7. Cấu trúc của luận văn
2.2.3. Con người luôn mở lòng với bạn bè, bậc hiền nhân
Trong Đông Khê thi tập chúng ta rất dễ nhận thấy nhân vật trữ tình là một người luôn luôn mở lòng với bạn bè và dành lòng tôn kính hết mực khi nhắc nhớ đến những người thầy đã từng dìu dắt mình. Minh chứng đó là phần lớn trong sáng tác của tác giả là những bài thơ viết cho bạn bè. Trong bất cứ hoàn cảnh nào khi nghĩ đến bạn ông cũng có thể xếp vần thành thơ. Khảo sát 429 bài thơ trong Đông Khê thi tập
(49%). Xuất phát từ tâm hồn quý thầy mến bạn mà ông cùng với những người bạn tâm giao của mình hết sức chung tay gây dựng sự học, chấn hưng văn hóa Thăng Long. Ông trở thành đại diện tiêu biểu của danh nhân trí thức Hà thành đầu thế kỷ XIX (Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Siêu, Hà Tôn Quyền…) tạo nên “một trào lưu tư tưởng tiến bộ trong sĩ phu Hà Thành đầu triều Nguyễn”. Một người nước ngoài ghé thăm Hà Nội khoảng giữa thế kỉ XIX đã phải nhận xét: “… Mặc dù Thăng Long không còn là nơi vua chúa ở nữa, tôi cho rằng đó vẫn là thành phố đứng đầu vương quốc về nghệ thuật, về kĩ nghệ, thương nghiệp, sự giàu có, số dân đông đúc, sự lịch duyệt và học vấn…” (chuyển dẫn theo Vũ Thế Khôi) [2, tr.41]. Và cũng vì là một con người giàu cảm xúc, sớm xa quê hương, gia đình có nhiều biến cố cho nên bạn bè với ông là những người có thể chia sẻ niềm vui. Ngoài thú vui với thiên nhiên cây cỏ, đi đến đâu ông cũng có bạn hiền. Ông luôn quan tâm đến bạn bè, dành nhiều lời động viên thăm hỏi, thể hiện tình cảm không chỉ khi gần gũi mà cả khi cách trở xa xôi. Bằng những vần thơ giản dị mà giàu tình đã giúp ông bày tỏ được tâm tư tình cảm với bạn bè để lúc nào cũng như ông đang kề cận bên họ.
Trước tiên là lòng thành kính của ông với những người đã từng dẫn dắt ông trong việc thi thư. Bài thơ Cung vãn nghiệp sư hương cống Bùi Chỉ Trai (Kính viếng thày học là hương cống Bùi Chỉ Trai):
Nhân thế bách niên thương lão bệnh, Di thường thiên cổ trọng sư sinh. Thu không thệ thủy thanh đàm nguyệt, Độc đốt tà dương lệ mãn anh.
(Đời người trăm năm, thương cho tuổi già đau yếu, Thày trò, từ nghìn xưa tình nghĩa mãi trọng.
Trời thu nước chảy, trăng trên đầm trong,
Một mình đối ánh tà dương nước mắt thấm ướt dải mũ).
Bùi Chỉ Trai: Húy là Linh, người Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, đỗ Hương cống đời Lê. Tiên sinh lúc sống luôn khỏe mạnh, thọ 78 tuổi, bị bệnh 2 năm thì mất. Nguyễn Văn Lý theo học thầy Bùi Chỉ Trai năm 14 tuổi (1808) và chịu ảnh hưởng nhiều từ học phong nơi thầy dạy của mình. Bởi thế cho nên, đối với ông thầy mãi là người mẫu mực, sáng ngời về phẩm giá. Bằng tấm lòng thành kính Nguyễn Văn Lý hết mực ca ngợi công lao, tài danh của thầy mãi để tiếng lành đến đời sau. Sự ra đi
của thầy là mất mát lớn cho các thế hệ học trò, hai hàng lệ có nhỏ cũng không sao tải hết được tình cảm thương mến mà ông dành cho người thầy của mình.
Trong bài thơ Cung vãn nghiệp sư Phạm Lập Trai (Kính viếng thày học Phạm Lập Trai), ông bày tỏ:
Thiên tải kỷ nhân năng tiễn lý, Lập Trai di biển đạo thường tôn.
