Đối với chính phủ và bộ ngành liên quan

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển hoạt động môi giới chứng khoán của công ty cổ phần alpha​ (Trang 106 - 110)

Nguyên nhân khách quan chủ yếu, bao trùm tác động tiêu cực tới sự phát triển của công ty chứng khoán nói chung và hoạt động môi giới nói riêng chính là sự kém phát triển của thị trường chứng khoán nước ta.

Để khắc phục tình trạng này Chính phủ và các bộ liên quan cần đẩy mạnh các giải pháp phát triển thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Cải thiện chất lượng và đa dạng hóa nguồn cung cho thị trường

Hiện nay, một số cổ phiếu của các doanh nghiệp như của các ngân hàng TMCP,… chưa thực sự niêm yết nhưng cũng đã có giao dịch trên thị trường tự do khá nhiều. Có thể thấy một vấn đề là các doanh nghiệp tuy đủ điều kiện niêm yết nhưng không muốn niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán. Điều này có thể do: - Ban lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp nhìn nhận lợi ích từ việc niêm yết là không rõ ràng mà họ chỉ thấy sự kiểm soát chặt chẽ hơn từ phía cơ quan nhà nước, cơ quan quản lý thị trường.

- Doanh nghiệp của Việt Nam mặc dù có nhận thấy niêm yết, phát hành chứng khoán là một kênh huy động vốn nhưng họ vẫn chưa thoát khỏi kênh huy động truyền thống là vay vốn ngân hàng. Mặt khác, các doanh nghiệp luôn kêu thiếu vốn nhưng lại không có kế hoạch đầu tư dài hạn trong tương lai, thói quen chủ yếu là kinh doanh ngắn hạn đến đâu hay đến đó với nguồn vốn hiện có.

- Phương pháp hạch toán kế toán của nước ta mà các doanh nghiệp áp dụng là chưa đồng bộ.

- Các doanh nghiệp rất ngại công bố thông tin công khai…

Cho nên, Chính phủ và Bộ tài chính cần có các quy định cụ thể đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa mà chưa niêm yết, quản lý cho vay đối với các ngân hàng…

Chính phủ và Bộ tài chính tạo nguồn hàng hóa cho thị trường bằng cách đưa ra các biện pháp thúc đẩy các doanh nghiệp cổ phần hoá, hạn chế số lượng cổ phần mà nhà nước nắm giữ, kiểm soát tỷ lệ tham gia của người nước ngoài và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia niêm yết bằng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ như: ưu đãi thuế, hỗ trợ các doanh nghiệp sau khi tham gia niêm yết hoặc các chính sách ưu đãi về phí niêm yết, khấu hao thiết bị hay những ưu đãi trong quan hệ tín dụng với các tổ chức ngân hàng…

Vấn đề về lao động dôi dư khi doanh nghiệp cổ phần hóa cũng nên được Chính phủ và các bộ liên quan lưu ý. Cần có những chính sách ưu đãi hỗ trợ họ trong thời gian tìm việc khác, tránh tình trạng người lao động không muốn cho doanh nghiệp cổ phần hoá, giảm lượng khách hàng đến với các Công ty chứng khoán.

Các Bộ ban ngành có liên quan nên phối hợp với Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ mình đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá, thành lập ban chỉ đạo cổ phần hoá, nhanh chóng đưa các công ty cổ phần lên niêm yết.

Ưu đãi thuế giá trị gia tăng cho hoạt động chứng khoán

Ưu đãi thuế cho thị trường chứng khoán là một chính sách quan trọng vì nó liên quan trực tiếp đến lợi ích của các công ty chứng khoán. Theo Thông tư 129/2008/TT –BTC ngày 26/12/2008 hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 thì kinh doanh chứng khoán, hoạt động chuyển nhượng chứng khoán và các hình thức chuyển nhượng vốn khác theo quy định của pháp luật thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Cũng theo quy định trên, các hoạt động cung cấp dịch vụ như tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư,... thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng 10%. Hoạt động kinh doanh chứng khoán được xếp vào diện không chịu thuế giá trị gia tăng, nghĩa là không được khấu trừ thuế đầu vào đối với các chi phí bỏ ra trong hoạt động kinh doanh chứng khoán. Cho nên, các công ty chứng khoán nên được áp dụng thuế suất giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán là 0%. Với thuế suất này các công ty chứng khoán sẽ được hoàn thuế đầu vào đối với các chi phí bỏ ra và đây chính là điều mà các công ty chứng khoán mong đợi.

