7. Cấu trúc của luận văn
2.2.4. Con người gần gũi với thiên nhiên
Thiên nhiên là nguồn cảm hứng bất tận của văn chương và còn là chuẩn mực của cái đẹp, là thước đo mọi giá trị của tạo vật. Trong văn học trung đại, hình tượng
thiên nhiên gắn với đạo đức, lí tưởng, thẩm mĩ của con người. Vì vậy dễ thấy, các tác phẩm trữ tình trung đại miêu tả người luôn lấy thiên nhiên là thước đo, là chuẩn mực, là một sự ngưỡng vọng toàn mĩ mà con người muốn chạm tới. Chẳng hạn khi xây dựng hình ảnh người quân tử, nhân cách của họ được ví như tùng, bách những loài cây cứng cỏi tượng trưng cho chí hướng thanh sạch của trang nam nhi, khi miêu tả vẻ đẹp của người giai nhân thì được gắn với hình liễu, mai – sự yếu đuối, mỏng manh. Chính vì vậy, thiên nhiên đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống con người. Thiên nhiên là biểu hiện cho quê hương, cho non sông. Nên yêu thiên nhiên cũng là biểu hiện của lòng yêu cuộc sống, yêu đất nước và là biểu hiện của một con người với tâm hồn rộng mở, giàu tình cảm. Các nhà thơ trữ tình trung đại miêu tả, cảm nhận cảnh sắc thiên nhiên, thông qua hình ảnh vũ trụ mây, trăng, núi non, cỏ cây hoa lá… cũng là để gửi gắm một phần nỗi niềm riêng của cá nhân. Khi là niềm vui thú khi được hòa mình cùng cảnh đẹp đất trời, khi lại gửi gắm những suy tư thầm kín về đời - về người của mình. Chính vì thế, con người đã gán cho thiên nhiên những phẩm chất, thuộc tính của chính mình. Và có thể nói, nếu chỉ đơn giản là miêu tả cảnh sắc thiên nhiên đơn thuần thì cảnh có thể được quan sát từ một góc độ nào đó, nhưng khi cảnh thật đã trở thành một hình tượng nghệ thuật hoàn chỉnh, là biểu tượng cho thế giới tâm hồn của tác giả - nhân vật trữu tình trong tác phẩm, thì nó đã là kết quả của một sự miêu tả được tham chiếu từ nhiều góc nhìn, vừa vật lý, vừa tâm lý, vừa văn học… Từ đây có thể rút ra được rằng hình tượng nhân vật trữ tình gắn bó mật thiết với thiên nhiên, chứa đựng sự giao cảm của nhân vật trữ tình với cuộc đời, qua đó phản ánh những tình cảm lớn lao thầm kín của con người.
Trong Đông Khê thi tập, có thể dễ dàng nhận thấy, đằng sau các cảnh sắc được ông miêu tả, đề cập, là bóng dáng của tác giả - người đứng ngắm nhìn cảnh vật, người mang nỗi suy tư. Có thể nói, bức tranh thiên nhiên trong thơ ông rất đa dạng và phong phú. Ông luôn dành cho thiên nhiên một sự ưu ái đặc biệt và một vị trí trang trọng trong thơ ca của mình. Thiên nhiên trong thơ ông luôn là biểu tượng của cái đẹp, của sự thanh cao đồng thời còn là người bạn tâm tình chia sẻ buồn vui thế sự cũng như những nỗi niềm ưu tư cá nhân. Thiên nhiên trong Đông Khê thi tập không chỉ được miêu tả bằng những công thức ước lệ tượng trưng quen thuộc của thơ cổ mà còn hiện lên tươi tắn, đầy màu sắc với những hình ảnh sinh động, gần gũi với con người.
Chính vì vậy độc giả có thể cảm nhận thiên nhiên trong thơ ông không chỉ là những bức tranh cảnh vật hiện thực mà nó còn là bức tranh tâm cảnh. Hình ảnh thiên nhiên luôn chất chứa tâm sự, nỗi lòng, tâm trạng của tác giả trong đó.
