Con người nặng lòng gắn bó và yêu thương những người thân trong gia đình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật trữ tình trong đông khê thi tập của chí đình nguyễn văn lý (Trang 48 - 54)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.2. Con người nặng lòng gắn bó và yêu thương những người thân trong gia đình

Tình cảm gia đình luôn là nguồn cảm hứng bất tận hiện hữu trong thi ca văn học Việt Nam. Mỗi nhà thơ, nhà văn bằng sự khám phá và thể hiện của mình đã đem đến cho văn học những tác phẩm giàu giá trị nhân bản, nhân văn sâu sắc, có ý nghĩa giáo dục và đánh thức tình cảm tốt đẹp của con người về tình cảm gia đình. Vẻ đẹp của tình cảm gia đình trong các tác phẩm như những nét vẽ góp phần hoàn thiện bức chân dung gia đình của mỗi con người. Tình cảm ấy lại được hòa quyện thống nhất, gắn bó chặt chẽ với tình yêu quê hương đất nước. Đây cũng là một mạch nguồn tình cảm được lưu chuyển qua dòng chảy truyền thống của thơ văn dân tộc nhưng luôn có những khám phá, phát hiện và cách thể hiện theo những nét riêng - một đặc trưng quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật.

Đối với Nguyễn Văn Lý, thì gia đình có vị trí đặc biệt to lớn. Bên cạnh lòng yêu nước của một bậc chính nhân quân tử còn là một Nguyễn Văn Lý giàu tình yêu thương với những người thân yêu trong gia đình. Vào năm 1817 thân mẫu của Nguyễn Văn Lý bị bệnh nặng. Ông cùng em trai là Phương Khê phải ở nhà trông nom thuốc thang. Để có thể túc trực bên cạnh mẹ để chăm sóc, thuốc thang, đêm đêm hai anh em kê chiếc giường nhỏ bên cạnh để nghe ngóng bệnh tình của mẹ. Dù đã tận tâm, chăm lo hết mực, nhưng duy trì được một thời gian, tháng hai năm sau thì bà

mất. Liền với đó, được vài tháng sau khi tang ma mẹ xong cha ông cũng bệnh rồi tháng sáu thì qua đời. Tháng mười một việc tang xong, hai anh em hàng ngày đến khóc ở phần mộ. Vậy là trong vòng một năm mà ông phải chịu hai nỗi đau lớn của cuộc đời. Trải qua hai biến cố ấy, gia sản tổ tiên để lại có bốn mẫu ruộng bạc điền đã bán hết để lo việc. Thời gian này vô cùng khó khăn đối với ông, việc học hành đành dừng lại, việc thi cử chậm trễ. Ông vượt qua bằng cách mở lớp dạy trẻ vừa là trau dồi đèn sách vừa giúp ông khuây khỏa, làm kế sinh nhai. Năm 28 tuổi, ông cưới vợ, là con gái thứ hai của Tri phủ họ Nguyễn, người Kim Lũ. Theo gia phả, Nguyễn Văn Lý có một vợ cả, một vợ hai, hai vợ thứ, con trai con gái tổng cộng là 12 người. Tình cảm ông dành cho những người thân yêu trong gia đình phản ánh qua Đông Khê thi tập là tình cảm giản dị mà thiêng liêng từ một con người nồng hậu.

Tình cảm ông dành cho gia đình trước hết là sự tự hào về truyền thống thi thư hiển hách của dòng họ cùng với lòng kính trọng, nhớ ơn tổ tiên. Điều này được thể hiện qua bài Yết ngoại tam thế tổ Thư Hiên Nguyễn công từ đường (Yết từ đường cụ tổ ba đời bên ngoại là Nguyễn Thư Hiên):

Phúc Khê thâm viễn xuất tài hoa, Bách tải do kim thuyết đại gia. Đài sảnh anh phong tiêu giáp đệ, Văn chương kỳ khí phú tinh sà.

(Ở xã Phúc Khê xa xôi đã sinh ra một bậc tài hoa, Hàng trăm năm nay vẫn được coi là một gia tộc lớn. Nơi đài sảnh, phong thái anh hoa nêu cao trên bảng giáp, Văn chương khí cốt kỳ vĩ thể hiện ở tập thơ đi sứ).

