Con đường từ hiện thực đến các hình tượng văn học

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật xây dựng cốt truyện và nhân vật trong nam triều công nghiệp diễn chí (Trang 54 - 56)

7. Cấu trúc luận văn

3.1. Con đường từ hiện thực đến các hình tượng văn học

Văn học cũng như văn nghệ nói chung là lĩnh vực của tình cảm thẩm mĩ, nhưng vẫn là một loại hình thái ý thức xã hội, phản ánh tồn tại xã hội. Mối quan hệ giữa văn học với hiện thực là mối quan hệ giữa cái phản ánh và cái được phản ánh trong tác phẩm. Trong cuốn Lí luận văn học (tập 1) tác giả Phương Lựu đã nhận xét: “Xét đến cùng bất kỳ nên văn nghệ nào cũng hình thành trên một cơ sở hiện thực nhất định. Bất kỳ một nghệ sỹ nào cũng thoát thai từ một môi trường sống nào đó. Bất kỳ tác phẩm nào cũng là sự khúc xạ từ

những vẫn đề trong cuộc sống” [35, tr.81].

Như ta đã biết, nội dung chính trong các tác phẩm tiểu thuyết chương hồi Việt Nam thường đề cập và phản ánh những vấn đề mang tính lịch sử của dân tộc. Xuất phát từ lịch sử, các tác phẩm tiểu thuyết chương hồi đều tập trung phản ánh hiện đặc điểm hiện thực và đời sống xã hội lúc bấy giờ. Tuy nhiên hiện thực trong tác phẩm được biểu hiện không chỉ qua tính chất khách quan mà còn được phản ánh qua lăng kính chủ quan của tác giả. Cho nên hiện thực phản ánh trong tác phẩm nhiều khi không đồng nhất với hiện thực lịch sử.

Xã hội Việt Nam từ thế kỷ XV - XIX với biết bao các sự kiện lịch sử phức tạp đã diễn ra, tiểu thuyết chương hồi giai đoạn này chủ yếu là các tác phẩm văn học có đề tài liên quan đến lịch sử. Đây chính là cơ hội cho các tác giả thể hiện tài năng của mình, bằng tâm huyết, sự sáng tạo, các tác giả đã ghi chép lại các vấn đề lịch sử nhưng dưới góc độ một tác phẩm văn chương đích thực. Với tư cách là người đứng ngoài quan sát, các tác giả tiểu thuyết chương hồi Việt Nam trung đại đã trở thành người thư ký trung thành bám sát các vấn đề của lịch sử. Nam triều công nghiệp diễn chí của tác giả Nguyễn Khoa Chiêm hoàn thành năm 1719, là cuốn tiểu thuyết mở đầu cho tiểu thuyết chương hồi

Việt Nam. Tác phẩm Nam triều công nghiệp diễn chí ra đời sau một thế kỷ nhưng đã phản ánh khá chân thật lịch sử xã hội Việt Nam những năm giữa thế kỷ XVI đến cuối thế kỉ XVII, trong đó tác giả chủ yếu tái hiện lại quá trình hình thành Nam- Bắc triều từ năm 1558 và đặc biệt là cuộc nội chiến Nam- Bắc triều trong vòng 45 năm từ 1627 đến 1672. Tuy nhiên, chúng ta không thể đồng nhất bức tranh hiện thực này với chính hiện thực lịch sử của đất nước lúc bấy giờ. Các nhân vật lịch sử trong tác phẩm được xây dựng dựa trên những con người có thật trong lịch sử, nhưng khi nhân vật ấy đi vào trong văn học lại có diện mạo riêng, những nét điển hình không hoàn toàn trùng khớp với hiện thực. Và để có các hình tượng nhân vật độc đáo sống động, chân thực như vậy trong tác phẩm, tác giả Nam triều công nghiệp diễn chí đã phải trải qua một quá trình sàng lọc, sáng tạo hết sức công phu.

Lấy bối cảnh lịch sử những năm giữa thế kỷ XVI đến cuối thế kỉ XVII, tác phẩm Nam triều công nghiệp diễn chí có giá trị như là tấm gương phản chiếu hiện thực lịch sử qua cách tác giả viết về các sự kiện có thật xảy ra từ năm 1558 cho đến năm 1689, tức là tác giả viết về hiện thực cuộc sống diễn ra trước một thế kỷ và sau khoảng 30 năm khi tác giả ra đời (1659). Tác giả vừa viết về quá khứ và vừa viết về hiện tại, nhưng hiện tại này được lắng đọng trên một phần tư thế kỷ. Tác giả Nguyễn Khoa Chiêm sinh năm 1659, hoàn thành Nam triều công nghiệp diễn chí năm 1719, sự kiện cuối cùng được nhắc đến trong tác phẩm là vào năm 1689. Tác phẩm Nam triều công nghiệp diễn chí mang những nét độc đáo và đậm đà bản sắc Việt Nam là do sự sáng tạo của tác giả, không dựa trên một tác phẩm lịch sử có sẵn, các nhân vật chưa trải qua quá trình dân gian hay truyền thuyết hóa. Vì vậy, tác giả phải tự mình kiến tạo nên tất cả từ nội dung, cốt truyện, nhân vật cho tới các tình tiết làm sao đảm bảo cho nó vừa trung thành với lịch sử lại có trình độ nghệ thuật khái quát cao.

Nguyên tắc bất di bất dịch trong xây dựng nhân vật của tiểu thuyết chương hồi là trung thành với họ tên, năm sinh, hoàn cảnh gia đình quê hương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật xây dựng cốt truyện và nhân vật trong nam triều công nghiệp diễn chí (Trang 54 - 56)