Cảm hứng tự biểu hiện “cái tôi” tác giả

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tản văn nguyễn hữu quý (Trang 60 - 67)

6. Kết cấu của luận văn

2.2.3. Cảm hứng tự biểu hiện “cái tôi” tác giả

Cốt lõi của sáng tạo nghệ thuật hướng đến sản sinh ra cái Tôi. Cái Tôi là tiền đề của sự cách tân, thước đo cõi sáng tạo của nhà văn. Cái Tôi đích thực, xuất hiện như một giá trị văn hoá, đậm tính nhân văn. Tiếng nói riêng tư đó, dẫu biểu hiện dưới dạng thức nào đi nữa vẫn “cộng hưởng dư âm của tất cả những gì thuộc về nhân loại”, thuộc về thời đại, dân tộc. Trong văn học, cái Đẹp không thuộc về cái Tôi khép kín, lạc lõng như một ốc đảo, hay cái Tôi cá nhân cực đoan cự tuyệt giá trị cao quí mà “cái Ta” thừa nhận. Phạm trù “cái Tôi” thuyết minh cho sự tiến bộ, đồng thời xác định cá tính sáng tạo trong văn học. Tạo ra cái Mới, kiếm tìm cái Mới trở thành một nhu cầu thẩm mỹ của kẻ cầm bút. Chính khao khát được “tồn tại” đã khiến nhà văn dấn thân. Tất nhiên, không phải cái Mới nào cũng thuộc về “cái Tôi của kẻ sáng tạo”, đặc biệt khi nhà văn, nhà thơ chưa tìm được mình, chưa biết rõ mình là ai, tất cả đối với anh ta chỉ là sự thể nghiệm, tìm đường.

Cái tôi là cội nguồn của sáng tạo. Lịch sử nghệ thuật cho thấy điều làm nên giá trị của một tác phẩm lớn chính là ý thức về cái tôi của người nghệ sĩ. Càng ngày người ta càng quan niệm cái đẹp chính là cái mang nhiều

55

dấu ấn của chủ thể sáng tạo, là cái riêng, cái độc đáo. Sự bùng nổ cái cái tôi thể hiện việc văn chương Việt đang tìm kiếm một cơ sở mỹ học mới. Các nhà văn Việt càng ngày càng ý thức rằng, mọi đề tài đều bình đẳng trong văn chương – tình yêu, bạo lực, chính trị, tình dục... Quan trọng là viết như thế nào. Và chính cái tôi này tham gia xây dựng những cách thể hiện mới, chủ quan hơn, độc đáo hơn.

Với thể loại tản văn, một trong những đặc trưng thẩm mĩ nổi bật của nó là tính chất thiên về xu hướng tự thể hiện “cái tôi” của tác giả. Nếu như trong truyện ngắn hoặc tiểu thuyết, “cái tôi” của tác giả luôn “giấu mình” để cho câu chuyện tự nói lên tất cả, còn trong thơ “cái tôi” thường tự bộc lộ rõ nét về mình (nhưng chỉ là bộc lộ thế giới tâm trạng của tác giả, còn các yếu tố về tiểu sử, nghề nghiệp, gia đình, tính cách... của tác giả luôn bị xóa mờ), thì tản văn là thể loại duy nhất cho ta biết tỉ mỉ, chân xác về “cái tôi” tác giả của nó, ở cả phương diện tâm hồn, tư tưởng, đến các chi tiết xác thực về đời tư của tác giả. Nguyên tắc tự biểu hiện đã khiến tác giả của tản văn lấy ngay “cuộc sống của chính mình” theo cách hiêu rộng nhất của từ này, làm chất liệu để xây dựng tác phẩm. Đặc điểm này khiến tản văn vừa gần gũi với ký văn học, vừa gần gũi với thơ.

Cũng không nằm ngoài quy luật sáng tạo trên đây của thể loại, có thể thấy tản văn của Nguyễn Hữu Quý thể hiện rất thường xuyên, đậm nét “cái tôi” của tác giả. Nhà văn đã bắt đầu từ nền tảng là “cái tôi”, để rồi từ đó bám vào nó như điểm tựa nghệ thuật, triển khai xuyên suốt trong toàn bộ mạch chảy các tản văn của mình. Gần như bất kì tản văn nào, dù là đề tài gì đi chăng nữa thì Nguyễn Hữu Quý cũng bắt đầu từ câu chuyện của chính mình, gắn vào câu chuyện của chính mình. Đọc tản văn Nguyễn Hữu Quý cũng có nghĩa là ta được biết, được hiểu về con người, gia đình, quê hương, công việc, nghề nghiệp, cuộc sống… của nhà văn.

