Quản lý chi ngân sách nhà nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý ngân sách nhà nước của sở tài chính hà nội (Trang 69 - 71)

4. Những đóng góp mới của luận án

2.2.4. Quản lý chi ngân sách nhà nước

Chi ngân sách nhà nước là việc phân phối và sử dụng quỹ ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo thực hiện chức năng của nhà nước theo những nguyên tắc nhất định. Hay nói cách khác, đây là quá trình phân phối lại các nguồn tài chính đã được tập trung vào ngân sách nhà nước và đưa chúng đến mục đích sử dụng. Do đó, Chi ngân sách nhà nước là những việc cụ thể không chỉ dừng lại trên các định hướng mà phải phân bổ cho từng mục tiêu, từng hoạt động và từng công việc thuộc chức năng của nhà nước.

* Quá trình của chi ngân sách nhà nước: bao gồm 2 hoạt động sau:

(1). Quá trình phân phối: là quá trình cấp phát kinh phí từ ngân sách nhà nước để hình thành các loại quỹ trước khi đưa vào sử dụng.

(2). Quá trình sử dụng: là trực tiếp chi dùng khoản tiền cấp phát từ ngân sách nhà nước mà không phải trải qua việc hình thành các loại quỹ trước khi đưa vào sử dụng.

* Đặc điểm của chi ngân sách nhà nước

- Chi ngân sách nhà nước gắn với bộ máy nhà nước và những nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội mà nhà nước đảm đương trong từng thời kỳ;

- Chi NSNN phải đảm bảo các hoạt động của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực và tập trung nguồn tài chính vào phạm vi đã hoạch định để giải quyết các vấn đề lớn của đất nước.

- Chi ngân sách nhà nước gắn với quyền lực nhà nước.

- Các khoản chi của NSNN được xem xét hiệu quả trên tầm vĩ mô; - Các khoản chi của NSNN mang tính chất không hoàn trả trực tiếp;

- Các khoản chi của NSNN gắn chặt với sự vận động của các phạm trù tiền tệ và giá trị khác như giá cả, lãi suất, tỷ giá hối đoái, tiền lương, tín dụng, v.v… (các phạm trù thuộc lĩnh vực tiền tệ).

* Phân loại chi ngân sách nhà nước:

Nhằm phân tích, đánh giá việc quản lý và định hướng các khoản chi cần phải tiến hành phân loại chi NSNN.

- Căn cứ vào nội dung chi:

+ Nhóm 1: Chi tích lũy của ngân sách nhà nước là những khoản chi làm tăng cơ sở vật chất và tiềm lực cho nền kinh tế, tăng trưởng kinh tế; là những khoản chi đầu tư phát triển và các khoản tích lũy khác.

+ Nhóm 2: Chi tiêu dùng của ngân sách nhà nước là các khoản chi không tạo ra sản phẩm vật chất để tiêu dùng trong tương lai; bao gồm chi cho hoạt động sự nghiệp, quản lý hành chính, quốc phòng, an ninh và tiêu dùng khác…

- Căn cứ theo yếu tố mục đích chi:

+ Nhóm chi thường xuyên bao gồm các khoản chi nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của nhà nước;

+ Nhóm chi đầu tư phát triển là các khoản chi dài hạn nhằm làm tăng cơ sở vật chất của đất nước và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế;

+ Nhóm chi trả nợ và viện trợ bao gồm các khoản chi để nhà nước thực hiện nghĩa vụ trả nợ các khoản đã vay trong nước, vay nước ngoài khi đến hạn và các khoản chi làm nghĩa vụ quốc tế;

+ Nhóm chi dự trữ là những khoản chi ngân sách nhà nước để bổ sung quỹ dự trữ nhà nước và quỹ dự trữ tài chính.

+ Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật. [39]

* Nguyên tắc tổ chức chi ngân sách nhà nước

- Thứ nhất: gắn chặt các khoản thu để bố trí các khoản chi: nếu vi phạm nguyên tắc này dẫn đến bội chi NSNN, có thể gây ra lạm phát mất cân bằng cho sự phát triển xã hội;

- Thứ hai: đảm bảo yêu cầu tiết kiệm và hiệu quả trong việc bố trí các khoản chi tiêu của NSNN;

- Thứ ba: theo nguyên tắc nhà nước và nhân dân cùng làm, nhất là các khoản chi mang tính chất phúc lợi xã hội;

- Thứ tư: tập trung có trọng điểm: đòi hỏi việc phân bổ nguồn vốn từ NSNN phải tập trung vào các chương trình trọng điểm, các ngành mũi nhọn của ngân sách;

- Thứ năm: phân biệt rõ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của các cấp theo quy định của luật;

- Thứ sáu: phối hợp chặt chẽ với khối lượng tiền tệ, lãi suất, tỷ giá hối đoái. Tại địa phương, hoạt động chi ngân sách cũng phải tuân theo những nội dung chi, tuy nhiên nhiệm vụ chi ngân sách địa phương được cụ thể hóa hơn.

(1). Chi đầu tư phát triển: bao gồm các khoản chi đầu tư cho các dự án do địa phương quản lý; Chi đầu tư và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước đặt hàng, các tổ chức kinh tế, các tổ chức tài chính của địa phương theo quy định của pháp luật; Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

(2). Chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị ở địa phương được phân cấp trong các lĩnh vực: Sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề; Sự nghiệp khoa học và công nghệ; Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phần giao địa phương quản lý; Sự nghiệp y tế, dân số và gia đình; Sự nghiệp văn hóa thông tin; Sự nghiệp phát thanh, truyền hình; Sự nghiệp thể dục thể thao; Sự nghiệp bảo vệ môi trường; Các hoạt động kinh tế; Hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội; hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp theo quy định của pháp luật; Chi bảo đảm xã hội, bao gồm cả chi thực hiện các chính sách xã hội theo quy định của pháp luật;

(3). Chi trả nợ lãi các khoản do chính quyền địa phương vay. (4). Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính địa phương.

(5). Chi chuyển nguồn sang năm sau của ngân sách địa phương.

(6). Chi bổ sung cân đối NS, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp dưới.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý ngân sách nhà nước của sở tài chính hà nội (Trang 69 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)