8. Cấu trúc của luận văn
3.1. Quan niệm về “thân” qua phát ngôn của các nhân vật phụ nữ phá cách
trong Truyền kỳ mạn lục dưới góc độ mã hệ tư tưởng
3.1.1. Quan niệm về “thân” qua phát ngôn về nhu cầu vật chất
Bất lực trong con đường tìm đến hạnh phúc cho những người phụ nữ đề cao chữ “tâm”, coi nhẹ chữ “thân” theo truyền thống theo quan điểm đạo đức Nho giáo, Nguyễn Dữ đã xây dựng thêm một tuyến nhân vật phụ nữ táo bạo trong cách sống và yêu, sẵn sàng lên tiếng và hành động cho hạnh phúc của cá nhân mình, sống theo nhu cầu bản năng và đề cao chữ “thân”. Đó là những người phụ nữ mạnh mẽ, phá cách như Nhị Khanh (Chuyện cây gạo), Đào Hồng Nương và Liễu Nhu Nương (Chuyện kì ngộ ở trại Tây). Với những nhân vật này, các phát ngôn của họ đã vượt ra khỏi tầm lễ giáo phong kiến, có sự đấu tranh quyết liệt để giành lấy hạnh phúc cá nhân, đặc biệt là việc đề cao chữ “thân” với những nhu cầu cơ bản của con người.
Chuyện cây gạo có thể được đánh giá là một trong những thiên truyện chứa đựng yếu tố kì ảo gây bất ngờ nhiều nhất cho người đọc trong Truyền kỳ mạn lục. Nhị Khanh là một cô gái xinh đẹp, theo cảm nhận của Trình Trung Ngộ thì nàng là “một giai nhân tuyệt sắc” [5.34], khiến cho Trung Ngộ dù mới chỉ thoáng gặp qua đã phải “mang mối tình u uất trong lòng” [5.34]. Chắc hẳn Nhị Khanh cũng đã hiểu thấu tấm lòng của chàng lái buôn trẻ khi nàng chủ động khơi gợi hoàn cảnh gặp gỡ chàng qua lời dặn con hầu gái: “Ta lâu nay rượu xuân quá chén, mê mệt nằm dài, hầu nửa năm giời, không lên chơi cầu Liễu-khê lần nào cả, chẳng biết giờ phong cảnh ra sao. Đêm nay nên qua thăm cảnh cũ, để khuây giải chút tình u uất ở trong lòng…” [5.34]. Trong lời của Nhị Khanh, có cả thời gian “Đêm nay”, địa điểm “cầu Liễu-
khê”, mục đích “để khuây giải chút tình u uất”. Một cô gái tiểu thư khuê các, sống trong xã hội phong kiến khắt khe, vậy cớ gì mà đang ở giữa đường phố đông đúc, Nhị Khanh lại lộ liễu nói lên dự định và tâm tình của mình? Phải chăng lời nói của nàng là một sự cố tình để Trung Ngộ có thể nghe thấy và đến với nàng? Có lẽ, Nhị Khanh đã để ý đến chàng trai họ Trình và cũng nhận thấy trong đôi mắt Trung Ngộ có sự say mê nhan sắc của nàng. Người xưa có câu: “Anh hùng khó qua ải mỹ nhân” nên chuyện Trung Ngộ đem lòng thương nhớ một người đẹp như Nhị Khanh cũng là điều dễ hiểu. Nhị Khanh là người chủ động khơi gợi mối quan hệ này và Trung Ngộ đã nhanh chóng sa vào cái bẫy tình ái. Lời nói đầu tiên mà Nhị Khanh nói ra là lời chủ động, gợi lên mối tình trong lòng Trung Ngộ và cũng chính trong lòng nàng. Từ lời nói đầu tiên tưởng như vô tình ấy, một cuộc gặp gỡ sắp bắt đầu, một tình yêu đã chớm nở và một khát vọng hạnh phúc đang trỗi dậy mạnh mẽ.
