4. Những đóng góp mới của luận án
4.2.1. Hoàn thiện việc phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước
Kết quả nghiên cứu định tính và định lượng cho thấy quy định về phân cấp quản lý NSNN ảnh hưởng 27,2% đến hoạt động quản lý NSNN. Có thể nói mức ảnh hưởng của quy định về phân cấp đến hoạt động quản lý ngân sách là khá mạnh. Qua nghiên cứu thực trạng cho thấy phân cấp quản lý ngân sách còn mang nặng tính phân bổ, giao chỉ tiêu từ cấp trên xuống, chưa đảm bảo quyền lực của HĐND địa phương và chưa bám sát tình hình địa phương. Để giải quyết tình trạng này, Sở Tài chính Hà Nội cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Cơ quan hành chính cấp trên không giao khoán chỉ tiêu dự toán thu – chi ngân sách cho cấp dưới. Việc phân bổ chỉ tiêu nhiệm vụ chi cho từng lĩnh vực đề nghị giao cho HĐND quyết định để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Việc phân cấp cho HĐND trong phân bổ chi cũng đồng thời góp phần xóa bỏ tính lồng ghép trong hệ thống NSNN, nhiệm vụ và quyền hạn của từng cấp ngân sách được quy định rõ ràng hơn, đơn giản được các thủ tục trong công tác lập, chấp hành và quyết toán NSNN. Sở Tài chính Hà nội sẽ là cơ quan tổng hợp, theo dõi hoạt động thu chi NSNN tại các quận huyện.
- Khi quy định nguồn thu- nhiệm vụ chi và xây dựng định mức phân bổ ngân sách cần chú ý đến những yếu tố đặc thù của các địa phương. Quy định cụ thể về thời kỳ ổn định ngân sách và số bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới cần được xác định vào năm đầu thời kỳ ổn định và có thể điều chỉnh tùy thuộc tình hình tăng trưởng từng năm bằng hệ số. Đồng thời cần hoàn thiện hệ thống tiêu chí, các nguyên tắc về bổ sung có mục tiêu gắn với các định hướng và chiến lược phát triển ưu tiên của từng vùng, miền và kế hoạch trung hạn của địa phương.
- Giao cho các quận huyện trên địa bàn Hà Nội tự chủ trong quyết định và quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi. Các khoản thu được phân chia cho các cấp ngân sách: Phân cấp các khoản thu cần dựa trên nguyên tắc “lợi ích”, đảm bảo tăng thu của NSĐP phải đi kèm với việc cải thiện chất lượng dịch vụ công do quận huyện đó cung cấp.
- Mở rộng quyền tự chủ của địa phương trong quyết định chi tiêu: Cho phép chính quyền địa phương tự chủ trong việc ra các quyết định chi tiêu theo ưu tiên của địa phương, phải phù hợp với chiến lược và mục tiêu phát triển của quốc gia. Việc mở rộng quyền tự chủ của địa phương trong các quyết định chi tiêu sẽ dựa trên nguyên tắc chi tiêu được thực hiện ở cấp chính quyền nào trực tiếp cung ứng dịch vụ công có hiệu quả nhất. Tránh tình trạng cùng một nhiệm vụ chi được phân ra cho quá nhiều cấp mà không có sự xác định ranh giới rõ ràng, dẫn đến chỗ không quy được trách nhiệm giải trình và sự chồng chéo, đùn đẩy giữa các cấp chính quyền.
- Cần quy định cụ thể và rõ ràng hơn nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cấp chính quyền trong quy trình ngân sách, bảo đảm quyền tự chủ của cấp dưới gắn liền với tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình về tài chính ở cấp địa phương, nhằm thực hiện nghiêm kỷ luật tài khóa: Việc đẩy mạnh phân cấp quản lý ngân sách chỉ có thể đạt được mục tiêu mong muốn khi gắn liền với việc tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình về tài chính ở cấp địa phương. Đồng thời tăng cường hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử nhằm bảo đảm tính hiệu quả của quản lý ngân sách. Tăng cường trách nhiệm giải trình của mỗi cấp chính quyền trong quản lý ngân sách không chỉ với cấp trên mà trước hết là với HĐND và người dân ở địa phương đó.