Trên tổng số 429 bài thơ được khảo sát trong Đông Khê thi tập, có 65 bài thơ tác giả bày tỏ tình yêu của mình với thiên nhiên. Con số thông kê này mang tính chất tương đối. Những bài thơ với nội dung chính là viết cho bạn bè, bày tỏ tấm lòng với quê hương... có xen hình ảnh thiên nhiên chúng tôi không đề cập. Chỉ những bài có thiên nhiên là đối tượng miêu tả chính và thông qua hình ảnh thiên nhiên cụ thể ấy chúng tôi thấy được hình ảnh của nhân vật trữu tình hiện hữu mới nằm trong con số được thống kê.
Cảnh sắc thiên nhiên hiện lên trong Đông Khê thi tập đầy thi vị và màu sắc. Thiên nhiên được ông cảm nhận như một cảnh đẹp của tạo hóa, thể hiện lòng yêu thiên nhiên, sự giao hòa với cuộc đời của ông. Đó là những cảnh đẹp của đất nước, những nơi ông đi qua, đều được ghi dấu ấn vào trong thơ. Thiên nhiên trong thơ ông cũng bình dị gần gũi như chính con người ông vậy. Như trong bài thơ: Đề Ngọc Sơn tự (Đề chùa Ngọc Sơn), ông đã cho thấy vẻ đẹp thơ mộng mà thiêng liêng nơi hồ gươm:
Kính mãn hồ quang ngọc tủng san, Y hi thủy nhiễu cánh hoa hoàn Điếu đài duy kiến phi vân bạch, Kiến khí không kinh xạ đầu hàn.
(Tấm gương hồ chan hòa ánh sáng, núi Ngọc cao trội lên, Dập dờn nước uốn quanh, lại thêm hoa tươi bao bọc. Nơi đài câu xưa, chỉ thấy mây trắng bay,
Khí kiếm thiêng bốc lên làm lạnh cả sao Đẩu).
Cảnh nước trời hồ Gươm hài hòa cùng núi Ngọc nơi đền Ngọc Sơn đã tạo nên dấu ấn đặc trưng cho cảnh sắc Hà Nội. Độc giả như thấy hiện ra trước mắt mình hình ảnh núi Ngọc soi mình dưới mặt hồ nước xanh trong gợn sóng trong làn gió nhẹ, được bao bọc bởi hoa thơm bốn mùa. Cùng với đó chúng ta còn thấy được cảnh thực tại tác giả ngắm nhìn mang chiều dài lịch sử của nơi gắn bó với chiến công oai hùng vang động trời đất của cha ông. Thấy được hình ảnh của vị chủ tướng Lê Lợi cùng
khí thế chiến đấu chống quân xâm lược của quân và dân ta, để đến lúc sau khi cả dân tộc cùng hòa lên bản tuyên ngôn dân tộc qua ngòi bút của Nguyễn Trãi với Bình Ngô đại cáo thì cảnh sắc nơi đền Ngọc thêm thiêng liêng và tươi đẹp vô cùng.
Hay như trong bài thơ Quan Yên Thanh Điển Triệt hồ (Ngắm hồ Điển Triệt ở Yên Thanh), tác giả đã cho thấy một bức thủy mặc như trong cõi mộng:
Trường lưu thiên địa tú, Bất dĩ cổ kim thù.
Nhất thủy huyền minh kính, Quần sơn tự họa đồ
(Lưu mãi cảnh đẹp trong trời đất Không vì xưa hay nay mà đổi khác Một hồ nước như treo chiếc gương sáng Các núi non như trong bức tranh).
Bức tranh thiên nhiên được tác giả hòa phối đường nét, màu sắc một cách hài hòa, gợi sự liên tưởng từ đó thổi hồn cho bức họa bằng thơ. Cảnh sắc vừa chân thực lại mang nét đẹp nghệ thuật ý nhị. Phải yêu thiên nhiên, thả hồn mình vào cảnh vật, tác giả mới có thể dựng lại khung cảnh đất trời tươi đẹp như vậy.
