Phác thảo hệ thống nhân vật người phụ nữ trong Truyền kỳ mạn lục

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm về thân qua phát ngôn của các nhân vật nữ trong truyền ký mạn lục nhìn từ lý thuyết diễn ngôn​ (Trang 31 - 38)

8. Cấu trúc của luận văn

1.3.2. Phác thảo hệ thống nhân vật người phụ nữ trong Truyền kỳ mạn lục

Theo những tư liệu được biết cho đến nay, Truyền kỳ mạn lục là tác phẩm duy nhất còn lại của Nguyễn Dữ được viết vào thế kỷ XVI. Tác phẩm đã nhận được sự đánh giá cao của giới văn sĩ đương thời. Hà Thiện Hán, người cùng thời với tác giả đã viết lời “Tựa” cho tác phẩm. Nguyễn Thế Nghi (người Mộ Trạch, Đường An, Hải Dương, đỗ Tiến sĩ đời Mạc Đăng Doanh, sống cùng thời Nguyễn Dữ) cũng đã diễn Nôm Truyền kỳ mạn lục. Sau này, các tác giả Lê Quý Đôn, Bùi Huy Bích, Phan Huy Chú đều có nhắc đến

Nguyễn Dữ và khẳng định giá trị của Truyền kỳ mạn lục. Ôn Như Hầu Vũ Khâm Lân gọi Truyền kỳ mạn lục một “thiên cổ kỳ bút”. Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục” đánh giá văn chương Truyền kỳ mạn lục có: “Lời lẽ thanh tao tốt đẹp, người bấy giờ lấy làm ngợi khen”. Phan Huy Chú cũng khen

Truyền kỳ mạn lục là “áng văn hay của bậc đại gia”. Có thể nói, Truyền kỳ mạn lục là tác phẩm mẫu mực cho thể loại truyền kì trong văn học trung đại Việt Nam, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của văn xuôi tự sự chữ Hán.

Nội dung trong Truyền kỳ mạn lục rất đa dạng, tuy nhiên, tư tưởng nổi bật nhất trong tác phẩm là tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Dữ khi viết về người phụ nữ. Nếu khi phê phán xã hội, Nguyễn Dữ đứng trên lập trường đạo đức thì khi phản ánh số phận con người, đặc biệt là người phụ nữ, ngòi bút của ông lại đầy tính nhân văn, nhân đạo. Trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, thế giới nhân vật người phụ nữ rất đa dạng, phong phú. Họ có thể là con người hiện hữu trong cuộc sống bằng xương bằng thịt như: Vũ Thị Thiết (Chuyện người con gái Nam Xương), Nhị Khanh (Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu), Dương thị (Chuyện đối tụng ở Long cung), Lệ Nương

(Chuyện Lệ Nương), Túy Tiêu (Chuyện nàng Túy Tiêu),…Họ cũng có thể là hồn ma: Nhị Khanh (Chuyện cây gạo), Thị Nghi (Chuyện yêu quái ở Xương Giang); nửa người nửa ma: Đào Hàn Than (Chuyện nghiệp oan của Đào thị); hồn hoa: Đào nương, Liễu nương (Chuyện kì ngộ ở trại Tây), tiên nữ: Giáng Hương (Chuyện Từ Thức lấy vợ Tiên)… Tuy tất cả đều có chung số phận bất hạnh trên con đường kiếm tìm hạnh phúc song Nguyễn Dữ đã xây dựng nên hai tuyến nhân vật phụ nữ đối lập nhau về mặt tư tưởng, căn cứ trên quan điểm đạo đức Nho giáo.

Nguyễn Dữ đã xây dựng trong tác phẩm của mình những người phụ nữ tiết hạnh, nết na hiền thục, tuân thủ đạo “tam tòng tứ đức” như: Vũ Thị Thiết (Chuyện người con gái Nam Xương), Nhị Khanh (Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu), Lệ Nương (Chuyện Lệ Nương)… Đây là những nhân vật phụ nữ thủy chung son sắt, kiên trinh tiết liệt, sẵn sàng tìm đến cái chết để