(Ngàn năm lại đây mấy ai đi được con đường thầy đã đi,
Nhưng tấm biển Lập Trai còn lại thì đạo Nho vẫn được tôn kính). Tiến sĩ Phạm Lập Trai tên húy là Thích, người Hoa Đường, Hải Dương. Ông đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng (1779), mất năm Minh Mạng thứ 6 (1825). Đối với Nguyễn Văn Lý thầy Lập Trai Quý Thích là người hiểu ông nhất, có ảnh hưởng đến ông lớn nhất, ông vô cùng kính trọng người thầy này của mình. Nhờ sự khuyến khích, dẫn dắt của thầy Lập Trai, khoa thi Hương năm Ất Dậu (1825), 31 tuổi, ông đỗ Cử nhân, cùng khoa với Nguyễn Văn Siêu, Vũ Tông Phan. Chính vì thế, người thầy này luôn là vì sao sáng trong tâm của tác giả, soi đường chỉ lối ông đi trên con đường hoan lộ. Thầy không chỉ dạy dỗ kiến thức mà còn ảnh hưởng cả về đạo đức, lối sống đến những người học trò của mình. Nguyễn Văn Lý mãi biết ơn thầy - người đã mở đường dẫn ông đi đến đích của sự học, đó là dùng tài trí của mình để giúp dân giúp nước, luôn giữ gìn đức hạnh, để tiếng thơm muôn đời. Như tình cảm của ông khi nghĩ về người thầy của mình vậy: chỉ cần “tấm biển Lập Trai còn lại thì đạo Nho vẫn được tôn kính”.
Như vậy đối với những người thầy dạy dỗ mình, ông luôn biết ơn và ngưỡng vọng. Họ đều là những người tác động đến tài trí, phẩm chất nơi ông và là những con người đời đời được tôn kính.
Bên cạnh tình cảm sâu lắng đối với những người thầy, Nguyễn Văn Lý còn là người hòa nhã trong mối quan hệ bạn bè. Những bài thơ ông viết thể hiện tình cảm với bạn đều là những vần thơ chân thực với những xúc cảm chân thành.
Một trong số những người bạn thân thiết với Nguyễn Văn Lý đó là Nguyễn Phương Đình. Rất nhiều các sáng tác của ông viết ra để dành cho người bạn hiền này. Ví dụ như: bài thơ Xuân nhật đồng Phương Đình đăng Thuận An trị đài (Ngày xuân cùng Phương Đình lên thành đài, phủ Thuận An), Phó bảng Phương Đình Nguyễn tử
Hội thí hậu ninh gia, thư tống (Viết tiễn phó bảng Nguyễn Phương Đình sau khi thi Hội về thăm nhà), Họa khê nghị Nguyễn tử Phương Đình (Họa thơ bạn thân là Nguyễn Phương Đình), Cố cư phùng như Yên Ất sứ Nguyễn Phương Đình học sĩ (Nơi nhà cũ, gặp học sĩ phó sứ sang Yên Đài Nguyễn Phương Đình)… Bài thơ Phủ trị xuân mộ dữ niên khế Nguyễn Phương Đình ẩm (Chiều xuân ở nơi làm việc cùng bạn đồng niên Nguyễn Phương Đình uống rượu, tác giả viết:
Cách tuế thủy huề thủ, Tương ly bất yếm thân. Thị phi tâm thượng sự, Sinh tử nhãn tiền nhân.
(Cách năm rồi mới lại được cầm tay nhau, Sắp phải xa nên được gần càng thêm thân thiết. Đúng hay sai là việc ở trong tâm,
Sống và chết là chuyện người trước mắt).
Nguyễn Phương Đình tức Nguyễn Văn Siêu, bạn đồng niên cùng đỗ khoa thi Hương trường Hà Nội năm 1825. Ông cùng với Chí Đình cùng nhau chung tay hưng chấn đất Thăng Long cùng những trí thức yêu nước khác nữa. Vì vậy Nguyễn Văn Lý và Nguyễn Văn Siêu có tình bạn gắn bó, tâm giao. Phương Đình là người bạn có thể hòa cùng ông chén rượu ngọt ngào tâm tình cùng ông từ những câu chuyện đời thường, trao đổi thi thơ cho đến những chuyện lớn lao - chuyện thế sự, chuyện chí hướng đời người. Tình thân ấy được ông bày tỏ cụ thể bằng niềm hân hoan khi được gặp lại bạn hiền sau bao tháng ngày xa cách và thời gian gặp gỡ chỉ ngắn ngủi. Tình cảm ấy vượt lên những điều tầm thường của tạo vật, sáng lên bởi tinh thần hồ hởi và cái tâm trong sáng giữa hai con người giàu lòng trắc ẩn.
