Giải pháp 2 Đẩy mạnh công tác bảo vệ thương hiệu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển thương hiệu chè thái nguyên (Trang 89 - 92)

5. Bố cục của luận văn

4.2.2. Giải pháp 2 Đẩy mạnh công tác bảo vệ thương hiệu

1/ Sự cần thiết của giải pháp

Thực tế cho thấy rằng, mặc dù nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên đã được đăng ký bảo hộ và đưa vào sử dụng được 10 năm, nhưng tình trạng vi phạm quyền sử dụng nhãn hiệu này vẫn diễn ra phổ biến trên thị trường. Tính cho đến hiện nay, Ban quản lý nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên mới cấp giấy phép sử dụng nhãn hiệu tập thể cho 430 đơn vị trên tổng số 55000 đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh chè trong tỉnh. Nhưng khi đi khắp các khu vực thị trường ở Thái Nguyên nói riêng hay cả nước nói chung, chúng ta đều có thể thấy rất nhiều các sản phẩm chè được bày bán dưới tên Chè Thái Nguyên mà không biết rõ chất lượng, xuất sứ. Tình trạng này làm mất uy tín và gây rất nhiều thiệt hại cho những người sản xuất chè Thái Nguyên, đồng thời gây khó khăn cho công tác quản lý và phát triển thương hiệu tập thể. Một khi không cần đăng ký cũng vẫn có thể sử dụng được nhãn hiệu thì các đơn vị sản xuất, kinh doanh chè vẫn chưa quan tâm đến việc đăng ký sử dụng nhãn hiệu. Bên cạnh đó, trong các đơn vị đã đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể, không phải đơn vị nào cũng tuân thủ tốt quy chế sử dụng và đảm bảo chất lượng sản phẩm, tuy nhiên, Công tác quản lý nhãn hiệu hiện nay vẫn chưa quản lý được vấn đề này. Điều này dẫn đến sự lẫn lộn giữa các đơn vị có sử dụng và không sử dụng nhãn hiệu, giữa các sản phẩm chất lượng tốt và các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, làm thương hiệu mất đi giá trị của nó. Vì vậy, muốn phát triển được thương hiệu tập thể Chè Thái Nguyên thành thương hiệu mạnh thì phải làm triệt để công tác bảo vệ nhãn hiệu.

Mặc dù trong thời gian vừa qua, Ban quản lý nhãn hiệu tập thể cũng đã có tổ chức các cuộc thanh kiểm tra các đơn vị sử dụng nhãn hiệu tập thể và các đơn vị

kinh doanh trên thị trường, nhưng do hạn chế về cơ sở pháp lý, nhân lực, vốn, kỹ thuật và thiếu sự phối hợp của các cơ quan liên quan, nên việc kiểm tra còn ít, sơ sài và mang tính hình thức nên không mang lại hiệu quả. Vì vậy, để công tác thanh kiểm tra mang lại hiệu quả cần khắc phục được các hạn chế trên.

2/ Nội dung giải pháp

Trong giai đoạn đầu tiên của quá trình đổi mới này, Ban quản lý cần tổ chức một đợt thanh kiểm tra rầm rộ, có quy mô lớn và thực hiện nghiêm túc đối với cả các đơn vị đang sử dụng thương hiệu và các đơn vị sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo ra một tiếng vang gây sự chú ý của công chúng và giới truyền thông, vừa giúp nâng cao được uy tín của thương hiệu Chè Thái Nguyên, vừa là một biện pháp PR giúp công chúng biết đến thương hiệu tập thể và nhận biết được nhãn hiệu Chè Thái Nguyên trên thị trường.

Với những thay đổi tác giả đề xuất phía trên, cơ bản đã giải quyết được một số hạn chế đó là:

- Giải quyết được kinh phí để tiến hành hoạt động thanh kiểm tra thông qua việc xây dựng cơ chế huy động tài chính.

- Xây dựng được hệ thống các chỉ tiêu về chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, quy trình thanh kiểm tra các đơn vị làm cơ sở pháp lý cho công tác kiểm tra.

- Ban quản lý mới sẽ bao gồm những người có kinh nghiệm trong việc sản xuất, chế biến chè nên có kiến thức chuyên môn, có khả năng phân biệt các loại chè.

Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào đánh giá của những người này thì kết quả có thể mang tính chủ quan. Vì vậy, để công tác kiểm tra mang tính khách quan cần có các phương tiện kỹ thuật để đánh giá các chỉ tiêu về chất lượng. Việc mua sắm thiết bị rất tốn kém chi phí và đòi hỏi những cán bộ có trình độ để vận hành thiết bị, điều này khó có thể thực hiện được. Vậy nên, Ban quản lý cần đề xuất với UBND Tỉnh để có được sự phối hợp của Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng để đánh giá các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm của các đơn vị trong đợt kiểm tra, đồng thời, phối hợp với cơ quan này để đánh giá chất lượng của các mẫu sản phẩm của các đơn vị xin đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể sau này.

