Sự hòa thanh diễn ngôn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm về thân qua phát ngôn của các nhân vật nữ trong truyền ký mạn lục nhìn từ lý thuyết diễn ngôn​ (Trang 64 - 69)

8. Cấu trúc của luận văn

2.2.2. Sự hòa thanh diễn ngôn

Ở cuối tất cả các truyện trong Truyền kỳ mạn lục, Nguyễn Dữ đều để lại lời bình về nhân vật hoặc sự kiện trong truyện. Có tới 19 lời bình tập trung bàn về giá trị nhân cách, phẩm chất của các nhân vật, trong đó có những truyện thuộc tuyến nhân vật phụ nữ truyền thống theo quan điểm đạo đức Nho giáo. Từ đó, Nguyễn Dữ đề cao những giá trị đạo đức, nêu cao chủ nghĩa nhân đạo - một trong những khuynh hướng tư tưởng của Truyền kì mạn lục. Nguyễn Dữ là một nhà Nho, ông tiếp thu nền khoa cử Nho học với việc đề cao đạo đức con người nên trong các tác phẩm của ông, đấng nam nhi thì phải học hành để có thể mang tài năng, sức lực phục vụ triều đại phong kiến, còn phụ nữ thì phải tuân thủ lễ giáo Nho gia, đạt đủ công, dung, ngôn, hạnh. Nếu vượt ra ngoài những khuôn phép đó, họ sẽ bị lên án, phê phán.

Có thể thấy, phát ngôn của những người phụ nữ đoan trang, tiết hạnh như Nhị Khanh (Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu), Vũ Thị Thiết (Chuyện người con gái Nam Xương) tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc đạo đức Nho giáo bằng hệ thống từ ngữ chuẩn mực, chân phương. Vì vậy, khi kết thúc các thiên truyện này, Nguyễn Dữ cùng bình luận với thái độ đầy ngợi

ca, trân trọng nhân cách của họ. Trong Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu, khi kết thúc tác phẩm, Nguyễn Dữ viết: “Than ôi, người con gái có ba đạo, theo chồng là một. Nàng Nhị Khanh chết, có quả là đã theo chồng không? Thưa rằng không. Đời xưa bảo theo, là theo chính nghĩa chứ không theo tà dục. Chết hợp với nghĩa, có hại gì cho cái đạo theo. Theo nghĩa tức là theo chồng đó. Có người vợ như thế mà để cho phải hàm oan một cách ai oán. Trọng Quỳ thật là tuồng chó lợn. Muốn tề được nhà, phải trước tự sửa mình lấy chính, khiến cho không thẹn với vợ con, ấy là không thẹn với trời đất” [5.33]. Trong lời bình này, ta có thể thấy rõ thái độ phê phán Trọng Quỳ, ủng hộ hành động tìm đến cái chết của Nhị Khanh. Người phụ nữ xưa có ba đạo phải theo: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, nghĩa là: Ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con trai. Quan niệm này tồn tại trong xã hội phong kiến với tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã từng gây ra nỗi bi thương, oan trái cho bao người phụ nữ. Đối với Nhị Khanh, khi Trọng Quỳ thua bạc đã gán nợ nàng cho Đỗ Tam, nếu xét theo “tam tòng” của người phụ nữ xưa, Nhị Khanh không thể từ chối quyết định của chồng được. Nàng sẽ phải theo hầu hạ Đỗ Tam như thỏa thuận của hắn và Trọng Quỳ. Với một người coi trọng tiết hạnh, phẩm giá như Nhị Khanh, đây quả là một sự sỉ nhục đầy đau đớn. Chính vì vậy, nàng đã quyết tự tận để

“theo chính nghĩa chứ không theo tà dục” [5.33]. Nàng đã lựa chọn cái chết để không phải chịu nỗi nhục làm vấy bẩn tấm thân trong sạch. Nguyễn Dữ đã gọi cái chết của nàng là chết vì nghĩa: “Chết hợp với nghĩa, có hại gì cho cái đạo theo” [5.33]. Như vậy, theo bình luận của tác giả Nguyễn Dữ, Nhị Khanh không làm theo lời chồng nhưng cũng không vi phạm vào đạo “tam tòng”

của Nho giáo vì nàng thực hiện hành động theo nguyên tắc đạo đức Nho gia. Cái chết của nàng là cái chết hợp nghĩa, cái chết để bảo toàn danh dự và thân thể, trùng khớp với những lời tâm can của nàng trước khi tự tận.

