5. Bố cục của luận văn
1.1.5. Nội dung nghiên cứu quản lý rủi ro tín dụng của NHTM
Quá trình quản lý rủi ro tín dụng gồm 4 nội dung: Tổ chức hệ thống quản lý rủi ro tín dụng, thực hiện quản lý rủi ro tín dụng, nhận diện rủi ro liên quan đến khách hàng vay và đánh giá, nhận xét quá trình quản lý rủi ro. Mặc dù có sự phân đoạn trong quy trình quản lý rủi ro tín dụng song một nguyên tắc có tính xuyên suốt là các khâu được phân ra trong quy trình phải luôn có sự liên hệ gắn bó với nhau, tạo thành một chu trình liên tục có vậy mới bảo đảm kiểm soát được rủi ro theo mục tiêu đã định. RRTD một khi đã xác định thì cần phải được phân tích, đánh giá và đưa ra các biện pháp quản lý theo dõi. Cũng trong quá trình quản lý theo dõi, hệ thống quản lý rủi ro tín dụng phải có khả năng xác định tìm ra các nguy cơ rủi ro mới và công việc của quản lý rủi ro lại được lặp lại.
Quản lý rủi ro là điều mà tất cả những nhà quản lý ngân hàng rất quan tâm vì nếu quản trị được thì việc phòng ngừa và hạn chế rủi ro trở nên dễ dàng hơn. Việc quản trị rủi ro tín dụng bao gồm các nội dung sau:
a. Thứ nhất, tổ chức hệ thống quản lý rủi ro tín dụng
Có 02 mô hình tổ chức hệ thống quản trị rủi ro tín dụng là mô hình quản lý rủi ro tín dụng tập trung và phân tán.
- Mô hình quản lý rủi ro tín dụng tập trung
Mô hình này có tách độc lập trong 3 chức năng: quản lý rủi ro, kinh doanh và hoạt động. Sự tách biệt giữa 3 chức năng trước hết nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất cũng như tối đa hóa các kỹ năng chuyên môn của từng viên chức làm việc trong hoạt động tín dụng.
Điểm mạnh:
(1) Quản lý rủi ro một cách hệ thống trên quy mô toàn ngân hàng, đảm bảo khả năng cạnh tranh lâu dài.
(2) Thiết lập và duy trì môi trường toàn diện quản lý rủi ro phù hợp với quá trình quản lý được gắn với hoạt động của các đơn vị kinh doanh tăng cường khả năng đo lường và giám sát rủi ro.
(3) Thiết lập chính sách quản lý rủi ro thống nhất cho toàn bộ hệ thống. (4) Thích hợp với các ngân hàng quy mô lớn.
Điểm yếu:
(1) Việc thành lập và thực hiện các mô hình quản lý tập trung này đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức.
(2) Các nhân viên phải có kiến thức cần thiết và biết làm thế nào để áp dụng lý thuyết vào thực tế (Nguyễn Đức Tú, 2011).
- Mô hình quản lý rủi ro tín dụng phân tán
Mô hình này không có sự tách biệt giữa các chức năng của quản lý rủi ro, kinh doanh và hoạt động. Trong đó, các văn phòng tín dụng của một ngân hàng thực hiện đầy đủ 3 chức năng và chịu trách nhiệm cho tất cả các giai đoạn chuẩn bị cho một khoản vay.
Điểm mạnh:
(1) Có trật tự.
(2) Cơ cấu tổ chức đơn giản.
Điểm yếu:
(1) Nhiều phương thức tập trung ở một nơi, thiếu chuyên sâu.
(2) Việc quản lý tín dụng là trong phương thức từ xa dựa trên số liệu báo cáo của ngành, quản lý gián tiếp thông qua chính sách tín dụng (Nguyễn Đức Tú, 2011).
b. Thứ hai, thực hiện quản lý rủi ro tín dụng
Quản lý tín dụng: Là việc phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro được thực hiện theo quy định của ngân hàng Nhà nước và chỉ dẫn của Tổng giám đốc ngân hàng.
Việc phân loại các khoản nợ của ngân hàng sẽ giúp ngân hàng có điều kiện theo dõi và đánh giá cấp độ rủi ro của từng món vay, từng khách hàng vay để từ đó có các giải pháp kịp thời. Việc phân loại nợ sẽ là cơ sở cho việc đưa ra mức độ giám sát và mức trích lập dự phòng rủi ro cho từng món vay.
