Tác giả Chí Đình Nguyễn Văn Lý

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật trữ tình trong đông khê thi tập của chí đình nguyễn văn lý (Trang 26 - 30)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2.2. Tác giả Chí Đình Nguyễn Văn Lý

1.2.2.1. Cuộc đời

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý (阮 文 理) sinh ngày 6 tháng 3 năm Ất Mão tức năm Cảnh Thịnh thứ 3 (1795), húy là Dưỡng, tự Tuần Phủ, hiệu Chí Đình, Chí Am, Chí Hiên, biệt hiệu Đông Khê. Ông là người làng Đông Tác huyện Thọ Xương (nay là phường Phương Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội). Mảnh đất Đông Tác xưa là một làng cổ của Kinh thành Thăng Long và Nguyễn Văn Lý được sinh trưởng trong một dòng họ được coi là định cư lâu đời nhất ở đất Thăng Long. Ông sinh ra trong một gia đình dòng dõi thi thư, nhiều đời làm quan to. Họ Nguyễn vốn ở Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn (nay thuộc huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa), vào cuối đời Lê Thánh Tông (1460 - 1497) thủy tổ ông là Chính Thiện từ Gia Miêu mới rời ra phường Đông Tác định cư và có nghề nung đúc. Đến đời thứ bảy của tổ Chính Thiện sinh ra cụ Nguyễn Hy Quang (1634 - 1692) gia cảnh nghèo khó nhưng đã vượt lên trở thành vị thầy dạy các Thế tử. Khi mất, cụ được thờ ở đình Trung Tự - nơi thờ Cao Sơn đại vương, cùng trong quần thể với đình Kim Liên (cũng thờ Cao Sơn đại vương)

- Một trong Thăng Long tứ trấn. Cháu của cụ Nguyễn Hy Quang là Nguyễn Trù (1668-1736) đỗ Hoàng giáp năm 1697, làm đến Tế tửu Quốc Tử Giám và Hình bộ Hữu Thị lang. Con của Nguyễn Trù là Nguyễn Hữu Dụng đỗ Tạo Sĩ làm tới Đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân, tước Tào Quận Công. Khi mất được phối thờ ở hậu cung đình Trung Tự. Cháu nội Nguyễn Trù là Nguyễn Hữu Vọng (1762 - 1818), đỗ sinh đồ thời Lê, được phong tước Lương Vũ Bá. Và Nguyễn Hữu Vọng đã sinh ra Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý. Khi Nguyễn Văn Lý sinh ra, Thăng Long không còn là đất đế đô. Đời sống dân cư về mọi mặt không còn hưng vượng như trước nữa. Ông thừa nhận: “Họ ta nghèo, thôn ta ở giữa thành thị, không có đất để cày cấy lại không có nghề nghiệp ổn định, rất đáng phải lo nghĩ” [2, tr.27]. Gặp những năm mất mùa, thóc gạo kém, tình hình dân chúng cùng quẫn thì vùng quê của ông là nơi thuộc thành thị càng trầm trọng. Thân phụ Nguyễn Văn Lý từng đề xuất lập kho nghĩa thương “tích tiểu thành đa phòng khi thiếu thốn” nhưng mãi đến năm 1865, Nguyễn Văn Lý về hưu mới bắt đầu gây dựng.

Dòng họ Đông Tác của ông rất coi trọng truyền thống học hành và khá hiển đạt cả về đường võ. Tiếp nối truyền thống của gia đình, Nguyễn Văn Lý ngay từ tuổi ấu thơ đã để tâm đến việc đèn sách. Năm 14 tuổi (1808) ông theo học Bùi Chỉ Trai, em của Tham tụng triều Lê Bùi Huy Bích và chịu nhiều ảnh hưởng của học phong họ Bùi. Đến năm 18 tuổi (1812) ông theo học Bạch Trai Lê Hoằng Đạo, Tiến sĩ, Đốc học Hà Nội. Thời gian tiếp sau đó, biến cố gia đình của ông liên tiếp ập đến khi việc học hành đang thuận lợi. Năm 1817 thân mẫu Nguyễn Văn Lý bị bệnh nặng, tháng hai năm sau (Mậu Dần 1818) thì bà mất. Lo tang ma cho mẹ mới được vài tháng thì cha bị bệnh, đến tháng sáu cũng qua đời. Như vậy chỉ trong vòng có một năm mà ông đã phải chịu hai sự mất mát lớn của đời người, cùng đó gia sản tổ tiên để lại có bốn mẫu ruộng bạc điền đã bán hết để lo việc tang. Chính lẽ đó, Nguyễn Văn Lý phải lấy việc dạy trẻ làm kế sinh nhai, việc học hành thi cử cũng bị gián đoạn. Năm 28 tuổi, Nguyễn Văn Lý cưới vợ. Sau đó ông tìm theo học tiến sĩ Lập Trai Phạm Quý Thích, Đốc học Cao Duy Hiệu, Tri huyện Tiên Minh Nguyễn Trừng. Nhưng đối với Nguyễn Văn Lý, người thầy hiểu ông nhất, có ảnh hưởng đến ông lớn nhất mà ông vô cùng kính trọng là Lập Trai Phạm Quý Thích. Được sự khuyến khích, dẫn dắt của thầy Phạm Lập Trai, khoa thi Hương năm Ất Dậu (1825), Nguyễn Văn Lý đỗ Cử nhân, cùng khoa với Nguyễn Văn Siêu, Hoàng Tế Mỹ, Vũ Tông Phan… Con đường khoa cử của Nguyễn Văn Lý sau đó khá lận đận. Ông thi hỏng liền hai khóa thi Hội vào