Bên cạnh Nguyễn Văn Siêu, một người bạn khác được ông yêu mến đó là bạn đồng niên Phan Phù Xuyên, Phạm Nghĩa Khê, Hà Tôn Quyền, Vũ Tiết Phủ,… Có thể kể đến những bài thơ ông viết để bày tỏ tình cảm với họ như: Giai đồng niên hạ nhị giáp Đình nguyên Phù Ủng Phan Phù Xuyên (Cùng các bạn đồng khoa mừng nhị giáp Đình nguyên Phan Phù Xuyên, người Phù Ủng), Họa Phan Phù Xuyên thu giải
(Họa bài thu giải của Phan Phù Xuyên), Phỏng Bình Định phiên sứ Phan Phù Xuyên, biệt hậu thư ký (Thăm quan bố chánh Bình Định Phan Phù Xuyên, sau khi chia tay
viết tặng), Tiễn xuân thư tặng Bình Định bố chánh Phan Phù Xuyên nhập cận, nhị thủ
(Tháng mười, viết tặng bố chánh Bình Định Phan Phù Xuyên vào triều), Dữ Phan Phù Xuyên dạ biệt (Đêm chia tay Phan Phù Xuyên); Đông dạ thuật hoài thư thị niên huynh Phạm Nghĩa Khê (Đêm đông thuật nỗi lòng, trình bạn cùng khoa là Phạm Nghĩa Khê), Đông chí đồng niên khế Phạm Nghĩa Khê bồi Hà các lão dạ trước liên ngâm (Sau ngày đông chí, cùng bạn đồng khoa Phạm Nghĩa Khê đêm hầu rượu vị các lão họ Hà và nối vần làm thơ), Hà Tĩnh tỉnh đầu túc, cập từ quy, niên huynh án sát sứ Phạm Nghĩa Khê tương tống thậm viễn, thư biệt kiêm trình Cao phiên đài (Vào nghỉ đêm ở tỉnh Hà Tĩnh, cáo từ ra về, bạn đồng khoa là ám sát sứ Phạm Nghĩa Khê đưa tiễn thật xa, viết thơ từ biệt, cùng trình lên quan bố chánh họ Cao), Đoan Ngọ ẩm bãi, Hà Các Lão huệ vân tiên chỉ, tấn đường tiểu khải bút, thư đáp (Tết Đoan Ngọ uống rượu xong, Hà Các Lão tặng giấy vân tiên, bút tiểu khải tấn đường, viết tạ), Họa Hà Các Lão thủ vĩ ngâm (Họa thơ Các Lão họ Hà theo thể thủ vĩ ngâm); Lưu tặng tiếp lỵ niên huynh Vũ Tiết Phủ (Thơ lưu tặng Vũ Tiết Phủ bạn cùng khoa tiếp nối coi phủ),… Qua đây có thể thấy tình cảm thật tâm mà Nguyễn Văn Lý trao cho những người bạn của mình. Tình cảm ấy luôn được ông lưu giữ, nó không chỉ ở trong tâm thức nhà thơ mà được bộc lộ qua thơ ca với tình cảm quyến luyến, dạt dào. Và người bạn nào cũng để lại trong ông những kỉ niệm gợi sự gắn bó, thương mến.
Những vần thơ thể hiện tình cảm với bạn hiền của ông phần nhiều ghi lại những cảm xúc thường nhật. Nó có thể là những giây phút ôn lại kỉ niệm, ghi lại những sự kiện đáng nhớ của tình bạn, là lời chúc mừng, động viên, thăm hỏi, và có khi là những lời thương tiếc khi gửi lời “viếng” tới những bậc hiền nhân là bạn ông. Những bài thơ giàu cảm xúc ông viết cho bạn hiền có thể kể đến những bài thơ sau:
Bài thơ Quá nhân mục phỏng vong hữu Lê Nhật Trai từ đường (Qua nhân mục, thăm nhà thờ người bạn đã mất là Lê Nhật Trai):
Sạ quá quân hương hựu ức quân, Tân kham nhất triện đối nam huân.
(Vừa qua làng bác, lại nhớ bác,
Thắp một nén hương trước khám thờ mới, đối diện với gió nam hòa ấm). Ngay cả khi bạn hiền đã về với tiên tổ thì sự nhớ thương của ông dành cho bạn vẫn còn vẹn nguyên. Giờ đây ông không thể bày tỏ tình cảm qua chén rượu tâm tình,
không thể cùng bạn hòa thơ bàn luận thế sự. Chỉ có thể giao cảm qua làn khói của nén hương mang nỗi niềm tưởng nhớ. Đó là tình cảm bằng hữu quý như tình thân.
Bài thơ Thái Nguyên phiên sứ Lê Giai Xuyên tống chư dược vật, thư tạ (Bố chánh sứ Thái Nguyên Lê Giai Xuyên đưa tặng vị thuốc, viết thơ cảm tạ):
Túc tâm thượng nhĩ thị hà như, Thế lộ thăng trầm huống sách cư. Dạ quá du hiên tiên vấn tật, Viễn lai dược nhị tự thân thư.
(Vốn trong lòng yêu mến nhau như thế nào?
Đường đời thăng trầm, huống nữa tôi lại ở xa bạn bè. Xe sứ ban đêm đi qua, trước hết hỏi thăm bệnh tật, Thuốc thang từ xa gửi đến, đích thân viết thư).