chứng minh tiết hạnh và sự trong sạch của mình. Ở họ, nếu cái “tâm” trong sáng bị bôi nhọ, xúc phạm thì sự tồn tại của “thân” sẽ không còn ý nghĩa gì nữa. Họ sẵn sàng đối diện với cái chết, từ bỏ sự sống, từ bỏ thân xác phàm tục để bảo toàn danh tiết. Họ xem nhẹ chữ “thân”, xem thường những dục vọng, những nhu cầu vật chất, thậm chí là cả cái chết. Với họ, danh tiết mới là điều quan trọng nhất. Quan niệm tình yêu của các nhân vật này luôn gắn liền với quan niệm về hạnh phúc gia đình và lòng chung thủy son sắt. Một khi danh dự bị bôi nhọ, hạnh phúc gia đình tan vỡ thì họ cũng không còn tha thiết với cuộc sống trần tục nữa. Trong Chuyện người con gái Nam Xương, Vũ Thị Thiết là người phụ nữ “thùy mị, nết na, lại có tư dung tốt đẹp” [5.182], là con dâu hiếu thảo chăm sóc mẹ chồng lúc ốm đau. Dù ở xa chồng nhưng nàng luôn son sắt chung thủy, vì vậy khi bị Trương Sinh ghen tuông nghi ngờ, Vũ Thị Thiết đã “gieo mình xuống sông mà chết” [5.186] để chứng minh sự trong sạch của mình. Cũng đẹp người đẹp nết như Vũ Nương, nàng Nhị Khanh trong Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu đã khảng khái “lấy đoạn dây tơ thắt cổ mà chết” [5.29] khi bị người chồng là Trọng Quỳ phụ tình, đem nàng gán bạc cho kẻ khác. Với những nhân vật nữ này, quan niệm về tình yêu luôn gắn liền với hạnh phúc gia đình, với “thú vui nghi gia nghi thất” và sự bảo toàn danh tiết. Nếu bị xúc phạm danh dự và nhân phẩm, họ sẵn sàng từ bỏ lòng trần để tìm đến cái chết như một minh chứng cho lòng kiên trinh. Những phát ngôn ở tuyến nhân vật này luôn được phủ bóng hạnh phúc gia đình, coi thường những nhu cầu cá nhân và gắn liền với chuẩn mực “tam tòng tứ đức” của người phụ nữ. Họ được xây dựng là những nhân vật đại diện cho cái

“tâm” trong sáng, thanh cao. Vũ Thị Thiết và Nhị Khanh là hai nhân vật tiêu biểu cho mẫu hình phụ nữ truyền thống theo quan điểm đạo đức Nho giáo.

Chính vì vậy, họ được ca ngợi, được tôn vinh trong tác phẩm theo những chuẩn mực của hệ tư tưởng phong kiến đương thời.

Không chỉ bộc lộ quan niệm tình yêu gắn liền với hạnh phúc gia đình, coi thường danh vọng, vật chất, trong tuyến nhân vật phụ nữ truyền thống của

Truyền kỳ mạn lục còn tồn tại những phát ngôn thể hiện khát vọng tình yêu đôi lứa tự do, trong sáng. Khát vọng tình yêu ấy được thể hiện trong quan niệm của các nhân vật Giáng Hương (Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên), Lệ Nương

(Chuyện Lệ Nương)… Họ đều là những cô gái có dung mạo tươi đẹp, trẻ trung, mang trái tim nhạy cảm và khao khát yêu thương. Trong Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên, nàng Giáng Hương vốn là một tiên nữ ở núi Phù Lai, vậy mà chính nàng tự nhận rằng trong lòng mình có nỗi buồn thương tình ái: “hình ở phủ tía nhưng lụy vướng duyên trần, thân ở đền quỳnh mà lòng theo cõi dục”