các năm Bính Tuất (1826) và Kỷ Sửu (1829). Phải tới khoa thi khoa Nhâm Thìn, Minh Mệnh thứ 13 (1832) ông mới đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân (ông Nghè), năm đó ông 38 tuổi. Năm 1833, tháng hai (âm lịch), ông được bổ làm Tri phủ phủ Thuận An, 8 tháng sau thì có lệnh triệu vào kinh và tháng tư (âm lịch) năm 1834 được trao chức Viên ngoại lang Bộ Lại. Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) ông được bổ làm Ám sát sứ Phú Yên đồng hộ lý tuần phủ quan phòng. Tháng Tám được cử làm Chánh chủ khảo trường thi Gia Định. Cuộc đời làm quan của ông cũng nhiều thăng trầm và có những nỗi oan. Khi làm quan ở Phú Yên có hai lần ông bị giáng chức. Năm 1844, một lái buôn ở Phú Yên vu khống ông nhận hối lộ, dù Học sĩ Vũ Phạm Khải và Án sát Nguyễn Công Vịnh xét xử đã kết luận Nguyễn Văn Lý vô tội nhưng vẫn bị cách chức. Nguyễn Văn Lý bị cách chức cho về quê tháng 5 năm 1846, nhưng chỉ hai tháng sau, tháng 7 lại có chỉ khởi phục chức Hàn lâm viện Điển bạ, làm Tu văn quy. Khi vua Thiệu Trị băng hà, ông lại được mệnh đi tìm đất an lăng, đây cũng là một việc chứng tỏ sự tín nghiệm của vua Tự Đức đối với ông. Nhân dịp này ông được ban thưởng, nhưng lộ trình làm quan dường như đã chững lại. Năm Mậu Thân (1848), tháng 9 được sai làm sơ khảo trường thi Nam Định; tháng 11 công việc xong. Cáo quan mấy bận nhưng đến năm 54 tuổi (1848), Nguyễn Văn Lý mới được chấp thuận cho nghỉ một thời gian. Ông ở nhà cho đến giữa năm Bính Thìn (1856), mở trường Chí Đình ven Hồ Hoàn Kiếm. Nguyễn Văn Lý luôn quan tâm đến việc giúp dân cứu đời, quan tâm đến việc học của sĩ tử. Quan điểm mở trường Chí Đình của ông Nghè Đông Tác Nguyễn Văn Lý là đào tạo ra những nhân tài xây dựng đất nước, chứ không chỉ là đỗ đạt để ra làm quan, cầu công danh bổng lộc. Những học trò xuất thân từ trường lớp Chí Đình đã làm rạng danh thầy và ngôi trường mang hoài bão chí hướng của kẻ sĩ Bắc Hà. Có thể kể những nhân tài xuất thân từ trường Chí Đình như: Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp người Kim Lũ làm đến Thượng thư Bộ Lại, Tổng tài Quốc sử quán, Đại thần Cơ Mật viện, Văn Minh Đại học sĩ, Phụ chính vua Thành Thái... Cùng với lập trường quanh khu vực Hoàn Kiếm, Nguyễn Văn Lý còn cùng các bạn đồng môn, đồng chí hướng Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Ngô Thế Vinh, Phạm Sĩ Ái, Lê Duy Trung, Trần Văn Vi… xây dựng trung tâm văn hóa Hà Nội. Ông đã góp công sức vào việc xây dựng Hội Hướng thiện ở đền Ngọc Sơn. Nhưng khi địa hội thành lập, ông đã phải trở lại kinh thành Huế nhậm chức. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Hội trưởng Vũ Tông Phan, rồi Nguyễn Văn Siêu, hội đã có tác động rộng hơn trong việc khuyến khích giữ vững truyền thống văn hóa dân tộc.

