Biểu tượng Làng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tản văn nguyễn hữu quý (Trang 75 - 78)

6. Kết cấu của luận văn

3.2.1. Biểu tượng Làng

Làng quê là nơi bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống. Các giá trị này được biểu hiện, sống trong đời sống cộng đồng như những biểu tượng, biểu trưng cho văn hóa, cho các sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng cũng như các sinh hoạt khác của xã hội nông thôn.Làng là nơi người dân nước Việt sinh ra và lớn lên. Nơi đó có bờ tre, bến nước, mái đình, cây đa và điệu dân ca quen thuộc. Nơi đó là cuộc sống ấm cúng bên cha mẹ, là tình làng nghĩa xóm, là sự chân thật và thông cảm sẻ chia. Sự cố kết cộng đồng của làng dựa trên nhu cầu đoàn kết để chống ngoại xâm, hợp tác để làm thủy lợi và trị thủy.v.v.. Cấu trúc làng truyền thống của người Việt thường gắn với hình ảnh con đê làng, cổng làng, đình làng, cây đa, bến nước và không gian trong làng là những xóm dân cư, nhà vườn, ao khép kín. Cấu trúc làng là không gian nông thôn, mang đậm dấu ấn văn hoá lịch sử của người Việt. Nhìn về tổng thể, cấu trúc làng Việt cổ, khởi nguồn từ đồng bằng Bắc Bộ có tính liên hoàn cao. Sau luỹ tre xanh là những con đường dẫn vào các thôn xóm được lát gạch nghiêng sạch sẽ. Trong làng có nhiều ngõ nhỏ thông với nhau để người làng đi lối nào cũng có thể về nhà. Cấu trúc này thuận tiện cho cuộc sống canh tác lúa của người Việt. Và chính cấu trúc làng quần cư nông nghiệp như vậy đã hình

70

thành các thiết chế xã hội, tổ chức bộ máy quản lý trong mỗi làng. Mỗi làng thường có bản hương ước riêng quy ước về đạo đức lối sống, khuyến cáo dân làng những điều nên làm và không nên làm. Nhiều điều trong hương ước phù hợp với đời sống đã góp phần hình thành những phong tục tập quán văn hoá tốt đẹp, tạo nên tính cách tiêu biểu của người dân quần cư trong làng Việt. Trải qua nhiều thế hệ, cấu trúc làng cùng những tập quán văn hoá ấy đã tạo ra không gian làng quê yên bình. Có lẽ bởi vậy, với những người xa quê, hình ảnh ngôi làng luôn gợi nhớ cảm xúc về nguồn cội, sự lay động của tâm linh và lòng tự hào về truyền thống quê hương, xứ sở.

Như bao người con đất Việt khác, nhà văn Nguyễn Hữu Quý cũng thường trực trong lòng một nỗi niềm đau đáu hướng về ngôi làng nơi mình được sinh ra và lớn lên. Nhà văn đã dành tất cả tâm tư tình cảm của mình để xây dựng Làng thành một biểu tượng nghệ thuật trong tản văn của mình.

Trước hết, đọc tản văn Nguyễn Hữu Quý, ta có thể thấy làng là nơi có không gian riêng, thế giới riêng, làng của mỗi người đồng nghĩa với nơi đẹp nhất với người đó. Nhà văn diễn giải: “Cát làng tôi thật trắng. Có lẽ bởi vì thế mà nắng làng tôi chang chang và trăng làng tôi vằng vặc hơn mọi vùng quê khác chăng” [44,tr7].

Nhưng dù có xác quyết rằng làng mình là nơi đẹp nhất, thì tác giả cũng không thể nguôi quên một điều rằng làng gắn liền với những vất vả lam lũ của dân quê. Nhà văn viết: “Mùa nắng trở lại với những ngọn gió nam hây hẩy thổi từ trập trùng Trường Sơn thổi xuống. Đầu mùa, gió chưa thổi mạnh và cái nóng vô hình chưa đến độ héo quắt cỏ cây nhưng cũng đã đủ cho ta cảm nhận rõ những khô khát của đất đai. Nam ra rồi tề, bà tôi, mè tôi, dân làng tôi đều nói vậy khi cơn gió nóng đầu tiên quấy quả gánh cái hầm hập qua làng” [44,tr15].

71

Đáng chú ý hơn nữa là, với riêng nhà văn, làng còn là một biểu tượng của sự bí ẩn, của những huyền thoại. Cách diễn giải của nhà văn cũng vô cùng thú vị, độc đáo: “Làng có nhiều ma. Ma cạn, ma nước đều có cả. Đầu làng có bụi duối mồ côi. Quả chín vàng rộm. Quả duối là món ăn rắn rất thích, chẳng biết đúng thế không nhưng chẳng đứa nào dám chèo lên hái. Đây là nhà của ma. Sợ lắm” [44,tr28].

