5. Bố cục của luận văn
1.1.6. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý rủi ro tín dụng
1.1.6.1. Các yếu tố chủ quan
Các nhân tố chủ quan là các nhân tố xuất phát từ chính bản thân ngân hàng là những nhân tố quan trọng nhất quyết định đến mức độ quản trị rủi ro tín dụng. Các nhân tố này bao gồm:
a. Chiến lược phát triển và mục tiêu của hệ thống.
Chiến lược phát triển và mục tiêu của hệ thống ảnh hưởng rất lớn tới công tác quản lý rủi ro tín dụng. Bối cảnh thực tế có thể thấy rằng: đánh đổi giữa rủi ro và lợi nhuận. Rủi ro cao hơn hứa hẹn một mức lợi nhuận cao hơn. Ở nhiều ngân hàng tồn tại một vòng tròn luẩn quẩn của sự phát triển tín dụng của các Ngân hàng. Chiến lược về chính sách và quy trình cho vay lỏng lẻo, định hướng tín dụng chưa đạt được tầm chiến lược, chưa triệt để nguyên tắc của thị trường sẽ ảnh hưởng lớn tới quản lý rủi ro tín dụng. Các Ngân hàng đề ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng lợi nhuận, việc áp các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng lợi nhuận làm cho các Chi nhánh, cán bộ tác nghiệp chạy theo doanh số, lúc này việc Quản lý rủi ro bị bỏ ngỏ. Đến khi ngừng phát triển nóng, nợ xấu phát sinh, các Ngân hàng quay lại quản lý rất chặt, ngừng cấp tín dụng, lợi nhuận ngân hàng giảm, các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, hoạt động ngân hàng không mang lại hiệu quả. Sau đó các ngân hàng lại thúc đẩy phát triển dư nợ… Đây cũng là một bất cập của hệ thống Ngân hàng Việt Nam trong thời gian qua. Vì vậy, việc tạo ra chiến lược phát triển và mục tiêu phù hợp ảnh hưởng lớn tới công tác quản lý rủi ro tín dụng.
b. Quan điểm về quản lý rủi ro, nhận thức và chủ trương của lãnh đạo về quản lý rủi ro
Để xây dựng được hệ thống quản lý rủi ro và duy trì hoạt động có chất lượng thì quan trọng nhất là quan điểm và nhận thức của lãnh đạo đơn vị về hoạt động quản lý rủi ro. Nếu lãnh đạo nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của hoạt động quản lý rủi ro và truyền đạt đến toàn thể nhân viên thì chất lượng quản lý rủi ro được nâng cao. Ngược lại, với những nhà lãnh đạo cho rằng hoạt động này chỉ mang tính chất hình thức và thực hiện cho đủ quy định thì hệ thống hoạt động không thể có chất lượng cao.
c. Năng lực, kinh nghiệm đội ngũ cán bộ
Yếu tố con người luôn là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự thành bại của bất cứ một hoạt động nào trên mọi lĩnh vực. Đối với hoạt động tín dụng thì yếu tố con người lại càng đóng vai trò quan trọng, nó quyết định đến chất lượng tín dụng, chất lượng dịch vụ và hình ảnh của NHTM. Cán bộ tín dụng giỏi còn tư vấn
cho khách hàng có phương án kinh doanh hiệu quả, đem lại lợi nhuận cho cả khách hàng và ngân hàng. Một ngân hàng có đội ngũ cán bộ, nhân viên có chất lượng tốt thì công tác quản trị rủi ro diễn ra hiệu quả hơn vì họ nắm bắt được công việc, phân tích, đánh giá các sự vật, sự việc một cách toàn diện, vận dụng linh hoạt trước những thay đổi của môi trường. Ngược lại, nếu chất lượng đội ngũ cán bộ tín dụng của ngân hàng chưa cao, thiếu trình độ chuyên môn, không đủ khả năng thẩm định phương án vay vốn của khách hàng cũng như thiếu kinh nghiệm phát hiện những điều bất thường trong phương án của khách hàng và không đủ khả năng nhận biết tình hình kinh tế xã hội tác động như thế nào đến lĩnh vực kinh doanh của khách hàng. Điều này dẫn đến việc đưa ra các quyết định cho vay không đúng (Bùi Thị
Lan, 2010). Trong bố trí sử dụng, cán bộ tín dụng cần phải được sàng lọc kỹ càng và
phải có kế hoạch thường xuyên bồi dưỡng những kiến thức cần thiết để theo kịp với nhịp độ phát triển và biến đổi của nền kinh tế thị trường. Ngoài ra, họ còn phải có tiêu chuẩn về đạo đức và sự liêm khiết, bởi lẽ nếu người cán bộ tín dụng thiếu trách nhiệm hay cố tình vi phạm có thể sẽ gây tổn thất rất lớn cho ngân hàng.
