7. Cấu trúc luận văn
1.3.1. Quan niệm chung về cốt truyện và nghệ thuật xây dựng cốt truyện
Cốt truyện không phải là yếu tố tất yếu, phổ biến của tất cả các tác phẩm văn học thuộc các thể loại khác nhau nhưng là bộ phận chủ yếu và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong các tác phẩm thuộc loại hình tự sự và kịch. Cốt truyện có vai trò lớn trong việc bộc lộ chủ đề và tư tưởng của tác phẩm, thể hiện tính cách của nhân vật, thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Nói cách khác, một tác phẩm tự sự thành công, hấp dẫn và lôi cuốn người đọc hay không phụ thuộc rất nhiều vào nghệ thuật xây dựng cốt truyện.
Với vai trò quan trọng trong tác phẩm văn học, từ trước đến nay, có rất nhiều nghiên cứu, phát biểu về cốt truyện, khởi nguồn có thể kể đến nhà lý luận cổ đại Aristote. Trong tác phẩm Nghệ thuật và thi ca, ông cho rằng cốt truyện chính là “linh hồn và cơ sở của bi kịch”, là cái quan trọng nhất làm thành mục đích của bi kịch. Xuất phát từ quan điểm nghệ thuật là sự mô phỏng, Aristote chú ý đến hành động, bởi hành động gắn liền với tính cách là yếu tố quan trọng quyết định số phận nhân vật. Việc sắp xếp các hành động mới là điểm cốt yếu,
“cốt truyện phải được sắp xếp như thế nào để bất kỳ ai, dù không được xem biểu diễn, mà chỉ nghe qua về những sự việc xảy ra đó cũng phải rùng mình và cảm thấy xót thương theo trình tự phát triển của các sự kiện trong truyện”
[53]. Bàn về việc sắp xếp các hành động của truyện Aristote rất chú ý đến vấn
đề quy mô và tính chỉnh thể của các yếu tố cốt truyện. Trên cơ sở nền tảng của
Aristote, các nhà lí luận về sau như A.Veselovski, G.N.Pospelov, L.I.Timofeep, E.Dobin, Kojikov, B.Tomachevski, V.Shklovski, P.Cobley, J.Culler, J.Lotman, đã đề cập vấn đề cốt truyện ở nhiều mức độ và trên nhiều phương diện khác nhau. Chẳng hạn, V.Propp định nghĩa: “Cốt truyện là chuỗi các hành động của nhân
vật hay sự kiện trong cuộc sống của chúng”, L.I.Timofeep đưa ra cách hiểu
“Cốt truyện là hệ thống các sự kiện” [53, tr. 90].
Trong cuốn 150 thuật ngữ văn học, tác giả Lại Nguyên Ân đưa ra định nghĩa về cốt truyện là: “sự phát triển hành động; tiến trình các sự việc, các biến cố trong tác phẩm tự sự và kịch, đôi khi cả trong tác phẩm
trữ tình” [1, tr.112].
Trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học của các tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (chủ biên), cốt truyện được hiểu là “hệ thống sự kiện được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học
thuộc các loại tự sự và kịch”, “cốt truyện là một phương diện bộc lộ nhân vật,
nhờ cốt truyện, nhà văn thể hiện sự tác động qua lại giữa các tính cách nhân vật. Mặt khác, cốt truyện còn là phương tiện để nhà văn tái hiện các xung đột
xã hội” [22, tr. 99-100].
Tác giả Đoàn Đức Phương trong Lí luận văn học do Hà Minh Đức (Chủ biên) cũng đưa ra định nghĩa về cốt truyện: “là một hệ thống các sự kiện phản ánh những diễn biến của cuộc sống và nhất là các xung đột xã hội một cách nghệ thuật, qua đó các tính cách hình thành và phát triển trong những mối
quan hệ qua lại của chúng nhằm làm sáng tỏ chủ đề và tư tưởng tác phẩm”
[19, tr.137].
