7. Cấu trúc luận văn
1.2.1. Vài nét về tiểu sử Ma Văn Kháng
Ma Văn Kháng tên thật là Đinh Trọng Đoàn, sinh ngày 1 tháng 12 năm 1936 tại làng Kim Liên - Đống Đa - Hà Nội. Đó là một làng quê cổ, thanh bình nhưng nghèo nàn, cuộc sống của mọi người dân vô cùng vất vả. Ma Văn Kháng đã theo học và tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Năm 1954, sau khi hòa bình lặp lại, cũng giống như bao thanh niên cùng thế hệ, nghe theo tiếng gọi của tổ quốc, Ma Văn Kháng đã quyết định rời quê hương Hà Nội
thân yêu để đến với vùng đất Tây Bắc tham gia hoạt động cách mạng. Tuổi trẻ của ông gắn với rất nhiều nghề: dạy học, làm thư kí cho Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lào Cai, làm phóng viên, viết báo... sau đó là viết văn. Nhà văn đã có giai đoạn sống gắn bó với cuộc sống lam lũ nhưng chứa chan tình cảm của người miền núi: cuộc sống tuy vẫn còn lạc hậu nhưng rất đỗi chân tình của đồng bào các dân tộc thiểu số, những mảnh đời gieo neo của người dân miền xuôi tha phương cầu thực và lập nghiệp ở đây, những trai gái hăm hở lên khai hoang, xây dựng quê hương mới, những điều mới mẻ từ quan hệ thầy trò ấp áp tình xuôi ngược. Chính cuộc sống nơi đây đã thu hút, mời gọi, tạo thành một vốn sống phong phú cho con đường viết văn của ông sau này. Ông viết báo, viết văn như là một sự thôi thúc của tâm hồn.
Năm 1961, ông cho trình làng truyện ngắn "Phố cụt". Kể từ đây, sự nghiệp văn chương của ông bắt đầu.
Từ năm 1974, Ma Văn Kháng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, năm 1976, Ma Văn Kháng đã rời Lào Cai - quê hương thứ hai của ông để trở về Hà Nội công tác với tư cách là một nhà văn chuyên nghiệp. Bắt đầu từ thời điểm này, một giai đoạn mới mở ra với sự nghiệp viết văn của ông.
Ma Văn Kháng từng giữ chức Tổng biên tập, Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Lao Động. Từ tháng 3/1995, ông là Tổng biên tập Tạp chí Văn học nước ngoài của Hội
Nhà văn Việt Nam.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Ma Văn Kháng đã nhận được khá nhiều giải thưởng có giá trị:
Giải thưởng loại B của Hội Nhà văn Việt Nam (1986) cho tiểu thuyết Mùa lá
rụng trong vườn.
Giải thưởng của Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam (1995) cho tập truyện ngắn Trăng soi sân nhỏ
Giải thưởng văn học ASEAN
Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2001
Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2012 cho các tác phẩm
1.2.2. Hành trình sáng tạo nghệ thuật của Ma Văn Kháng
Trước khi đến và gắn bó với sự nghiệp văn chương, Ma Văn Kháng đã từng làm khá nhiều nghề khác nhau. Nhưng tự bản thân ông thấy với những nghề đó, ông chưa thực sự trải được hết lòng mình. Chỉ đến khi bước chân vào sự nghiệp văn chương, ông mới có thể giãi bày được hết tâm tư, tình cảm với đất và con người nơi ông sinh sống, nơi ông đã từng đến, ở và làm việc.
Truyện ngắn đầu tiên mở đầu cho văn nghiệp của Ma Văn Kháng là Phố cụt.
Ngay trong lần xuất hiện đầu tiên, truyện ngắn đã được in trang trọng trên trang nhất của tuần báo Văn nghệ số 136, ngày 3/3/1961. Với cốt truyện đơn giản, văn mạch rõ ràng, truyện ngắn đã được đông đảo người dân tiếp nhận, nó báo hiệu sự nghiệp văn chương của một nhà văn lớn đã bắt đầu khởi hành.
