Giọng điệu nghệ thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tản văn nguyễn hữu quý (Trang 81 - 87)

6. Kết cấu của luận văn

3.3.1. Giọng điệu nghệ thuật

Trong Từ điển thuật ngữ văn học, các nhà nghiên cứu lí luận đã định nghĩa giọng điệu là: “Thái độ, tình cảm, lập trường, tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân, sơ, kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm” [17.tr134].

Đồng thời, lí luận văn học cũng đã chỉ ra: “Giọng điệu còn phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mĩ của tác giả, có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và tác dụng truyền cảm cho người đọc. Thiếu một giọng điệu nhất định, nhà văn chưa thể viết ra được tác phẩm, mặc dù đã có đủ tài liệu và sắp xếp trong hệ thống nhân vật” [17.tr135].

Văn chương là nghệ thuật của ngôn từ và mỗi nhà văn lớn đều là những nghệ sĩ bậc thầy về tiếng nói. Khác với ngôn ngữ không có tính nghệ thuật, chỉ nhằm mục đích chủ yếu là thông tin, truyền đạt một điều gì đó chính xác, nội dung được giới hạn chặt chẽ. Ngôn ngữ nghệ thuật bao giờ cũng tìm cách truyền các quan điểm của nghệ sĩ vào đối tượng được miêu tả, truyền vào đấy một lối nhìn sự vật, cách nhận thức và cảm quan về thế giới của nhà văn, nói cách khác là ngôn ngữ mang dấu ấn của cá tính và phong cách nghệ sĩ. Giọng

76

điệu nghệ thuật chính là một trong những yếu tố quan trọng và độc đáo để thể hiện tài năng, cá tính sáng tạo cũng như quan niệm nghệ thuật của một nhà văn nhà thơ.

Có thể nói rằng, đề tài - tư tưởng - hình tượng chỉ được thể hiện trong một môi trường giọng điệu nhất định, trong phạm vi của thái độ cảm xúc nhất định đối với đối tượng sáng tác, đối với những mặt khác nhau của nó. Chủ thể sáng tạo mang tâm thế và tư tưởng thế nào thì sẽ lựa chọn giọng điệu nghệ thuật tương ứng để truyền tải. Đối với nhà văn Nguyễn Hữu Quý, có thể thấy một số giọng điệu chủ đạo và nổi bật là: trữ tình - hoài niệm; ngưỡng mộ ngợi ca; suy tư triết luận.

* Giọng điệu trữ tình – hoài niệm:

Khi viết về bất kì đề tài gì, Nguyễn Hữu Quý cũng đều dành toàn bộ tâm trí, cảm xúc của mình để hướng tất cả sự quan tâm của mình đến đối tượng. tác giả không chỉ đặt mình trong cái nhìn của hiện tại mà còn thường dõi ngược về quá khứ để soi rọi câu chuyện. Chính vì vậy mà trong tản văn Nguyễn Hữu Quý, âm hưởng chủ đạo và thường xuyên vang vọng đến người đọc là giọng điệu trữ tình – hoài niệm.

Đây là những dòng tràn đầy rung cảm, thiết tha trữ tình, được hòa quện kết nối trong những kí ức, hoài niệm của nhà văn khi nghĩ về biên cương, biển đảo: “Đã từng đặt chân đến nơi heo hút tột cùng của biên cương cực Bắc và được đón bình minh lộng lẫy ở quần đảo xa đất liền nhất của Tổ quốc, tôi giữ mãi trong tim mình hạnh phúc thiêng liêng không dễ có trong một đời người. Hạnh phúc ấy là gì? Không phải là sự sung sướng sau những may mắn cho ta gặt hái tiền tài danh vọng, càng không phải niềm hoan hỉ của người vượt lên trong cuộc bon chen. Đấy là hạnh phúc của một công dân – một người lính khi cảm nhận được tình yêu đất nước một cách cụ thể, rõ ràng nhất”

77

[43,tr111]. Chỉ trong một đoạn văn ngắn nhưng tác giả đã sử dụng với mật độ cao các tính từ: heo hút, tột cùng, lộng lẫy, thiêng liêng.v.v.. Hệ thống từ loại này đem lại hiệu quả rõ rệt để truyền tải tình cảm, thái độ của nhà văn.