KẾT LUẬN

APSC là một trong những CTCK thành lập từ giai đoạn đầu của TTCK Việt Nam, trải qua hơn 10 năm hoạt động, APSC đã gặt hái được nhiều thành quả mà không phải CTCK nào cũng đạt được. Tuy nhiên cũng không ít các khó khăn hạn chế trong hoạt động đặc biệt là hoạt động môi giới đang bị cạnh tranh gay gắt và sụt giảm mạnh về thị phần môi giới trong những năm gần đây. Với đề tài này, tác giả đưa ra giải pháp để phát triển các lợi thế, điểm mạnh và cải thiện các mặt bất cập, hạn chế đang tồn tại nhằm phát triển hoạt động môi giới chứng khoán và góp phần nâng cao vị thế cho APSC trên TTCK Việt Nam.

Những giải pháp mà tác giả đưa ra cho hoạt động môi giới chứng khoán tại APSC có thể áp dụng linh hoạt vào các CTCK khác vì hiện tại trình độ phát triển hoạt động môi giới chứng khoán tại TTCK Việt Nam tương đối đồng đều. Tuy nhiên, để phát triển APSC theo định hướng phát triển chung TTCK thế giới, không chỉ riêng APSC mà còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết cùng với quá trình phát triển của thị trường vốn. Việc hoàn thiện các thể chế pháp lý, nâng cao tính minh bạch thị trường, tính chuyên nghiệp hóa, đạo đức nghề nghiệp, áp dụng các chuẩn mực quản trị doanh nghiệp tiên tiến... Nhằm tạo lòng tin của công chúng vào thị trường vốn sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực và thời gian dài của không chỉ các cơ quan chức năng mà tất cả các chủ thể tham gia thị trường.

Trong hoạt động của CTCK ẩn chứa nhiều rủi ro bao gồm rủi ro hệ thống và rủi ro nội tại CTCK. Hiện tại chưa có nhiều quy định, công cụ và biện pháp quản trị rủi ro CTCK từ các nhà làm luật. Mỗi CTCK quản lý rủi ro theo cách của mình, nhiều CTCK do áp lực lợi nhuận mà chưa chú trọng đến công tác này. Do đó, tác giả đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo là Xây dựng các công cụ quản trị rủi ro ở các CTCK, đây là một yêu cầu mang tính thời sự tại các CTCK Việt Nam hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO Tiếng Việt

1. Phan Thị Hồng Hà, 2016.Phát triển hoạt động môi giới tại Công ty cổ chứng khoán FPT. Luận văn Thạc sĩ, Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội.

2. Trần Thị Thái Hà, 2000. Một số vấn đề hình thành và phát triển nghề môi giới chứng khoán. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Hà Nội.

3. Bùi Thị Thanh Hương, 2010. Giáo trình Môi giới và tư vấn đầu tư chứng khoán – UBCK Nhà nước, Nhà xuất bản Tài chính, Hà Nội

4. Phạm Thị Lan, 2014. Phát triển hoạt động môi giới của công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á, Luận văn Thạc sĩ Tài chính – Ngân hàng, Học viện Tài chính.

5. Nguyễn Như Quỳnh, 2011. Phát triển hoạt động môi giới tại Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Đà Nẵng.

6. Bùi Thanh Trà, 2013. Nâng cao chất lượng hoạt động môi giới tại Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – SSI, Luận văn Thạc sĩ, Đại học dân lập Phương Đông.

7. Trương Văn Trí, 2012. Phát triển hoạt động môi giới của công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn Thương Tín, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Đà Nẵng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển hoạt động môi giới chứng khoán của công ty cổ phần alpha​ (Trang 106 - 110)