4. Những đóng góp mới của luận án
3.2.1. Cơ quan chấp hành thu ngân sách
3.2.1.1. Cục Thuế thành phố Hà Nội
Cục Thuế thành phố Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 314 TC/QĐ ngày 21/08/1990 của Bộ Tài chính. Căn cứ Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/05/2008 của Quốc Hội khóa XII, kỳ họp thứ 3 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1640/QĐ-BTC ngày 28/7/2008 về việc thành lập Cục Thuế thành phố Hà Nội trực thuộc Tổng cục Thuế trên cơ sở hợp nhất Cục Thuế thành phố Hà Nội (cũ), Cục Thuế Hà Tây (cũ) và Chi cục Thuế huyện Mê Linh.
Qua hơn 25 năm xây dựng và phát triển, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã không ngừng vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách và là một trong hai Cục Thuế có số thu hàng năm lớn nhất cả nước. Những đóng góp của Cục Thuế thành phố Hà Nội đã góp phần đắc lực vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô cũng như của cả nước.
Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã không ngừng củng cố và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức và bộ máy tổ chức để luôn là một tập thể đoàn kết, thống nhất. Với những nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ, công chức Cục Thuế thành phố Hà Nội, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân Thành phố, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cùng với sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của nhân dân, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã được đánh giá là đơn vị tiêu biểu đi đầu trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; dẫn đầu trong cải cách hiện đại hóa, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác quản lý Thuế …
Tổ chức máy của Cục Thuế gồm Văn Phòng Cục và 20 phòng chức năng, 30 Chi cục Thuế với hơn 3600 cán bộ công chức (CBCC) và hợp đồng lao động theo Nghị Định 68 của Chính phủ. Cục Thuế quản lý thu thuế trên 169.997 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đang hoạt động, hơn 176.262 hộ kinh doanh, hơn 3,3 triệu mã số thuế Thu nhập cá nhân và gần 2 triệu hộ gia đình nộp thuế Sử dụng đất phi nông nghiệp trên địa bàn Thành phố. Hiện nay, Cục Thuế thành phố Hà Nội là một trong hai Cục Thuế có số thu ngân sách hàng năm lớn nhất cả nước, chiếm gần 1/4 số thu cả nước. Qua hơn 10 năm thực hiện Luật Quản lý thuế, công tác quản lý thuế, thu thuế đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đảm bảo quản lý chặt chẽ nguồn thu; nhận thức của người dân, doanh nghiệp đối với việc thực hiện nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước (NSNN) được nâng cao; bộ máy hành chính thuế không ngừng được kiện toàn, đội
ngũ cán bộ công chức quản lý thuế từng bước chuyên nghiệp, chuyên sâu. Trong những năm qua, Thành phố Hà Nội luôn hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách được giao không những đảm bảo nguồn thu ngân sách cho việc thực hiện chi cho ngân sách Thành phố mà còn đóng góp vào việc cân đối chi ngân sách của cả nước (tất cả các quận huyện, thị xã cũng đảm bảo cân đối thu chi theo từng địa bàn). Kết quả thu nội địa giai đoạn 2009 - 2018 đạt 1.420.828 tỷ đồng, số thu tăng trưởng qua các năm đều hoàn thành vượt chỉ tiêu so với dự toán pháp lệnh (riêng năm 2018 thu 226.972 tỷ đồng, đạt 104% dự toán). [11]
3.2.1.2. Cục Hải quan thành phố Hà nội
Năm 1985, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ký Quyết định số 101/TCHQ/TCCB ngày 03/8/1985 thành lập Hải quan thành phố Hà Nội trực thuộc Tổng cục Hải quan để thống nhất quản lý toàn bộ các đơn vị Hải quan trên địa bàn Hà Nội. Tại thời điểm thành lập, tổ chức bộ máy Hải quan Thành phố Hà Nội gồm có 3 phòng và 4 đơn vị Hải quan cửa khẩu với chỉ tiêu biên chế là 225 người. Từ đây, đánh dấu sự phát triển nhanh chóng, ổn định và vững chắc của Cục Hải quan thành phố Hà Nội.