d. Sự phát triển của hệ thống thông tin của NHTM.
Hiện nay, kinh tế nước ta đang hội nhập mạnh mẽ, quy mô của nền kinh tế liên tục tăng lên. Quy mô của các ngân hàng thương mại vì vậy cũng tăng lên nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Với sự phát triển của kinh tế thì máy tính, hệ thống thông tin ngân hàng là tất yếu không thể thiếu. Hệ thống thông tin, báo cáo của ngân hàng giúp được các nhà quản trị có thể theo dõi, phân tích, đánh giá được những giao dịch đáng ngờ, cập nhật được tình hình nợ xấu, phân loại nợ hàng ngày, đánh giá và phân tích nguyên nhân nợ xấu để có thể phát hiện và xử lý sớm các sai phạm xảy ra, giúp cho việc quản trị tín dụng hiệu quả hơn. Với hệ thống thông tin nội bộ tốt hơn, việc ứng dụng công nghệ tốt hơn để phân tích, đánh giá khách hàng đưa ra các thông tin cho nhà quản trị, lãnh đạo hoặc cán bộ tác nghiệp để đưa ra nhận định. Hệ thống thông tin ngân hàng còn là hệ thống thông tin cảnh báo tín dụng, hệ thống trao đổi về các ngành nghề lĩnh vực, khách hàng. Với sự tích lũy thông tin sẽ đưa ra được một cái nhìn toàn cảnh về hoạt động của hệ thống cho đến từng khách hàng.
1.1.6.2. Yếu tố khách quan
Nhân tố khách quan ảnh hưởng tới công tác quản trị rủi ro tín dụng có thể kể đến là: nhân tố khách hàng, môi trường thông tin, môi trường pháp lý, môi trường tự nhiên và kinh tế xã hội.
a. Môi trường kinh tế, văn hóa - xã hội
+ Sự biến động của nền kinh tế thị trường như: lạm phát, tỷ giá, suy thoái,… ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến tình hình tài chính của khách hàng vay, từ đó ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng vay, gây ra rủi ro tín dụng ở các mức độ khác nhau.
+ Các nhân tố thuộc về môi trường tự nhiên như: lũ lụt, hỏa hoạn, bệnh dịch,… Đây là những yếu tố bất khả kháng, yếu tố này không thể lường trước được, bản thân các doanh nghiệp vay vốn cũng không thể dự tính được. Trong các năm gần đây chúng ta đều được chứng kiến tai họa xảy đến đối với các doanh nghiệp chăn nuôi, khi mà vốn liếng của họ bị thiêu huỷ hết do dịch cúm gia cầm. Rất nhiều gia đình vay vốn ngân hàng để chăn nuôi nhưng nay bị mất trắng. Họ gần như không có khả năng thanh toán nợ cho ngân hàng, đồng nghĩa với điều đó là việc ngân hàng mất vốn hay rủi ro tín dụng xảy ra (Nguyễn Văn Tiến, 2009).