"Phố cụt" là truyện ngắn miêu tả về số phận của một vài người sống trong một
ngõ phố nhỏ, heo hút miền núi. Trong cuộc sống lam lũ, vất vả ấy, tình yêu và hạnh phúc vẫn nhen nhóm và nảy nở một cách dung dị, chất phác giữa những mảnh đời đơn chiếc, từng hứng chịu những vết thương do chế độ cũ để lại. Đọc truyện ngắn, người đọc cảm nhận được tấm lòng ấm áp, nhân hậu, một niềm tin sắt son của tác giả rằng dù cho hoàn cảnh có xô đẩy đến đâu, những con người lao động lương thiện vẫn luôn giữ vững phẩm cách, sự bao dung, nhân hậu của mình.
Sự nghiệp văn chương của Ma Văn Kháng được chia ra thành hai giai đoạn, đó là giai đoạn trước 1975 và giai đoạn sau 1975.
Trước năm 1975, Ma Văn Kháng thường tập trung vào đề tài miền núi ở nhiều thời điểm lịch sử khác nhau: dưới chế độ cũ, hiện thực cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, hiện thực xây dựng xã hội Chủ nghĩa ở miền bắc. Xa Phủ đề cập đến sự đổi thay trong suy nghĩ, nhận thức và hành động của những con người miền núi. Ở họ, dù vẫn tồn tại những vết thương to lớn do chế độ cũ để lại nhưng họ đã biết chủ động chuyển mình để trở thành những con người mới có thể tự làm chủ cuộc đời.
Cùng với quá trình sáng tạo nghệ thuật, nhà văn đã đặt ra vô số vấn đề nhức nhối: đó là vấn đề con người miền núi sẽ ra sao, cuộc sống của họ sẽ thay đổi như thế nào trước hiện thực lớn lao của dân tộc? Điều đặc biệt là dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhà văn cũng luôn tin tưởng vào phẩm chất tốt đẹp và khả năng, ý chí tự vươn lên khắc phục hoàn cảnh của họ.
Cái móng ngựa là truyện ngắn phản ánh quá trình xây dựng cuộc sống mới ở
vùng cao cũng như thái độ, tâm tư, tình cảm, cách ứng xử của những con người miền núi trước hiện thực, trước những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan đã tồn tại từ lâu đời.
Như vậy, trước năm 1975, các sáng tác của Ma Văn Kháng chính là một bức tranh sinh động đầy màu sắc về cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Nhà văn đã hòa nhập và thấu hiểu cuộc sống của những con người nơi đây. Trong các tác phẩm của ông, những người dân miền núi đều hiện lên vô cùng đẹp đẽ với tình yêu quê hương da diết, với tính cách trung thực, thật thà, chất phác yêu đời và lòng nhiệt thành với cách mạng.
Trước hiện thực cuộc sống khó khăn và phức tạp, nhà văn đã cần cù, bền bỉ từng bước thâm nhập vào cuộc sống. Ông gặp gỡ, hỏi han, ghi chép rồi lặng lẽ chuyển hóa hiện thực cuộc sống lên các trang văn của mình. Thông qua những hình tượng nhân vật, Ma Văn Kháng đã đặt ra những vấn đề bức xúc của đời sống muôn mặt.
Có thể nói, cảm hứng bao trùm lên các sáng tác của Ma Văn Kháng giai đoạn trước năm 1975 là cảm hứng ngợi ca. Ngợi ca những con người mới, cuộc sống mới trên quê hương miền núi. Cùng nằm trong dòng chảy chung của văn chương giai đoạn này, Ma Văn Kháng cũng đề cao những con người cộng đồng, coi nhẹ con người cá nhân. Đó là những con người có ý thức chính trị cao, sẵn sàng quên cái tôi để hi sinh cho cái chung của cả dân tộc. Với khuynh hướng sử thi, các nhân vật hiện lên như những đại diện xứng đáng cho sức mạnh của cộng đồng. Ma Văn Kháng đã đứng trên quan điểm chung của cộng đồng mà miêu tả, mà kể chuyện.