[5.113]. Khao khát tình yêu, hạnh phúc của nàng chẳng khác gì con người trần thế. Những lời nói của Giáng Hương với Từ Thức cũng là những lời thổ lộ tâm can, mơ ước một tình yêu chân chính, sâu sắc. Giáng Hương là tiên nữ nhưng trái tim nàng cũng đa cảm như người phụ nữ dưới trần thế vậy! Cũng chung khát vọng được gắn bó với người mình yêu thương, nàng Lệ Nương trong Chuyện Lệ Nương lại là một tấm gương của tình yêu thủy chung, son sắt. Tình yêu của Lệ Nương và Phật Sinh là mối nhân duyên trong sáng, tiền định từ lời hẹn ước của hai bên gia đình. Hai người lớn lên bên nhau, khăng khít gắn bó. Dẫu chưa phải là vợ chồng nhưng Lệ Nương đã coi Phật Sinh là người chồng thực sự của nàng. Chính vì vậy, khi bị bắt vào trong cung, Lệ Nương đau buồn khôn xiết. Cuối cùng, nàng đã dám tự tận để không phải làm tì thiếp nhơ nhuốc nơi đất khách quê người cho giặc, giữ vững lòng trinh thuần cương liệt với Phật Sinh. Khát vọng tình yêu tự do với tấm chân tình trong sáng của Lệ Nương đã được thể hiện rõ nét trong bức thư nàng gửi Phật Sinh. Như vậy, Giáng Hương và Lệ Nương tuy có ước mơ về một tình yêu tự do song hai nhân vật này vẫn tuân thủ theo quan điểm đạo đức Nho giáo, tuyệt nhiên không hề phá vỡ các quy tắc rường cột của Nho gia về đạo nữ nhi. Họ luôn khao khát tình yêu trong sáng, vô tư với người mà mình yêu thương. Quan niệm tình yêu của những nhân vật này có sự giao hòa giữa tinh thần và thể chất, họ đã có cái nhìn mới mẻ và tự do hơn về chữ “thân”. Song, chữ

giá trị đạo đức cốt lõi của Nho giáo, với lòng chung thủy dành cho người mình yêu thương. Vì vậy, trong Truyền kỳ mạn lục, hai nhân vật này vẫn được ngợi ca và tôn vinh giống như Nhị Khanh (Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu) và Vũ Thị Thiết (Chuyện người con gái Nam Xương).

Đối lập với hình ảnh người phụ nữ truyền thống kể trên, Nguyễn Dữ đã xây dựng trong Truyền kỳ mạn lục hình tượng phụ nữ phi truyền thống - những cô gái phá cách, những người đàn bà “lệch chuẩn”, vi phạm quan điểm đạo đức Nho giáo về “tam tòng tứ đức” như: Nhị Khanh (Chuyện cây gạo), Đào Hàn Than (Chuyện nghiệp oan của Đào thị), Đào Hồng Nương và Liễu Nhu Nương (Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây), Thị Nghi (Chuyện yêu quái ở Xương Giang)… Không tuân thủ vòng cương tỏa của lễ giáo phong kiến, những nhân vật phụ nữ này đã bắt đầu bộc lộ cá tính và sự phá cách mạnh mẽ trong tư tưởng: Nhị Khanh trong Chuyện cây gạo tự do yêu đương với chàng lái buôn Trình Trung Ngộ và cuối cùng quyến rũ Trung Ngộ chết theo mình để cùng thỏa mãn ái ân; Đào Hàn Than trong Chuyện nghiệp oan của Đào thị tư thông với sư bác Vô Kỷ ngay nơi cửa Phật hay hai hồn hoa Đào nương và Liễu nương trong Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây biến hóa thành người để cùng thỏa mãn nhục dục với chàng nho sinh Hà Nhân. Theo quan điểm đạo đức của hệ tư tưởng Nho giáo đương thời, những cô gái như Nhị Khanh, Đào Hàn Than, Đào Nương và Liễu Nương đều xếp vào“hạng gái lẳng lơ dâm đãng” [5.66] đáng bị coi thường. Chính vì vậy, những mẫu nhân vật phụ nữ phi truyền thống đều là hồn ma bóng quỷ, u hồn trệ phách được Nguyễn Dữ xây dựng bằng yếu tố kì ảo để phù hợp với hệ tư tưởng phong kiến đương thời. Cũng chính ví lẽ đó, những nhân vật này rất coi trọng chữ “thân”, hướng tới sự hưởng thụ những nhu cầu vật chất và bản năng tính dục trên trần thế. Trong nhóm nhân vật phụ nữ phá cách này, chúng tôi chú ý tới những nhân vật dám trực tiếp nói ra khát vọng yêu đương và nhu cầu ân ái của bản thân. Nhìn lại tiến trình vận động của văn học từ trước đến nay, vấn đề này có ý nghĩa như một cuộc cách mạng trong quan niệm về chữ “thân”. Khi “thân” cất tiếng

nói đầy kiêu hãnh cũng là lúc nhà văn đối thoại lại với quan niệm truyền thống khinh miệt thân xác, chỉ xem thân xác là “bể chứa” tầm thường cho linh hồn thanh cao. Với việc xây dựng các nhân vật phụ nữ phá cách, Nguyễn Dữ đã nỗ lực nhận diện về con người một cách thành thực, không tô vẽ, đặc biệt là việc đi sâu khám phá khát vọng bản năng trong khía cạnh tự nhiên và nhân bản nhất của nó.