Viết về Thăng Long – Hà nội, nhà văn không giấu được sự xúc động xen lẫn yêu thương tự hào. Tác giả đã đưa người đọc trở về với một thế giới tràn đầy linh thiêng hào hoa của Hà Thành ngàn năm hội tụ: “Dằng dặc một thiên niên kỉ vượt qua những bão táp dữ dội của thời cuộc với bao thăng trầm biến động không kể xiết ghi dấu trong lịch sử dân tộc, Thăng Long – Hà Nội mới được như hôm nay. Cái được hiển hiện bằng các vật thể có thể nhìn, nghe, đụng chạm hay là những giá trị văn hóa tinh thần mà vùng đất linh thiêng – hào hoa này chưng cất, chắt lọc suốt nghìn năm” [43,tr5]. Tác giả đã sử dụng rất thành công biện pháp tu từ hoán dụ với các hình ảnh bão táp, chưng cất, chắt lọc.v.v.. để biểu đạt nội tâm tràn đầy hoài niệm của mình.

Khi viết về Hà Nội tác giả Uông Triều cũng viết nhưng chỉ mang tính giói thiệu, đằng sau đó chưa toát lên được vấn đề lịch sử văn hóa rõ ràng và sâu xa như Nguyễn Hữu Quý. Nhà văn Uông Triều viết: Hà Nội quán xá phố phường của nhà văn Uông Triều là tập tản văn các bài viết về những điều bình dị ở Hà Nội. Bằng tình yêu dành cho Hà Nội, Uông Triều đã khắc họa sâu hơn chân dung của thành phố nghìn năm tuổi. Từng bước, từng bước, tác giả dẫn dắt người đọc qua phố phường với những con phố thân thuộc, gắn với những câu chuyện lịch sử như Đê La Thành, Hàng Đào, Hàng Ngang,… đến những món ngon truyền thống đến nay vẫn còn giữ nguyên vẹn hương vị trong tâm trí người thưởng thức như: bún ốc, bún cá, phở bò, bánh rán...

Bằng chia sẽ chân thành và giản dị, tác giả Uông Triều kể câu chuyện về những điều nhỏ bé nhưng được gắn kết với nhau đã tạo nên một Hà Nội sâu lắng và thơ mộng. Tác giả viết "Người đàn bà trung niên quê Nam Định bán hàng miến trộn, bún riêu" trên phố Phan Đình Phùng và không xa là

78

"hàng đậu phú mắm tôm của người đàn bà quê Thái Bình", bắt tay làm quen "một ông cụ râu tóc bạc phơ, giữa mùa đông mà vẫn đánh trần, quần đùi áo cộc gánh nước tưới rau" ở phía sau chùa Láng...

Đỗ Bích Thúy cũng viết về Hà Nội với nhiều “dấu vết” và cái nhìn riêng của Đỗ Bích Thúy. “Hà Nội, tôi muốn mình vừa xa vừa gần. Đủ gần để làm việc, kiếm sống. Đủ xa để không phải nhốt mình trong chật chội, ồn ào. Đủ gần để cảm nhận hơi thở của nó. Đủ xa để nhìn về, thấy những biến chuyển từng bước làm thay đổi dung mạo, hồn vía thủ đô”- Đỗ Bích Thúy viết trong tản văn “Chờ bình yên quay về”.

* Giọng điệu ngưỡng mộ ngợi ca:

Nhà văn Nguyễn Hữu Quý là người vô cùng yêu quý, trân trọng những giá trị, những vẻ đẹp của con người, đời sống. Ngòi bút của ông khi viết về những vẻ đẹp và giá trị như thế luôn thể hiện một thái độ nâng niu, với giọng điệu ngưỡng mộ ngợi ca.