Tạo cơ hội để Trung Ngộ làm quen với mình, Nhị Khanh thậm chí còn trực tiếp bày tỏ quan điểm về cuộc sống vô cùng mới mẻ với chàng: “Nghĩ đời người ta, thật chẳng khác gì giấc chiêm bao. Chi bằng trời để sống ngày nào, nên tìm lấy những thú vui. Kẻo một sớm chết đi, sẽ thành người của suối vàng, dù có muốn tìm cuộc hoan lạc ái ân, cũng không thể được nữa” [5.36]. Trong lời nói của Nhị Khanh đã có sự tự ý thức về cuộc đời, về những điều phù phiếm làm lãng phí thời gian và tuổi trẻ. Nàng coi cuộc đời như giấc chiêm bao ngắn ngủi, chỉ đến một lần rồi đi mãi mãi nên nàng mong muốn được tận hưởng cái vui thú trước mắt, được thỏa mãn những nhu cầu bản năng. Quan niệm sống của nàng hoàn toàn mới mẻ so với thời đại và xa lạ với người phụ nữ truyền thống theo đạo đức Nho giáo. Ở Nhị Khanh có sự nổi loạn và phá cách vì không phải ai cũng dám nói ra miệng những lời khao khát tình yêu và sự sống mạnh mẽ đến vậy. Cách sống của nàng là tận độ, khao khát của nàng là thỏa nguyện ái ân.
Nếu các nhân vật văn học trong giai đoạn X - XV thường chỉ đề cập tới những vấn đề to lớn mang tầm quốc gia, dân tộc, cổ súy cho tính đạt toàn (triết lý về đạo, lòng yêu nước…), tức là chỉ có diễn ngôn đại tự sự thì nhân
vật Nhị Khanh của thế kỉ XVI đã mạnh bạo chen ngang dòng chảy ấy bằng lời phát ngôn có tính tiểu tự sự về vấn đề cá nhân, thể hiện nhu cầu, khát vọng của duy nhất bản thân mình. Đây là điểm nhấn tạo nên sự mới lạ, phá cách so với thời đại của Nguyễn Dữ, song cũng chính từ đây nhân vật Nhị Khanh trở nên gần gũi với hiện thực cuộc sống hơn bao giờ hết.
Cách sống gấp, muốn tận hưởng mọi lạc thú trần thế ở Nhị Khanh cũng có nét tương đồng với cách sống cuống quýt, yêu đời và khao khát hạnh phúc mãnh liệt trong tình yêu của nhà thơ Xuân Diệu sau này:
Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực! Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài! Những cánh tay! Hãy quấn riết đôi vai! Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt! Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng; Trong say sưa, anh sẽ bảo em rằng: "Gần thêm nữa! Thế vẫn còn xa lắm!"
(Xuân Diệu)
Quan niệm về tình yêu và cuộc sống của nhân vật Nhị Khanh và nhà thơ Xuân Diệu có thể trùng khớp nhau nhưng hai thời đại mà họ sống, hai vị thế xã hội của họ là hoàn toàn khác nhau. Nhị Khanh là một cô gái, một tiểu thư của xã hội phong kiến nam quyền hà khắc, còn Xuân Diệu là “ông hoàng thơ tình” của xã hội hiện đại tự do, phóng khoáng. Xuất thân trong gia đình phong kiến truyền thống của “một nhà danh giá trong làng” [5.35] nhưng Nhị Khanh đã không bị ràng buộc bởi lễ giáo phong kiến, không cam chịu cuộc sống theo khuôn khổ “tam tòng tứ đức”. Nàng là hiện thân cho cá tính yêu đời mạnh mẽ và khát vọng yêu đương tự do hết sức, hết mình. Như vậy, phát ngôn đầu tiên của Nhị Khanh chính là lời khẳng định niềm yêu sự sống và say mê những nhu cầu bản năng vốn bị coi là tầm thường, đáng khinh rẻ trong xã hội xưa.
