Nghệ thuật xây dựng cốt truyện theo tính chất đồng hiện trong Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật xây dựng cốt truyện và nhân vật trong nam triều công nghiệp diễn chí (Trang 43 - 47)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.2. Nghệ thuật xây dựng cốt truyện theo tính chất đồng hiện trong Nam

triều công nghiệp diễn chí

Trong tiểu thuyết Nam triều công nghiệp diễn chí, với đặc điểm tác phẩm tái hiện một giai đoạn lịch sử bão táp, miêu tả một hệ thống sự kiện phức tạp, chồng chéo các biến cố ở một không gian lịch sử rộng lớn và thời gian lịch sử dài lâu, nghệ thuật đồng hiện là một biện pháp nghệ thuật đắc lực trong việc thể hiện thành công cốt truyện phức tạp.

Tác phẩm miêu tả lịch sử đất nước trong khoảng thời gian 131 năm (từ năm 1558 đến năm 1689). Một giai đoạn lịch sử dân tộc chứng kiến tất cả những rối ren, thăng trầm, tranh quyền đoạt vị giữa các tập đoàn phong kiến. Đó là giai đoạn nội chiến kéo dài nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Tình hình chính trị rối ren là nét chung nhất của cả giai đoạn lịch sử đằng đẵng hơn một trăm năm, nhưng trong hành trình ấy có những thời điểm tình trạng rối ren đạt đến đỉnh điểm. Với đặc điểm đó, nghệ thuật đồng hiện là phương tiện nghệ thuật đắc lực để cùng lúc tác giả có thể miêu tả đầy đủ, chi tiết nhiều sự kiện cùng diễn ra trong một thời điểm lịch sử.

Trong khoảng thời gian hơn một thế kỉ, nhìn lại đất nước trong giai đoạn lịch sử đầy biến động ấy, có thể thấy cuộc chiến giữa hai thế lực họ Trịnh và họ Nguyễn trong bảy lần đại chiến (1627 – 1672) là giai đoạn lịch sử rối ren, đất nước chìm trong máu lửa nội chiến, giai đoạn lầm than đến cùng cực của tình hình đất nước. Từ thực tế lịch sử ấy, nhìn vào tác phẩm Nam triều công nghiệp

diễn chí, có thể thấy Nguyễn Khoa Chiêm đã dành phần trang viết chủ đạo để

miêu tả giai đoạn lịch sử này. Trong 609 trang của toàn bộ tác phẩm để miêu tả khoảng thời gian lịch sử kéo dài 131 năm, tác giả đã dành đến 424 trang viết cho giai đoạn 45 năm máu lửa này, đó là một tỷ lệ áp đảo. Theo dõi tác phẩm cũng có thể thấy, trong giai đoạn này, các sự kiện được miêu tả tỉ mỉ, chi tiết, đồng thời hệ thống các sự kiện cũng thể hiện sự phức tạp, chồng chéo hơn so với những giai đoạn khác. Nghệ thuật đồng hiện về thời gian có thể được tìm thấy rất phổ biến trong những trang viết miêu tả lịch sử giai đoạn này. Để thấy rõ hơn nghệ thuật đồng hiện trong tác phẩm có thể xem thêm qua phần Phụ lục, ở đây chúng tôi chỉ xin dẫn một vài ví dụ điển hình để minh chứng rõ hơn.

Toàn bộ quyển bảy được viết trong 63 trang, tác giả chỉ dành năm dòng cho việc để viết về năm 1673, còn lại toàn bộ dung lượng viết về năm 1672. Quyển bảy bắt đầu bằng sự kiện người được sai đi do thám của trấn thủ doanh Bố Chính là Triều Tín trở về báo tin: Tây Định vương Trịnh Tạc sai quân vận chuyển lương thảo, bắc cầu phao cho quân qua sông Gianh, lại truyền lệnh điểm mười tám vạn quân, rước vua Lê đi đánh, đích thân vương làm nguyên soái quân bộ, thiếu bảo Phú quận công Trịnh Căn làm nguyên súy thủy quân, đốc quân cả nước kéo vào chiếm đất phía Nam. Trận chiến giữa hai bên Trịnh – Nguyễn được miêu tả trong quyển bảy có thể coi là trận giao chiến lớn nhất trong Nam triều công nghiệp diễn chí. Chỉ trong một năm 1672, rất nhiều sự kiện lớn đã diễn ra, nhiều trận giao tranh quyết liệt được tác giả miêu tả tỉ mỉ, chi tiết.

Ở Bắc triều, Tây Định vương Trịnh Tạc truyền lệnh chỉnh đốn binh mã, quân thủy bộ tất cả mười vạn nhưng nói phao lên là mười tám vạn, chọn ngày hai tám tháng sáu đem quân xuất phát vào Nam. Trước thế lực quân Trịnh tiến vào Nam, chúa Nguyễn phong cho công tử Hiệp Đức làm nguyên súy, vệ úy Phú Lĩnh, ký lục Xuân Đài làm tham mưu, chọn ngày hai mươi tháng bảy sẽ xuất quân.

