Miêu tả hiện thực đời sống gắn với người thật, việc thật, kết hợp hư cấu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tản văn nguyễn hữu quý (Trang 67 - 73)

6. Kết cấu của luận văn

3.1. Miêu tả hiện thực đời sống gắn với người thật, việc thật, kết hợp hư cấu

cấu có hạn chế

Văn học và hiện thực là một trong những vấn đề trung tâm của lí luận văn học, cho đến nay, dù có rất nhiều hệ thống lí luận giải thích khác nhau, vẫn chưa có lí luận nào được nhất trí công nhận. Đó là vì hoạt động văn học có nhiều mối quan hệ, mà mỗi lí luận thường chỉ xây dựng theo một quan hệ nhất định để khái quát thành nguyên lí, cho nên thường ít gặp nhau. Quan niệm hiện thực của văn học như là tồn tại khách quan, không phụ thuộc vào ý thức con người đã trở nên siêu hình, không phù hợp thực tế. Hiện thực là thực tại trong mối quan tâm của con người. Từ đó, mỗi hình thái ý thức xã hội có một đối tượng hiện thực tương ứng với nó. Hiện thực của văn học không giống với hiện thực của khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và chính trị. Một thời gian rất dài chúng ta hiểu “hiện thực” của văn học là cái thực tế hiểu theo một định hướng hẹp ( hiện thực đấu tranh thống nhất nước nhà, hiện thực đấu tranh hai con đường, hiện thưc phong trào thi đua…mà thực chất đó là hiện thực đã được chính trị hoá theo một đường lối nhất định của ý thức hệ ). Hiện thực của văn học không tách rời với chính trị, nhưng không đồng nhất hoàn toàn với hiện thực của chính trị. Chẳng hạn, hiện thực chính trị không nhất thiết bao gồm hiện tượng vô cảm của cá nhân đối với số phận của đồng loại, sự rung cảm trước thiên nhiên…nhưng đó là điều không thể bỏ qua đối với hiện thực của văn học. Văn học nói chung không phản ánh hiện thực như các sự kiện hiện tồn như báo chí, thông tấn, lịch sử biên niên, tư liệu…

Văn học phản ánh hiện thực trong những ý nghĩa do thực tế và các xu thế, khả năng đời sống gợi ra. Văn học ngày nay vẫn thế, thiên về phản ánh

62

cái khả nhiên của đời sống, bởi đặc điểm con người là không chỉ quan tâm thực tại mà chủ yếu quan tâm hơn tới những khả năng, cái tương lai. Hiện thực là cái tồn tại với tư cách là kết quả thực hiện của một khả năng nào đó, còn khả năng là khuynh hướng phát triển tiềm tại của một hiện thực nào đó. Hiện thực thì không phải khả năng, còn khả năng thì chưa phải là hiện thực. Nhìn bề ngoài thì rõ ràng người ta đã loại bỏ khả năng ra ngoài hiện thực, hạn chế văn học trong việc phản ánh các sự việc, con người hiện tồn. Chúng ta đã làm như thế và về lí thuyết đã từng đối lập văn học hiện thực và văn học lãng mạn. Nếu hiểu đúng, thì về thực chất hiện thực bao hàm cả cái khả năng, và thiếu tính khả năng thì hiện thực chưa phải là hiện thực của văn học. Chính vì là cái khả năng, nghĩa là cái chưa trở thành hiện thực, cho nên nhà văn mới có thể dùng hư cấu sáng tạo để làm cho cái khả năng tiềm tại hiện hình lên mặt giấy cho mọi người quan sát, thể nghiệm, thực hiện chức năng dự báo của văn học.