Đặc biệt, hội đã tổ chức tôn tạo vùng phía Bắc của Hồ Gươm thành quần thể văn hóa giữa lòng Thăng Long - Hà Nội. Nguyễn Văn Lý là một trong những văn nhân trí thức Hà Thành đầu thế kỷ XIX có tấm lòng với văn hóa Thăng Long và đã góp phần không nhỏ vào công cuộc chấn hưng văn hóa đó, khiến cho Thăng Long tuy không còn là nơi vua chúa ở nhưng vẫn là thành phố đứng đầu nước về nghệ thuật, về kỹ nghệ, thương nghiệp, sự giàu có, dân số đông đúc, sự lịch duyệt và học vấn…

Nguyễn Văn Lý mất ngày 17 tháng 8 năm Mậu Thìn (1868) tại ngôi nhà ở phố Hàng Bồ, thọ 74 tuổi. Trưởng môn Nguyễn Trọng Hợp cùng các môn sinh dựng nhà thờ thầy tại làng Trung Tự (nay thuộc tổ 23B, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội).

1.2.2.2. Sự nghiệp sáng tác

Cùng với việc giáo dục, những hoạt động không mệt mỏi nhằm giữ gìn phát triển nền văn hóa dân tộc, tài năng, đức độ của Nguyễn văn Lý còn được khẳng định thông qua sự nghiệp trước tác. Như đã đề cập ở trên, có thể thấy ông đã được nhiều danh sĩ đương thời đánh giá cao. Nói về các trước tác thơ văn của ông, thi sĩ nổi tiếng Tùng Thiện Vương ca ngợi: “Đãi cát mới thấy vàng, đẽo đá mới được ngọc, đó là con người đã suy xét đến cùng cực nên thơ văn mới hay đẹp như thế” [43].

Cho đến nay, chúng ta có thể thấy những tác phẩm của Nguyễn Văn Lý được thống kê một cách đầy đủ nhất thông qua phần giới thiệu trong cuốn sách Tổng tập thơ văn Chí Đình Nguyễn Văn Lý, tập 1, PGS.TS Trần Thị Băng Thanh (chủ biên), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, (2015). Qua cuốn tổng tập này, độc giả có thể thấy Nguyễn Văn Lý đã để lại nhiều trước tác như Đông Khê thi tập, Đông Khê văn tập, Chí Am Đông Khê thi tập, Chí Hiên thi thảo, Thọ Xương Đông Tác Nguyễn thị tông phả, Đông Tác Nguyễn thị gia huấn... Theo Đại Nam liệt truyện thì ông để lại bốn quyển Đông Khê thi tập, năm quyển Văn tập và một quyển Tự gia yếu ngữ, đúng như Nguyễn Văn Lý xác nhận trong Chí Am tự truyện “Trước tác của ta có hai tập: Đông Khê thi tiền hậu tập, Văn tập lưu hành ở đời và một quyển Tự Gia yếu ngữ để dạy con cháu”. Theo thống kê của Thư mục đề yếu, tác phẩm của Nguyễn Văn Lý hiện có khoảng trên - dưới 900 trang chữ Hán, con số này cũng không nhỏ. Đến với tác phẩm của ông trước hết là để hiểu tài năng, con người của ông, từ đó hiểu hiện trạng đất nước và tấm lòng kẻ sĩ Thăng Long trong một thời đoạn lịch sử mà dân tộc gặp rất nhiều khó khăn, đang trăn trở về kế sách, hành động giữ nước cũng như sự phát triển đất nước. Đó cũng chính là giá trị của những di sản tinh hoa dân tộc đang còn nằm im lìm trong

những cuốn sách cũ kỹ. Đông Khê thi tập, nơi gửi gắm tấm lòng thơ tha thiết và nồng hậu với cuộc đời. Chí Hiên thi tập, một cánh cửa riêng cho cái tôi nhà thơ. Có một số tác phẩm khá lớn ông không đưa vào tập Đông Khê được chép vào tập thơ này. Đọc những bài thơ xuất hiện trong tập này có thể thấy, tác giả có một chút “buông thả”, dù đề vịnh, ký tặng bạn bè hay tâm sự, bàn luận ông cũng nặng về tình cảm và có một số bài thơ viết về “người đẹp”. Đông Khê văn tập, kiến thức uyên thâm và cái nhìn sắc sảo, thâm trầm, bản lĩnh của Nguyễn Văn Lý đối với cuộc đời và một số vấn đề văn hóa dân tộc.

Những tác phẩm hiện còn của Nguyễn Văn Lý đã đạt được những thành tựu nhất định về mặt nội dung và nghệ thuật. Đặc biệt với Đông Khê thi tập độc giả sẽ cảm nhận được tấm lòng tha thiết và nồng hậu với cuộc đời của một con người bình dị, đời thường, với tài năng và tấm lòng kẻ sĩ đất Thăng Long nơi ông Nghè Đông Tác.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật trữ tình trong đông khê thi tập của chí đình nguyễn văn lý (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)