Trận đánh đầu tiên, quân Trịnh thừa thế giành chiến thắng, ra sức giết hại dân lành, cướp bóc của cải, tiếng kêu oán thán khắp nơi. Tây Định vương đem quân vào đóng trong doanh Bố Chính, hai bên từ đó đều cố thủ. Chúa Hiền họp bàn tướng sĩ tìm kế đánh quân Trịnh, cai cơ nội tả là Minh Lễ đưa ra kế sách muốn lợi dụng việc quân Trịnh xa xôi tất thiếu lương thực, dễ sinh mệt mỏi, hơn thế nữa địa thế đất Nam hiểm trở, đó là ưu thế của quân ta giành chiến thắng. Thủ hạ Đông Triều cũng đưa ra kế “lấy rỗng, phá rỗng”, tuyển thêm quân lính, lại nói phao lên đến hai mươi sáu vạn quân nhằm uy hiếp tinh thần quân địch.

Cuộc giao tranh giữa hai phe Trịnh – Nguyễn vẫn diễn ra, hai bên vừa đánh, vừa nghe ngóng tình hình, lui về cố thủ. Ngày 20 tháng 11 năm 1672, cuộc giao tranh quyết liệt diễn ra khi quân Trịnh tiến đánh thành Trấn Ninh. Quân Bắc kiên quyết đánh để phá thành, quân Nam phải cầu cứu Hiệp Đức và Chiêu Vũ. Cuộc chiến quyết liệt khiến cả hai phía đều thương vong rất lớn, quân lính hoang mang, kẻ ốm chết rất nhiều, lại càng thêm oán thán những người cầm quyền. Trước tình hình đó, chúa Trịnh bàn với vua Lê cho rút quân về điện Phù Lộ phía bắc sông Gianh, đến ngày mùng chín tháng mười hai lại truyền lệnh đánh một trận lớn nhưng bị quân Nam dùng kế hư trương thanh thế làm cho kinh sợ. Ngày mười ba tháng mười hai, cuộc giao tranh quyết liệt giữa hai bên Trịnh – Nguyễn diễn ra ở thành Trấn Ninh, tướng Trịnh bỏ chạy, quân

sĩ như rắn mất đầu, chết nhiều không đếm xuể. Trận chiến này cũng đánh dấu thắng lợi của quân Nam trước thế lực họ Trịnh ở Đàng Ngoài.

Như vậy, quyển bảy đã miêu tả chi tiết, tỉ mỉ những sự kiện trong trận giao tranh quyết liệt giữa hai bên Trịnh – Nguyễn năm 1672. Đây cũng là trận đánh cuối cùng quyết định thắng lợi của chúa Nguyễn, kết thúc giai đoạn chiến tranh Trịnh – Nguyễn (1627 – 1672). Chỉ trong thời gian chưa đầy một năm, biết bao sự kiện lớn diễn ra đều được tác giả dụng công miêu tả tỉ mỉ, chi tiết, sinh động. Tác giả lôi cuốn người đọc vào hệ thống sự kiện của câu chuyện, sự kiện sau nối tiếp sự kiện trước.

Để miêu tả nhiều sự kiện cùng diễn ra, tác giả thường sử dụng lối dẫn chuyện: Lại nói…, Từ đó…, chẳng hạn: Lại nói chuyện ở Bắc triều…, Lại nói nguyên súy Hiệp Đức…, Lại nói ngày năm tháng chín năm ấy…, Lại nói Hiền vương chọn ngày hai mươi ba tháng ấy làm lễ tế cờ đạo…, Lại nói bên quân Bắc… Cách dẫn chuyện đó vừa để xâu chuỗi, kết nối giữa các sự kiện, tạo nên sự tiếp nối của mạch truyện, vừa cho thấy tầng tầng lớp lớp của hệ thống sự kiện. Nhìn lại một trận chiến quyết liệt điển hình trong cuộc giao tranh Trịnh – Nguyễn được miêu tả trong quyển bảy, có thể thấy nghệ thuật đồng hiện được sử dụng khá phổ biến với những sự kiện lớn, những biến cố quan trọng trong lịch sử cũng như trong hệ thống cốt truyện. Khi miêu tả những sự kiện quan trọng, nghệ thuật đồng hiện thường được tác giả vận dụng đắc lực và đạt hiệu quả biểu đạt cao. Nghệ thuật đồng hiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần thể hiện đầy đủ, chi tiết, sinh động các sự kiện lịch sử, tạo cho câu chuyện vừa phát triển theo dòng thời gian tuyến tính của lịch sử, vừa đặc tả được những sự kiện, chi tiết có ý nghĩa quan trọng, làm cho tác phẩm vừa trải dài theo thời gian, vừa trải rộng theo không gian. Nghệ thuật đồng hiện điểm xuyết trên nền kết cấu cốt truyện theo thời gian tuyến tính đã tạo nên sự hấp dẫn, sinh động và chiều sâu lịch sử, chiều sâu nghệ thuật cho tác phẩm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật xây dựng cốt truyện và nhân vật trong nam triều công nghiệp diễn chí (Trang 43 - 47)