5. Bố cục của luận văn
3.2.2. Xây dựng và ban hành cơ chế chính sách phục vụ công tác quản lý nhà
nước đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
Trước đây, do cơ chế quản lý cũ mặt khác trong giai đoạn đầu phát triển dự án khu đô thị, khu dân cư chưa có kinh nghiệm nên tỉnh chưa ban hành các quy định chung về thủ tục hành chính để thực hiện các dự án đầu tư nên thủ tục hành chính cho công tác chuẩn bị đầu tư rất phức tạp và mất nhiều thời gian của nhà đầu tư, nhiều nhà đầu tư lúng túng trong quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư. Thực hiện chủ trương chung của Đảng và Chính phủ về quản lý và phát triển các loại hình nhà ở cho các nhóm đối tượng trong xã hội, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính
sách và công khai thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa ở hầu hết các khâu, các công đoạn của dự án nên thủ tục đơn giản và nhanh gọn hơn rất nhiều. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên cũng đã xây dựng cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở ban, ngành để công bố công khai các thủ tục hành chính; nghe phản ánh và trả lời các vướng mắc của các tổ chức, cá nhân, định kỳ tổ chức giao lưu trực tuyến với người dân và doanh nghiệp.
Hiện nay, thủ tục hành chính về đầu tư đã được cải thiện rõ rệt, các văn bản liên quan đến trình tự, thủ tục cơ bản đầy đủ và công khai minh bạch đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư dễ dàng tìm kiếm cơ hội đầu tư, tiếp cận nhanh chóng với các thủ tục hành chính, tiết kiệm được thời gian và chi phí. Trong những năm gần đây nhà đầu tư cơ bản hài lòng với việc giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.
Tuy nhiên, tổng kết lại quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư thì nhà đầu tư vẫn phải thực hiện một khối lượng công việc khá lớn, trung bình một dự án đầu tư chỉ tính riêng việc hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư (từ khi xin chủ trương đầu tư đến khi khởi công dự án) nhanh cũng phải mất từ 1 đến 1,5 năm, nhiều dự án kéo dài trên 2 năm. Trung bình nhà đầu tư phải làm việc với khoảng 20 cơ quan, đơn vị với trên 100 con dấu các loại. Vài chục cuộc họp với các cơ quan, các ngành và chính quyền địa phương. Lý do thủ tục hành chính còn chậm ở một số vấn đề tồn tại sau:
- Trình tự thủ tục về giải phóng mặt bằng quá phức tạp, mất rất nhiều thời gian [1]: Trước đây, tỉnh chưa có quy định chặt chẽ về thời gian giải quyết thủ tục hành chính ở từng khâu trong công tác giải phóng mặt bằng, bên cạnh đó nhiều dự án, quyết định thu hồi đất của tỉnh không giao trực tiếp cho các huyện giải phóng mặt bằng để giao đất cho nhà đầu tư mà mà giao trực tiếp cho nhà đầu tư phối hợp với địa phương (huyện, thành phố, thị xã) để giải phóng mặt bằng. Mặt khác, công tác giải phóng mặt bằng chưa được kiểm tra, đôn đốc kịp thời, vì vậy các địa phương ỷ lại vào nhà đầu tư, nhà đầu tư nào đến ký hợp đồng với Ban bồi thường giải phóng mặt bằng của huyện thì huyện mới làm, Nhà đầu tư nào muốn giải phóng mặt bằng nhanh thì phải thường xuyên bám sát lấy cán bộ làm công tác bồi thường, vì vậy công tác giải phóng mặt bằng rất chậm và gặp nhiều khó khăn, không quy rõ trách nhiệm của Ban bồi thường và UBND cấp huyện. Đến nay, còn nhiều dự án
kéo dài 5-6 năm chưa giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư, Nhà nước, xã hội và người dân trong dự án, làm nhiều nhà đầu tư chán nản. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quy hoạch treo, dự án treo.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng của tỉnh nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án, tỉnh không trực tiếp giao đất chưa giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư mà giao cho UBND cấp huyện hoặc Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc huyện hoặc Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường để giải phóng mặt bằng xong mới giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Thực hiện tạo quỹ đất sạch ngay từ khâu quy hoạch thực hiện dự án để mời các Nhà đầu tư vào lập dự án đầu tư nhằm thu hút đầu tư theo chủ trương của tỉnh.