Bài thơ Lô giang chu hành ngẫu đắc (Đi thuyền trên sông Lô, tình cờ làm được bài thơ), ông viết:
Vân Nam phân phái nhập ngô Nam, Tổng dữ Thao Đà hợp nhất đoan. Thủy tự bích lam hòa thảo sắc, Sơn đà đầu giác chướng bôn thoan.
(Phân nhánh từ tỉnh phía Nam rồi chảy vào nước ta, Rồi cùng sông Thao, sông Đà hợp cùng một mối. Nước tự có sắc biếc màu chàm, hòa sắc cỏ,
Núi nhô đầu sừng, ngăn trở làm dòng nước chảy xiết).
Hay như trong bài thơ Đăng Dục Thúy sơn (Qua núi Dục Thúy) là bài thơ miêu tả núi Dục Thúy với những nét đẹp mang tính hiện thực trong sự hoài niệm của tác giả:
Nam lưu tam chiết hợp, Đông diện nhất phong hoành. Từ sĩ miêu chung tú,
Thần chương tưởng Hộ Thành.
(Ba dòng sông hợp lại chảy về phía Nam, Phía Đông, một ngọn núi chắn ngang.
Người làm từ miêu tả vẻ đẹp được chung đúc, Văn chương của nhà vua thưởng cho tên Hộ Thành).
Núi Dục Thúy ở phía đông tỉnh Ninh Bình, thành dựa vào núi mà xây nên. Sắc núi xanh biếc nhìn xuống sông trông rất đẹp, ai cũng ưa. Gián nghị đại phu thời Trần là Trương Hán Siêu Thăng Phủ quê hương ở đây. Lúc đầu đặt tên là Dục Thúy, một tên nữa là Non Nước. Các vua triều Lê nhiều lần ngự giá đến đây ngâm thơ thưởng ngoạn, có bia viết là Thiên Nam Động Chủ đề. Tao nhân mặc khách có nhiều người đề thơ. Năm đầu niên hiệu Thiệu Trị, vua đi tuần phía bắc, đổi tên là núi Hộ Thành. Thơ của nhà vua được khắc trên đá. Núi Dục Thúy tràn ngập màu xanh biếc của núi non, cây cỏ. Các đỉnh núi cao ngút trời, trùng điệp như liền với mây, đây là đặc trưng riêng của núi Dục Thúy bởi được sinh ra ở nơi độc đáo này.
Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Văn Lý mang tính hiện thực sâu sắc. Tâm hồn ông hòa quyện với từng cảnh vật, rung động trước từng ngọn cỏ, nhành hoa, từng dòng sông, ngọn núi... Chính những cảnh đẹp này đã tác động vào tâm hồn ông, tức cảnh sinh tình ông đã ghi lại những gì mình cho là đẹp, là hay. Một điều đặc biệt phải kể đến đó là Nguyễn Văn Lý không miêu tả thiên nhiên một cách chung chung mà ở từng địa danh cụ thể có thực trên đất nước ta. Điều này càng thể hiện rõ rằng thiên nhiên trong thơ ông chân thực và hết sức sinh động.
Như đã đề cập trước đó, nhà thơ sống trong thời kỳ xã hội đầy rối ren, và bối cảnh lịch sử ấy đã ảnh hưởng đến con người ông và các sáng tác của ông rất sâu sắc. Vì thế trong thơ ông thường thể hiện nỗi buồn của một con người ưu thời mẫn thế. Những bài thơ tả cảnh sắc thiên nhiên cũng được ông gửi gắm tâm sự ấy. Thiên nhiên được ông cảm nhận từ việc vãn cảnh khi chèo thuyền được ông ghi lại rất nhiều trong thơ. Ví dụ như những bài thơ: Đại Lộ quy hàng (Thuyền về trên sông Đại Lộ), Phú
Lương giang (Sông Phú Lương), Chu hành để hải khẩu đình nghiêu (Đi thuyền đến cửa biển, dừng chèo), Phỏng Ngũ Hành Sơn bút thị đồng chu (Thăm Ngũ Hành Sơn, cầm bút viết đưa cho mọi người trong thuyền), Quy hậu dĩ vi tư du nan tái, phú ký chi
(Sau khi về, cho rằng cuộc du ngoạn này khó có được lần nữa, làm thơ chép ghi lại),.... Từ sự quan sát thiên nhiên, ông phủ lên nó một màu sắc của tâm tình. Ngắm cảnh trên thuyền, trong bài thơ Thanh Giang (Sông Thanh Giang) tác giả viết:
Linh Giang nhất trạo độ xuân phong, Mãn nhãn quan hà khách lộ trung.