Trong giáo trình Lí luận văn học (tập 2), Trần Đình Sử (chủ biên), các tác giả cũng đưa ra định nghĩa về cốt truyện: “Cốt truyện là chuỗi các sự kiện được tạo dựng trong tác phẩm tự sự và kịch, nằm dưới lớp trần thuật, làm nên cái sườn của tác phẩm. Một số văn bản trữ tình cũng có yếu tố cốt truyện. Khái niệm cốt truyện được tách ra làm hai phần: Một phần là chuỗi sự kiện rất đặc trưng cho thể loại tự sự và kịch, và một phần khác quan trọng không kém là các yếu tố miêu tả, lời kể, lời bình. Thiếu các yếu tố này thì cốt truyện không
thể thành truyện” [53, tr. 92].
Như vậy, trong thuật ngữ “cốt truyện”, yếu tố “cốt” đóng vai trò chính nên nó được hiểu như là “cốt lõi”, “cái sườn”, “bộ xương” của truyện nhưng chưa thể thành một câu chuyện hoàn chỉnh. Chuỗi các sự kiện trong cốt truyện qua sự miêu tả, với các lời kể, lời bình của tác giả sẽ trở thành một thế giới nghệ thuật, một truyện hoàn chỉnh với ý nghĩa nghệ thuật đầy đủ.
Qua những định nghĩa của các nhà nghiên cứu về cốt truyện, có thể thấy các sự kiện là cơ sở, là chất liệu cơ bản để tạo thành cốt truyện. Hệ thống sự kiện là yếu tố làm nòng cốt cho diễn biến câu chuyện, là cơ sở cho sự phát triển tính cách nhân vật và các mối quan hệ trong tác phẩm, là nhân tố cơ bản cấu thành cốt truyện của một tác phẩm. Từ những nghiên cứu đã có, chúng tôi đưa ra một cách hiểu chung nhất về cốt truyện như sau: Cốt truyện là hệ thống những sự kiện, biến cố, hành động giữ vai trò nòng cốt trong tác phẩm tự sự, qua đó phản ánh cuộc sống và những xung đột xã hội, thể hiện tính cách nhân vật trong những hoàn cảnh xã hội nhất định và làm sáng tỏ chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.
Cũng theo các tác giả trong cuốn Lí luận văn học (tập 2), cốt truyện có hai tính chất cơ bản: “Một là, các sự kiện trong chuỗi có mối quan hệ nhân quả hoặc quan hệ bộc lộ ý nghĩa, có mở đầu và kết thúc. Hai là, cốt truyện có tính
liên tục về thời gian” [53, tr. 92-92]. Trong tác phẩm tự sự, cốt truyện có vai trò quan trọng vì nó tạo ra một trường hành động cho các nhân vật, tạo ra một thao trường cho nhân vật bộc lộ tính cách, qua đó thể hiện chủ đề tư tưởng, ý nghĩa nghệ thuật của tác phẩm. Qua hệ thống các sự kiện tạo thành cốt truyện, tác giả bộc lộ, lí giải tính cách của nhân vật, qua đó xây dựng những hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm. Có thể khái quát các chức năng cơ bản của cốt truyện: “một là, nó gắn kết các sự kiện thành một chuỗi và tạo thành lịch sử của một nhân vật, thực hiện việc khắc họa nhân vật; hai là, bộc lộ các xung đột, mâu thuẫn của con người (xã hội, tâm lí, đạo đức…), tái hiện bức tranh đời sống; ba là, tạo ra một ý nghĩa về nhân sinh có giá trị nhận thức; bốn là, gây hấp dẫn đối với người đọc, bởi người đọc luôn luôn quan tâm tới số phận
nhân vật” [53, tr. 94]. Có thể nói, cốt truyện có vai trò vô cùng quan trọng
trong sự thành công của các tác phẩm tự sự. Thành công trong nghệ thuật xây dựng cốt truyện góp phần tạo nên thành công chung, sức hấp dẫn của tác phẩm:
“nắm bắt đúng chuỗi các sự kiện là bước khởi đầu để hiểu nhân vật, hiểu bức tranh đời sống, hiểu ý nghĩa của tác phẩm và tìm thấy hứng thú khi đọc tác
phẩm” [53, tr. 94].