Tỷ lệ trích lập quỹ dự phòng rủi ro thường được quy định ở mỗi nước là khác nhau. Tỷ lệ này thường được đưa ra trên cơ sở con số thống kê hiện tại về mức độ rủi ro của các ngân hàng. Ở những nước có hệ thống luật pháp cho việc quản lý các khoản nợ phát triển thì áp dụng tỷ lệ trích lập thấp hơn. Điển hình như ở Mỹ thì quy định mức trích lập khoảng 10% đối với các khoản tín dụng không đủ tiêu chuẩn, 50% đối với các khoản nợ khó đòi và 100% đối với những khoản tín dụng mất mát thua lỗ. Còn những nước đang phát triển như Thái Lan thì mức độ trích vào khoảng 20 - 25% đối với những khoản nợ không đủ tiêu chuẩn, 50 - 75% đối với khoản nợ khó đòi và 100% đối với khoản nợ mất mát. Quỹ dự phòng là nguồn bù đắp chủ yếu của những khoản tín dụng bị tổn thất. Quỹ thường được trích ra từ lợi nhuận sau thuế. Với việc lập quỹ dự phòng rủi ro khi rủi ro xảy ra việc mất vốn cho vay sẽ không gây nhiều tác động đến ngân hàng. Việc trích lập quỹ dự phòng ở Việt Nam hiện nay áp dụng theo Khoản 4 Điều 6.10 Quyết định 22/VBHN-NHNN như sau: Tỷ lệ trích lập quỹ dự phòng cụ thể đối với 5 nhóm nợ như sau: (i) Nhóm 1: 0%; (ii) Nhóm 2: 5%; (iii) Nhóm 3: 20%; (iv) Nhóm 4: 50%; (v) Nhóm 5: 100%.
Khi rủi ro xảy ra ngân hàng có thể làm việc tiếp với khách hàng tới khi khoản vay được hoàn trả một phần hoặc tất cả mà không sử dụng luật pháp. Hoặc ngân hàng có thể buộc khách hàng phải tuân thủ các điều khoản xử lý của hợp
đồng tín dụng. Ngân hàng mua bảo hiểm tín dụng nếu rủi ro xảy ra thì công ty bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho ngân hàng theo quy định. Hiện nay NHNN Việt Nam khuyến cáo mức trích lập dự phòng rủi ro cho các tổ chức tín dụng như bảng 2.1:
Bảng 2.1: Khuyến cáo mức trích lập dự phòng rủi ro cho các tổ chức tín dụng
Khoản tín dụng Mức trích lập (%)
Đạt tiêu chuẩn (tốt) 0
Cần được theo dõi 5 - 10
Không đạt tiêu chuẩn 10 - 30
Khó đòi 50 - 75
Mất mát thua lỗ 100
Nguồn: Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam (2013)
c. Thứ ba, nhận diện rủi ro liên quan đến khách hàng vay
Thông qua quá trình kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay bằng các kênh thông tin cán bộ tín dụng phải luôn bám sát theo dõi khoản vay để kịp thời nhận diện rủi ro, từ đó có những biện pháp tối ưu để khắc phục. Các dấu hiệu có thể gây ra rủi ro tín dụng từ phía khách hàng như khách hàng trì hoãn gây khó khăn cho ngân hàng trong việc kiểm tra định kỳ hay kiểm tra đột xuất tình hình sử dụng vốn vay, tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng: chậm gửi hoặc hoãn gửi báo cáo tài chính; chậm thanh toán các khoản nợ đến hạn… (Nguyễn Đức Tú, 2011).
d. Thứ tư, đánh giá, nhận xét tình hình quản lý rủi ro
Chấm điểm khách hàng là quá trình xếp hạng khách hàng theo các cấp độ khác nhau dựa trên các yếu tố định tính và định lượng. Việc chấm điểm khách hàng sẽ giúp ngân hàng sàng lọc được những khách hàng không tốt từ đó có những chính sách cụ thể đối với mỗi loại khách hàng (chính sách cấp tín dụng, chính sách lãi suất) (Nguyễn Đức Tú, 2011).