(Một mái chèo lướt trong gió xuân trên dòng sông linh, Trên con đường xa ngái non sông trải đầy nước mắt).
Câu thơ cho thấy sự đơn độc của Nguyễn Văn Lý trên con đường công danh. Hình ảnh non sông xuất hiện ở đây không còn là màu xanh bao la nữa, thay vào đó là sự xa ngái. Hành trình trên con đường ấy tác giả chỉ có mỗi một mình mà thôi. Con đường trải đầy nước mắt vì nó chứa đựng bao đắng cay vất vả. Nguyên nhân cho sự gian nan là do thời thế, xã hội rối ren mà ông đang sống.
Có khi thiên nhiên đồng hành cùng con người, chứng kiến buổi chia li bằng hữu, như bài Chu hành phỏng Vũ Đông Dương, tị hoàn, Đông Dương thuyền tống chí tận sơn, lưu tặng (Đi thuyền đến thăm Vũ Đông Dương đi thuyền tiễn đến tận núi, làm thơ lưu tặng):
Nhất trạo hàn giang tân vũ lạo Ngũ canh hiểu nguyệt đảo viên lâm. Thăng đường cánh tác minh triêu bái, Vọng quân gia tại bạch vân thâm
(Một mái chèo trên sông lạnh trong cơn mưa lụt mới, Năm canh, trăng sớm soi đến nơi vườn rừng
Lên nhà, sớm mai phải bái biệt Trông nhà bác ở dưới lớp mây dày).
Từ đó có thể thấy, thiên nhiên trong thơ Nguyễn Văn Lý không chỉ mang tính truyền thống, tính hiện thực mà nó còn là bức tranh tâm cảnh. Hình ảnh thiên nhiên luôn chất chứa tâm sự, nỗi lòng, tâm trạng của tác giả trong đó.
Qua bức tranh thiên nhiên của mình, Nguyễn Văn Lý còn bộc lộ nỗi nhớ quê hương da diết:
Thiên lý bích mê phương thụ sắc, Cố sơn xuân tại bạch vân biên.
(Tam Điệp sơn)
(Ngàn dặm màu xanh biếc che mờ sắc cỏ cây tốt tươi, Bên làn mây trắng, sắc xuân vẫn còn nơi núi xưa.)
(Đèo Tam Điệp)
Cố sơn là chỉ cố hương, mây trắng là để nói về quê nhà. Tác giả đang đi xa mà lại nói về quê nhà, việc xuất hiện những hình ảnh này trong thơ thể hiện ông đang nhớ quê da diết.
Nỗi nhớ cũng có khi là cái ngoảnh đầu nhìn về phía xa:
Hồi thủ bạch vân thiên lý viễn, Hồng nê đáo xứ chính tinh hồi.
(Xuân nhật đăng Phú Yên Xuân Đài sơn)
(Ngoảnh đầu nhìn mây trắng phía xa muôn dặm,
Nơi chim hồng để lại dấu vết đến nay đã được một năm.)
(Ngày xuân lên núi Nhật Đài ở Phú Yên)
Tác giả ngoảnh lại nhìn mây trắng ở phía xa muôn dặm, ngăn cách qua bao núi non hiểm trở. Mây trắng lại bay lên từ phía quê nhà, tác giả lấy ý từ câu thơ cổ Bạch vân sinh cố hương - Mây trắng bay lên từ nôi quê hương. Điều này giúp ta cảm nhận được tác giả đang nhớ quê hương mình.