Hay như trong bài Truy tư tằng tổ Tào Quận Công đức nghiệp kính thuật

(Tưởng nhớ tằng tổ Tào Quận Công, kính thuật đức nghiệp):

Bách thế nhi kim chiêm tác thuật, Phồn xương nhất mạch dụ kim hưu.

(Hàng trăm năm đến nay còn chiêm ngưỡng công nghiệp của ông, Một mạch đất phồn thịnh để phúc lành dồi dào cho con cháu đến nay).

Trong một bài thơ khác Cửu thế tổ Yên Lập huyện thừa Mẫn Đạt công phần địa (Đất mộ cụ tổ đời thứ chín là tri huyện Yên Lập Mẫn Đạt công) tác giả bày tỏ tầm lòng của mình cùng việc ca ngợi công đức của cha ông:

Thịnh đức quả năng thiên địa giám, Dư khương cánh khán tử tôn di.

(Đức lớn của cụ, quả có trời đất soi xét, Phúc để lại thì có thể xem thấy ở con cháu).

Và bài thơ Bài thơ Dinh Cầu dạ túc (Đêm nghỉ lại ở Dinh Cầu):

Tiền triều thử địa phiên viên tráng, Ngô tổ đương niên tiết việt đề.

(Triều trước, nơi đây từng là nơi tường thành phên giậu chắc chắn, Cụ nội ta thời ấy cũng làm quan trấn nơi đây).

Dinh Cầu: thời Lê là dinh trấn của thành phủ Hà Hoa, nay thuộc xã Hà Trung, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Theo Gia phả, Tào Quận công là Nguyễn Hữu Dụng, con trai trưởng Nguyễn Hy Quang, sinh năm Tân Sửu (1661); năm Vĩnh Thịnh thứ 10, Giáp Ngọ (1714) thăng Tham đốc phụng quan Hậu uy cơ, được phái đến đồn trú tại Nghệ An, sau được ban tước Tào Quận công. Cụ mất năm Kỷ Dậu, niên hiệu Vĩnh Khánh (1729). Con trưởng của cụ là Nguyễn Hữu Đoàn (1717 - 1786), con thứ Nguyễn Hữu Đoàn là Nguyễn Hữu Vọng (Thị độc công, thân phụ của Nguyễn Văn Lý).

Nguyễn Văn Lý một lòng ca ngợi tổ tiên. Ông lấy đó làm tự hào và cũng xem đó là cái gốc, là nguồn động lực để ông theo đó mà gắng sức nối nghiệp cha ông, làm lên sự vẻ vang cho dòng họ. Bên cạnh đó còn là những bài thơ ông bày tỏ tình cảm với cha mẹ, anh em thân quyến, con cái, những người thân yêu trong gia đình.

Bên cạnh đó là tình cảm thương yêu ông gửi đến những người thân trong gia đình. Trước hết là nỗi nhớ, sự biết ơn cha mẹ. Bài thơ Tặng hiếu môn Nguyễn Tử Thiệu tính dẫn (Tặng người con hiếu là Nguyễn Tử Thiệu và lời dẫn), có đoạn:

Cù lao dục báo nại vô nha, Nhân đạo man man tự cổ xa. Hiếu tắc năng hành quan thảo dã, Thánh ân vi giáo vấn nhân gia.

(Mẹ cha công đức thật vô bờ, Cái đạo làm người tự cổ sơ. Đức hiếu hãy xem nơi thảo dã, Ơn vua giáo hóa hỏi muôn nhà).

Suốt cuộc đời mình, khoảng thời gian xa quê hương là lúc tình cảm gia đình trỗi dậy mạnh mẽ nhất trong lòng ông. Đặc biệt là hình ảnh của cha mẹ. Tác giả bày tỏ nỗi nhớ thương, kính hiếu với cha mẹ một phần thông qua việc làm tròn trách nhiệm với non sông, gây dựng tiếng thơm cho dòng tộc. Đó là một cách Nguyễn Văn Lý hiện thực hóa đạo hiếu với bậc phụ mẫu. Tình cảm với cha mẹ luôn là thứ tình cảm thiêng liêng, và cho đến khi tóc đã pha sương thì tình cảm ấy vẫn là tình cảm của “đứa con thơ” với “cha mẹ già”. Tình cảm ấy được thể hiện sâu sắc qua bài thơ Kinh trung phùng tiên khảo húy nhật cảm tác (Trong kinh, gặp ngày giỗ cha, cảm tác). Từng câu thơ là hiện hữu của lòng hiếu đạo:

Bạch vân chung cổ miện trung tần Nhất khứ âm dung nhị thập xuân. Cảm cực bách niên phùng thử nhật, Bệnh lai thiên lí đãn ngô thân.

