Tác phẩm Đông Khê thi tập

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật trữ tình trong đông khê thi tập của chí đình nguyễn văn lý (Trang 30 - 36)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2.3. Tác phẩm Đông Khê thi tập

Dựa trên những giới thuyết trong phần giới thiệu trong cuốn sách Tổng tập thơ văn Chí Đình Nguyễn Văn Lý, tập 1, PGS.TS Trần Thị Băng Thanh (chủ biên), khi khảo sát các văn bản cụ thể có thể thấy thơ của Nguyễn Văn Lý được sáng tác trong suốt hành trình cuộc đời và cũng đã được nhiều lần tập hợp, sắp xếp. Trong Tự truyện, Nguyễn Văn Lý nói ông có Đông Khê tiền hậu tập. “Hiện nay, theo các nhà biên soạn

Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu thì Đông Khê thi tập bản A.2439 mới là “bản cũ nhất”, nhưng A.1873 là bản đầy đủ hơn cả. Bản này có đủ 3 lời đề Tựa, 1 lời Bạt và 1 Lệ ngôn. Tựa của Đôn Phủ Lê Văn Đức viết năm 1841, Bạt của Hi Hiến Phan Tử Cử viết năm 1842, Tựa của Hiển Phủ Phan Trứ viết năm 1846 và Tựa của Thương Sơn Chủ nhân Bạch Hào Tử viết năm 1866. Lệ ngôn của Nguyễn Trọng Hợp nói rõ Đông Khê thi tập là một tuyển tập. Hiện bản A.1873 chia làm 2 tập. Tập tiền gồm 2 quyển, quyển 1 chép thơ làm từ năm Kỷ Sửu (1829) đến năm Canh Tý (1840), quyển 2 chép thơ làm từ năm Tân Sửu (1841) đến năm Bính Ngọ (1846); Tập hậu cũng gồm 2 quyển, quyển 1 chép thơ làm từ năm Bính Ngọ (1846) đến năm Bính Thìn (1856), quyển 2 chép thơ làm từ năm Bính Thìn (1856) đến năm Mậu Thìn (1868). Trong Lệ ngôn, Nguyễn Trọng Hợp cũng cho biết tác phẩm của thày còn tản mát nhiều, đợi sưu tập được sẽ đưa vào “bổ di”. Hiện A.1873 vẫn là văn bản chép tay, có thể là bản sao từ bản tuyển của Nguyễn Trọng Hợp. Bản này có số bài và nhiều câu sai dị so với bản được lưu giữ ở gia đình và cả A. 2439. Tất nhiên với những văn bản chép tay thì tình trạng “tam sao thất bản” là không tránh khỏi. Trong trường hợp

này từ bản lưu giữ ở gia đình đến bản A.1873 thì không biết đã mấy lần sao. Tuy nhiên có những sai dị không phải do “lỗi kỹ thuật” mà là một sự “hữu ý” [39].

Theo sự khẳng định của chính tác giả thì về thơ ông chỉ có Đông Khê thi tập, số lượng vào năm 1846, khi Phan Trứ viết lời Tựa là hơn 400 thiên. Tuy nhiên, tổng kết lại từ các văn bản thì con số lớn hơn nhiều. Cụ thể là: Bản A.1873, 4 quyển gồm 433 bài, theo con số Nguyễn Trọng Hợp công bố. Bản Đông Khê thi tập lưu giữ ở gia đình chỉ có 345 bài, thiếu hầu hết phần sáng tác hơn 20 năm cuối đời (gồm 105 bài chép ở Quyển 4 của Bàn A.1873 và một số bài ở các phần khác), đồng thời lại dôi ra khoảng gần 100 bài so với A.1873. Như vậy nếu cộng cả phần dôi ra của 2 bản, số bài thơ của Đông Khê thi tập có thể tới hơn 600 bài [39]. Nghiên cứu Nhân vật trữ tình trong Đông Khê thi tập của Chí Đình Nguyễn Văn Lý, chúng tôi căn cứ theo bản dịch, tổng hợp của PGS.TS Trần Thị Băng Thanh trong cuốn Tổng tập thơ văn Chí Đình Nguyễn Văn Lý (hai tập) của nhà xuất bản khoa học xã hội. Trong hai cuốn tổng tập này, Đông Khê thi tập gồm tất cả712 bài, chúng tôi tập trung nghiên cứu 429 bài thơ trong Đông Khê thi tập, theo cuốn tổng tập quyển một.