Thời kỳ đầu công cuộc đổi mới đất nước (1986-1990), Nhà nước ban hành nhiều văn bản pháp luật để quản lý kinh tế, trọng tâm là quản lý xuất nhập khẩu và đầu tư. Để đáp ứng yêu cầu quản lý, Hải quan thành phố Hà Nội được bổ sung tăng cường biên chế, lấy từ nhiều nguồn, khối lượng công tác nghiệp vụ Hải quan tăng lên đáng kể. Thống kê năm 1989, Hải quan thành phố Hà Nội đã làm thủ tục cho 2500 lượt chuyến bay với 189.134 lượt khách xuất nhập cảnh, kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu đạt 193 triệu USD, phát hiện 345 vụ vi phạm pháp luật hải quan, thu thuế xuất khẩu, nhập khẩu 10,26 tỷ đồng. [12]
Từ năm 1990, cùng với sự ra đời của Pháp lệnh Hải quan (24/12/1990) ngành Hải quan cũng bước vào thời ký đổi mới và hội nhập. Nắm bắt được yêu cầu nhiệm vụ, Hải quan thành phố Hà Nội đã tích cực cải cách thủ tục, cải cách quy trình kiểm tra Hải quan tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn Thủ đô, giảm thời gian, giảm phiền hà cho khách xuất nhập cảnh.
Từ khi Luật Hải quan có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2002 mọi quan hệ thương mại và giao lưu quốc tế trên địa bàn quản lý của Cục Hải quan Thành phố Hà Nội được tiếp tục đẩy mạnh. Luật đầu tư sửa đổi đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước tăng cường đầu tư vào các khu công nghiệp. Các khu công nghiệp thuộc địa bàn quản lý của Cục Hải quan thành phố tiếp tục mở rộng và phát triển. Cùng với việc tăng thêm các đơn vị trực thuộc, bộ máy quản lý hành chính tại cơ quan Cục cũng không ngừng được củng cố và hoàn thiện cả về lượng và chất. Từ bộ máy gồm 4 phòng năm 1985, sắp xếp lại thành 9 phòng (tháng 9 năm 1994), 10 phòng (năm 2000) đến nay để phục vụ cho công cuộc cải cách, hiện đại hoá và hội nhập cơ quan Cục được sắp xếp lại thành 11 phòng, 13 Chi cục. [12]
Cùng với tiến trình cải cách, hiện đại hoá và hội nhập, Cục Hải quan thành phố Hà Nội đã tích cực chuẩn bị và được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời của lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Thành uỷ, UBND thành phố Hà Nội và các tỉnh; sự phối hợp công tác của các cơ quan hữu quan. Cục Hải quan thành phố Hà Nội đã có trụ sở làm việc khang trang, trụ sở các chi cục đã và đang được đầu tư xây dựng lại và từng bước trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại (máy soi, camera, hệ thống máy tính…) lực lượng cán bộ, công chức Hải quan Thành phố Hà Nội được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Biên chế toàn Cục trên 940 người, với 2% trình độ trên đại học, 73% trình độ đại học, 25% cao đẳng và trung học. Đảng bộ Cục Hải quan thành phố Hà Nội nâng cấp thành Đảng bộ cấp trên cơ sở (tháng 4 năm 2010) trực thuộc Thành uỷ. Hiện nay Đảng bộ Cục Hải quan thành phố Hà Nội có 6 đảng bộ và 18 chi bộ cơ sở trực thuộc với 612 đảng viên. Đoàn thanh niên có 12 chi đoàn với 315 đoàn viên. Công đoàn cơ sở có 24 công đoàn bộ phận với 100% cán bộ, công chức là đoàn viên công đoàn. Hội Cựu Chiến binh có 96 hội viên và Chi hội luật gia gồm 88 hội viên trực thuộc Hội Luật gia thành phố Hà Nội. [12]