Trong khi đó, hư cấu là phương thức xây dựng hình tượng điển hình qua việc sáng tạo ra những giá trị mới, những yếu tố mới, như sự kiện, cảnh vật, nhân vật trong một tác phẩm theo sự tưởng tượng của tác giả. Đây là một yếu tố không thể thiếu của sáng tác văn học nghệ thuật. Văn học nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống nhưng không sao chép nguyên nó. Từ những chất liệu thực tế, nghệ sĩ tổ chức, nhào nặn, sáng tạo ra những hình tượng nghệ thuật sinh động, rõ nét và điển hình hơn, tuy thuộc chủ đề của tác phẩm. Trong hư cấu, tác giả có thể sử dụng các biện pháp cường điệu, khoa trương, thậm chí tượng trưng, nhân cách hóa... Hư cấu có nhiều nhánh phụ như trinh thám, kỳ ảo, giả tưởng. Giá trị của hư cấu nằm ở tính tư tưởng, chủ đề tác phẩm và tài năng khái quát hiện thực của nhà văn.

63

Như vậy, có thể nói, phản ánh hiện thực và hư cấu – sáng tạo là hai mặt song song tồn tại cùng nhau bổ sung hoàn chỉnh lẫn nhau để tạo thành văn chương.

Một trong những đặc điểm của thể loại tản văn là thường gắn với những điều có thực, người thật việc thật. Xuất phát từ một hiện thực nào đó, nhà văn mới bằng cảm xúc và suy tư của mình, xử lí chi tiết, chọn góc nhìn nhận, đặt ra vấn đề, rồi sau đó tổ chức thành tác phẩm. Tất nhiên, người viết tản văn có miêu tả hiện thực gắn với người thật việc thật, nhưng hoàn toàn không có nghĩa là “bê nguyên đời sống vào tác phẩm”, mà phải có sự chọn lọc tinh tế, kết hợp với sự liên tưởng, suy ngẫm, pha thêm chút hư cấu có hạn chế. Nhà văn Nguyễn Hữu Qúy dường như đã rất bám sát nguyên lí thể loại này, các tản văn của tác giả bao giờ cũng gắn với hiện thực nhưng kết hợp thêm với sự hư cấu ở một mức độ hạn chế, hợp lí.

Tản văn Nguyễn Hữu Quý bắt đầu bằng hiện thực đời sống, người thật việc thật như: cha mẹ anh em người thân trong gia đình, những người đồng đội hoặc đã hi sinh hoặc may mắn sống sót trở về, những bạn bè thân thiết, những nhân chứng lịch sử, những địa danh và vùng đất cụ thể.v.v.. Trên nền hiện thực đó, nhà văn đưa vào những hư cấu ở mức độ hạn chế, với một số thủ pháp như: đặt yếu tố kì ảo bên cạnh yếu tố xác thực, mở rộng trường liên tưởng, tái hiện thế giới nội tâm của nhân vật.v.v.. Điều đó giúp cho hiện thực và hư cấu được đan cài một cách tự nhiên, phù hợp.

Khi tác giả miêu tả vùng đất Ba Chẽ, Tiên Yên của Quảng Ninh, người đọc vừa như được tận mắt nhìn thấy, cảm nhận thấy cảnh quan địa hình và không khí nơi này, lại vừa như được đưa đến một miền xa xôi huyền hoặc nào đó. Sư liên tưởng và so sánh của tác giả không phải là không có lí, sự hư cấu như gia vị nêm thêm cho món ăn thêm đậm đà. Nhà văn viết: “Lên tới Ba Chẽ, Tiên Yên, cơ hồ như ta đã cảm nhận được hơi thở man hoang vùng biên

64

cõi xa xăm. Núi trùng điệp xếp hình cánh cung mọc lên từ thuở hồng hoang như sự sắp đặt đầy ngụ ý của cao rộng đất trời sớm nay nhiều bồng bềnh mây trắng. Có những vệt mây mơ hồ như sương khói của ngàn xưa thăm thẳm, tụ tan trên những cung đường quanh co để ta chợt thấy đang ngụ chiếm giữa lòng mình cái bàng bạc rưng rưng miền cương vực” [40,tr65].