56

Thứ nhất, đó là sự tự biểu hiện “cái tôi” với lí lịch, xuất thân, quê hương, người thân, gia đình và những dấu mốc trong cuộc đời.

Dù cho nếu chưa có thông tin về tiểu sử nhà văn Nguyễn Hữu Quý, nhưng khi đọc những tản văn viết về gia đình, quê nhà của tác giả, người đọc cảm nhận như đã biết rất rõ về con người này.

Nói về kí ức cuộc sống làng quê thôn dã, Nguyễn Hữu Quý kể và tả về ngôi nhà, mảnh vườn của chính mình ngày còn bé thơ. Tác giả viết: “Ngôi nhà ba gian một chái lợp lá tro, vách nứa với những hàng cột lim đen bóng có từ bao giờ tôi không biết. Lớn lên tôi đã thấy có nó rồi. Cái cảm giác mát rượi khi đi chân trần trên nền đất nện vẫn còn đọng lại trong tôi. Tám năm thanh bình tuổi ấu thơ, từ 1956 đến 1964, tôi gắn bó với ngôi nhà này. Tôi rất thích những ô cửa sổ hình vuông có những song chắn bằng tre. Đó là mắt của ngôi nhà, tôi thường nhìn ra vườn bằng những con mắt đó” [44,tr19].

Thứ hai, đó là sự tự biểu hiện “cái tôi” với sự bộc lộ trực tiếp cảm xúc, tình cảm, quan điểm đánh giá của tác giả trước các vấn đề lớn lao mà tác giả đặc biệt quan tâm như quê hương, nguồn cội, Tổ quốc, giá trị văn hóa trong đời sống hôm nay.

Tác giả kể về con sông tuổi thơ của mình, nhưng không đơn giản là để nói về một cái tên, một địa danh, mà quan trọng là bộc lộ những tâm tư của bản thân, kể chuyện về chính mình. Nhà văn viết: “Tuổi mười tám tôi rời quê hương để đi bộ đội. Giờ đây, tuổi đã năm mươi, tóc sợi đen chen sợi bạc. Bạn bè về làng gặp lại cũng đều thế cả, tóc muối da chiều, có người đã được gọi ôông (ông) gọi mệ (bà). Thế mà dòng sông Gianh vẫn mênh mang, đầy đặn, khoáng đạt như xưa… Tôi đã đi quá nửa cuộc đời, bôn ba nhiều vùng đất không thuộc quê hương máu mủ của mình, tính lại, thời gian gắn với sông Gianh chỉ bằng một phần ba. Nhưng không thể có một con sông nào thay thế

57

được Linh Giang – sông Gianh trong tâm hồn tôi. Linh Giang – sông Gianh là tuổi thơ, là cội nguồn và cũng là thi ca của tôi. Con sông linh thiêng, con sông lịch sử, con sông quê hương chảy trong cuộc đời tôi như một dòng tâm linh huyền bí và dân dã” [40,tr25-26].

Có những tản văn, Nguyễn Hữu Quý viết về những vấn đề rất lớn – đó là đất nước, dân tộc. Tác giả không bị rơi vào cái nhìn chính trị - xã hội, mà gắn nó vào câu chuyện của chính mình, đem đến một cái nhìn đầy sống động và vô cùng tự nhiên, chân thực, giản dị. Ông viết về tình yêu đất nước, ý thức dân tộc thông qua chính những chuyến đi, những trải nghiệm của bản thân mình khi đến biên giới, ra đảo xa. Nhà văn viết: “Đã từng đặt chân đến nơi heo hút tột cùng của biên cương cực Bắc và được đón bình minh lộng lẫy ở quần đảo xa đất liền nhất của Tổ quốc, tôi giữ mãi trong tim mình hạnh phúc thiêng liêng không dễ có trong một đời người. Hạnh phúc ấy là gì? Không phải là sự sung sướng sau những may mắn cho ta gặt hái tiền tài danh vọng, càng không phải niềm hoan hỉ của người vượt lên trong cuộc bon chen. Đấy là hạnh phúc của một công dân – một người lính khi cảm nhận được tình yêu đất nước một cách cụ thể, rõ ràng nhất” [43,tr111].