Nếu như Nhị Khanh tìm đến cái chết để bảo toàn danh tiết thì Vũ Thị Thiết trong Chuyện người con gái Nam Xương lại phải tìm đến cái chết như

một sự giải oan. Bị nghi ngờ thất tiết trong những ngày chồng đi lính, Vũ Nương không có cách nào cởi được sự hoài nghi và ghen tuông của Trương Sinh. Quá bất lực và đau đớn, Vũ Thị Thiết đã gieo mình xuống sông tự vẫn. Bình luận ở cuối thiên truyện, Nguyễn Dữ tỏ rõ nỗi đau xót trước sự hàm oan của nàng:Than ôi! Những việc từa tựa như nhau, thật là khó tỏ mà dễ hoặc. Cho nên quăng thoi đứng dậy, tuy mẹ bậc đại hiền cũng phải phân vân, mất búa đổ ngờ tuy con người láng giềng cũng khó chối cãi, ý dĩ đầy xe, Quang Võ đổ ngờ lão tướng, trói lại mà giết, Tào Tháo đến phụ ân nhân, việc Thị Thiết cũng giống như vậy. Nếu không được trời xét tâm thành, nước không làm hại thì xương hoa vóc ngọc, đã chôn vào họng cá ở dưới lòng sông, còn đâu lại được thông tin tức để nết trinh thuần được nhất nhất bộc bạch chưa hết. Làm người đàn ông, tưởng đừng nên để cho giai nhân oan uổng thế này”

[5.189,190]. Bi kịch của gia đình Vũ Nương xuất phát từ sự “hiểu nhầm cái bóng” của con trẻ cũng giống như rất nhiều những câu chuyện nhầm lẫn từng có. Nó đã đẩy Vũ Nương tìm đến cái chết, phải nhờ thần linh minh giám cho lòng thành. Trước khi tự tận, Vũ Nương đã để lại lời thề: “Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mỵ nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu mỹ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, chẳng những là chịu khắp mọi người phỉ nhổ” [5.185]. Kết thúc truyện, Nguyễn Dữ đã sử dụng yếu tố kì ảo như một sự minh oan và đền đáp phần nào cho nàng. Vũ Nương được sống cuộc sống thanh bình dưới Thủy cung và có cơ hội trở về giữa đàn giải oan của Trương Sinh. Trong lời bình, Nguyễn Dữ nhắc lại lời thề tự tận của Vũ Nương cùng chi tiết kì ảo cuối truyện như một sự tái khẳng định danh dự và nhân cách của nàng: “Nếu không được trời xét tâm thành, nước không làm hại thì xương hoa vóc ngọc, đã chôn vào họng cá ở dưới lòng sông, còn đâu lại được thông tin tức để nết trinh thuần được nhất nhất bộc bạch chưa hết.

Làm người đàn ông, tưởng đừng nên để cho giai nhân oan uổng thế này”

[5.189,190]. Có thể thấy, thái độ của tác giả ở đây vẫn là ngợi ca, trân trọng Vũ Thị Thiết và phê phán sự ghen tuông đến hồ đồ của Trương Sinh. Mã ngôn ngữ của tác giả trùng khớp với phát ngôn của nhân vật, đều tuân thủ theo nguyên tắc đạo đức Nho giáo.

