8. Cấu trúc của luận văn
3.2.1. Thế giới kì ảo
Truyền kỳ là một thể loại văn xuôi tự sự độc đáo của văn học Việt Nam trung đại phản ánh hiện thực qua cái kì ảo, có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố kì ảo và yếu tố hiện thực. Trong Truyền kỳ mạn lục, cái kì ảo được Nguyễn Dữ sử dụng một cách có ý thức như một thủ pháp nghệ thuật để chuyển tải nội dung. Từ đó, Truyền kỳ mạn lục đưa người đọc vào một thế giới vừa thực, vừa hư - thế giới thần tiên, ma quỷ với những chi tiết kì ảo chồng xếp lên nhau mà vẫn không hề xa rời hiện thực. Nếu trong các truyện về người phụ nữ truyền thống như Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu, Chuyện người con gái Nam Xương, Chuyện Lệ Nương, yếu tố kì ảo chỉ xuất hiện ở phần cuối truyện, sau khi nhân vật đã chết thì trong Chuyện cây gạo và Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây, yếu tố kì ảo lại được sử dụng đậm đặc tạo nên những bước ngoặt bất ngờ cho cốt truyện.
Trong Chuyện cây gạo, yếu tố kì ảo chủ yếu được dùng để xây dựng nhân vật Nhị Khanh. Ban đầu Nhị Khanh xuất hiện trong hình hài của một
cô gái xinh đẹp, dịu dàng với tài năng văn chương hiếm có. Yếu tố đan xen giữa cái kì và cái thực xuất hiện bắt đầu từ đoạn Trình Trung Ngộ đòi về thăm nhà của Nhị Khanh. Theo bước chân dẫn đường của Nhị Khanh về trong đêm tối, người đọc không khỏi sởn gai ốc trước cách Nguyễn Dữ dần hé mở về ngôi nhà của Nhị Khanh: “Khi đến một chỗ, chung quanh có bức hàng rào bằng giong tre, thỉnh thoảng chen lẫn vài khóm lau khô, trong có túp nhà gianh thấp nhỏ lụp sụp, dây vôi bìm leo đầy lên vách và lên mái…Trình cúi đầu qua dưới mái gianh, vào tạm ngồi ở chỗ bờ cửa. Thỉnh thoảng có cơn gió thổi, chàng thoáng thấy một mùi tanh thối khó chịu. Đương kinh ngạc không biết mùi gì, bỗng trong nhà đã có bóng đèn sáng. Chàng trông vào, thấy ở gian bên phía tả kê một chiếc giường mây nhỏ, trên giường để một cỗ áo quan sơn son, trên quan phủ một tấm the hồng, dùng ngân sa đề vào mấy chữ: “Linh cữu của Nhị Khanh”. Cạnh cữu có người con gái nặn bằng đất tay ôm cây hồ cầm đứng hầu” [5.40]. Đến đây, những chi tiết hiện ra vừa thực vừa hư khiến người đọc giật mình bởi cách dẫn dắt chi tiết tài tình của tác giả. Hóa ra Nhị Khanh mà mà bấy lâu Trình Trung Ngộ ân ái mặn nồng chỉ là một xác chết đã sáu tháng nằm quàn giữa cánh đồng lạnh lẽo. Nhận ra sự thật đáng sợ ấy, Trình Trung Ngộ như choàng tỉnh giấc khỏi cơn mê, “sởn gai dựng tóc, tất tả nhảy choàng ra khỏi cái nhà ấy” [5.40]. Lúc này Nhị Khanh đột ngột xuất hiện với một dáng vẻ và ngữ điệu hoàn toàn khác với vẻ thường ngày. Không còn vẻ dịu dàng, thục nữ tươi vui, Nhị Khanh hiện hình với sự tàn độc của một ma nữ “sấn lại nắm vạt áo chàng” [5.40] cùng lời nguyền gọi: “Xin sớm theo nhau đi, cho được thỏa nguyền đồng huyệt. Nằm vò võ một mình như vậy, lẽ đâu nay thiếp lại để cho chàng về” [5.40]. Dáng vẻ và lời nói của Nhị Khanh khiến cho chàng lái buôn họ Trình sợ hãi cực độ: “về đến cầu Liễu khê, hầu như kẻ mất hồn không nói được nữa” [5.41].