Với hai tuyến nhân vật phụ nữ có cá tính, quan niệm sống hoàn toàn trái ngược nhau dựa trên thước đo là hệ thống quan điểm đạo đức Nho giáo, Nguyễn Dữ đã tạo nên góc nhìn rất đa diện, mới mẻ về quyền được sống, được hạnh phúc của con người trong xã hội xưa. Lần đầu tiên trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam, khát vọng đi tìm hạnh phúc của người phụ nữ được cất lên đầy mạnh mẽ thông qua một loạt các phát ngôn, thể hiện quan niệm về chữ “thân” với những nhu cầu vật chất, quan niệm tình yêu và cách đối diện với vấn đề sinh - tử. Từ việc khảo sát lượt lời của các nhân vật Nhị Khanh (Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu), Vũ Thị Thiết (Chuyện người con gái Nam Xương), Giáng Hương (Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên), Lệ Nương (Chuyện Lệ Nương), Nhị Khanh (Chuyện cây gạo), Đào Hồng Nương và Liễu Nhu Nương (Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây), chúng tôi đã lập bảng thống kê phát ngôn của mỗi nhân vật dựa trên nội dung, tính chất cụ thể của mỗi lượt lời. Có thể thấy, số lượng các phát ngôn của nhân vật nữ trong Truyền kỳ mạn lục đã có sự gia tăng so với giai đoạn văn học trước. Không chỉ vậy, tính chất và mục đích của các phát ngôn cũng có sự thay đổi từ hướng thực hiện nhiệm vụ chức năng sang bày tỏ quan điểm, ước vọng cá nhân (Xem thêm ở phần Phụ lục 1,2).

* Tiểu kết chương 1

Ở chương 1, chúng tôi đã tìm hiểu những nét cơ bản về lý thuyết diễn ngôn, mã hệ tư tưởng và mã thể loại. Diễn ngôn được hiểu theo nghĩa là lời nói trong giao tiếp, cụ thể trong đề tài này là những lời đối thoại, độc thoại và những bài thơ tự sáng tác của một số nhân vật nữ trong Truyền kỳ mạn lục.

Chúng tôi sử dụng các phát ngôn của nhân vật như là một biểu hiện quan trọng của lý thuyết diễn ngôn. Trong đó, hai mã cơ bản chi phối các diễn ngôn này là mã hệ tư tưởng phong kiến và mã thể loại truyện truyền kì.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiến hành tìm hiểu các quan niệm về chữ

“thân” dưới sự quy định của Nho giáo, Phật giáo; các dạng thức tồn tại của đề tài tình yêu và quan niệm về “thân” từ thế kỉ X đến thế kỉ XV trong văn học; quan niệm về người phụ nữ thời trung đại; tìm hiểu đôi nét về tác giả Nguyễn Dữ và hệ thống nhân vật nữ trong Truyền kỳ mạn lục. Chúng tôi cũng đã phác thảo những nét cơ bản về cuộc đời, số phận và thống kê những phát ngôn thể hiện quan niệm về “thân” của các nhân vật phụ nữ tiêu biểu trong tác phẩm theo hai tuyến: nhân vật phụ nữ truyền thống và nhân vật phụ nữ phi truyền thống theo quan điểm đạo đức Nho giáo.

Những vấn đề lí luận và thực tiễn này là cơ sở để tìm hiểu những quan niệm về tình yêu và hạnh phúc, trong đó đặc biệt chú ý quan niệm về tình yêu đôi lứa và hạnh phúc gia đình của một số nhân vật nữ trong Truyền kỳ mạn lục

nhìn từ lý thuyết diễn ngôn. Từ đó, thấy được quan niệm về chữ “thân” mới mẻ, tư tưởng tiến bộ, trái tim yêu thương và ngòi bút nhân đạo sâu sắc của tác giả Nguyễn Dữ so với thời đại.

Chương 2

QUAN NIỆM VỀ “THÂN” QUA PHÁT NGÔN CỦA CÁC NHÂN VẬT

PHỤ NỮ TRUYỀN THỐNG THEO QUAN ĐIỂM NHO GIÁO

TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC NHÌN TỪ LÝ THUYẾT DIỄN NGÔN

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm về thân qua phát ngôn của các nhân vật nữ trong truyền ký mạn lục nhìn từ lý thuyết diễn ngôn​ (Trang 31 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)