Có nhiều trường hợp, nhà văn dù viết về một vùng miền mới lạ, đất khách quê người, nhưng ông vẫn đặt chính bản thân vào câu chuyện đó, với góc nhìn và cách nghĩ cách cảm rất riêng của mình. Có thể đã nhiều nhà văn dành tình cảm và viết về vùng đất Phú Yên, nhưng viết như cách của Nguyễn Hữu Quý thì hẳn là không trùng lặp không giống ai: “Chân thật và lãng mạn. Đằm thắm và cởi mở. Có phải đó là những phẩm cách nổi bật của con người Phú Yên! Và tôi, có lẽ khi xa mảnh đất này để về thủ đô không thể không mang theo một câu ca xưa cũ nơi đây như mang theo lời hẹn của ai đó nơi cái gió chuyên cần và phóng túng: Ra về bẻ lá cắm cây/ Đến mai ta nhớ chốn này ta qua”.

58

Nhiều người viết khi đặt chân đến các vùng miền thường có những trang viết cảm nhận, kỉ niệm, ghi dấu. Nhưng nếu đọc một cách kĩ lưỡng và nghiêm túc, có thể thấy phần nhiều trong số đó viết với tâm thế người ngoài cuộc, người “ghé qua”, người “du lịch”. Tản văn Nguyễn Hữu Quý không mang kiểu tâm thế ấy, mà tác giả đã thực sự hòa mình, nhập cuộc, viết bằng tất cả sự trân trọng, yêu quý, thấu hiểu, sẻ chia. Nếu không hết mình cho đất và người miền cao Tây Bắc, nhà văn không thể có những dòng tản văn thấm đẫm tình cảm và trĩu nặng suy tư như thế này:

“Ăn cơm chung nguồn muối Xuống suối chung thuyền chèo Anh nói em chung thủy đừng phai Yêu thương ngàn năm đừng quên

Chao ôi! Tới bao giờ tôi mới hiểu được một cách thấu đáo cái nguồn muối của trập trùng Tây Bắc, của nguồn muối nuôi dưỡng tình yêu muôn đời của Mường Thanh bát ngát, cái nguồn muối mặn vào máu thịt của cuộc đời, xưa và nay rồi có thể là mãi mãi. Cái nguồn muối ấy đã truyền từ ông bà, cha mẹ vào em đấy Thanh ạ. Để tôi từ lần gặp gỡ thứ nhất đã góp vào trong cảm nhận Mường Thanh một điều gì đó đằm thắm, mặn mòi, sâu sắc và bềnh vững hơn tôi tưởng. Và, tôi nghĩ rằng chiếc khăn piêu em làm quà tặng tôi khi chia tay bên cạnh hầm Đờ Cát gần cánh đồng hoa hồng mới có mươi ngày bén đất Điện Biên chắc cũng được dệt ra từ nguồn muối ấy” [40,tr125-126].

Thứ ba,đó là sự tự biểu hiện “cái tôi”, cảm xúc và suy tư về người lính cách mạng trong thời kỳ chống Mỹ.

Nguyễn Hữu Quý là một nhà văn được tôi luyện và trưởng thành trong quân đội, cho nên sâu thẳm trong con người ông là một chất lính đậm nét. Nó thể hiện từ cách nhìn nhận cho đến cách đối diện và ứng xử của tác giả đối

59

với con người, đời sống, nhân dân, đất nước.v.v.. Tản văn của Nguyễn Hữu Quý thể hiện cái nhìn của một người với chất lính từ trong tâm can. Ví dụ, khi viết về những rừng đước ở Nam bộ, tác giả có cách nhìn cách nói đầy chất lính: “Lần đầu tiên chúng tôi được thong thả dạo bước trong bóng cây rừng ngập mặn. Có lẽ, đước và mắm là những người lính chủ lực của vùng đất cực Nam ẩm ướt này. Đước và mắm mọc san sát bên nhau, thế hệ này qua thế hệ khác, đảm nhận sứ mệnh thiêng liêng là trấn giữ - mở mang bờ cõi. Những cây dước cây mắm không cao lớn, hình như chưa bao giờ là cổ thụ kì vĩ cả, mà muôn thuở là dân đen, dân binh sinh ra và lớn lên cùng bùn đất, lam lũ cùng bùn đất, là đội quân điệp trùng mang sắc phục phù sa giữ cho vùng đất sình lầy chừng chịt kênh rạch này không bị lở lói sụp đổ” [43,tr96].