Những tưởng sau khi đã phát hiện ra chân tướng gốc tích ma quái của Nhị Khanh thì Trình Trung Ngộ đã may mắn thoát nạn. Nhưng mọi chuyện
hoàn toàn ngược lại. Lúc này, các yếu tố kì ảo được tận dụng tối đa để lột tả sự ma mị của nhân vật Nhị Khanh. Nàng thoát khỏi vỏ bọc của một thiếu nữ xinh đẹp tuổi 20 để xuất hiện với tư cách một ma nữ chuyên quấy rối, phá phách, quyết bắt bằng được Trung Ngộ đi theo mình: “Từ đấy Trung Ngộ sinh ra ốm nặng. Mà Nhị Khanh cũng thường qua lại, có lúc đứng trên bãi sông gọi eo éo, có lúc đến bên cửa sổ nói thì thào. Trung Ngộ cũng vẫn thường ứng đáp với nàng và muốn vùng dậy để đi theo” [5.41]. Sự xuất hiện thoắt ẩn thoắt hiện dai dẳng của Nhị Khanh cùng những kí ức về quãng thời gian ân ái mặn nồng đã gây nên nỗi ám ảnh cho Trung Ngộ. Chàng đã bị "ám" đến mức không còn đủ tỉnh táo để chống chọi với hồn ma Nhị Khanh nữa. Chàng ta tưởng tượng ra một thế giới có Nhị Khanh đầy đẹp đẽ và thơ mộng: “Chỗ vợ ta ở có lâu đài lộng lẫy, có hương hoa ngạt ngào, ta phải đi theo chứ không thể lẩn quẩn trong chốn bụi hồng này được...” [5.41]. Những người bạn buôn cùng Trình Trung Ngộ dù đã cố gắng hết sức để bảo vệ cho chàng bằng cách “lấy dây thừng trói lại” [5.41] nhưng cuối cùng cũng có ngày Trung Ngộ biến mất sau một đêm u tối. Câu chuyện càng tiếp diễn rùng rợn hơn khi mọi người tìm đến Đông thôn, đến nơi để linh cữu của Nhị Khanh thì chứng kiến cảnh “chàng đã nằm ôm quan tài mà chết” [5.41], mọi người quyết định đành phải “thu liệm chôn cất ngay ở đấy” [5.41]. Vậy là từng bước, Nhị Khanh đã thành công trong việc làm quen, quyến rũ, cưỡng ép Trình Trung Ngộ chết theo mình để có thể thỏa nguyện ái ân mãi mãi như lời hẹn ước: “Từ đó về sau, phàm những đêm tối giời, người ta thường thấy hai người dắt tay nhau đi đôi, khi thì hát, khi thì khóc; thường bắt người ta phải khẩn cầu lễ bái, hễ không được như ý thì làm tai làm vạ” [5.41]. Những hành động quấy nhiễu của hồn ma Nhị Khanh và Trình Trung Ngộ cuối cùng cũng bị trừng phạt bởi một đạo sĩ cao tay nhưng câu chuyện về hành trình giành giật hạnh phúc trần thế của nàng Nhị Khanh thì còn gây ám ảnh mãi trong lòng người đọc.