Sáng tác của Ma Văn Kháng giai đoạn này cùng với sáng tác của các nhà văn khác đã góp phần khởi sắc cho nền văn học viết về đề tài miền núi. Tuy nhiên vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Đó là sự đơn điệu, lặp lại của chủ đề, tư tưởng tác phẩm; cách nhìn nhận thế giới nhân vật còn thuần nhất, đơn giản, một chiều, chưa thấy được sự phức tạp, đa dạng, nhiều chiều của thế giới nhân vật.
Sau khi đất nước thống nhất, năm 1976, Ma Văn Kháng đã rời Lào Cai trở về Hà Nội. Kể từ đây, sự nghiệp sáng tác của ông bước sang một trang mới với các sáng tác ngày càng nở rộ, đề tài được mở rộng, nhiều chủ đề được khai thác sâu hơn, tinh tế hơn. Cảm hứng sử thi bao trùm toàn bộ sáng tác giai đoạn trước đã dần thay thế, nhường chỗ cho cảm hứng thế sự, đời tư.
Thời kỳ này, các sáng tác của ông có sự đổi mới trên cả hai bình diện: nội dung và nghệ thuật. Trải qua sự chiêm nghiệm đã được đúc kết qua nhiều năm, cách nhìn về cuộc sống và con người của nhà văn đã có sự thay đổi lớn: cuộc sống luôn đa dạng, phong phú, bề bộn và phức tạp nhưng chính sự đa đạng ấy đã làm nên cái mới trong các sáng tác của ông.
Sau 1975, Ma Văn Kháng tập trung viết về hai mảng đề tài đó là đề tài miền núi và đề tài thành thị. Ở mảng đề tài miền núi nhà văn đi sâu khai thác những vấn đề về số phận và cuộc đời của con người
Ở mảng đề tài thành thị, nhà văn lại hướng ngòi bút của mình vào những vấn đề nóng hổi của xã hội: vấn đề đời tư, thế sự, nhân sinh... Nhiều lĩnh vực, nhiều mặt của cuộc sống đã được ông đề cập đến: tình yêu, tình dục, hôn nhân, gia đình, đạo đức, sự tha hóa do tác động của đồng tiền... Qua các sáng tác của mình, nhà văn đã bộc lộ sự trăn trở về số phận con người, về sự tác động khủng khiếp của hoàn cảnh đối với con người từ đó dẫn đến những xung đột quyết liệt giữa con người với con người, giữa con người với hoàn cảnh sống và giữa con người với chính bản thân mình. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để giữ vững nhân cách và hoàn thiện nhân cách con người trong hoàn cảnh phức tạp ấy?
Ma Văn Kháng được coi là một trong những người "đi tiền trạm" cho đổi mới văn học. Mưa mùa hạ (1982), Mùa lá rụng trong vườn (1985) là những tác phẩm có tính chất mở đường. Không ra lời tuyên bố chính thức nào như Nguyễn Khải hay Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng lặng lẽ dấn bước trên con đường đổi mới với một quyết tâm mạnh mẽ. Sự đổi mới trong sáng tác của nhà văn bắt đầu từ Mưa mùa
hạ khi ông không để cho tác phẩm kết thúc có hậu kiểu truyền thống. Cả hai nhân vật
chính đều phải chết: một người chết vì bệnh còn một người thì hi sinh, lấy thân mình che chắn cho con đê. Cả hai nhân vật đều ấp ủ trong mình những khát vọng đẹp đẽ về cuộc sống nhưng cuối cùng họ lại phải ra đi trong sự ai oán, day dứt. Đây là lí do mà tác phẩm đã bị kiểm duyệt, không cho xuất bản một thời gian, đến khi được xuất bản lại gây ra biết bao nhiêu sóng gió.
Mùa lá rụng trong vườn ra đời tiếp tục gây chú ý mạnh mẽ đến bạn đọc. Mặc dù
ban đầu vẫn vấp phải những ý kiến trái chiều nhưng tác phẩm cuối cùng cũng vượt qua được những thử thách và được chuyển thể thành kịch bản điện ảnh. Những va
đập, những trở ngại trên con đường viết văn càng hun đúc thêm ý chí, quyết tâm của nhà văn muốn được phơi bày tất cả ra trước mắt độc giả.
