Triệu chứng:
Thời kỳ nung bệnh kéo dài trừ 4- 12 ngày. Bệnh cầu trùng thỏ có các thể: cấp tính, á cấp tính và mãn tính.
Đinh Xuân Bình và cs (2003) [1], Nguyễn Chu Chương (2001) [3], Đào Lệ Hằng (1996) [6], Bùi Quang Thuần (1979) [32] cho biết thỏ mắc bệnh có những biểu hiện thỏ giảm hoặc bỏ ăn, tiêu chảy nặng, chướng bụng, đầy hơi, hay đái và đái dắt.
Các biểu hiện lâm sàng phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố: -Chủng loại cầu trùng.
-Sức khoẻ và khả năng kháng bệnh của thỏ
-Nơi chúng khu trú, ký sinh thành các thể ruột, thể gan và thể ghép. Kolapxki N.A. và cs, (1980) [33] cho biết những quan sát ở nhiều cơ sở nuôi thỏ cho thấy bệnh cầu trùng thỏ thường tiến triển ở thể hỗn hợp có những tổn thương ở gan. Sau thời kỳ nung bệnh, theo những quan sát của Oclôp. N.P (1956) triệu chứng có sớm nhất trong bệnh cầu trùng thỏ là giảm nhiều trọng lượng. Sau đó ở thỏ con biểu hiện uể oải, mệt mỏi toàn thân, mất những hoạt động bình thường, hay nằm sấp. Thỏ kém ăn và bỏ ăn, bụng đầy lên và đau đớn. Những niêm mạc nhìn thấy được trở nên trắng bệch. Ỉa chảy xuất hiện, phân lỏng có màng giả, đôi khi có máu. Thỏ ốm gầy yếu, bộ lông mất ánh và xù.
Theo tài liệu của Perard (1924) và Oclôp. N.P (1956) triệu chứng đặc trưng trong bệnh cầu trùng thỏ là đái nhiều. Metenkin A.I (1944) gọi hiện tượng này là “đái tháo thường xuyên”, đồng thời ông còn thấy trong nước tiểu có albumin, sắc tố mật, indican và sắc tố máu. Đôi khi ở thỏ ốm còn thấy chảy nhiều nước bọt, viêm cata màng niêm mạc mũi (thỏ sổ mũi) và viêm kết mạc xuất huyết.
Với sự phát triển các quá trình viêm trong gan, thỏ chóng xuống sức, hờ hững với mọi vật xung quanh, nằm bẹp, bỏ ăn, bụng chướng to. Khi sờ nắn phía phải bụng thỏ ốm có phản ứng đau. Xuất hiện hoàng đản các màng niêm mạc. Còn thấy thỏ liệt nhẹ 4 chân và cơ cổ, run rẩy. Kotriganôp X.E (1954)
cho rằng những rối loạn các chức năng hệ thần kinh bắt đầu bằng sự co giật cứng các cơ duỗi ở cổ sau đó là cơ lưng và các cơ duỗi chân sau. Vì vậy thỏ ngửa đầu, chân sau duỗi thẳng, chân trước hoạt động như bơi, co giật thường xuất hiện trước khi chết.
Bệnh cầu trùng thỏ thường thể hiện các triệu chứng rõ nhất là vào thời kỳ tách thỏ con khỏi thỏ mẹ và chuyển sang nuôi bằng thức ăn bình thường.
Lê Văn Năm (2006)[20] cho biết thỏ mắc bệnh cầu trùng thể gan có biểu hiện chướng bụng, đầy hơi, tích nước xoang bụng. Vàng da, vàng niêm mạc mắt, mũi, họng. Thỏ con thường bị cấp tính, nhưng thỏ lớn bệnh thường ở thể mãn tính
. Đối với bệnh cầu trùng thể ruột các triệu chứng bệnh chủ yếu là viêm ruột cấp kèm theo tiêu chảy, khát nước, bỏ ăn, gầy sút nhanh, thỏ ngại vận động, phân loãng chứa nhiều chất nhầy và lẫn máu, chảy dãi, viêm mí mắt.