Đông Khê thi tập là nơi gửi gắm tấm lòng thơ tha thiết và nồng hậu với cuộc đời. Ngòi bút của Nguyễn Văn Lý trong Đông Khê thi tập đề cập đến rất nhiều cảm xúc, đa dạng về đề tài, nhân vật trữ tình vì thế hiện lên rất chân thực. Những vấn đề được ông đề cập rất nhiều và nổi bật trong số đó là cái nhìn về thời đại và tình cảm con người. Về cái nhìn thời đại của tác giả qua Đông Khê thi tập, có thể thấy bản thân ông là người từ nhỏ đã để chí vào việc học, hết lòng tuân thủ theo những nguyên tắc đạo đức của Nho gia, đối với Nguyễn Văn Lý nhà Lê đối với ông vẫn là một triều đại chính thống, có nhiều công lao. Vì thế ông đã dành những lời ca ngợi hết mực cho vua Lê Thái Tổ (Truy tư Lê Thái Tổ Hoàng đế công đức). Ông cũng dành sự ngưỡng vọng sâu xa cho vua Lê Thánh Tông, vị vua thủ thành - vua thánh - trong lòng những người theo nghiệp Nho (Phú Yên Hội đồng miếu phụng Lê Thánh Tông hoàng đế bái yết cung phú).

Vì thế một số sáng tác của ông trong tập Đông Khê cho thấy ông coi Tây Sơn là “giặc”, Nhà Lê vẫn được ông đề cao, tuy nhiên nhà Lê trong ông cũng đã trở thành lịch sử. Kính trọng, ngậm ngùi, có thể nuối tiếc trước sự suy tàn của một triều đại lớn có công với dân với nước nhưng cũng không thể cứu vãn. Đó cũng là tâm sự chung

của nhiều kẻ sĩ Thăng Long buổi đầu triều Nguyễn. Họ không “hoài Lê” theo quan niệm “trung quân” kiểu Nho gia, bởi thực ra, sự thâu tóm giang sơn về một mối cũng là việc tiếp nối thành công bước đi từ các triều đại trước và cũng là khát vọng của nhân dân. Công cuộc thống nhất đất nước đã đem lại cho giới Nho sĩ niềm tin về một xã hội thịnh trị. Đối với nhà Nguyễn, ở Nguyễn Văn Lý trước hết là một tinh thần chấp nhận, tôn sùng. Với niềm tin về triều đại mới, ông phấn chấn, phấn đấu trên con đường cử nghiệp. Những bài thơ trong Đông Khê thi tập đã phần nào cho thấy hình ảnh của một Nho sĩ nặng lòng với đất nước, tận trung với vua. Đây cũng là tình cảm đặc biệt, chiếm số lượng tác phẩm khá lớn trong tuyển tập, nhân vật trữ tình hiện lên với một lòng nồng nàn yêu nước.

Hơn thế, là một Nho sĩ nặng lòng với thế cuộc, có một tấm lòng đôn hậu, khi làm quan ông không thể thờ ơ trước cảnh người dân trong hạt mình khổ sở vì thiên tai hoặc là những tai nạn mà do việc mưu sinh không có điều kiện tự bảo vệ. Khi dân trong hạt bị bệnh tật, có kẻ khổ sở vì lưu vong, cư dân sống ở Bàn Thạch có người bị hổ vồ ông đều tức cảnh thành thơ.

Trong thơ ông, không ít những câu thơ chua xót hoặc thẳng thừng lên án chính sự hà khắc. Có những câu thơ đọc lên mà cảm giác hình dung được cái chau mày của tác giả. Quãng đường làm quan cho nhà Nguyễn, ông trải qua nhiều thăng trầm. Trong một thời gian dài ông không được giao một công việc gì phù hợp với tài năng và hoài bão của ông. Những bài thơ ông làm trong thời gian này nhiều bài cho biết điều đó. Quanh đi quẩn lại, dường như ông chỉ có việc đi trực trong Ban, trong Các (Thu trực bất mị, Cửu nhật trực hồi, Phú thị niên huynh Phạm Nghĩa Khê…), mà có vẻ ông rất nhàn - xem hoa, cảm nhận thời gian trôi đi và thù tiếp các bạn đồng liêu, tiến người sung một chức nào đó thuyên chuyển đi xa, tiễn người về hưu, tiễn người đi hiệu lực, tiễn người bị bãi chức cho về quê… Vui vẻ nhất trong những cuộc hội họp ấy là được bạn bè xướng họa, nối vần làm thơ. Ngoài ra là những lúc ông một mình đối diện với thời gian, với gió mưa bão lũ của thiên nhiên khắc nghiệt nơi ông sống, cảm giác cô đơn dễ thấy trong những bài thơ ông viết. Cuộc sống tẻ nhạt, nơm nớp lo âu và khí hậu khắc nghiệt đã khiến Nguyễn Văn Lý nhiều lần đối diện với sự hao mòn về thể lực. Chính vì thế khi được bổ làm Án sát Phú Yên, ông như đã lấy lại