Khi đau ốm, ngoài suy yếu về thể lực thì đời sống tình cảm của con người cũng cần có “thuốc”. Đó chính là sự quan tâm của những người thân, đặc biệt với một người xa quê hương như tác giả. Thế nên, khi nhận được thịnh tình, sự quan tâm khi bản thân đau ốm từ bạn ông vô cùng cảm động. Và ông đã không ngần ngại bày tỏ tình cảm của mình gửi lại người bạn nơi phương xa. Đó cũng là điều cốt lõi giúp tác giả luôn có những tình bạn tâm giao.
Bài thơ Phỏng Hưng Hóa phiên sứ Lê Cấn Trai dạ túc (Thăm bố chánh sứ Hưng Hóa Lê Cấn Trai, ngủ qua đêm):
Tương phùng bất tích luận tâm sự, Lão khứ phong sương cận duyệt tằng.
(Gặp nhau không tiếc lời tâm sự,
Tuổi già, gió sương gần đây đã từng trải qua).
Nguyễn Văn Lý luôn trân trọng từng phút giây kề cận bên bạn bè. Gia đình không phải lúc nào cũng có thể chia sẻ hết nỗi niềm của kẻ sĩ. Vì vậy những khi gặp gỡ bạn hiền, cùng hàn huyên tâm sự có khác nào “người ốm gặp được thầy thuốc giỏi, người đói được bát cơm lành” không ngớt lời hoan hỷ. Đặc biệt khi đã đi được ba phần tư cuộc đời thì những phút giây ấy càng được ông trân quý.
Những bài thơ tác giả viết để tiễn đưa bạn hiền có thể kể đến: Phụng tống lễ bộ thị lang Vương Tế Trai sung như Yên Giáp sứ (Vâng tiễn thị lang bộ lễ là Vương Tế Trai được sung phó sứ giáp bộ sang Yên Kinh), Mậu Thân xuân sơ, phụng tống lễ bộ tham tri Hải Phái Bùi Hữu Trúc sung như Yên Chính sứ (Đầu mùa xuân năm Mậu Thân (1848), vâng lệnh tiễn tham tri bộ lễ, Hải Phái Bùi Hữu Trúc, được sung làm chánh sứ sang Yên Kinh), Tống Lê Bảo Xuyên bệnh quy (Tiễn Lê Bảo Xuyên bị ốm về quê), Tiễn đồng khế Yên Thái tiến sĩ Nguyễn Ước Phu, bị thôi, tầm khất hoàn hương (Tiễn bạn tâm giao là tiến sĩ Nguyễn Ước Phu, bị thôi cáo, ít lâu sau xin về quê), Tống hàn lâm biên tu Nguyễn Tử tỉnh thân (Tiễn hàn lâm biên tu Nguyễn Tử về thăm cha mẹ), Cửu nhật hàn vũ, tiễn khế nghị Vũ Ninh Phủ chi Nam Định trường khảo quan (Ngày mồng chín mưa lạnh, tiễn bạn tâm giao Vũ Ninh Phủ đi chấm thi ở trường Nam Định), Lưu biệt niên huynh Bình Định bố chánh Phan Hiển Phủ (Lưu biệt bác Phan Hiển Phủ, bạn đồng niên bố chánh Bình Định),… Sau mỗi cuộc chia tay bùi ngùi ông đều ghi tạc lại qua những vần thơ như để cất giữ, lưu lại hình ảnh bạn hiền. Phần nhiều tác giả bày tỏ tình bằng hữu qua những bài đưa tiễn, và ông tiễn đưa rất nhiều người bạn của mình. Có thể thấy Nguyễn Văn Lý đi nhiều nơi, quen biết nhiều người, ở đâu ông cũng có thể kết bạn và gây dựng được mối lương duyên bằng hữu tốt lành. Ông có rất nhiều bạn và với ai ông cũng thể hiện tình cảm nồng hậu và được quý mến.
Tình cảm bạn bè chiếm phần lớn các sáng tác của ông, cho thấy rằng đời sống tâm hồn của tác giả chịu sự chi phối khá nhiều từ mối quan hệ với những người bạn. Ở hoàn cảnh nào ông cũng có thể viết lên những vần thơ cho bạn hiền. Dường như tình cảm dạt dào thường nhật trong các cuộc vui gặp gỡ hay niềm ưu tư xa cách với bạn đều được ông gói ghém gửi vào trong các áng thơ. Từ đó thông qua những bài thơ có thể thấy Nguyễn Văn Lý là người rất coi trọng mối quan hệ bạn hữu, luôn muốn gần gũi bạn và sẵn sàng bày tỏ tấm thịnh tình của mình với bạn. Điều này khiến những vần thơ của ông thật đặc biệt, có sự khác lạ với những tác phẩm văn chương của các tác giả khác.