Viết về những chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong – một hình tượng lớn lao kì vĩ trong lịch sử văn học dân tộc, Nguyễn Hữu Quý đã chọn cho tản văn của mình cách tiếp cận và khai thác đề tài rất riêng, đó là sử dụng chính những câu chuyện của mình. Nhà văn đã viết về sự hi sinh của người bạn thân từ thuở học trò: “Trời! Liên ơi! Bạn ở đây mà sao mãi tới bây giờ tôi mới biết! Tôi có ngờ đâu gặp lại Liên trong hoàn cảnh này, gặp nhau khi hai đứa đã hai nẻo âm dương cách biệt. Gặp nhau giữa bạt ngàn mộ chí đồng đội đã hi sinh. Bạn tôi, một trong hai mươi nghìn người lính đã ngã xuống trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Bạn ra đi khi mới mười chín tuổi. Mười chín tuổi, biết nói sao đây, cho cuộc đời ngắn ngủi của một người con gái xinh đẹp hồn nhiên có tiếng cười giòn tan như thế. Mười chín tuổi, hồn đã neo vào cỏ cây hoa lá rừng già. Mười chín tuổi đã tan biến vào hư vô thăm thẳm. Định mệnh hay là gì vậy hỡi trời cao đất dày? Mười chín tuổi, còn gì trẻ hơn thế, đau hơn thế, vọng vang như thế, Liên ơi! [43,tr157].

Như vậy, có thể thấy, tản văn của Nguyễn Hữu Quý đã thể hiện và khắc họa “cái tôi” của tác giả một cách rất đậm nét, xuyên suốt. Nó giúp cho

60

mạch kể được thống nhất, câu chuyện được tự nhiên, chân thực, sống động. Tất cả làm nên chất riêng của một nhà văn người con miền Trung, một nhà văn bộ đội.

* * *

Tiểu kết chương 2:

Tản văn của Nguyễn Hữu Quý thường khơi nguồn từ những cảm hứng chủ đạo: các vấn đề văn hóa, lịch sử, quê hương, nguồn cội; các vấn đề về con người, đời sống; tự biểu hiện “cái tôi”. Với bất kì vấn đề nào khi đã khai thác và đưa vào tản văn của mình, nhà văn Nguyễn Hữu Quý cũng luôn bắt đầu từ tình yêu và tâm huyết, cảm xúc mãnh liệt của mình để hướng sự quan tâm đến đối tượng. Không dừng lại ở cảm xúc và dòng tâm trạng, mà tác giả còn luôn đặt ra trong tản văn của mình những chiêm nghiệm, suy tư, trăn trở, đặt ra những câu hỏi ráo riết để lí giải, cắt nghĩa vấn đề. Cách làm đó giúp tác giả vừa thể hiện được cái nhìn chủ quan của riêng mình, vừa đặt ra được các vấn đề đời sống khách quan để khơi gợi, vẫy gọi và đối thoại cùng bạn đọc.

Việc lựa chọn những mảng đề tài, vấn đề như vậy đã cho thấy một hướng đi mang tính đóng góp của tác giả đối với thể loại tản văn. Thay vì những đề tài tản mạn, nhỏ nhặt, ngẫu hứng như nhiều người viết tản văn thường lựa chọn bởi nó đã trở thành một đặc trưng của thể loại này, thì tản văn Nguyễn Hữu Quý lại hướng đến những đề tài lớn, mang tính vấn đề của cộng đồng, dân tộc, đất nước. Điều này đã cho thấy, tản văn hoàn toàn có thể mở rộng chiều kích vấn đề của mình, chứ không chỉ bó hẹp như sự khuôn định xưa nay mà người ta vẫn gắn cho thể loại này.

61

Chương 3

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT TRONG TẢN VĂN NGUYỄN HỮU QUÝ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tản văn nguyễn hữu quý (Trang 60 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)