Đứng bên một con sông ở biên cương phía Đông Bắc tổ quốc, nhà văn đã ghi lại những hình ảnh, chi tiết sống động để vẽ ra khung cảnh thực, đồng thời cũng lồng vào những liên tưởng để khơi gợi suy ngẫm về lịch sử, quá khứ, về ý thức chủ quyền quốc gia, về sự hòa hợp phát triển chung: “Sông Ka Long quanh co uốn lượn giữa núi đồi trập trùng theo chúng tôi suốt chặng hành trình đi dọc Đông Bắc biên cương. Lúc ẩn, lúc hiện, Ka Long mang nét u hoài cổ kính. Sinh ra ở vùng đất biên thùy nhiều biến động, tao loạn, Ka Long mang trong mình sứ mệnh phân định bờ cõi, là nhân chứng của những hòa hợp và tranh chấp quốc gia. Dọc đường biên, thỉnh thoảng chúng tôi thấy những cột mốc chủ quyền mới dựng (theo thỏa thuận đã được kí kết trong Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc). Phóng tầm mắt qua bờ bên kia, nhìn những ngôi nhà lô nhô dưới chân núi, những chiếc xe tải nhỏ chạy trên đường, tôi cũng có cảm giác mến thương chia sẻ. Lòng thầm mong Ka Long mãi mãi soi bóng bình yên xóm mạc, thôn bản đôi bờ” [40,tr72-73].

Có những câu chuyện nằm ở ranh giới giữa đời thực và tâm linh, mà có lẽ chỉ có những người trong cuộc mới thực sự cảm nhận được, còn mọi sự lí giải hay phủ nhận – khẳng định cho đến nãy vẫn đều rất khó có tính thuyết phục. Nhà văn Nguyễn Hữu Quý đã kể một câu chuyện như thế, rõ ràng là chuyện thật, đồng thời cũng có những điều mãi mãi thuộc về bí ẩn. Nhà văn kể: “Nước Thạch Hãn mùa này xanh trong. Chúng tôi ra bến thả hoa thắp hương. Vũ Thị Thúy Lành lội xuống sông thắp mấy nén nhang lên cái lư

65

hương đặt dưới nước. Mặt sông xập xõa bóng chiều. Mười phút, hai mươi phút, rồi ba mươi phút trôi qua, chị vẫn đứng yên như hóa đá trước dòng sông đang mải miết chảy về xuôi. Phải cho người lội xuống vỗ mạnh vào vai, Lành mới sực tỉnh. Đôi mắt đỏ hoe, giọng Lành nửa thức nửa mê. Ban đầu tôi thấy màu nước trắng, sau đó chuyển qua đỏ tươi. Văng vẳng bên tai tôi tiếng đàn ông trẻ, rất nhiều tiếng đàn ông trẻ: Em đừng lên vội nhé, ở với các anh thêm chút nữa, em gái. Kí ức vẫn thường trộn lẫn thực hư như thế, cũng giống lúc Văn Thành đứng hát cho đồng đội nghe giữa Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Anh nghe được rất nhiều lao xao, anh thấy được rất nhiều bóng áo cỏ bên cạnh. Âm dương hòa trộn vào nhau, có trong nhau như sự bất tử của các liệt sĩ và lòng thương nhớ khôn nguôi của người đang sống” [43,tr80-81].