b. Các chính sách của nhà nước
Một trong những nhân tố của môi trường bên ngoài ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và NHTM nói riêng là hệ thống pháp luật. Trước hết đó là các vấn đề về chính sách vĩ mô của chính phủ đóng vai trò quyết định đối với hoạt động của nền kinh tế quốc dân nói chung và lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, tín dụng của ngân hàng thương mại nói riêng. Hoạt động ngân hàng chịu sự tác động của nhiều nhân tố thuộc về môi trường kinh tế xã hội, pháp lý nói chung. Môi trường pháp lý cũng là một nhân tố ảnh hưởng tới vấn đề rủi ro trong tín dụng. Khi mà các quy định về quy trình trong hoạt động tín dụng không được quy định chặt chẽ và hợp lý, nó sẽ không chỉ gây khó khăn cho hoạt động tín dụng, mà còn tạo khả năng rủi ro xảy ra. Khi mà quy định hợp lý và chặt chẽ nó sẽ hạn chế được những trường hợp xấu trong hợp đồng tín dụng. Ngoài ra, những chính sách đó có thể có lợi cho ngân hàng, nhưng cũng có thể có hại. Khi mà ngân hàng nhà nước
thay đổi lãi suất huy động, hoặc tỷ lệ dự trữ bắt buộc… nó làm thay đổi mọi kế hoạch của ngân hàng. Khi mà lãi suất huy động tăng lên làm cho ngân hàng gặp khó khăn trong việc cho vay. Với mức lãi suất huy động cao thì lãi suất đối với hoạt động tín dụng cũng phải được đẩy lên để đảm bảo lợi nhuận cho ngân hàng. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc khách hàng trả lãi và gốc cho ngân hàng là rất khó, và rủi ro tín dụng cao lên (Nguyễn Đức Tú, 2011).
c. Sự cạnh tranh trong môi trường ngành
Sự cạnh tranh càng gay gắt thì công tác quản lý rủi ro tín dụng càng có khả năng bị ảnh hưởng. Ngân hàng cũng là một tổ chức hoạt động vì lợi nhuận, vì vậy khi môi trường cạnh tranh trong ngành càng gay gắt, mỗi hệ thống ngân hàng lại tự xây dựng cho mình những tiêu chuẩn tín dụng khác nhau, quy trình quản lý rủi ro tín dụng khác nhau. Để có thể thu hút được khách hàng nhiều hơn thì việc các ngân hàng nới rộng tỷ lệ cho vay, giá trị định giá,... để cạnh tranh với các ngân hàng khác. Chính vì vậy, sự cạnh tranh trong ngành càng gay gắt thì các Ngân hàng càng đưa ra nhiều chiêu lôi kéo khách hàng và vì vậy công tác quản lý rủi ro tín dụng có thể bị giảm thấp. Xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, trong đó các Ngân hàng có cơ chế quản lý rủi ro vươn tới chuẩn mực và cạnh tranh về dịch vụ và lợi ích sẽ giảm thiểu rủi ro trong hệ thống ngân hàng.
d. Sự phát triển của công nghệ thông tin và hệ thống thông tin Quốc gia
Chất lượng của quản lý rủi ro tín dụng phụ thuộc rất nhiều vào thông tin đầu vào của quá trình thẩm định. Trình độ công nghệ của một đất nước càng cao, hệ thống thông tin càng phát triển thì công tác quản lý rủi ro tín dụng càng được nâng cao. Sự dễ dàng tiếp cận các thông tin có độ tin cậy sẽ giúp nhà quản trị NHTM cũng như các cán bộ tác nghiệp trực tiếp có những nhận định chính xác để ra quyết định. Sự phát triển của công nghệ thông tin sẽ giảm thiểu được chi phí của việc có được thông tin (chi phí đi lại, chi phí chờ đợi để có được thông tin cần thiết). Một quốc gia xây dựng được hệ thống thông tin rộng lớn với sự liên thông thông tin của nhiều thành phần: thuế, hải quan, hệ thống ngân hàng, các cơ quan quản lý… thì sẽ tạo ra chất lượng thông tin tốt và nhiều mặt, không chỉ tốt cho các Ngân hàng mà còn thuận lợi hơn cho việc quản lý nhà nước.