Năm 1989, cuốn tiểu thuyết Đám cưới không có giấy giá thú được nhà văn
mạnh dạn tung ra đã gây ra một cú "sốc" mạnh cho dư luận. Theo thống kê, có tời vài ba chục bài viết (cả đăng và chưa đăng) tranh luận sôi nổi về vấn đề được đưa ra trong tác phẩm. Trong đó có nhiều ý kiến trái chiều, khen hết lời mà chê cũng kịch liệt.
Ngòi bút miêu tả của nhà văn đã đi sâu vào đời sống tâm hồn của con người mà giãi bày. Hiện thực cuộc sống qua ngòi bút của ông hiện lên với tất cả những mâu thuẫn, phức tạp, vừa có ánh sáng lại vừa có bóng tối. Viết về những xấu xa, bạc nhược ấy, nhà văn luôn bộc lộ một nỗi đau nhân tình âm thầm, lặng lẽ. Trở về chốn thị thành giữa lúc đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ, Ma Văn Kháng đã bắt gặp biết bao cảnh nhếch nhác, đốn mạt; tình trạng thiếu hụt nhân tình, ích kỉ, đạo đức giả, đố kị, ghen ghét nhau: Người đánh trống trường, Trăng soi sân nhỏ, Chọn chồng, Xóm giềng, Côi cút giữa cảnh đời...
Có thể nói, sau 1975, sáng tác của Ma Văn Kháng là một bức tranh chân thực, đậm nét về đời tư thế sự phức tạp, đa đoan trong xã hội Việt Nam thời kỳ Đổi mới. Với một nhãn quan tinh tế, một thái độ bao dung và một tấm lòng nhân ái, nhà văn luôn quan tâm đến cuộc sống con người, những mối quan hệ, những cách ứng xử của con người trong cuộc sống. Điểm nhìn trần thuật của nhà văn cũng có sự thay đổi khá lớn: nếu giai đoạn trước là điểm nhìn bên ngoài thì sang giai đoạn này, bên cạnh điểm nhìn bên ngoài còn có điểm nhìn bên trong. Có lúc người trần thuật lại ẩn mình để cho nhân vật tự bộc lộ nhưng có khi nhà văn lại thể hiện cái tôi của mình trong tác phẩm.
Thông qua hai giai đoạn trong quá trình sáng tác của Ma Văn Kháng, chúng ta thấy nhà văn có sự thay đổi trong cái nhìn đối với cuộc sống, trong cách lựa chọn đề tài và trong nghệ thuật thể hiện. Chính sự thay đổi này khiến những tác phẩm của ông vô cùng hấp dẫn với người đọc.
Tiểu kết chương 1
Trên cơ sở tìm hiểu nội hàm các khái niệm văn hóa và văn học, chúng tôi đã đi sâu tìm hiểu mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và văn học, để cuối cùng khẳng định hướng tiếp cận văn học từ góc nhìn văn hóa là một hướng đi đúng đắn, cần thiết.
Đặc biệt đặt trong bối cảnh giao lưu văn hóa toàn cầu như hiện nay thì việc giữ gìn bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc là một việc làm vô cùng quan trọng.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Ma Văn Kháng không ra khỏi quỹ đạo chung của dòng chảy văn học Việt Nam. Trước thời kỳ Đổi mới ông sáng tác trên nguồn cảm hứng sử thi, sau đổi mới ông sáng tác trên nguồn cảm hứng thế sự đời tư. Với vai trò đi tiên phong trong thời kỳ Đổi mới, sáng tác của Ma Văn Kháng mang những nét độc đáo, mới lạ, thể hiện tài năng sáng tác của nhà văn.
Chương 2
DẤU ẤN VĂN HÓA TRONG TIỂU THUYẾT MA VĂN KHÁNG THỜI KỲ ĐỔI MỚI