Trong tư cách một nhà phê bình đặc biệt, Nguyễn Dữ viết lời bình để đề cao cái nhân nghĩa, cái lễ giáo ở đời mà con người phải theo. Với những nhân vật phụ nữ truyền thống như Nhị Khanh (Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu), Vũ Thị Thiết (Chuyện người con gái Nam Xương), yếu tố kì ảo chủ yếu được gia cố thêm ở phần cuối truyện với hi vọng giải oan, mong tìm lại một sự đền đáp cho những mất mát, đớn đau của các nhân vật nữ trên con đường đi tìm hạnh phúc của mình. Các phát ngôn của nhân vật Nhị Khanh, Vũ Thị Thiết và lời bình của tác giả Nguyễn Dữ ở những truyện này cùng hướng tới quan niệm đề cao cuộc sống tinh thần, bảo vệ danh dự nhân phẩm mà coi nhẹ đi phần thân xác. Đây là sự hòa thanh diễn ngôn của nhân vật và tác giả đứng từ quan điểm đạo đức Nho giáo. Tuy nhiên, dưới góc nhìn hiện đại, những câu chuyện bi ai của Nhị Khanh và Vũ Thị Thiết vẫn để lại trong lòng người đọc bao đau đớn, xót xa. Yếu tố kì ảo dù có vớt vát được một chút an ủi cho nhân vật nhưng không thể xóa bỏ được hiện thực rằng Nhị Khanh và Vũ Nương không bao giờ có thể trở lại nhân gian, vui hưởng hạnh phúc trần thế nữa. Họ mãi mãi phải xa rời gia đình, đặc biệt là không thể làm tròn nghĩa vụ của một người mẹ đối với những đứa con thơ. Vậy là, dù sống tuân thủ theo đạo đức phong kiến đương thời, những người phụ nữ đức hạnh như Nhị Khanh (Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu) và Vũ Thị Thiết

(Chuyện người con gái Nam Xương) cũng không thể giữ được hạnh phúc của riêng mình.

* Tiểu kết chương 2

Ở chương 2, chúng tôi đã đi sâu tìm hiểu quan niệm về “thân” thông qua việc phân tích tuyến nhân vật phụ nữ truyền thống theo quan điểm đạo

đức Nho giáo. Đại diện cho hình ảnh người phụ nữ truyền thống là nàng Nhị Khanh trong Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu, Vũ Thị Thiết trong

Chuyện người con gái Nam Xương, Lệ Nương trong Chuyện Lệ Nương, Giáng Hương trong Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên với những phẩm chất cao quý đáng ngợi ca. Họ thể hiện mơ ước về một tình yêu thủy chung, trong sáng hay một hạnh phúc gia đình ấm áp, bình dị theo đúng khuôn phép đạo đức Nho gia, tuân thủ hệ tư tưởng phong kiến nam quyền đương thời. Đồng thời, các nhân vật nữ này cũng thể hiện thái độ sống không màng tới nhu cầu vật chất, tiền tài, danh vọng và coi nhẹ cái chết. Tuyến nhân vật được xây dựng theo quan điểm đạo đức Nho giáo với đặc trưng cơ bản là thái độ sống xem nhẹ chữ “thân”, đề cao chữ “tâm”, luôn hướng tới một cuộc sống ấm êm, tốt đẹp. Dù vậy, kết cục của họ vẫn mãi chỉ là sự chia ly, đau khổ, thậm chí là cái chết tang thương.

Chương 3

QUAN NIỆM VỀ “THÂN ” QUA PHÁT NGÔN CỦA CÁC NHÂN VẬT

PHỤ NỮ PHI TRUYỀN THỐNG THEO QUAN ĐIỂM NHO GIÁO

TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC NHÌN TỪ LÝ THUYẾT DIỄN NGÔN

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm về thân qua phát ngôn của các nhân vật nữ trong truyền ký mạn lục nhìn từ lý thuyết diễn ngôn​ (Trang 64 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)