Tất nhiên, dù có thần bí hay huyền thoại đến đâu trong tâm trí trẻ thơ, thì cuối cùng làng cũng vẫn luôn là một thế giới vô cùng đơn sơ, ấm cúng, thân tình. Tác giả hồi tưởng lại những kỉ niệm tươi vui như thế: “Cũng có những đêm trăng sáng mà bọn con nít trong xóm không chơi ù mọi hay đánh du kích như mọi bận. Ấy là khi đội chiếu phim của chú Sanh về làng.

Từ lưng lửng chiều, lũ trẻ đã reo ầm lên Bây ơi bây ơi. Đội chiếu phim của chú Sanh về rồi tề khi thấy con bò vàng có chiếc u nhô cao kéo chiếc xe chở máy chiếu, máy nổ, phông màn đang thủng thẳng bước vào làng” [44,tr61].

Đặc biệt là với quê hương miền Trung của tác giả thì làng còn là nơi sâu đậm tình nghĩa con người. Có lẽ chẳng ở đâu con người ta gắn kết sẻ chia với nhau như ở làng quê: “Tết đến, nhớ xóm nhớ làng, lan man chuyện cũ nhắc lại lòng bâng khuâng lắm. Mới oe oe đỏ hỏn, tung tăng tung tưởi ngày nào mà bây giờ đã ngổn ngang tóc bạc tóc đen. Mấy chục năm qua rồi. Chiến tranh. Hòa bình. Người còn kẻ mất. Nhưng quê hương vẫn mãi là vầng sáng ấm áp trong tôi. Còn đó một sông Gianh mang mang chảy về biển cả. Còn đây núi Cha Màn, đồng Con Ruộng, đồi Mạ Ca. Còn đây mái Am giếng Ngọc. Và trong tôi – một đứa con xa quê – đang thầm thì thương nhớ: Khi dãy núi Lệ Đệ nằm ở phía Nam làng tôi không còn u ám bởi gió bấc mưa dầm dãi dề lạnh buốt nữa thì không khí chuẩn bị đón tết đã bắt đầu rộn ràng” [44,tr92].

72

Đối với một người con của mảnh đất mưa bom bão đạn Quảng Bình Quảng Trị, làng còn như là một biểu tượng về sức chống chịu thử thách trong biến thiên dữ dội của lịch sử, trận mạc, chiến tranh. Tác giả bải hoải khi nhớ lại những hồi ức kinh hoàng mà mình và trẻ thơ đồng lứa trong làng đã trải qua: “Thời ấy, không ai ở vùng đất này kể cả lũ con nít như chúng tôi nghĩ rằng mình sẽ sống sót qua cuộc chiến tranh. Bom trên trời dội xuống, pháo ngoià biển câu vào, làng xóm bị đào lên lấp xuống tan nát tơi bời. Hồi chín, mười tuổi tôi đã tận mắt thấy cảnh người bị trúng bom” [44,tr101].

Khảo sát 4 tập tản văn của Nguyễn Hữu Quý, kết quả thống kê cho thấy có 56 lần hình ảnh làng xuất hiện. Nó cho thấy một mật độ sử dụng hình ảnh này ở mức độ khá cao, đủ để nó trở thành một biểu tượng nghệ thuật theo dụng ý nghệ thuật của tác giả.

Sinh ra từ làng, lớn lên từ làng, tâm trí và tâm huyết luôn dành hết để hướng về làng, cho nên nhà văn Nguyễn Hữu Quý đã công phu xây dựng hình ảnh Làng trở thành một biểu tượng nghệ thuật đa nghĩa và đầy sống động, ấn tượng. Đó là nơi lưu giữ bảo tồn văn hóa quê hương của người Việt, trong đó có văn hóa tâm linh; biểu tượng của ý chí, của sự nghèo khó lam lũ cơ cực; của sự yêu thương chia sẻ gắn kết; của sức chống chịu thử thách; thậm chí là của sự bí ẩn huyền thoại.v.v.. Xây dựng thành công biểu tượng này, tản văn của Nguyễn Hữu Quý có lẽ sẽ mở rộng thêm sức lan tỏa và đồng cảm, đón nhận của bạn đọc – bởi bất kì ai trong mỗi chúng ta đều là con của một làng quê.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tản văn nguyễn hữu quý (Trang 75 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)