được nhuệ khí và cũng đã có nhiều dự định, nhiều quyết tâm. Người và cảnh Phú Yên đã đem lại cho ông những sinh khí mới. Các bài Phú Yên phong thổ ca, Quá Hải Vân quan… đều thể hiện tinh thần nhập cuộc, tự tin, như một cảm giác được tự do. Những vần thơ làm trong thời gian này vì thế trở lại được phong cách mạnh mẽ, tươi tắn và giàu chất suy tư. Nhưng rồi ở Phú Yên chẳng bao lâu, Nguyễn Văn Lý lại vấp váp, quan Án sát mà đến nỗi phải bị “đối tụng”, cuối cùng là bật trở lại Bắc Thành với quyết án “miễn nhiệm”. Cho nên đối với Nguyễn Văn Lý, những năm làm quan là một chuỗi ngày không mấy vui vẻ và nhiều khi còn rất buồn. Vì vậy thơ của ông cũng thường biểu lộ một trạng thái tâm tư mơ hồ, vẩn vơ, lạnh lẽo, những đêm mất ngủ. Có những bài thơ tưởng rằng chỉ là những bài vịnh cảnh công thức, sáo mòn thì lại là cái bầu chứa đựng một sự suy tư về triết lí nhân sinh, về một cuộc sống không được tự mình làm chủ.

Bên cạnh đó, ngoài việc bày tỏ tấm lòng với dân với nước, trong Đông Khê thi tập có thể thấy Nguyễn Văn Lý tìm được ở thiên nhiên những bức tranh sơn thủy biếc xanh, tươi sáng cho thấy được sự đắm say với thiên nhiên của ông. Ông có thể thấy triền núi bao quanh hoa trên lầu, ánh màu biếc trải khắp thành (Nham đới lâu hoa thúy mãn thành), nơi đèo Tam Điệp hiện hữu màu xanh hàng ngàn dặm ngút ngàn khiến cho sắc cây không còn phân biệt được (Thiên lý bích mê phương thụ sắc); thác nước đổ xuống trắng xóa như nhà ai phơi vải, tiếng chim huyên náo trong rừng (Thùy gia bộc bố lâm huyên điểu). Dù là miêu tả thiên nhiên tươi tắn nhưng hình tượng, ngôn ngữ thơ của Nguyễn Văn Lý rất cứng cỏi, mạnh mẽ, trẻ trung tạo nên khí cốt của thơ. Không chỉ dừng lại ở việc miêu tả thiên nhiên đơn thuần, cảnh đẹp đất trời, đôi khi đằng sau bức “họa” thiên nhiên ấy là hình ảnh một người đứng ngắm đầy tâm tư. Tác giả hòa mình vào thiên nhiên để cảm nhận đất trời và dùng chính hình ảnh đó phác họa thế giới tâm hồn của mình. Vì vậy, những vần thơ viết về thiên nhiên trong Đông Khê thi tập không chỉ đẹp, giản dị mà còn rất sâu sắc. Song song với tình yêu thiên nhiên, Đông Khê thi tập còn cho độc giả thấy một Nguyễn Văn Lý rất nặng lòng với bạn bè. Ông nặng quan điểm Nho gia, đối với ông, cương thường là rất trọng, cho nên những mối quan hệ vua tôi, cha con, vợ chồng, bạn bè rất quan trọng trong đời sống kẻ sĩ. Nhưng điều đặc biệt là ở Nguyễn Văn Lý, bạn bè không chỉ

riêng là quan hệ xã hội, là đạo lý mà còn xuất phát từ tình cảm chân thành, từ tình thân và sự đồng chí hướng. Mảng nội dung viết về bạn bè chiếm một vị trí quan trọng trong thơ ông. Những bài viết mừng bạn đỗ đạt, tâm trạng đều hứng khởi, khẳng định niềm vinh hạnh của khoa danh, của tiền đồ rộng mở. Ông cũng thể hiện chí hướng của mình qua những bài thơ đề cao phẩm cách, tự răn không được trễ nải nghiệp thi thư. Cùng với đó, ông răn dạy những môn sinh của mình phải biết giữ khí tiết, vững vàng, phải có lòng tin vào đạo lý nhân nghĩa thánh hiền.