(Nhà cha mẹ dưới mây trắng, muôn đời vẫn là nơi đau đáu dõi trông, Tiếng nói, dung nhan cha cách xa, đến nay tính đã hai mươi năm. Trong đời, mỗi khi gặp ngày này, mối thương cảm dâng trào cùng cực, Nơi ngàn dặm, phải khi yếu đau, chỉ một thân ta).

Bài thơ Quan sưu sử vãng nam Định, thư ký xá huynh Cúc Hiên cư sĩ, xá đệ Phương Khê tú tài (Thuyền quan qua tỉnh Nam Định, viết gửi anh ruột là cư sĩ Cúc Hiên và em là tú tài Phương Khê) tác giả viết lên bày tỏ nỗi nhớ nhung của mình khi xa quê hương tới những người thân. Khi con người xa quê hương, ai rồi cũng có lúc nhớ quê, nhớ nhà đến cháy bỏng. Những kỉ niệm gắn bó yêu thương hiện hữu trong những lúc xa quê sẽ khiến con người yếu lòng hơn, thấy cô đơn đặc biệt khi tuổi mỗi ngày một lớn:

Quan san lộ quýnh kiêm niên tuế, Hồng nhạn xuân quy ức đệ huynh. Phù thế sạ kinh sương mấn cải, Tha hương tần hễ bạch vân sinh.

(Quan san đường xa cùng năm tháng, Hồng nhạn xuân về nhớ anh em.

Đời nổi nênh, chợt giật mình vì tóc đã bạc

Nơi tha hương nhiều lần nhìn mây trắng bay lên).

Đó còn là tình cảm chân thành, quan tâm đến cuộc sống của những người trong gia đình. Không chỉ động viên thăm hỏi, ông còn chỉ rõ trách nhiệm cũng như cách sống phải đạo cho anh em, con cháu. Trong bài thơ Tộc tử Tỉnh Hiên tân trúng tú tài quy dữ kỳ đệ cư, thư dữ chi (Con em trong họ là Tỉnh Hiên mới đỗ tú tài, về ở cùng người em trai, làm thơ tặng) ông viết:

Thần mưu hoặc bất sai Thanh vân ưng lực trí, Hoài bão khán trùng lai.

(Thần đã toan tính thì chẳng phải hiềm ngờ. Con đường mây xanh, cần phải dốc sức, Rồi sẽ thấy điều ước nguyện sẽ trở lại).

Và còn là tình thương, sự tiếc nuối trước mất mát của sự chia li. Bài thơ Tại kinh ngụ, vãn tòng huynh cai đội Trì tài hầu trận vong, cảm tác (Ngụ ở kinh đô, nghe tin anh họ là cai đội Trì tài hầu tử trận, cảm tác):

Đại công huynh tối trường, Bạch phát mẫu nhưng tồn. Nhất tử phi thương dũng, Vi thần diệc báo ân.

(Công lớn anh nhiều nhất, Mẹ già tóc bạc đang còn.

Anh chết không tổn thương đến điều dũng, Bề tôi chức nhỏ cũng nghĩ chuyện đền ơn).

Bấy giờ Bắc Ninh bọn giặc nổi dậy bốn bề, tên Mật là kiệt hiệt nhất, thường ngày hoạt động ở núi Đông Cứu, Thuận An. Có lệnh cho Bắc Ninh cùng Hải Dương phối hợp tiêu trừ, nhưng các nơi chỉ hư trương thanh thế, quan phủ Thuận An thì khiếp sợ không dám tiến. Anh là quân của phủ theo đi đánh, cưỡi ngựa mang đơn đao tiến lên trước, bảo với quân lính: “Kẻ nào chạy thì chém”. Phục binh của giặc nổi dậy, anh không có quân tiếp viện, cùng ba người lính bị tử trận. Quan tỉnh Bắc Ninh

tâu lên, không tường trình cẩn thận nên chỉ chiếu lệ ban tuất, vì thế mai một đến nay. Nguyễn văn Lý đã dùng ngòi bút của mình ghi lại công lao của anh và bày tỏ sự khâm phục cùng sự đau đớn tột cùng trước sự ra đi của anh.