Dành cho miền sơn cước Tây Bắc một tình yêu mãnh liệt, nhà văn lí giải về tình yêu của mình bằng những góc nhìn đầy độc đáo thú vị - kết quả của những cảm luận sâu sắc về đất và người nơi đây. Tác giả gọi chất văn hóa Tây Bắc một cách đầy yêu quý ngưỡng mộ, đó là nguồn muối. Ông viết:

“Ăn cơm chung nguồn muối Xuống suối chung thuyền chèo Anh nói em chung thủy đừng phai Yêu thương ngàn năm đừng quên”

Chao ôi! Tới bao giờ tôi mới hiểu được một cách thấu đáo cái nguồn muối của trập trùng Tây Bắc, của nguồn muối nuôi dưỡng tình yêu muôn đời của Mường Thanh bát ngát, cái nguồn muối mặn vào máu thịt của cuộc đời,

79

xưa và nay rồi có thể là mãi mãi. Cái nguồn muối ấy đã truyền từ ông bà, cha mẹ vào em đấy Thanh ạ. Để tôi từ lần gặp gỡ thứ nhất đã góp vào trong cảm nhận Mường Thanh một điều gì đó đằm thắm, mặn mòi, sâu sắc và bềnh vững hơn tôi tưởng. Và, tôi nghĩ rằng chiếc khăn piêu em làm quà tặng tôi khi chia tay bên cạnh hầm Đờ Cát gần cánh đồng hoa hồng mới có mươi ngày bén đất Điện Biên chắc cũng được dệt ra từ nguồn muối ấy” [40,tr125-126]. Nhà văn đã rất thành công khi sử dụng khẩu ngữ một cách hợp lí, nhuần nhị qua các thán từ như chao ôi, ạ .v.v.. Điều đó giúp tác giả vừa thể hiện được tình cảm tha thiết, vừa giữ được một giọng điệu hết sức tự nhiên, sống động.

Khi viết về hoa sen, loài hoa mang quốc hồn quốc sắc Việt Nam, ngòi bút của Nguyễn Hữu Quý trở nên thăng hoa bay bổng và sâu lắng, một giọng điệu xứng đáng để nói về sen. Nhưng tác giả không sa vào miêu tả, mà chủ yếu là thẩm bình, cảm luận, thể hiện tình yêu đặc biệt với hoa sen. Nhà văn viết: “Theo tôi, sen hội tụ nhiều phẩm chất, đặc tính tiêu biểu cho con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Sắc hương tươi tắn thơm tho, hồn nhiên và cũng thật dịu dàng gần gũi với cảnh vật, con người. Ở đâu có sen ở đó bừng sáng thơm thảo. Những bông sen mọc lên từ bùn đen lam lũ, tỏa hương ngan ngát gần lắm với hình ảnh người dân Việt Nam trung hậu, ngoan cường, biết vượt lên số phận hoàn cảnh gian nan. Cũng như dân tộc ta vậy, đã từng rũ bùn đứng dậy sáng lòa như nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã ngợi ca.

Sen có ích cho cuộc đời. Bát chè hạt sen ngọt lắng tấm lòng mẹ ta, vợ ta. Chén trà ướp sen thơm phức của ông, của bố còn phảng phất đâu đây. Và, li ti những hạt tâm sen nhân nhẫn là vị thuốc an thần quý giá dân dã làm vơi bớt những bồn chồn bất an trong tâm tính” [43,tr178]. Nhà văn lại một lần nữa sử dụng rất hiệu quả các tính từ (thơm tho, hồn nhiên, dịu dàng, gần gũi, bừng sáng, thơm thảo, ngan ngát, thơm phức, phảng phất.v.v..), qua đó tạo nên một giọng điệu tràn đầy tình cảm ngưỡng mộ ngợi ca trong ngôn ngữ.