Bệnh tích:
Kolapxki N.A. và cs, 1980) [33] cho biết xác thỏ chết rất gầy, các niêm mạc trắng bệch, đôi khi hoàng đản. Bệnh tích thấy rõ ở ruột và gan thì không đồng đều. Chúng phụ thuộc vào loài cầu trùng gây bệnh, số lượng và nơi khu trú, tuổi thỏ đồng thời phụ thuộc cả vào khoảng thời gian của bệnh và thể bệnh.
Theo tài liệu của Metenkin A.I (1949) thì các mạch máu vách ruột chứa đầy máu. Màng niêm mạc tá tràng và ruột già dày lên, viêm cata. Khi bệnh tiến triển ở thể nặng còn thấy viêm xuất huyết đôi khi viêm kiểu bạch hầu (viêm có màng giả). Những tổn thương này hoặc nằm rải rác hoặc thành ổ. Do ruột có nhiều bệnh tích nên ruột tăng trưởng thêm.
Khâyxin E.M (1947) và Kôtreganôp K.E (1954) dựa trên các kết quả thực nghiệm, cho rằng, những biến đổi bệnh lý phụ thuộc vào nơi ký sinh của loài cầu trùng này hay loài cầu trùng khác. Khâyxin E.M đã dùng E.magna
gây bệnh cho thỏ thì thấy bệnh tích trong ruột non: có chất bã đậu trong xoang ruột, viêm màng niêm mạc ruột và xuất huyết. Dùng E.media gây bệnh cho
thỏ thì những biến đổi đặc trưng chỉ ở tá tràng : màng niêm mạc viêm, dầy lên, phủ những dịch rỉ như bã đậu lẫn lộn máu, có nhiều điểm trắng nhỏ ở những nơi tập trung các giao tử cầu trùng. Với loài E.irresidua thì bệnh tích thể hiện rõ nhất ở ruột non. Ở thời kỳ sinh sản vô tính trên màng niêm mạc ruột còn thấy nhiều điểm xuất huyết nhẹ, còn khi hình thành các giao tử thì xuất huyết biểu hiện rõ hơn nhiều. Trong trường hợp bệnh do E.coecicola gây ra thì bệnh tích có ở manh tràng, trên màng niêm mạc có những điểm trắng nhỏ trong đó tập trung nhiều giao tử.
Kôtreganôp K.E (1954) gây bệnh cho thỏ cầu trùng loài E.magna thì thấy những điểm xuất huyết riêng rẽ và những ổ trắng trên lớp niêm mạc ruột, còn trong xoang ruột có dịch rỉ viêm do viêm cata, đôi khi có màng giả lẫn máu. Ở hồi tràng, manh tràng cũng có những biến đổi, khi xét nghiệm tổ chức học thấy viêm ruột cata cấp tính cùng những tổn thương vách ruột.
Trong thể bệnh mãn tính, màng niêm mạc ruột non và mấu ruột thừa hơi dày lên, mầu xám, đầy những hạch nhỏ mầu trắng nhạt trong có chứa đầy cầu trùng. Ở một đôi nơi có khi có những ổ hoại tử tích đầy mủ. Những bệnh tích này không biểu hiện rõ trên màng niêm mạc ruột già, ở chúng chỉ thấy màu xám, trên ruột già có vô số ổ trăng trắng nhỏ.
Khi bệnh ở gan thì bệnh tích rất đặc trưng. Gan to gấp 4 lần, có khi còn to hơn và thoái hoá. Ống dẫn mật mở to, vách ống dày lên do tăng các mô liên kết, ống dẫn mật viêm mãn tính. Trên bề mặt gan, đôi khi cả trong nhu mô có những ổ (hạch) dạng tròn hay bầu dục hơi vàng hay trắng xám lớn bằng hạt kê, đôi khi bằng hạt đỗ xanh. Những ổ này chứa đầy những chất tựa như kem sữa lỏng. Chúng tách riêng hẳn ra khỏi những phần của của gan bằng những vỏ bọc liên kết nằm dọc theo đường ống dẫn mật. Trong những ổ đó chứa vô số những nang trứng E.stiedae.