Đôi nét về thân thế và thời đại của Nguyễn Dữ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm về thân qua phát ngôn của các nhân vật nữ trong truyền ký mạn lục nhìn từ lý thuyết diễn ngôn​ (Trang 30 - 31)

8. Cấu trúc của luận văn

1.3.1. Đôi nét về thân thế và thời đại của Nguyễn Dữ

Những tài liệu ghi chép về Nguyễn Dữ hiện còn rất sơ lược, dựa vào một số tư liệu như : Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam tập 2 (Thế kỷ X - thế kỷ XIX) do Bùi Duy Tân chủ biên, Văn học Việt Nam (Thế kỷ X - nửa đầu thế kỷ XVIII) do Đinh Gia Khánh chủ biên và Văn học trung đại Việt Nam do Nguyễn Đăng Na chủ biên… có thể khái quát một số điểm sau về thân thế của Nguyễn Dữ: Nguyễn Dữ (còn có thể gọi là Nguyễn Tự), là người xã Đường Lâm, huyện Gia Phúc, thuộc Hồng Châu xưa, nay là thôn Đỗ Lâm, xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Ông là con trưởng của Nguyễn Tường Phiêu, tiến sĩ khoa Bính Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 27 (1496), làm quan tới chức Thừa tuyên sứ, hàm Thượng thư. Lúc nhỏ, Nguyễn Dữ chăm học, đọc rộng, nhớ nhiều, từng ôm ấp lý tưởng lấy văn chương nối nghiệp nhà. Sau khi đỗ Hương Tiến, Nguyễn Dữ thi Hội nhiều lần, ông trúng tam trường và từng giữ chức tri huyện của huyện Thanh Tuyền. Ông làm quan

được một năm thì từ quan về nuôi dưỡng mẹ già cho tròn đạo hiếu, từ đó

“trải mấy mươi sương chân không bước đến thị thành” (Bùi Huy Bích -

Hoàng Việt thi tuyển). Trong những năm tháng đó, ông miệt mài gửi gắm ý tưởng của mình vào tác phẩm Truyền kỳ mạn lục.

Nguyễn Dữ sinh và mất năm nào chưa rõ. Song theo nhiều công trình nghiên cứu, có khả năng Nguyễn Dữ sinh vào cuối thế kỉ XV và sống chủ yếu vào nửa đầu thế kỉ XVI.

Thế kỷ XVI là thời kì lịch sử - xã hội Việt Nam biến động dữ dội. Nhà nước phong kiến Việt Nam bước vào giai đoạn suy vi của một triều đại suy loạn, kỷ cương đổ nát, đạo đức có những biểu hiện suy đồi. Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua, chiến tranh phe phái diễn ra liên miên, ý thức hệ Nho giáo ngày càng suy giảm, vua chúa hoang dâm xa xỉ: “Vua quỷ” Lê Uy Mục bạo tàn, hoang dâm, ăn chơi vô độ, ham rượu chè, mê gái đẹp; “Vua lợn” Lê Tương Dực kế tiếp chơi bời truỵ lạc, bỏ bê việc nước. Cuộc nội chiến Nam - Bắc triều và Trịnh - Nguyễn phân tranh đã đưa đất nước vào cảnh huynh đệ tương tàn, chiến tranh loạn lạc xảy ra khắp nơi, đời sống của nhân dân ngày càng khốn khổ, bần hàn. Nơi nơi dân chúng lầm than kêu khóc bởi chiến tranh, dưới sự bóc lột tàn bạo của tầng lớp thống trị. Những hiện thực này đã tác động rất lớn đến Nguyễn Dữ và được phản ánh một cách chân thực, sâu sắc trong tác phẩm Truyền kỳ mạn lục.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm về thân qua phát ngôn của các nhân vật nữ trong truyền ký mạn lục nhìn từ lý thuyết diễn ngôn​ (Trang 30 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)