80

* Giọng điệu suy tư – triết luận:

Nguyễn Hữu Quý không dừng lại ở việc “ngắm nhìn” đối tượng, mà bao giờ cũng có thiên hướng phân tích, lí giải, cắt nghĩa nó, từ đó ngẫm nghĩ trăn trở và nâng nó thành vấn đề. Chính vì vậy, tản văn của ông thường xuất hiện giọng điệu suy tư – triết luận.

Từ những câu chuyện nhỏ bé và đầy cảm động của những người lính trẻ nơi chiến trận, Nguyễn Hữu Quý đã xúc động và đúc kết, khái quát thành những câu chuyện mang ý nghĩa lớn lao về tình đời, tình người, tình yêu Tổ quốc, đức hi sinh cao cả: “Từ một chiếc cối giã trầu làm bằng vỏ đạn chưa kịp gửi về cho mẹ, một cái lược làm bằng mảnh xác máy bay Mỹ chưa kịp gửi về cho người yêu ở quê nhà, ta rưng rưng cảm nhận được nỗi nhớ thương da diết hậu phương của các anh. Trong cuộc chiến tranh thăm thẳm ấy, các anh phải vượt qua sự khốc liệt dữ dội của đạn bom. Gian nguy kể sao cho xiết. Nhưng có lẽ, phải vượt qua nỗi sợ hãi thông thường của con người mới là thử thách lớn hơn cả. Ai chẳng muốn được sống để trở về với mẹ cha, với người vợ, người yêu của mình sau chiến tranh. Chẳng ai muốn chết trẻ cả, nhưng vì độc lập tự do của Tổ quốc, họ tự nguyện xả thân dâng hiến” [43,tr146]. Nhà văn đã chọn những chi tiết nghệ thuật đắt giá như chiếc cối giã trầu làm bằng vỏ đạn, cái lược lằm bằng mảnh xác máy bay Mỹ.v.v.., nhà văn đặt ra được những đối nghịch khiến câu chuyện mang một giọng điệu đầy suy tư, dằn vặt, trăn trở.

Nhìn những bất cập, bất ổn mà thế hệ trẻ đang phải đối diện, trước những ngổn ngang thế sự hiện thời, nhà văn không khỏi ưu tư lo lắng. Từ những nỗi niềm sâu nặng đó, tác giả đặt ra vấn đề mang tính cấp thiết, như một luận đề buộc chúng ta phải suy ngẫm và tìm câu trả lời: “Xã hội đang bắt trẻ con già trước tuổi, sự hồn nhiên bị ép buộc rời bỏ tuổi thơ, tuổi học trò rất sớm… Xã hội ta lẽ nào đang già đi một cách vô lối mà trẻ con cũng là lớp

81

người không được trẻ bằng tuổi của mình. Các bậc cha mẹ bây giờ hay khen con mình khôn sớm, thực ra tôi nghĩ đó là sự già trước tuổi của trẻ thời này. Những đứa trẻ già nua, những đứa trẻ thực dụng, những đứa trẻ vô cảm, những đứa trẻ ích kỉ… Những đứa trẻ bị đánh cắp sự hồn nhiên ngây thơ” [43,tr184]. Tác giả một lần nữa khai thác và sử dụng hiệu quả những tương phản đối lập như trẻ con già trước tuổi, trẻ con không được trẻ bằng tuổi của mình, những đứa trẻ già nua.v.v.. để làm nổi bật lên những mâu thuẫn, những vấn đề bức thiết trong đời sống thời hiện đại nhiều bất cập về văn hóa tinh thần.

Đọc tản văn Nguyễn Hữu Quý, có thể thấy mạch ngầm chủ đạo xuyên suốt chính là một âm hưởng lắng trầm vang vọng. Đó chính là sự hòa kết các giọng điệu nổi bật: trữ tình hoài niệm; ngưỡng mộ ngợi ca; suy tư – triết luận. Những giọng điệu này đã góp phần rất quan trọng để định hình, kiến tạo nên phong cách đặc trưng của tản văn Nguyễn Hữu Quý.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tản văn nguyễn hữu quý (Trang 81 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)