Như vậy, chuỗi các sự kiện là yếu tố quan trọng cấu thành chỉnh thể cốt truyện của toàn bộ tác phẩm, góp phần tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh. Trong đó, các tác giả thường triển khai cốt truyện theo các thành phần chính. Phần mở đầu, giới thiệu một cách khái quát về bối cảnh xã hội-lịch sử, các điều kiện, nguyên nhân làm nảy sinh xung đột và các nhân vật. Phần thắt nút, là phần đánh dấu sự kiện mà từ đó xuất hiện các mâu thuẫn, xung đột. Ðây chính là biến cố đầu tiên của cả hệ thống biến cố tạo thành xung đột của cốt truyện. phần thắt nút có nhiệm vụ bộc lộ trực tiếp những mâu thuẫn đựơc tích tụ một cách âm ỉ từ trước, các nhân vật sẽ đứng trước những thử thách, đòi hỏi phải bày tỏ những thái độ, chọn lựa cách xử sự, hành động, phản ứng, từ đó bộc lộ rõ tính cách. Phần phát triển, đây là phần quan trọng và dài nhất của cốt truyện
bao gồm nhiều cảnh ngộ, sự kiện và biến cố khác nhau, tính cách nhân vật chủ yếu được xác định trong phần này. Phần đỉnh điểm, còn được gọi là cao trào, là phần bộc lộ cao nhất của xung đột. Lúc này, xung đột đã phát triển đến độ gay gắt, quyết liệt, đòi hỏi phải được giải quyết theo một chiều hướng nhất định. Ðiểm đỉnh thường là một khoảnh khắc, một thời điểm ngắn nhưng có tác dụng quyết định đối với nhân vật trung tâm.Phần kết thúc, đây là phần giải quyết xung đột của tác phẩm một cách cụ thể. Tại đây, tác giả trình bày những kết quả của toàn bộ xung đột của cốt truyện. Một cốt truyện hấp dẫn và thành công, phần kết thúc bao giờ cũng được giải quyết một cách tự nhiên, phù hợp với qui luật của cuộc sống. Tuy nhiên trong văn học cổ thường có phần kết thúc phù hợp với ước muốn chủ quan của tác giả. Những thành phần chính trên đây tạo thành một cốt truyện đầy đủ. Tuy nhiên, trong thực tế văn học, không phải lúc nào cốt truyện cũng đầy đủ cả năm thành phần đồng thời cũng không phải được trình bày theo thứ tự như trên. Các tác giả xây dựng cốt truyện theo các hình thức khác nhau để thể hiện ý đồ nghệ thuật của mình. Để triển khai xây dựng cốt truyện một cách sinh động, hấp dẫn, nhà văn phải sử dụng kết hợp các biện pháp kết cấu khác nhau. Cốt truyện có thể chia ra thành nhiều kiểu kết cấu khác nhau như: cốt truyện đơn tuyến, cốt truyện đa tuyến, cốt truyện biên niên, cốt truyện đồng tâm, cốt truyện tự thuật, cốt truyện kí ức... Có thể nói, “chính sức lôi cuốn, hấp dẫn của cốt truyện sẽ góp phần tạo nên sức mạnh thuyết phục của chủ đề và tư tưởng tác phẩm […]. Và nếu không có cốt truyện hay, hấp dẫn thì sự hoạt động của các tính cách cũng trở nên buồn tẻ, những đặc điểm bản chất của từng tích cách cũng không được khẳng định rõ nét và mất đi tính sinh động
cần phải có của nó” [19, tr.136].