Thơ của Nguyễn Văn Lý ở tập Đông Khê phần nhiều là những bài thơ thể hiện chí khí cứng cỏi của bậc quân tử, cũng có khi thể hiện những nỗi buồn trước thời cuộc, niềm băn khoăn trăn trở về sự nghiệp chốn quan trường, và có lúc là tâm sự cá nhân với niềm yêu bạn, nhớ quê hương, gia đình… và có thể thấy dù đề cập đến nội dung gì đi nữa ông cũng đều thể hiện hồn thơ trung hậu của một con người cả đời tu dưỡng theo mẫu hình nhân cách đạo đức Nho gia - hồn thơ trang nhã, đậm tình. Cho nên từ vị chính khách Thượng thư Bộ Binh Lê Đôn, Bố Chánh sứ Bình Định Phan Trứ, Đốc học Bình Định Phan Cử đã dành cho ông những lời khen ngợi trân trọng: “Chí Đình cũng không ham thơ, nhưng kiến thức lỗi lạc không tầm thường. Trước những điều gặp gỡ xúc động, cảnh sắc sâu vắng lạ kỳ, không nỡ để núi sông phải tịch mịch; xem xét sử sách việc đời, không nỡ để sự tích mai một, những điều sở đắc đều ghi lại, bất giác thành thiên thành lập. Tựu trung là hoài cổ tụng kim mà ngôn ngữ phần nhiều đúng lý, nhớ xưa khuyên nay mà văn chương xuất ở tình” (Tựa của Phan Cử) [2, tr.55].

Như vậy, qua việc giới thuyết đôi nét về nội dung các tác phẩm thơ và đời sống tình cảm của nhân vật trữ tình, chúng ta có thể thấy Đông Khê thi tập đã khẳng định phần nào cái tài và cái tâm của tiến sĩ Chí Đình Nguyễn Văn Lý.

Tiểu kết chương 1

Trong chương một, chúng tôi đã tìm hiểu những vấn đề cơ sở về mặt lí thuyết có liên quan đến luận văn như: nhân vật trữ tình, thơ trữ tình trung đại, nhân vật trữ tình trong thơ trung đại. Nhân vật trữ tình được hiểu là hình ảnh của tác giả phản chiếu trong tác phẩm họ sáng tác. Cụ thể, khi tìm hiểu nhân vật trữ tình trong Đông Khê thi tập là chúng tôi tập trung tìm hiểu và làm sáng tỏ con người của vị tiến sĩ đất Hà thành - Nguyễn Văn Lý trong những thi phẩm của ông, để từ đó có những nhận xét xác thực nhất về thế giới nội tâm, những chiêm nghiệm, quan điểm của thi nhân về cuộc đời và con người.

Chúng tôi đã trình bày những nét khái quát nhất về tác giả làm cơ sở nghiên cứu nhân vật trữ tình ở những chương sau. Chí Đình Nguyễn Văn Lý là một nhà Nho khiêm nhường, bền bỉ khổ học. Ông là người biết mình, không thích thú, ham muốn danh vọng. Rõ ràng ở cả hai tư cách con người phận vị và con người cá nhân, Nguyễn Văn Lý thuộc kiểu nhà Nho chừng mực, đoan chính và cương trực, không bị cuộc đời làm gục ngã mà cũng không bị tha hóa bởi mũ áo quan trường. Về thơ văn của ông hầu hết là tiếng nói hồn hậu, chân thật. Điều này thể hiện ở việc những bài thơ của ông ấn tượng để lại rõ nhất không phải là cái gì mang sự dằn vặt hoặc sự suy nghiệm cao xa mà là những tình cảm tưởng chừng như nhỏ nhặt thôi, nhưng là những cái nhỏ nhặt cần thiết mà cuộc sống thường tình mỗi người đều có.

Chúng tôi tiến hành khái quát bối cảnh lịch sử triều Nguyễn để trên cơ sở đó soi chiếu nội dung tư tưởng mà tác giả truyền đạt qua tác phẩm của mình. Cùng với đó, chúng tôi quan tâm đến những trước tác, đặc biệt là Đông Khê thi tập để thấy được sự thống nhất trong hành trình sáng tác văn chương của ông. Đông Khê thi tập

không chỉ là biểu hiện sâu sắc hồn thơ rộng mở, thể hiện tấm lòng cao đẹp của nhà thơ mà nó còn là bài học lớn cho chúng ta trong cuộc sống với nhiều biến đổi ngày nay. Muốn nghiên cứu về tác giả Nguyễn Văn Lý thì không thể nào không tìm hiểu về tác phẩm này. Những giá trị nhân văn sâu sắc và nghệ thuật truyền tải đa dạng mà

Đông Khê thi tập đem lại sẽ luôn là nguồn cảm hứng, là đề tài hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu. Đặc biệt chúng tôi chú ý đến sự biểu hiện của nhân vật trữ tình

trong tác phẩm.

Đây là những cơ sở quan trọng để chúng tôi tiến hành nghiên cứu chương 2, chương 3 của luận văn.

Chương 2

ĐẶC ĐIỂM NHÂN VẬT TRỮ TÌNH TRONG

ĐÔNG KHÊ THI TẬP

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật trữ tình trong đông khê thi tập của chí đình nguyễn văn lý (Trang 30 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)