Biểu tượng Cát

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tản văn nguyễn hữu quý (Trang 78 - 81)

6. Kết cấu của luận văn

3.2.2. Biểu tượng Cát

Nhà văn Nguyễn Hữu Quý sinh ra và lớn lên nơi miền Trung đầy gió Lào cát trắng. Cuộc sống của người miền Trung nói chung và của tác giả nói riêng gắn liền với không gian và thế giới của cát. Cát đồng hành và xuất hiện

73

trong hầu hết mọi phương diện cuộc sống của con người. Chính vì vậy, cát trở thành một thành tố rất đặc biệt. Nguyễn Hữu Quý thấu hiểu sự gắn bó cũng như ý nghĩa đó, nhà văn đã chủ ý xây dựng Cát thành một biểu tượng nghệ thuật trong các tản văn của mình.

Nhà văn nhận thấy cuộc đời con người quê hương ông bắt đầu và kết thúc đều từ cát. Hóa ra, một vật tưởng vô tri vô giác nhưng lại có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt với con người. Ông suy tưởng và cảm luận đầy triết lí: “Tôi sinh ra ở cuối một con sông lớn của Quảng Bình, nơi mỗi cuộc đời của người dân làng tôi đều bắt đầu và kết thúc từ cát. Nhúm rau sơ sinh chôn vào cát và cát đón người trở về sau khi họ đã trút hơi thở cuối cùng trên thế gian. Những hạt cát bé li ti và thô tháp, thế mà khi quần tụ lại là thành cồn, thành bãi, tiếp tiếp nối nối nhau không dứt ở bốn phía làng tôi” [44,tr7].

Trong thăng trầm của cuộc sống thường nhật, cát trở thành linh hồn của làng xóm khi nó đồng hành và chứng kiến tất cả những nhọc nhằn gian khổ của dân quê miền Trung lam lũ. Nhà văn trầm tư suy xét mà thấy rằng: “Cát trắng, ấy vừa là cát vừa là hồn của xóm của làng; nó từng chứng kiến muôn vàn thăng trầm bão giông của thế cuộc, những cuộc chiến tranh dài dằng dặc. Cát trắng ấy thấm biết bao mồ hôi, máu, nước mắt của dân làng tôi trong chật vật mưu sinh và kiên cường đánh giặc. Đi đầu, về đâu, trong tôi vẫn thầm thì tiếng cát cuối dòng sông Gianh” [44,tr13].

Có khi, cát hóa thân vào thân phận và số kiếp con người. Nó cũng nhỏ bé, vô thường như đời người vậy. Nhà văn đã rất dụng công khi luận về những con đường cát xóa dấu chân người đi. Tác giả viết: “Tôi lại nhớ tới những con đường trên cát. Đó là con đường riêng của mỗi người, nói chính xác hơn dấu chân của họ để lại trên cát thành đường. Những con đường như thế thường có tuổi đời rất ngắn. Nó sẽ không tồn tại sau một trận gió lớn. Gió

74

Lào, gió bấc, thậm chí cả gió nồm đều có thể khỏa lấp hết những dấu chân trên cát. Và, thế là con đường của họ cũng mau chóng hòa lẫn vào cát trắng miên man” [44,tr10].

Thấu hiểu đời sống người dân quê cát, cho nên Nguyễn Hữu Quý cảm nhận rất rõ về sự tương đồng vô hình nào đó giữa cái khô cằn của cát với cái nghèo khó thiếu thốn của dân làng. Nhà văn diễn giải: “Một căn nhà thấp lè tè, mái rạ vách đất đứng xiêu xiêu trên cát. Cát pha bùn có cái mùi ôi ôi khó tả. Thứ cát ấy không mang lại sự màu mỡ phì nhiêu cho lúa, bù lại nó hợp với khoai môn, hành tỏi và rau. Thứ cát ấy đẻ ra làng Long nửa nông, nửa thương, vừa cấy lúa trồng rau vừa bán buôn chạy chợ. Dạy sớm, ngủ muộn. Cần cù siêng năng lắm nhưng phần đông người dân làng Long vẫn cứ nghèo. Nghèo vì cấy lúa cắm xuống cát pha bùn cức còi cọc, ốm o, cây lúa chín không uốn được bông câu cứ ngơ ngơ ngác ngác đâm thẳng lên trời, hạt thóc đã bé lại mỏng” [44,tr29].

Ám ảnh về cát là cái ám ảnh của sự gian lao nghèo khổ cơ cực, đến nỗi nhà văn thấy không thể kêu về nỗi khổ nữa. Người dân ở đây chịu đựng kiên tâm bao nhiêu, thì cát có lẽ cũng cứ lặng thầm chịu đựng như thế bấy nhiêu. Tác giả viết: “Thực lòng, tôi không muốn thay dân mình kêu khổ. Khổ nhiều rồi, khổ rõ rồi, còn gì mà kêu. Tôi tin, dù gian lao đến mấy, dân quê tôi, miền Trung thân thương của tôi vẫn cứ sống như không thể mất. Còn trùng điệp Trường Sơn là vẫn còn miền Trung dằng dặc. Còn mãi với tôi, với em, với bè bạn muôn nơi: Chang chang dặm cát/ Mẹ múc sông lên vằng vặc câu hò/ Soi tỏ rừng cay biển mặn [43,tr151].

Khảo sát 4 tập tản văn của Nguyễn Hữu Quý, kết quả thống kê cho thấy hình ảnh Cát đã xuất hiện 63 lần. Đây cũng là một mật độ xuất hiện khá cao, đủ để hình ảnh này trở thành một biểu tượng nghệ thuật theo dụng ý của tác giả.

75

Đọc tản văn Nguyễn Hữu Quý, người đọc có thể nhận thấy, cát không chỉ đơn thuần là một sự vật trong đời sống hằng ngày nữa, mà cát đã thực sự trở thành một “nhân vật”. Cát gắn liền với kỉ niệm tuổi thơ, gắn liền với cuộc sống làng quê với những con người miền Trung kiên cường trong gian khổ. Cát như là một biểu tượng của sự gian khó nhọc nhằn, của sự bé nhỏ đến vô thường, của sự kiên tâm chống chịu và sự tồn tại vĩnh cửu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tản văn nguyễn hữu quý (Trang 78 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)