Bên cạnh tình cảm hiếu lễ còn là tình cảm khắc cốt của tình anh em nơi tác giả. Ông vui niềm vui với người thân và cũng đau lòng hơn ai hết trước những tin buồn của gia đình. Trong bài Khốc tứ đệ Phương Khê tú tài (Khóc em trai thứ tư là tú tài Phương Khê). Còn nỗi đau nào hơn khi nghe tin người thân yêu của mình không còn nữa, sẽ không còn được trông thấy dáng nhau hay cùng hòa chung chém rượu trong những cuộc vui. Anh em xa cách tưởng có ngày toàn tụ, nào ngờ anh lại là người tiễn em ra đi trước:

Tâm huyết chung thiên lệ ám thùy. Tái thế nhược giao huynh đệ hợp, Bất ưng tử biệt dữ sinh li.

(Vì tâm huyết nên suốt đời âm thầm nhỏ lệ. Kiếp sau nếu được làm anh em,

Thì sẽ không còn cảnh tử biệt với sinh li nữa).

Tình thân máu mủ ruột già là sợi dây kết nối con người. Sự chia li của kiếp này cũng không làm “đứt” niềm hi vọng nhân duyên của kiếp sau nơi ông.

Từ những vần thơ viết về gia đình, có thể thấy Nguyễn Văn Lý là người rất giàu tình cảm và không hề giấu giếm những phút giây “yếu lòng” của mình. Chính thế chúng ta lại thấy ông là người “mạnh mẽ” hơn ai hết. Và con người đời thực ấy phản ánh đậm nét qua những vần thơ trong Đông Khê thi tập. Những vần thơ ông viết để trải lòng mình trong tình cảm với con mới thấy được tình cha nơi ông thật dạt dào và cao cả. Bài thơ Thu tống nữ tử hoàn gia ngẫu thành (Ngày thu tiễn con gái về quê, bất chợt thành thơ), ghi lại cảm xúc khi ông chia tay con gái của mình. Đó là niềm xúc động dâng trào không kìm nén được trong giây phút chia li. Nước mắt người cha đã rơi khi nghĩ đến quãng thời gian nhớ, cô đơn khi vắng bóng con:

Tương tư tại tương li. Nhĩ quy thành đắc sở, Ngô tại tương hà vi?

(Nhớ nhau trong hoàn cảnh cách xa nhau Con về thật thích hợp cho con

Nhưng cha ở lại biết làm thế nào cho khuây khỏa đây?).

Hay còn là niềm xúc động khi ông được gặp con trai của mình trong bài thơ

Kiến tử (Gặp con trai):

Hậu nghênh sơ kiến tử Trưởng đại vị tri thùy Ám lệ thương li biệt

(Mới gặp khi con ra chờ đón, Cao lớn không biết là ai!

Thầm rơi lệ, cảm thương vì xa cách (quá lâu)).

Nỗi buồn bởi sự chia xa hay là niềm vui khi gặp lại người thân cũng khiến ông - con người giàu tình cảm rơi giọt lệ. Giọt lệ ấy cho độc giả hình dung ra bóng dáng một con người đôn hậu, một người cha hết mực thương yêu con và một người nặng lòng với gia đình.

Có thể nói Đông Khê thi tập chứa đựng một bản hòa ca về tình cảm gắn bó gia đình của tác giả. Tình cảm ấy sưởi ấm tâm hồn ông những ngày xa quê sống trong nỗi nhớ, niềm cô đơn. Tình cảm ấy được cụ thể hóa qua niềm tự hào với truyền thống từ bao đời của dòng họ, là sự hạnh phúc khi được thừa hưởng những ân đức của bề trên và sự hiếu kính, nhớ ơn của ông với họ. Đó còn là tình cảm thiêng liêng khi nghĩ về cha mẹ, về anh em, về con cái, về những người thân yêu họ hàng. Tình cảm gia đình được ông trải đều cho tất cả; vui nỗi vui chung và buồn nhớ với tâm tư riêng. Tất cả cho người đọc thấy được sự quan tâm, tình cảm nồng ấm của ông trong mối quan hệ gia đình bên cạnh một vị quan thanh liêm, mẫu mực.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật trữ tình trong đông khê thi tập của chí đình nguyễn văn lý (Trang 48 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)