Đã nhiều người xúc cảm và viết ra những áng văn thơ về quần thể hang động Phong Nha – Kẻ Bàng. Nhưng viết như Nguyễn Hữu Quý thì quả là độc đáo, riêng biệt, vô cùng ấn tượng. Ông kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa bút pháp tả thực với bút pháp hư cấu, khiến cho người đọc bị hòa vào cả hai thế giới thực và ảo, có lúc vẫn là hang động thực trước mắt nhưng có lúc như là một cõi huyền bí xa xăm nào đó, vô cùng cuốn hút: “Một không gian đêm ngày trộn lẫn vào nhau, tan hòa vào nhau mờ mờ, ảo ảo, thực thực hư hư khi con đò chở du khách trôi nhạ nhàng vào lòng động nước. Chồng cuối lái, vợ đầu mũi, mái chèo gỗ cắt nước ngọt ngào. Tiếng chèo đưa rất khẽ, rất khẽ. Nghe rõ tiếng những giọt nước rơi từ vòm động xuống mặt sông ngầm tí tách. Khách trên thuyền im lặng. Im lặng để nghe được tiếng gì đó đang âm âm trên vách đá. Cả tiếng gì đó nữa cũng đang man man trên mặt nước se lạnh. Có tiếng thì thào nghe như hồi âm của quá vãng. Hai bên bờ thấp thoáng bóng Phật, bóng Tiên, bóng ác quỷ, dã thú… Tất cả đã hóa kiếp đá? Hay nhũ đá đang mang thai, đang cầm cố họ? Dáng vóc, hình hài thiện ác được thiên nhiên tạc đẽo công phu và tinh xảo, sinh động trên mức tuyệt vời” [40,tr134-135].

66

Trong một tản văn viết về một danh thắng khác, tác giả tiếp tục thể hiện khả năng biến hóa trong ngòi bút của mình. Tương tự như cách viết về Phong Nha – Kẻ Bàng, khi viết về Gành Đá Đĩa nhà văn cũng đã tả thực rất tinh xảo, khắc họa sắc nét ấn tượng cảnh quan nơi đây, sau đó cho ngòi bút phiêu diêu cùng trí tưởng tượng tạo ra những khơi gợi rất thú vị: “Gành Đá Đĩa, theo tôi là một thắng cảnh độc nhất vô nhị ở nước ta. Tận mắt chứng kiến những tần đá lô nhô như một vườn tượng, những trụ đá hình lục giác cao thấp, thẳng đứng, nghiêng nghiêng chồng xếp lên nhau đều đặn rất giống các chồng bát đĩa xếp trong lò nung, không mấy người tin đó là thiên tạo. Bởi thế, dân gian mới truyền tụng rằng đó là dấu tích còn sót lại của một bữa tiệc linh đình của người nhà trời. Người nhà Trời cũng là người mà, say sưa ăn uống múa hát ngâm vịnh trong cảnh đẹp mê tơi của biển bờ nơi hạ giới, đến độ quên cả giờ giấc Ngọc Hoàng cho phép, khi sực tỉnh đã vội vội vàng vàng bay về Thiên đình không kịp mang bát đĩa về. Khanh tướng, thi nhân, tiên nữ Thiên đình để lại cho xứ Nẫu một gành Đá Đĩa quyến rũ muôn vàn và mãi mãi, đến nỗi tôi một kẻ bé mọn của hạ giới sinh ra từ quê hương có Phong Nha – Kẻ Bàng cũng phải lâng lâng cảm giác: Tiệc Tiên đã vãn triệu năm/ Nỗi chi xếp đá thành gành mai sau/ Nõn nà tha thướt về đâu/ Cho tôi tìm đến ngồi câu bóng chiều.

Nói nhỏ thôi nhé, hình như cái chất say sưa đắm đuối và la đà của người nhà Trời trong tiệc Tiên xa lắc ấy đã được truyền dụ vào con người Phú Yên này” [43,tr44].

Có thể nói rằng, đối với tản văn, nếu không bám sát vào mô tả hiện thực thì rời xa thể loại, không đáng tin cậy, thiếu cái tôi trữ tình chủ quan của người viết, nhưng nếu thiếu hư cấu tưởng tưởng ở một mức độ nhất định, hợp lí, hạn chế, thì lại khô khan nhàm chán đơn điệu. Nguyễn Hữu Quý đã rất nỗ lực để hài hòa cả hai yếu tố trên một cách hợp lí nhất cho tản văn của mình.

67

Đó có thể coi là một thành công mà không phải người viết tản văn nào cũng đạt được.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tản văn nguyễn hữu quý (Trang 67 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)