- Thủ tục đầu tư xây dựng dự án đầu tư xây dựng liên quan đến rất nhiều ngành, nhiều cấp. Mỗi cơ quan lại ban hành một quy định riêng về hồ sơ và thời gian giải quyết công việc, để đảm bảo “an toàn” cho cơ quan mình thì hồ sơ của từng cơ quan khá nhiều, nhiều hồ sơ thủ tục không cần thiết. Nếu UBND tỉnh giao cho một cơ quan đầu mối để tiếp nhận, luân chuyển và trả kết quả từ khâu xin chủ trương đầu tư đến khâu hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư để thi công công trình và ban hành một trình tự, thủ tục giải quyết công việc chung của các cơ quan khi hồ sơ luận chuyển đến thì sẽ khoa học hơn và rút ngắn được thời gian rất nhiều.
- Thủ tục hành chính ở một số khâu, một số công đoạn còn quá rườm rà, nhiều thủ tục không cần thiết nhưng chưa được xem xét cắt bỏ. Ngoài ra ở một số khâu vẫn còn cơ chế “xin cho” nên cũng làm thủ tục hành chính bị chậm lại.
- Hiện nay các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu áp dụng phần mềm quản lý công việc, quản lý văn thư lưu trữ nhằm tạo sự liên thông trong hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước giữa UBND tỉnh với các cơ quan chuyên môn là các sở, ban, ngành của tỉnh và giữa các cơ quan của tỉnh với địa phương. Vì vậy việc quản lý văn bản đã khoa học hơn, tiết kiệm thời gian, sự phối hợp, kết nối với các cơ quan với nhau trong giải quyết công việc nhanh chóng, giảm thủ tục hành chính công văn giấy tờ.
- Triển khai chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 64/2014/NQ-HĐND ngày 12/12/2014 của HĐND tỉnh về thông qua Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; UBND tỉnh đã phê duyệt chương trình phát triển nhà ở của tỉnh tại Quyết định số 3120/QĐ-UBND ngày 30/12/2014 làm căn cứ để triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở và các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh.
Thực tế cho thấy, một thời gian dài, việc xin cấp phép đầu tư các dự án KĐT, KDC còn dễ dãi, chế tài quản lý thiếu cụ thể, chặt chẽ. Từ đó dẫn đến những bất cập trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng, thuê đất, giải phóng mặt bằng, kinh doanh bất động sản… Qua khảo sát thực tế tại một số KĐT, KDC đã hoàn thiện trên địa bàn tỉnh cho thấy, hầu hết các trục đường chính và đường nhánh trong KĐT, KDC đều khá chật hẹp. Thực tế này không chỉ xuất hiện ở các KĐT, KDC đã đầu tư cách đây nhiều năm mà còn ở cả một số KĐT, KDC mới, đang xây dựng tại thành phố Thái Nguyên là Picenza, Đồng Bẩm... Mặt khác, một số dự án KĐT, KDC đang bị thiếu kết nối giao thông. Theo thống kê chưa đầy đủ thì trên địa bàn thành phố Thái Nguyên đang có tới mấy chục KĐT, KDC được quy hoạch và xây dựng mới. Tuy nhiên, hiện không ít KĐT, KDC chưa thực hiện đúng quy hoạch ban đầu.
Để thực hiện tốt mục tiêu phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh và khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thời gian qua, nâng cao hiệu quả đầu tư và chất lượng công trình HTKT, hạ tầng xã hội tại các dự án khu đô thị, khu dân cư mới, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 33/2017/QĐ-UBND ngày 03/11/2017 (có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2017) của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định một số nội dung về quản lý, đầu tư xây dựng dự án khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Quyết định số 25/2018/QĐ-UBND ngày17/10/2018 v/v sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 33/2017/QĐ-UBND ngày 03/11/2017.