* Kiểm tra các đơn vị sử dụng nhãn hiệu.

Đối với các đơn vị hiện đang là thành viên sử dụng thương hiệu tập thể, Ban quản lý cần tổ chức một đợt kiểm tra đồng bộ, thành lập nhiều đoàn kiểm tra theo từng khu vực để tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy chế sử dụng của thương hiệu như: quy chế sử dụng tem, nhãn sản phẩm, quy chế về chất lượng sản phẩm cũng như việc tuân thủ quy trình chuẩn trong sản xuất,chế biến và kinh doanh sản phẩm của các đơn vị. Thông qua hoạt động kiểm tra có thể phát hiện được những đơn vị không tuân thủ đúng các quy chế trong sử dụng nhãn hiệu để có biện pháp xử lý nghiêm khắc, kịp thời để bảo vệ được danh tiếng và uy tín của thương hiệu Chè Thái Nguyên như: Xử phạt hành chính, tước giấy phép sử dụng nhãn hiệu, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

* Kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh chè trên thị trương.

Đồng thời với việc kiểm tra các đơn vị đang sử dụng nhãn hiệu tập thể cần thực hiện hoạt động kiểm tra đối với tất cả các đơn vị sản xuất, kinh doanh Chè tại các khu vực trọng điểm trên thị trường toàn tỉnh và một số tỉnh lân cận để phát hiện và xử lý các đơn vị vi phạm quyền sử dụng nhãn hiệu. Để làm được việc này, Ban quản lý nhãn hiệu cần rà soát lại trên thị trường, chọn ra và khoanh vùng các khu vực tập trung nhiều các đơn vị sản xuất, kinh doanh chè đặc sản Thái Nguyên để hình thành các khu vực kiểm tra trọng điểm. Sau đó, đề xuất với UBND Tỉnh để có sự phối hợp của Ban quản lý thị trường tại các khu vực thành lập các đoàn kiểm tra theo từng khu vực kiểm tra trọng điểm đã được khoanh vùng. Thông qua đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh sẽ có ý thức và quan tâm hơn đến việc sử dụng nhãn hiệu tập thể, gia tăng số lượng các đơn vị đăng ký sử dụng nhãn hiệu, đồng thời cũng là một hoạt động khẳng định sự tồn tại nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên giúp các đơn vị sản xuất, kinh doanh chè và người tiêu dùng biết đến nhãn hiệu tập thể nhiều hơn.

* Bảo hộ thương hiệu trên phạm vi quốc tế.

Một hoạt động quan trọng nữa cần thực hiện để bảo vệ thương hiệu đó chính là tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trên toàn thế giới. Trong tình hình hiện nay,

rất nhiều thương hiệu đặc sản của Việt Nam đã bị đăng ký bởi các tổ chức ở các quốc gia khác. Vì vậy, việc tiến hành đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên trên phạm vi toàn thế giới là hết sức cần thiết. Ban quản lý cần đề xuất ý kiến với UBND Tỉnh và các sở ban ngành liên quan để tiến hành lập hồ sơ và tiến hành các thủ tục cần thiết để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trên toàn thế giới .

3/ Kỳ vọng kết quả

- Đánh giá được quy mô, trình độ sản xuất, chất lượng sản phẩm và mức độ tuân thủ các quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên của các đơn vị đang sử dụng nhãn hiệu.

- Thực hiện tuyên dương, khen thưởng các đơn vị chấp hành tốt và có chế tài xử lý để răn đe cá đơn vị sử dụng nhãn hiệu sai quy định. Từ đó, nâng cao ý thức tuân thủ các quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể của các đơn vị.

- Đánh giá được mức độ vi phạm quyền sử dụng nhãn hiệu trên thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.

- Khẳng định sự tồn tại của thương hiệu tập thể Chè Thái Nguyên đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh chè Thái Nguyên trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận. Qua đó, nâng cao mức độ nhận biết của các cơ sở sản xuât, kinh doanh chè Thái Nguyên đối với thương hiệu tập thể Chè Thái Nguyên và khuyến khích các đơn vị này tham gia đăng ký sử dụng nhãn hiệu.

- Khẳng định được với người tiêu dùng về việc kiểm soát chất lượng của các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên, từ đó thu hút sự chú ý và nâng cao được lòng tin của khách hàng đối với các sản phẩm chè mang nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển thương hiệu chè thái nguyên (Trang 89 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)