Đến Chuyện kì ngộ ở Trại Tây, yếu tố kì ảo được sử dụng để kể lại mối tình giữa chàng thư sinh Hà Nhân với hồn hoa Đào Hồng Nương và Liễu Nhu
Nương. Hà Nhân lên kinh đô để học, hàng ngày thường đi qua một dinh tư đổ nát tên là trại Tây. Ở đây, chàng gặp hai cô gái đẹp tựa tiên nữ là Liễu Nhu Nương và Đào Hồng Nương. Hà Nhân cùng hai cô gái đắm chìm trong hoan lạc ân ái mà quên chuyện bút nghiên thi cử, từ chối cả chuyện lấy vợ do cha mẹ sắp đặt. Chừng được một năm, hai nàng trào nước mắt nói lời tiễn biệt, chàng đến trại Tây tìm chỉ còn thấy cây đào, liễu tả tơi, hỏi ra mới biết các nàng là tinh hoa hoá thành. Như vậy, Nguyễn Dữ đã chú trọng sử dụng yếu tố kì ảo để xây dựng các nhân vật của mình. Nếu Nhị Khanh là một thây xác không chịu nằm yên dưới lòng đất thì hai nàng Đào, Liễu lại có nguồn gốc xuất thân biến huyễn từ những hồn hoa hoang dại. Yếu tố kì ảo đan xen với yếu tố hiện thực trong toàn bộ cốt truyện và cuối cùng được hé mở ở phần cuối của câu chuyện.
Bên cạnh đó, Chuyện kì ngộ của trại Tây còn xuất hiện nhiều chi tiết và không gian kì ảo. Trước buổi chia ly, Đào Nương và Liễu Nương để tặng lại cho Hà Nhân đôi hài cườm với lời tiễn biệt đầy thắm thiết: “Mất người còn chút của tin, gọi có vật này để tặng nhau trong lúc sinh ly tử biệt, sau này khi chàng ướm thử, sẽ như là chúng em còn ấp yêu ở dưới chân chàng” [5.66]. Đôi hài cườm nhỏ xinh của hai mĩ nhân là kỉ vật cuối cùng họ để lại cho Hà Nhân, tưởng là thật mà hóa ra chỉ là hư ảo. Sau khi Hà Nhân phát hiện ra Đào Nương và Liễu Nương chỉ là do hồn hoa biến thành thì những chiếc hài cũng tự nhiên biến mất: “Về đến nhà, Sinh lấy những chiếc hài tặng ra xem, vừa cầm trên tay, mấy chiếc hài đã thành ra những cánh hoa, bay vèo lên trên không mất” [5.66]. Ban đầu là thật mà cuối cùng lại không là thật, yếu tố kì và thực cứ thế đan cài chồng xếp lên nhau. Ngay cả khung cảnh của buổi tiệc thơ mộng, đầy ánh sáng lung linh trong đêm nguyên tiêu với những mĩ nhân họ Vi, họ Lý, họ Mai, họ Thạch... mà hai nàng Đào, Liễu mời Hà Nhân đến dự cũng chỉ là hư ảo. Nếu trước đây, khu vườn mà Hà Nhân đến dự tiệc có “cây cối xanh tươi, mùi hoa thơm ngát” [5.58] với những thức quà độc đáo, thơm ngon“bóc bánh lá hòe, rót rượu hạt hạnh, các món ăn trong tiệc đều là
những món quý trọng cả” [5.59] thì giờ đây, khi cùng ông lão láng giềng trở lại nơi đó, cảnh vật đã hoàn toàn thay đổi: “Chỉ thấy nếp nhà quạnh hiu, vài ba cây đào liễu xác xơ tơi bời, lá trút đầy vườn, tơ vương khắp giậu” [5.66]. Lúc này, xuất thân của Đào Nương, Liễu Nương cùng các mĩ nhân trong buổi tiệc mới thực sự được hé mở bằng lời của ông lão: “Đây chả phải là nơi cậu đến chơi ư? Chị ả họ Kim, thì đây hoa Kim tiền. Cô nàng họ Thạch, thì đây là cây Thạch lựu. Đến như họ Lý, họ Vi, họ Dương, họ Mai, cũng đều nhân tên hoa mà làm họ cả. Không ngờ mấy cây hoa ấy lại biến huyễn như thế được” [5.67]. Những chi tiết kì ảo này được xây dựng phù hợp với đặc trưng của thể loại truyền kỳ nhưng điều quan trọng hơn cả là bằng phương thức ảo hóa nhân vật, nhà văn Nguyễn Dữ muốn gửi gắm những khát vọng sống đầy tính nhân văn của người phụ nữ trong xã hội xưa.