Nhưng cũng có khi tác giả cảm thấy thảnh thơi, thư thái, ung dung tự tại:
Khách tứ chính quan thiên địa hóa, Thế đồ mạc số hiểm di sa.
Nhất tôn tiểu trước thôn đình lý, Kỷ điểm khinh âu dục vãn hà.
(Khiêu thạch)
(Ý tứ của khách đang ngắm xem cái thay đổi của trời đất,
Đường đời, chớ tính đếm chuyện nhiều bằng phẳng hay gập ghềnh. Một bình rượu nhỏ trong ngôi đình thôn dã,
Mấy chú chim âu bềnh bồng tắm trong ráng chiều tà.)
Trước cảnh đẹp nên thơ của trời đất tác giả càng thêm thư thái trong tâm hồn. Ông chiêm nghiệm ra rằng đường đời, chớ tính đếm chuyện nhiều bằng phẳng hay gập ghềnh. Chiều tà, mấy cánh chim hải âu bồng bềnh tắm gợi nên không khí rất hiền hòa, êm đềm. Lúc này tác giả ngồi trong ngôi đình thôn dã ngắm cảnh chiều buông yên bình, nhẹ nhàng.
Nguyễn Văn Lý cũng là một con người tràn đầy ý chí và nghị lực. Điều đó được thể hiện qua hình ảnh:
Lưu thủy du du khứ bất dĩ,
Giang sơn chung cổ đãi anh hùng
(Thanh Giang)
(Dòng nước lãng đãng trôi đi không nghỉ, Núi sông muôn thuở vẫn dành đợi anh hùng.)
(Sông Thanh Giang)
Hình ảnh nước trong tượng trưng cho phẩm cách trong sạch cùng ý chí của người anh hùng. Nước sẽ trôi đi không nghỉ cũng giống như người anh hùng dù gặp hoàn cảnh nào cũng sẽ vững vàng vươn lên, khẳng định bản thân mình.
Như vậy, trong Đông khê thi tập có thể thấy hình ảnh của một con người yêu thiên nhiên, hòa mình vào cảnh đẹp trời đất để thấy được sự rạng rỡ của non sông đồng thời thổi hồn vào bức tranh ấy bằng bức tâm đồ của bản thân làm cho thiên nhiên thêm gần gũi và lắng đọng.
Tiểu kết chương 2
Trong chương hai này chúng tôi tiến hành tìm hiểu, khám phá và làm rõ hình tượng nhân vật trữ tình - tác giả qua những sáng tác của ông trong Đông Khê thi tập.
Có thể thấy rằng Nguyễn Văn Lý là một con người hồn hậu, giàu cảm xúc. Trong bất kì mối quan hệ nào cũng có thể cảm nhận được một tâm hồn dạt dào yêu thương, sống trọn với đạo lí. Trên cương vị là một nhà Nho chân chính, một vị quan gánh vác việc triều chính, ông tỏ ra là một người hết lòng vì nghiệp lớn, yêu nước thương dân. Cả đời ông là sự phấn đấu không mệt mỏi, vượt qua những khó khăn chốn quan trường để đền ơn vua và mang lại cuộc sống thái bình lâu dài cho nhân dân. Cùng với đó còn là hình ảnh một con người sống tròn đạo hiếu. Ông luôn tự hào và biết ơn đến bậc tiên tổ đã gây dựng truyền thống văn hóa và đời nào cũng có người làm rạng danh dòng tộc. Ông dành sự tốn kính cho tổ tiên và hết sức ca ngợi tài đức của họ. Bên cạnh đó ông mang trong mình tình cảm thiết tha với cha mẹ - người sinh thành ra
ông. Ông luôn canh cánh một điều là khi cha mẹ còn sống chưa phụng dưỡng được chu toàn, chưa để cho cha mẹ được hưởng phúc lành. Lúc thành danh thì cha mẹ không còn nữa nên trong những giây phút nhớ quê nhà khi xa quê hình ảnh cha mẹ