Bên cạnh vẻ đẹp đầy quyến rũ, Nhị Khanh còn lôi cuốn Trình Trung Ngộ bởi văn tài thiên phú của mình. Sau những lúc cùng nhau ân ái mặn nồng, Nhị Khanh thường làm thơ ghi lại cảnh hoan lạc, tài tình đến nỗi Trình Trung Ngộ phải thán phục khen rằng: :“Văn tài của nàng, không kém gì Dị An ngày xưa ” [5.38]. Tuy nhiên, Nhị Khanh lại không hề coi trọng chính tài năng của mình: “Người ta sinh ra ở đời, cốt được thỏa chí, chứ văn chương thời có làm gì, chẳng qua rồi cũng một nấm đất vàng là hết chuyện. Đời trước những người hay chữ như Ban Cơ, Sái Nữ nay còn gì nữa đâu. Sao bằng ngay trước mắt, tìm thú vui say, để khỏi phụ mất một thời xuân tươi tốt” [5.38]. Một lần nữa, Nhị Khanh khẳng định cuộc sống trần thế là sự hưởng thụ, là sống chan hòa trong tuổi trẻ và lạc thú vui say, vì theo quan niệm của nàng, người con gái dù có xinh đẹp và tài giỏi đến đâu, cuối cùng chấm dứt cuộc đời cũng chỉ là một nấm đất vàng cô đơn, lạnh lẽo. Nàng đề cao cuộc sống nơi trần thế với những sự hưởng thụ hoan lạc của thân xác, hoàn toàn khác với kiểu nhân vật phụ nữ truyền thống như Vũ Thị Thiết trong Chuyện người con gái Nam Xương hay nàng Kiều trong Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du. Với Vũ nương, tình yêu phải gắn liền với hạnh phúc gia đình và sự coi trọng danh tiết nên khi bị chồng nghi ngờ ghen tuông, Vũ Thị Thiết sẵn sàng trẫm mình xuống sông tự vẫn để chứng minh mình là người biết “đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng” [5.185]. Còn trong Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du, Thúy Kiều cũng là cô gái chủ động, tự do tìm đến tình yêu nhưng quan niệm về tình yêu của Kiều vẫn đậm chất truyền thống. Sống trong xã hội phong kiến khắt khe với quan niệm: “Nam đáo nữ phòng nam tắc loạn, nữ đáo nam phòng nữ tắc dâm” nhưng Thúy Kiều vẫn “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” để đến thư phòng tự tình cùng Kim Trọng. Bước chân của Kiều là bước chân tự do đến với tình yêu. Trong hoàn cảnh chỉ có hai người, Thúy Kiều hoàn toàn có thể nghe theo tiếng gọi của trái tim, thả mình theo những cảm xúc bản năng mà không bị ai ngăn cản. Tuy nhiên, Kiều là cô gái được xây
dựng theo quan điểm đạo đức Nho giáo nên trong hoàn cảnh nào, nàng cũng rất coi trọng danh tiết. Vì vậy, khi Kim Trọng ngỏ ý muốn chung giấc mộng ân ái:
“Sóng tình dường đã liêu xiêu Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”
thì Thúy Kiều lập tức ngăn lại và khẳng định:“Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu”. Điều đó chứng tỏ, Thúy Kiều đã chủ động, tự do trên con đường tình duyên nhưng nàng vẫn là đại diện cho mẫu hình phụ nữ truyền thống coi trọng trinh tiết theo quan điểm Nho giáo. Ngược lại, Nhị Khanh trong Chuyện cây gạo lại nhận thức về cuộc sống trần thế một cách chân thực và trần trụi: Sống ở đời cốt để thỏa ý nguyện, công danh chỉ là thứ vô ích, vô dụng. Nàng quan niệm rằng tuổi xuân qua nhanh, nếu không hưởng thụ “thú vui say” thì sẽ phải luyến tiếc cái thời trẻ trung, tươi mởn của sắc đẹp và tình yêu. Xét trên phương diện cá nhân, quan niệm này mang tính tích cực để mỗi người sống chân thật với chính bản thân mình, sống gần gũi với những nhu cầu chân chính của cá nhân. Đây là lối sống coi trọng nhu cầu vật chất, coi trọng bản năng vô cùng táo bạo, hoàn toàn đối lập với kiểu mẫu phụ nữ truyền thống.