Quan niệm về “thân” trong văn học trung đại Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm về thân qua phát ngôn của các nhân vật nữ trong truyền ký mạn lục nhìn từ lý thuyết diễn ngôn​ (Trang 26 - 30)

8. Cấu trúc của luận văn

1.2.2. Quan niệm về “thân” trong văn học trung đại Việt Nam

Trong văn hóa ứng xử nói chung và văn học trung đại Việt Nam nói riêng, chữ "thân" bao gồm nhiều phạm trù, trong đó nổi bật lên các vấn đề: nhu cầu vật chất (ăn, mặc, ở…), bản năng tính dục và vấn đề sinh - tử… Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử chi phối, nên các tác phẩm văn học từ thế kỉ X đến thế kỉ XV chủ yếu hướng tới cái “tâm” trong sáng, ít đề cập đến “thân”

và các nhu cầu về vật chất, nhu cầu bản năng của con người.

Sau hơn 1000 năm bị phong kiến Trung Hoa đô hộ, năm 938 với chiến thắng Bạch Đằng, đất nước ta bước vào một kỉ nguyên mới - kỉ nguyên của

độc lập, tự chủ. Chính vì vậy, văn học Việt Nam thế kỉ X đến thế kỉ XV là khúc ca khải hoàn của chiến thắng, là tiếng nói ngợi ca lòng yêu nước và chí khí anh hùng của các bậc quân vương, quân tử hoặc mang đậm cảm hứng tôn giáo. Cụ thể trong giai đoạn này, văn học trung đại nổi lên ba nội dung chính là cảm hứng tôn giáo, cảm hứng thiên nhiên và cảm hứng yêu nước.

Văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XV là giai đoạn văn học mang tính “hướng thượng”. Lực lượng sáng tác và đối tượng văn học đều là những người thuộc tầng lớp trên như các bậc quân vương, quan tướng, thiền sư, các nam nhi, quân tử có công với nước; đề tài văn học cũng thường liên quan tới các vấn đề mang tầm quốc gia đại sự, có tính chất chính trị, gắn liền với vận mệnh dân tộc. Chính vì vậy, văn học giai đoạn này còn nặng tính giai cấp, đại diện cho lễ giáo phong kiến mà chưa đề cập tới con người cá nhân, con người đơn lẻ. Đồng thời, đa số nhân vật trong văn học trung đại thời kì này chủ yếu đề cao chữ “tâm” trong sáng, cao cả và xem nhẹ chữ “thân” phàm tục với những nhu cầu vật chất tầm thường. Trong suốt chiều dài năm thế kỉ đầu của văn học trung đại Việt Nam, đề tài tình yêu và thân phận con người với những nhu cầu bản năng dường như không được khai thác. Tuy có xuất hiện những tác phẩm thơ và văn xuôi mang hương vị của tình yêu đôi lứa, bộc lộ cảm xúc cá nhân và những nhu cầu vật chất nhưng sự thể hiện còn hết sức dè dặt, thường được ẩn nấp và hòa nhập trong các chủ đề văn học lớn của thời đại. Tuy nhiên, có một sự thật là dù ít dù nhiều, đề tài tình yêu và quan niệm về thân phận con người đã có sự xuất hiện trong văn học Việt Nam giai đoạn X - XV.

Trước thế kỉ XVI, do đặc điểm lịch sử - xã hội đề cao Nho giáo, Phật giáo và tinh thần dân tộc nên thơ tình cổ trung đại chủ yếu ẩn lẫn trong thơ trữ tình. Có rất nhiều bài thơ cổ, dù đậm chất tình ý nhưng người xưa vẫn thường gán thêm những ý nghĩa cao cả của lễ giáo. Ví dụ bài thơ “Cổ ý” sau đây của Phù Thúc Hoành (sống vào khoảng thế kỉ XV):

Hà diệp lục như cái Hà hoa hồng tử nhan

Tư quân vị đắc kiến Trì thượng không bàn hoàn

(Sen lá như dù biếc Sen hoa tựa má đào Nhớ ai không gặp mặt

Vơ vẩn mãi bên ao)

[Bản dịch của nhóm Lê Quý Đôn: http://www.thivien.net/viewpoem.php?ID=] Đọc bài thơ, ta cảm nhận được nỗi bâng khuâng, nhớ mong xao xuyến của tác giả dành cho một ai đó - người có thể đã lâu không gặp. Nếu bài thơ này được đặt trong tư duy của con người hiện đại hôm nay, chúng ta dễ dàng cho rằng đây là một bài thơ tình với ngôn từ đậm chất tương tư cùng hình ảnh thơ trong sáng như: “hà diệp” (sen lá), “hà hoa” (sen hoa)... Có lẽ đây là tâm trạng của một chàng trai trẻ đang bồn chồn trông ngóng người thương của mình nhưng càng đợi càng không thấy, khiến chàng ngơ ngẩn ngày dài. Vậy mà theo quan niệm xưa nay của các nhà nghiên cứu, “Cổ ý” là một bài thơ nhớ vua, là bài thơ trữ tình thể hiện tấm lòng “trung quân” của tác giả và vị vua mà Phù Thúc Hoành nhớ tới ở đây là vua Lê Thánh Tông. Vậy, đây là một bài thơ tình yêu đôi lứa đơn thuần hay là một bài thơ tỏ nỗi lòng thương nhớ vua xưa của tác giả? Cả hai luồng ý kiến đánh giá trên đều có những căn cứ riêng, song với cách nhìn nhận hiện đại hôm nay thì chắc hẳn sẽ nghiêng về nhận định đây là một bài thơ tình trẻ trung, chỉ có thể có trong tình yêu đôi lứa mà ít thấy ở đó lòng “thờ vua kính chúa”.

