. Trong quá trình giao lưu văn hóa, nhân dân ta đã tiếp nhận những tư tưởng triết học, tôn giáo đan xen nhau, ảnh hưởng lẫn nhau. Nên nội dung văn học ảnh hưởng tôn giáo cũng mang nhiều yếu tố khác nhau, khi thì mang yếu tố của tôn giáo này, lúc lại chứa yếu tố của tôn giáo khác, cũng có khi là sự tồn tại đan xen của tam giáo. Đặc biệt, triết lý của đạo Nho với thuyết thiên mệnh và Đạo giáo với cõi đời tốt đẹp của cảnh Tiên đã góp phần bổ sung nhiều hơn cho tín ngưỡng của người Việt về Vũ trụ quan và Nhân sinh quan. Vì vậy nhân sinh quan tự nhiên và lành mạnh của dân chúng trong các truyện cổ tích hoang đường, truyện truyền kỳ, truyện thơ Nôm đã trộn lẫn với tư tưởng quả báo, luân hồi của Phật giáo, tinh thần thoát tục của Đạo giáo và thuyết định mệnh của Nho giáo.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) từ thức lấy vợ tiên trong truyện cổ tích, truyện truyền kỳ và truyện thơ nôm (Trang 40 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)