Cùng với đó, bài thơ “Cây chuối” của Nguyễn Trãi cũng mang nhiều hàm ý sâu xa, đầy gợi cảm. Dù lớp vỏ ngôn từ là miêu tả về cây chuối mùa xuân nhưng bài thơ lại khơi gợi lên nhiều ý nghĩa thầm kín về tình yêu và kích thích độc giả mở rộng sự khám phá, liên tưởng. Đã có trên dưới bốn

mươi bài viết cảm thụ về các tầng nghĩa của bài thơ, tuy nhiên đa phần đều thiên về hướng cho rằng đây là một bài thơ tình có nhuốm màu “ái dục”:

Tự bén hơi xuân tốt lại thêm Đầy buồng lạ mầu thâu đêm Tình thư một bức phong còn kín Gió nơi đâu gượng mở xem.

Các nhà nghiên cứu bài thơ như Xuân Diệu, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Khắc Phi, Nguyễn Phạm Hùng… đều cố gắng giải mã đây là một bài thơ tình “sâu sắc”, “kín đáo” nhưng không kém phần rạo rực, sôi nổi về tình yêu tuổi trẻ. Liên tưởng tàu lá chuối non như bức tình thư “phong còn kín”,

cuộn tròn, e ấp quả là một sáng tạo mới mẻ và tinh tế của Nguyễn Trãi. Có nhiều luồng ý kiến khác nhau đánh giá về bài thơ, có người cho “Cây chuối” là một bài thơ mang “ý vị thiền” (giống bài thơ “Ba tiêu” của thiền sư Linh Tẩu Nguyên đời Tống), cũng có ý kiến cho bài thơ là lời tâm sự của tác giả về cuộc đời mình. Tuy nhiên, không thể phủ nhận bài thơ vẫn phảng phất hương vị tình yêu trong từng câu chữ.

Nói về thơ tình trong văn học cổ trung đại Việt Nam, không thể không nhắc tới bài thơ nổi tiếng tương truyền của người cung nữ Điểm Bích, gắn liền với câu chuyện về vua Trần Anh Tông và sư Huyền Quang:

Vằng vặc trăng mai ánh nước Hiu hiu gió trúc ngâm sênh Người hòa tươi tốt cảnh hòa lạ Mâu Thích Ca nào chốn hữu tình

Bài thơ có nội dung trữ tình sâu sắc, thể hiện sự giác ngộ đến cao sâu về đạo, hòa lẫn với khao khát yêu đương tha thiết của lòng trần. Sự xao xuyến, bâng khuâng chọn lựa giữa chân lí nhà Phật và sức hấp dẫn của tình yêu trần thế đã tạo nên điểm nhấn cho toàn bài thơ, tạo sức sống mạnh mẽ để tác phẩm này tồn tại qua bao thế kỉ. Đây được coi là bài thơ đầu tiên mang

màu tình ái trong nền văn học Việt Nam mười thế kỉ và Điểm Bích là người phụ nữ đầu tiên của nền văn học trung đại có tác phẩm viết về đề tài này.

Như vậy, có thể thấy rằng từ thế kỉ X đến thế kỉ XV, những sáng tác văn học chủ yếu hướng về cảm hứng tôn giáo, cảm hứng thiên nhiên và cảm hứng yêu nước. Những vấn đề liên quan đến chữ “thân”, cảm xúc cá nhânvà số phận con người đã xuất hiện nhưng còn hết sức mơ hồ, mờ nhạt và thường ẩn lẫn trong những đề tài lớn kể trên. Bên cạnh đó, các bài thơ thể hiện quan niệm về “thân” mới chỉ dừng ở mức bộc lộ gián tiếp, tức là “mượn cảnh” để

“nói tình” chứ chưa có tác giả nào trực tiếp bày tỏ khát vọng yêu đương hay thể hiện quan niệm tình yêu cá nhân. Chính vì vậy, có thể gọi đây là thời kì thai nghén của các sáng tác đề cập đến chữ “thân”, là bước chân chập chững đầu tiên để các tác giả văn học Việt Nam trung đại tiếp cận gần hơn với đời sống hiện thực và giá trị nhân đạo ở giai đoạn sau.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm về thân qua phát ngôn của các nhân vật nữ trong truyền ký mạn lục nhìn từ lý thuyết diễn ngôn​ (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)